Site Loader

Em muốn trở thành một nhà văn. Nhưng cả năm nay em chẳng viết gì.

Thứ manh nha ban đầu chỉ là thích viết, tìm một công cụ để gỡ rối tâm tư, một trường sinh linh giá cho tâm hồn, một nơi trú ngụ không liên quan đến ngoại hình hay tính cách.

Dần dần ý nghĩ trở nên táo bạo hơn. Ham muốn địa vị đòi em phải xuất bản sách, phải lên mặt báo, phải có người hâm mộ, được ca tụng là nhà văn đương đại của Việt Nam. Em đi rêu rao lý tưởng với bạn bè xung quanh. Người ta cảm thấy cô gái này thật thú vị, dĩ nhiên họ khuyến khích và tin rằng một ngày em sẽ đạt được điều em muốn – như phản ứng của bao người khi nghe một kẻ có “ước mơ”. Nhưng trước khi thực sự chạm tay vào thực lực, não em đã kịp ngộ nhận hư danh. Em vẫn rêu rao mình muốn viết, nhưng chẳng viết gì. Cả một năm rồi.

Căn nhà em chụp được ở một con phố ngoại thành London. Chính xác là một căn nhà của người viết trong trí tưởng tượng của em.

Thỉnh thoảng em cũng tự giật mình trên chút nhận thức còn lại mà ngồi xuống viết vài dòng, gọi là bắt đầu cuốn tiểu thuyết đầu tay. Những thứ viết ra, dưới con mắt của một người đọc, là rác. Thứ văn mạng không được trau chuốt, không phóng khoáng hay tinh tế, chẳng có ý tưởng cốt truyện xuất sắc, hành văn cũ kỹ thiếu sự đột phá. Chỉ trích chính mình đủ nhiều để tự bỏ dỡ các bản thảo.  

Mỗi ngày có đầy rẫy sách được xuất bản, chắc do ghen tị và phán xét, nên khi vô tình đọc cuốn sách hiện đại mới nào em lại nghĩ: Dở thế này mà cũng có gan xuất bản cơ à? Nhưng vì có chút tự ý thức, nên em lại sửa suy nghĩ: Ít nhất là người ta cũng dũng cảm xuất bản, hơn là chẳng viết gì mà phán xét.

Khung cửa sổ nơi em viết, nhìn ra bãi cỏ xanh và dòng kênh sau nhà, mỗi ngày đều thấy đôi tình nhân âu yếm bên bờ kênh và người ta dắt cún đi dạo.

Năm ngoái khi còn là du học sinh, lịch trình học – làm – chơi dày đặc, em tạm gác tâm hồn văn vở sang một bên để thích nghi cho kịp với nhịp sống tha hương. Em ca thán với bạn trai rằng, ước gì có một ngày không áp lực thi cử công việc để em có thể ngồi xuống viết cho thoả. Người bạn ấy vô cùng tử tế, thường xuyên hỗ trợ em với lời nhắn: “học bổng cho nhà văn tương lai” – “khoản đầu tư chờ ngày em trở thành tác giả bán chạy nhất New York times rồi sẽ lấy lãi”. Thế mà em chẳng viết về người ta lấy một câu, đến lúc có điều kiện rồi em cũng chưa trả lại người được gì.

Thời gian đi học ấy em làm thêm ở một quán cà phê. Một phần là để trang trải sinh hoạt phí, phần khác là để có thêm trải nghiệm sống để viết. Hoá ra là có thêm thật. Trong số những người khách quen em làm bạn được, có một bác đã luống tuổi. Bác hay vào quán vào lúc 5 giờ chiều, gọi một ấm trà xanh và một gói snack. Người Anh mà, bác lịch sự lắm, lại nói chuyện từ tốn nhẹ nhàng. Với khách khác, em chỉ xã giao chuyện phiếm thời tiết thời sự kinh tế lan man, chứ với bác em hay nói toẹt ra những gì em nghĩ. Có khi thế nên em với bác cởi mở nhiều chuyện sâu sắc, nhất là chuyện sáng tạo. Hoá ra bác vừa là diễn viên kịch, vừa viết tiểu thuyết và kịch, nhưng là rẽ ngang từ vài năm nay thôi. Bác bảo mỗi ngày dù có bận mấy bác cũng ngồi viết ít nhất 2 tiếng, như là một điều dành cho bản thân sau cả ngày lao động. Em xấu hổ lắm. 

Có lần em hỏi bác: tại sao bác bắt đầu trễ nhưng sung sức như thế? 

Bác trả lời: Hmmm có lẽ là cái chết. Càng gần cái chết bác càng cảm thấy nôn nao, cảm thấy phải làm bằng được những gì mình hứa hẹn thời trẻ..

