Site Loader

Mọi người hay dùng từ “nguyên tắc sống”, nhưng mình cho rằng nguyên tắc là những gạch đầu dòng chi tiết của một thứ phổ quát hơn: Triết lý sống – một loại tư tưởng bao trùm toàn bộ các nguyên tắc trong mọi khía cạnh cuộc sống và lèo lái con đường sống của chúng ta. Không phải vô cớ mà Triết học được gọi là khoa học của khoa học, hay nữ hoàng của các khoa học. Từ nghệ thuật, khoa học, lịch sử, giáo dục,… đều cần có triết lý cội nguồn làm kim chỉ nam. Một tôn giáo có triết lý, hay còn gọi là hệ thống luân lý chặt chẽ sẽ trường tồn với thời gian. Một người sống có triết lý sẽ không bị xã hội xô đẩy đi đâu thì đi, nhào nặn ra sao thì ra.

To be in the world, but not of it

Jesus Christ, Bible verse

Triết lý sống để có chủ đích (intentionality)

Bây giờ nhìn lại mấy năm trước thấy bản thân sống thật bừa bãi. Gọi là bừa bãi không phải vì phóng túng hay trác táng, mà là hành động chẳng có chủ đích gì, chỉ toàn là bản năng. Dĩ nhiên cũng không trách được tuổi trẻ, đã biết gì đâu mà đòi có triết lý sống. Cứ tưởng rằng bản thân sống có mục tiêu, có lý tưởng nên cứ cắm đầu mà sống, nhưng không biết rằng sống vì mục tiêu không hề giống với sống với chủ đích. Sống với mục tiêu giống như con thỏ chạy về củ cà rốt trước mặt, sống với chủ đích là con rùa cứ chầm chậm tiến về phía trước mà không hề sao nhãng vào thứ gì bên ngoài cái chủ đích của nó.

Một chủ đích giúp cho các hành động luôn được thực hiện với sự tính toán và cân nhắc kỹ càng. Không có sự lãng phí năng lượng hay tài nguyên của bản thân vào những động tác thừa không bổ trợ gì cho chủ đích của mình. “Know Thyself” (biết chính mình) cũng là một kiểu diễn giải của sống có chủ đích. Từng câu chữ đều có dụng ý, từng lời nói đều đảm nhiệm một vai trò nhất định, từng lựa chọn đều là để phục vụ cho giá trị cốt lõi mà chủ đích hướng đến.

Chủ đích đến từ triết lý sống phổ quát. Chẳng hạn, nếu triết lý sống là sự đơn giản để chỉ còn những điều thiết yếu, thì chủ đích của tất cả các hành động là để có được sự đơn giản. Từ ăn mặc, nội thất, tâm trí, apps điện thoại, công việc, mối quan hệ đến lời nói. Không thể nhầm lẫn giữa tỏ-ra-đơn-giản và sự đơn giản được, cũng không phải tỏ ra nghèo đói thì mới gọi là đơn giản. Một người bên ngoài ăn mặc đơn giản nhưng mở điện thoại ra tràn ngập apps điện thoại thì cũng không đáng tin rằng người này sống có chủ đích hướng đến sự đơn giản. Thời gian sử dụng tất cả các apps đó cũng đã tiêu tốn hết thời gian dành cho những điều thiết yếu rồi.

Ngược lại nếu triết lý sống của một người là trải nghiệm tất cả điều mới lạ, thì việc người ta dùng nhiều apps và đi đây đi đó khám phá cái mới hay yêu nhiều người cũng là điều có thể hiểu được. Mỗi người đều có thời gian mỗi ngày bằng nhau, ai sống có chủ đích hơn thì người đó cảm nhận thời gian sống rõ ràng hơn.

Triết lý sống để có ranh giới

Ai cũng biết cái gì cũng có lợi và hại, cái hại không nằm ở lỗi của sự vật sự việc, cái lợi cũng không hẳn là cái đáng khen của sự vật sự việc, nó vốn chỉ là chuyện ban đêm và ban ngày cùng tồn tại thôi. Nhưng người không có triết lý sống thường chỉ nhìn thấy hoặc lợi hoặc hại, dẫn đến thái độ hoặc mê đắm thái quá, hoặc bài trừ thái quá. Không có một ranh giới nào đến từ sự chủ đích cả.

“Kẻ chỉ thấy có cái lợi mà không để ý đến cái hại của cái lợi ấy, cũng như kẻ chỉ thấy có cái hại mà không để ý đến cái lợi của cái hại ấy là người chưa thông đạt sự lý.”

