FictionFiction, classic novel, French Literature
Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn
06/2021
104
- Goodreads rating: 3.59/5
- Link mua
Mình không hề biết gì về cuốn Buồng tắm cũng như tên tuổi tác giả khi mua. Chỉ vì cô Hồ Thanh Vân dịch nó, và nó ngắn, nên mình chọn… Mình tin vào gu đọc của cô Vân hơn cả chính mình. Cứ cuốn nào cô dịch, đó chắc chắn là một cuốn kì cục, lợm cợm khó nuốt, và các nhân vật sống ở một hệ mặt trời khác với loài người.
Và y như rằng, cuốn Buồng tắm này không làm mình thất vọng, và điều đó đáng quý biết bao nhiêu giữa những cuốn sách và con người luôn làm mình thất vọng. Buồng tắm chính là người anh em song sinh ít hà khắc hơn Quấn quít của Romain Gary (bút danh Émile Ajar), nghĩa là dễ hiểu dễ chịu hơn một chút. Nhưng nếu bạn bắt gặp cuốn này với lời mời mọc về nỗi cô đơn lạc lõng, thì đừng bị lừa, nó không mơ màng mông lung như kiểu Rừng Nauy đâu.
Vì vậy, cuốn sách này không dành cho những bạn không có lấy vài tiếng thảnh thơi để nhâm nhi 100 trang sách không có cốt truyện rõ ràng rành mạch. Nếu bạn không chịu được kiểu văn chương Pháp không ngắn củn cỡn thì cũng dài dòng lan man, thì đừng đọc cuốn này, mất công đánh giá sao thấp. Nhưng nếu bạn đọc được, mình tin rằng cuốn sách này sẽ là một món sorbet lạ miệng khiến bạn thích thú giữa hàng loạt các tiểu thuyết nặng trịch đầy drama.
Trở lại với cuốn sách Buồng tắm, như tiêu đề, bồn tắm là trung tâm của tiểu thuyết. Tưởng tượng diễn biến chuyện là một hình tam giác vuông với bồn tắm chính là góc vuông. Anh nhân vật chính, một nghiên cứu sinh, tạo ra cạnh góc vuông khi ra khỏi bồn tắm để va chạm với những người trong căn hộ nhỏ của anh. Một sự kiện vớ vẩn tạo ra cạnh huyền, một sự nhầm lẫn gì đó từ phía Đại Sứ Quán Áo mà anh phải rời căn hộ ở Paris để đi đến đất nước khác (mình còn thậm chí không biết nước nào, Ý à? Anh ta chẳng nói cho độc giả biết) và có một cuộc phiêu lưu nho nhỏ ở đó. Anh chẳng định về lại nhà đâu, nhưng rồi anh thấy chán, đột ngột quay về Paris như cách anh rời đi vậy, tạo ra một cạnh góc vuông còn lại. Và khi anh an tâm nghĩ rằng bồn tắm là nơi tuyệt vời nhất thế gian rồi, thư của Đại Sứ Quán Áo lại đến, anh lại ngập ngừng…không biết có nên liều với tuổi 27 sắp sang 29 của mình, “liều xâm phạm sự tĩnh tại trong cuộc đời trừu tượng của mình” để mà… Hôm sau, anh lại ra khỏi buồng tắm.
Mình không nghĩ rằng cuốn sách này viết về nỗi cô đơn, mà đúng hơn là sự ẩn nấp của một tâm hồn chán ngấy đời sống bên ngoài. Anh nhân vật chính còn thậm chí có cuộc sống khá đủ đầy nếu đặt điểm nhìn từ ngoài vào. Anh có một cô bạn gái, rất dễ chịu và bao dung với anh; cô ngao ngán với cách hành xử kì quặc lúc chui rúc trong buồng tắm lúc hứng chí bỏ đi Ý chơi một mình của anh, nhưng lại vẫn chấp nhận con người anh đang là. Anh có một công việc nghiên cứu mà thấy anh chả mấy khi làm việc. Anh ra ngoài và được lòng mến mộ của nhiều người, một vị bác sĩ ất ơ anh gặp trong lúc đi khám bệnh ở Ý đã mời anh về nhà ăn tối và mong anh trở thành một phần của cuộc sống của ông ta. Thế nhưng, bên trong anh có thứ gì đó, không phải là cô đơn vì bị bỏ rơi hay lạc lõng, mà là lơ đãng xa cách. Cách tác giả viết những đoạn đứt quãng, đánh số thứ tự trước mỗi đoạn như thể anh ta chẳng có mối liên kết chặt chẽ với cái gì, kể cả chính anh ta. Có lúc anh triết lý thực sự sâu sắc, nhưng ngay giây sau anh đã lơ đãng quay sang kể chuyện bông lơn khác. Anh tự đưa mình ra khỏi những vấn đề của cuộc sống để được tĩnh tại, rồi cũng chính anh phân vân không biết có nên phá vỡ khoảng cách đó hay không.
