Site Loader

Rating: 4 out of 5.
  • Năm xuất bản: 1951 (viết 69 năm trước mà ý tưởng vẫn trường tồn…)
  • Số trang: 142 (vâng, bé như hạt tiêu nhưng đọc phải tra từ điển)
  • Tác giả: Nguyễn Duy Cần – Thu Giang (tìm hiểu thêm)
  • Link mua ở Tiki

Ừ, lại một cuốn nữa của cụ Cần đây bạn ạ. Hãy thứ lỗi cho fangirl trót u mê ngưỡng mộ cụ mà hạ quyết tâm đọc cho bằng hết sách của cụ trước khi não bộ nhỏ bé này bị Alzheimer tàn phá (không hiểu sao mình bị ám ảnh bệnh này hơn cả ung thư nữa). Nhưng chuyện đọc – viết cũng chẳng dễ dàng gì, trước cuốn này mình đã đọc Một nghệ thuật sống – một cuốn nhỏ mà có võ chứa đựng tinh hoa cả cuộc đời cụ Cần – rồi vừa thở dốc vừa từ bỏ ảo mộng review nó. Rồi đến cuốn này cũng không khá hơn, nhì nhằng trì hoãn mãi mới ngồi xuống viết dù đọc cả tháng trước rồi. Tại sao? Tại khó (và lười) chết đi đượcccccc!

Phận reader hèn mọn đến đọc hiểu còn không tự tin huống gì đèo bòng review tác phẩm của bậc trí giả kỳ cựu bậc nhất thế kỉ 20. Mong các bạn cân nhắc bài viết này dừng ở mức tóm tắt ý chính và lấy cảm hứng để đọc tác phẩm gốc thôi, chứ đừng coi trọng ý kiến cá nhân của mình. Vì mình đã thiên vị và không đủ khả năng đánh giá các cuốn sách của cụ Cần…*khóc rấm rức*

Nếu được, mình nài nỉ các bạn đọc tác phẩm gốc để tận hưởng tài năng và bản sắc cá nhân đậm đặc của cụ và của những tác gia khác. Rốt cuộc người ta nhìn ra thế giới cũng chỉ để tìm kiếm những cá tính độc đáo khác và hiểu hơn chính mình, không nên vì chút tiết kiệm tiện lợi mà bỏ qua quá trình chiêm nghiệm. Nhưng nếu lười quá thì đây, mình tóm tắt vài đường cho bạn nắm tác phẩm.


Thánh-nhân là những người trần nhưng sống một cuộc đời tài đức cao vời, cụ thể trong sách là Khổng Tử, Lão Tử, Lão Trang,… Đúng là cụ Cần nhận ảnh hưởng rất nhiều từ văn hoá triết học phương Đông, nhưng nếu bạn nào đã đọc qua tác phẩm của cụ thì mới biết cụ tinh thông tri thức cả Đông lẫn Tây, từ cổ chí kim thế nào.

Cái-dũng được định nghĩa không phải là sức mạnh về thể chất, mà là đỉnh cao của đạo đức và tinh thần.

Cái dũng của thánh nhân tức là chỗ cùng cực của Điềm Đạm – cái tư đức căn bản đưa con người lên tới bực CHÍ NHÂN.

Nghe đến đây chắc bạn lại hết bất ngờ rồi phải không, Điềm Đạm thì ai chả biết, ai chả nói đến, self-help Điềm Đạm thì nhan nhản đầy trên mạng chứ cần gì phải đọc sách. Cái bạn sắp đọc là một lý-tưởng, một lối-sống được đẩy lên thành Mộng đến cực đoan, không chỉ là một tính cách hay sự nhẫn nhịn không thôi đâu.

Cái dũng của thánh nhân
Taken from somewhere on the Internet…

Các phương pháp để đi đến tinh thần đại dũng (Điềm Đạm) ấy như sau:

I. Súc tích khí lực

Trái với điềm đạm là tính bất ổn hay lo sợ mà nguyên nhân là do thiếu sức khoẻ, cụ thể là sức khoẻ tinh thần do tu dưỡng khí lực mà thành, chứ không chỉ ở rèn luyện thân thể.

Trình của người thường như chúng ta để tu dưỡng khí lực thì thiên về giữ gìn khí lực không bị tản mác hơn là gia tăng bằng cách luyện khí công. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là bớt-bao-đồng đi ấy, náo động vô ích vì những chuyện không đâu như sân si hít drama (công nhận chuyện này giải trí cao nhưng cũng mất sức lắm), kể lể than vãn, yêu đương nhăng nhít… cũng khiến khí lực chúng ta tiêu hao thay vì tập trung vào chuyện quan trọng chính yếu.