Em biết cái chết là động lực của sự sống, nhưng vì còn trẻ nên em không sợ chết như sợ thất bại. Bác gật gù, chắc chắn bác hiểu. Nhưng từ hôm đó mỗi lần gặp nhau bác lại hỏi con đã viết gì chưa. Lâu lắm rồi không ghé lại quán, không biết bác còn nhớ con bé hay cười chuyên than vãn hay không.

Ngoại hình là con dao hai lưỡi. Nó mang đến sự yêu mến và lấy đi sự tập trung.

Cứ nghĩ qua cơn bĩ cực học hành rồi đến lúc đi làm ổn định sẽ có thể yên tâm viết. Nhưng không, công việc 8 – 4, ra khỏi nhà từ 7 giờ sáng về đến phòng gym 5 giờ chiều và đến nhà 6:30 tối. Trong 4 tiếng rưỡi còn lại em sẽ ăn tối, chuẩn bị bữa trưa cho ngày mai, chăm sóc cá nhân, còn chút thời gian sẽ đọc sách hoặc luyện nói trước khi đi ngủ. Mà cứ cho là em có thời gian đi, đầu óc vẫn loay hoay với những chuyện: làm thế nào để thích nghi với đồng nghiệp bản xứ, làm sao để quản lý đội nhóm của mình, làm sao để có thể thăng tiến, làm thế nào để điều chỉnh tính cách của mình. Vả lại em còn trẻ, cuối tuần em cũng đi hẹn hò và kết nối với bạn bè. Một tháng một lần em đi làm tình nguyện viên ở bảo tàng trong phố. Em không phải là siêu nhân nhưng lại muốn cân bằng tất cả. 

Mọi người nghĩ em đang có cuộc sống sung sướng, lãnh đạo lẫn bạn bè thầy cô đều khen ngợi em thông minh tháo vát. Chỉ có em biết mình trì trệ. Em đi ngủ mỗi ngày với niềm tự hào khiếm khuyết. Làm được tất cả trừ việc quan trọng nhất với em. Nếu đọc được nhật ký của em anh mới thấy gớm ghiếc đến mức nào. ⅔ các đoạn viết mỗi hằng ngày là bày tỏ lòng biết ơn. Em thao túng chính mình để bảo vệ năng lượng tích cực, nhưng em biết mình thất vọng với bản thân. Một kẻ có nhiều đặc ân và may mắn chẳng có nhu cầu nào mãnh liệt hơn sự hưởng thụ. Chỉ một năm rưỡi làm “cô gái may mắn”, thứ em có là sự chú ý của người khác, nhưng tâm hồn em bạc màu.

Từ khi khám phá ra thú vui từ ngoại hình, em thấy thế giới bên trong mình xỉn màu.

Đến lúc em phải chấp nhận rằng em không đạt được điều em muốn là vì hèn nhát, lười biếng và thiếu thực lực, chứ không phải vì hoàn cảnh. Thuở bé có bao nhiêu cơ hội gửi bài viết cho báo Trà sữa tâm hồn nhưng em có gửi đâu, lớn lên có bao nhiêu cuộc thi viết mà em có tham gia đâu, bây giờ em có quyền lựa chọn cuộc sống và hướng đi của mình mà em vẫn chày cối lưỡng lự đấy thôi. Nếu Murakumi không viết sách sau mỗi đêm đóng quán bar thì làm gì có nhà văn mainstreamed loanh quanh với tình dục, ám ảnh tâm lý, chạy bộ và nhạc cổ điển cho chúng ta đọc. Nếu Anthony Trollop không viết 2.5 tiếng mỗi ngày trước khi đi làm thanh tra bưu điện thì làm gì có 47 cuốn sách trong 35 năm. Nếu Alice Munro không viết giữa những tủn mủn hằng ngày của một bà nội trợ thì em làm gì có được nhà văn nữ yêu thích nhất cho mình. Đến cả bác ngoài 60 chẳng danh tiếng vẫn cần mẫn làm việc cho đam mê của mình trước khi quá muộn.

Em nên thôi nói chuyện viễn vông đi, mà thực sự làm chuyện viễn vông ấy. Nếu không ở gần con chữ mỗi ngày, e rằng một thời gian sau em chẳng còn nhớ chính mình là ai, các nhân vật và câu chuyện sẽ biến mất không để lại dấu tích, những con người và trải nghiệm đi qua đời em cũng thành vô ích. Mà không kể chuyện, em thấy mình chẳng là ai.

2 Replies to “Em thấy mình chẳng là ai”

  1. Đọc bài viết này mình cảm thấy, hầu hết mọi người, tại thời điểm nào đấy, dù bản thân đã làm được bao nhiêu thứ thì vẫn thấy những thứ mình chưa làm được. Bản thân mình thấy thật xấu hổ sau khi hơn 10 năm học tiếng anh vẫn chưa viết được một câu trọn vẹn theo suy nghĩ. Tuy nhiên thấy ai cũng đều thiếu sót và mong muốn gì đó chưa làm được cũng vui 😀

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.