Trong tất cả chi tiết rời rạc anh kể lại trong truyện, có hai chi tiết đắt giá vẫn mắc kẹt trong đầu mình sau vài tháng đọc xong. Anh kể về ông hoạ sĩ Ba Lan, túng quẫn đến mức phải làm công quét sơn bếp cho nhà anh. Tác giả viết về cử chỉ lúng túng, dò dẫm, ướm chừng của ông hoạ sĩ khiến mình thấy xót xa như thể trước mắt mình là cảnh một người đàn ông vụng về tay xách giỏ bạch tuộc còn sống chảy nhớt xuống sàn đứng trước cửa, vì ông muốn lấy lòng chủ nhà đã cho ông cơ hội làm thuê kiếm chút tiền mọn. Qua lời kể của nhân vật chính, dường như cảnh ấy là một cảnh bình thường, một cảnh mà người ta hoàn toàn có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu, nên không đáng để thương xót hay động lòng mà ưu đãi gì cho ông hoạ sĩ cả. Cảnh thứ hai, phải gọi là kinh điển. Nàng Edmondson, người yêu của anh, đến thăm nhân vật chính (không có tên) khi đang ở Ý, vui vẻ được vài hôm thì nàng muốn cả hai về Paris. Nhưng anh thì tránh né, anh không đôi co gì mà chỉ cắm mặt chơi phóng phi tiêu trong phòng cả ngày. Nàng càng tấn công, anh càng bí rị. Nàng bảo anh thôi, anh vẫn chơi tiếp. Nàng sững người, lại bảo thôi lần nữa. Lần này anh lấy hết sức phòng phi tiêu vào nàng, ngay trán. Anh chạy lại đỡ nàng và an ủi: KHÔNG HỀ GÌ ĐÂU, MỘT VẾT TRẦY thôi. Còn nàng thì bất tỉnh vì mất máu. Một chi tiết điên rồ nhưng vô cùng hợp lý, mình thực thoả mãn khi đọc được đoạn này.
Dù giọng kể nhân vật nghe ra kiểu Bắt trẻ đồng xanh, nghĩa là cũng bất cần, lơ đãng, không quan tâm, nhưng tác giả đã len lỏi vào giọng kể ấy những câu nói có tính triết học khiến người đọc khựng lại suy nghĩ:
“Bất động không có nghĩa vắng chuyến động, mà là vắng toàn bộ viễn cảnh chuyển động, bằng với cái chết. Hội hoạ, nhìn chung, không bao giờ bất động. Mỗi bức tranh, uy lực bất động, là một tiềm lực chuyển động.”
Anh ấy đang nhận xét tranh của Piet Mondrian, một hoạ sĩ anh cho rằng tiệm cận với sự bất động. Anh thích tranh của ông, vì nó trấn an được anh. Dường như trong anh là một sự kháng cự với chuyển động của thế giới bên ngoài. Sự vận động không ngừng ấy khiến anh lo âu, giống nỗi lo âu của chúng ta khi đứng trước sự phát triển của thời cuộc. Anh muốn sự tĩnh tại, một không gian kín, một nơi như bồn tắm để được an lòng.
“Đau đớn là bảo chứng cuối cho sự tồn tại của tôi, bảo chứng duy nhất.”
Khi anh nói câu này, dù chỉ để nói về cơn đau nhức, mình nghĩ anh cảm thấy sự tồn tại của bản thân quá mờ nhạt đối với thế giới. Có cái gì đã đứt gãy trong mối liên kết với xung quanh của anh. Một công việc không đủ quan trọng? Những mối quan hệ hời hợt? Không rõ, tác giả chẳng nói gì, chỉ là mình phải tự suy đoán lấy.
Luôn có một cảm giác xuyên suốt 100 trang sách, rằng mình thấy anh nhân vật này quen lắm, dường như mình đã gặp ở đâu đó rồi, hình như mình biết ai đó cũng mang nhân dáng và hành vi của anh. Mãi sau này khi ngẫm nghĩ lại, à, ra là một con người lo âu điển hình, phản ứng bằng việc che mắt che tai trốn vào vùng an toàn, được thế giới hiện đại nhào nặn mà thành.