Chính vì vậy chúng ta cần luyện cho ý thức quan sát và điều chỉnh từng hành vi nhỏ nhất từ ăn uống, ngủ nghỉ, cười nói…Đặc biệt là đối với cảm xúc của mình, điều vốn làm hao tổn khí lực hơn hết, tốt hơn là lặng lẽ làm thinh thay vì động một tí lại chia sẻ phê bình khắp nơi.

Chuyện này thì ai cũng biết nhưng nhắc lại cũng không thừa: Có người suốt đời nói mãi mà vẫn như chưa từng có “nói”, có kẻ suốt đời rất ít nói nhưng mà “nói” rất nhiều.

II. Thái độ và cử chỉ

Trình độ một người càng cao thì cử động vô ý thức của bản ngã càng giảm. Kẻ chất phác ngây thơ mà sự giáo dục phó mặc cho tự nhiên theo thiên tính là những kẻ hay buông lỏng tâm hồn cho xã hội muốn nhào nắn ra sao thì ra. Vậy nếu luyện được sự điềm tĩnh bên ngoài (hành vi và thái độ), dần dần sẽ có được điềm tĩnh bên trong => Cái này là thay đổi về lượng sẽ thay đổi về chất nè!

Có ai nhục mạ, hiểu nhầm, gặp sự bất ngờ cũng hãy điềm nhiên, đừng tỏ khó chịu gì cả. Như thế không phải là nhu nhược thụ động, mà là dũng mạnh nhất đời vì ta không để ai tác động được đến tâm can mình.

III. Các tố chất khác

  • Lễ độ: Tín đồ của Điềm Đạm, trước hết phải là người lễ độ nhu nhã hết sức (ôi mình yêu quý hết mực những con người thanh lịch tao nhã!). Danh dự thật ở nơi chân giá trị của mình, không phải ở cửa miệng của người khác.
  • Hoàn cảnh sống: cụ Cần rất thống nhất ở điểm này, cụ luôn đề cao lối sống đơn giản ẩn dật, tránh xa nhiễu nhương phiền phức bên ngoài để tạo một không khí thiêng liêng cho tâm hồn mình. Trong cuốn Tôi tự học cụ đã nói qua rồi, cuộc đời cụ là một thực nghiệm.
  • Điều tiết nhịp sống (thực ra cụ dùng Tiết-điệu-điều-hoà cơ :<): Không phải cứ bận rộn hối hả là hiệu quả, làm chủ sắp xếp thời gian để lúc nào cũng có thời gian cho chuyện cần thiết một cách điềm đạm.
  • Phòng sự bất ngờ: trong những trường hợp to tát ta thường giữ điềm tĩnh tốt hơn là trong chuyện vụn vặt hằng ngày. * giật mình*

IV. Tinh thần độc lập, trách nhiệm

Hầu hết chúng ta là nô lệ của dư luận, lấy sự khen chê của người đời là sự vui buồn khổ đau thống khoái của mình mà không tự có lấy thước đo giá trị sống. Muốn giải thoát tính nô lệ dư luận phải tạo cho mình một tinh thần độc lập. Nghĩa là để dư luận của xã hội ra sau, lắng nghe dư luận của lòng mình trước nhất. Mà để có được cái dư luận của mình, còn gì ngoài chuyện học tập và trải nghiệm đến thuần thục. Sẽ có bất bình đẳng, có người chỉ dừng ở mức lao động tay chân, có người bước lên được đỉnh Olympia. Nhưng chuyện bất bình đẳng đó cũng rất tự nhiên, “không ai kéo cẳng vịt cho dài, thúc giò hạc cho ngắn” (Trang Tử). Mình thường nghĩ, nếu người nông dân chiêm nghiệm trên cánh đồng, người phi công chiêm nghiệm trên bầu trời thì ai cũng sẽ đạt được sự thông thái và đạo đức của riêng họ để vững vàng trước xã hội, chứ không nhất thiết phải đọc hết sách này sách nọ.

Hiểu được người khác là trí huệ, hiểu được chính mình là Thánh nhân - Vạn  Điều Hay
Also taken from somewhere on the Internet

V. Các lưu ý khác

  • Sự ám thị: Biểu hiện của sự ám thị là Quảng cáo, thứ đứng sau điều khiển hầu hết hành vi xã hội của bạn. Muốn giữ điềm đạm độc lập thì phải tỉnh táo trước chiêu trò của quảng cáo hay các hình thức ám thị khác. Không ai quảng cáo thuốc lá với bệnh ung thư cả, nó luôn được gắn với hình ảnh lối sống phóng khoáng, nam tính ngầu lòi để lừa bạn.
  • Đừng nói sai: Còn cầu đến yêu thương của người là còn sợ người chê bai => sinh ra dối trá lươn lẹo. Thà không nói gì hết, mà hễ nói là đúng với sự thật.
  • Trí tưởng tượng: Nó là con dao hai lưỡi. Tưởng tượng đi kèm với tính nô lệ dư luận sẽ khiến ta đi xa khỏi sự thật, trở nên khiếp nhược hơn. Nhưng nếu dùng trí tưởng tượng để tạo nên đức tin nhằm thắng số mạng, ít nhất ta cũng tạo được cái dũng khí ở đời.
  • Cách phán đoán sự đời: “Người đánh ta, ta giận, là tại người hay tại ta làm cho ta giận?”. Sự phán đoán về sự vật sự việc của ta quyết định cuộc đời ta. Đoạn này bạn nên đọc tác phẩm gốc để biết ví dụ về abusive relationship giữa Socrate và vợ, và cách ông ấy phán đoán sự đời để trường sinh bất tử…

TÓM LẠI:

Muốn đi đến tinh thần đại dũng, dù rất khó nhưng vẫn có thể được, là phải 
có đức tính đầu tiên: Thành thật với chính mình. 
Thành thật thống nhất giữa ý tưởng và việc làm, trong ngoài như một.

Câu hỏi đặt ra cho cuốn sách này không phải là: Đúng hay sai. Có một nhà báo đã thử phản biện bằng một bài viết sơ sài thì bị cụ Cần debate lại bằng một lá thư dài như một cuốn sách… Bản thân mình cũng không thấy bất đồng hay tranh luận ngược chiều được, vì cụ viết rất chu đáo, lập luận trước sau chặt chẽ quá.

Câu hỏi khả dĩ ở đây là: Cái đạo Điềm đạm như cụ nói có khả thi không? Có nhất thiết không?

Người trẻ bây giờ, sống ở một thời đại cực kì khác với cụ, thời đại mà sự tập trung và điềm tĩnh trở nên hiếm hoi và đôi khi còn là nhược điểm, có thể bị đào thải khỏi guồng quay xã hội. Mình mạn phép trả lời rằng: khả thi nhưng không nhất thiết, chính xác là không nhất thiết với mọi người. Khả thi, vì rốt cuộc có thứ gì không khả thi đâu, bạn không thể có được tất cả mọi thứ nhưng sẽ trở thành bất kì thứ gì bạn cầu thị mà. Không nhất thiết với mọi người, dù bản thân mình hướng đến lối sống ẩn dật trí thức như cụ nhưng nếu cuộc sống chỉ toàn những bậc thánh nhân điềm đạm cao vời thì mình sẽ phát điên vì không có gì để u mặc nữa. (Well, u mặc là gì thì xin chào đón bài về cuốn Cái cười của thành nhân nha.)

Nhưng mình vẫn thực sự rất thích cuốn sách này, vì mình hiểu cái mục đích chính của cụ không phải để dạy bảo hay đào tạo người điềm đạm, mà là:

“Cái cao vọng của tôi chỉ gây được nơi lòng các bạn sự
ngưỡng mộ những cái gì hay đẹp thôi. 
Được bao nhiêu đó cũng đủ lắm rồi.”

Nhiều khi mình nghĩ, cụ Cần nếu điên rồ hơn vài lần thì sẽ thành Nietzsche của Việt Nam quá. Cái sự cực đoan và lý tưởng của cụ đẹp đẽ và thành kính lắm, rất hợp ý mình. Đời người mà không theo đuổi những mộng tưởng cao đẹp thì mất đi cái vô nghĩa phù phiếm của cuộc sống, chả còn gì vui nữa.

2 Replies to “Cái dũng của thánh nhân – Nguyễn Duy Cần”

  1. Fangirl của cụ không biết đã đọc Dịch kinh Tường giải chưa nhỉ, 64 hoàn cảnh của cuộc đời?

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.