Nguyễn Duy Cần, Một nghệ thuật sống

Thấy một thứ có lợi nhỏ đã nghĩ rằng nó sẽ có ích nên cứ vô tư sử dụng, trong khi cái hại nằm ẩn nấp bên dưới lại không cân nhắc. Nếu triết lý sống của bạn là xây dựng một gia đình hạnh phúc, vậy khi đứng trước những mối quan hệ vui vẻ bên ngoài có nên thân thiết không? Vui vẻ thì có lợi đấy, nhưng thời giờ cho các mối quan hệ ấy có lấy từ thời giờ cho gia đình không? Trong số các mối quan hệ ấy có khi nào sẽ dẫn đến những cám dỗ không cần thiết không? Nếu vẫn muốn có giao hảo cho thêm gia vị cuộc sống, vậy phải giao thiệp đến mức độ nào? Mỗi tuần một lần hay mỗi ngày một buổi nhậu? Ranh giới đến từ sự cân nhắc lợi hại các bên, để làm sao tốt nhất cho sở nguyện của mỗi người.

Nếu triết lý trong công việc của bạn là một công việc ổn định, nghĩa là bạn sẽ được thư thái đầu óc và ít áp lực công việc; có thể dành thời gian và năng lượng cho gia đình, bạn bè, thú vui cá nhân (hoặc chỉ nằm lướt web), nhưng đồng thời phải chấp nhận công việc đó có thể sẽ lặp đi lặp lại và lương cũng sẽ không cao được để tránh than phiền hay đòi hỏi vô ích. Nếu triết lý công việc của bạn là được thoả sức sáng tạo và thử thách bản thân, nghĩa là bạn phải chấp nhận công việc của bạn sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng để hoàn thành và học hỏi, và bạn cũng có thể sẽ không có nhiều thời gian dành cho nhiều thứ khác.

Người nào thấy gì có lợi đã vội sa đà thật khiến mình quan ngại. Nghĩ xa xôi một chút, có khi con người ấy sẽ tiềm ẩn những tật xấu hoặc thậm chí tật tốt một cách không kiểm soát, nhưng nếu được góp ý sẽ lại phản biện bằng cách chỉ kể về cái lợi của tật ấy. Hôm xưa mình có đọc được một bài về một anh chồng hay đi từ thiện, anh hăng hái tới mức lấy cả khoản tiết kiệm 30 triệu phòng thân mùa dịch của gia đình để đi từ thiện, trong khi hai vợ chồng đang thất nghiệp và con nhỏ mới sinh. Chẳng ai dám nói anh là người xấu, vì góp ý với anh thì anh bảo để phước đức cho con, trả lại những gì đã nhận của xã hội và khuyến khích những người làm từ thiện như anh đừng nản lòng. Nếu anh lấy một nửa số ấy đi và biết an ủi vợ đã là chuyện khác. Có lẽ triết lý sống của anh là trở thành người cứu thế giới, nên gia đình không nằm trong các ưu tiên của anh. Dù gia đình sắp tan nát tới nơi thì anh vẫn cho rằng mình làm đúng. Kẻ quá muốn lên Thiên Đàng thì thường ra sự xuống Địa Ngục. Kẻ quá ham mê làm việc tốt có khác gì mê đắm tật xấu.

Có khi ta chẳng cần một người tốt hay người xấu, xấu tốt chỉ là tư duy nhị nguyên, ta chỉ cần một người chừng mực có triết lý sống rõ ràng để biết mà sống cùng. Cái ranh giới mực thước của một người có triết lý sống giúp họ an lòng với những gì họ có và không bị nhấp nhỏm vì những thứ họ bỏ lỡ.

Triết lý sống để thống nhất

Từ triết lý sống phổ quát sẽ là nền tảng cho những triết lý cho những khía cạnh nhỏ của cuộc sống. Thống nhất không có nghĩa là phải giống nhau, nhưng phải tương hỗ cho nhau để đời sống vận hành trơn tru hoà thuận. Nếu các triết lý của các khía cạnh bị mâu thuẫn, chắc chắn sẽ tạo ra những khó xử đau đớn.

Chẳng hạn như ví dụ ở trên, một người đơn giản không có chuyện dùng vô số các ứng dụng được. Hiệu suất nằm ở tư duy làm việc, không nằm ở công cụ. Có khi phải bớt làm đi thì mới gọi là làm việc hiệu quả. Thời gian để học cách dùng app, nhập liệu vào app, sắp xếp trang trí app đã tốn bằng thời gian thực sự làm việc rồi (Người bạn tin tưởng giới thiệu ích lợi của một thứ, không có nghĩa người ta thực sự dùng nó, cũng không có nghĩa nó phù hợp với bạn.) Người ta tốn một ngày để chuẩn bị cho công việc thay vì thực sự làm việc, thì nói gì đến chuyện sống đơn giản với những giá trị đơn giản.

Một người có triết lý sống phổ quát là được làm một cá thể tự do tự tại, thì không thể vừa có triết lý công việc là trở thành nhân viên mẫn cán nhất, lại vừa có triết lý về tiền bạc là kiếm nhiều tiền để được sống tiện nghi được. Nếu để riêng lẻ các triết lý thì chẳng sao, không có gì mâu thuẫn cả, nhưng một người làm việc để sống tiện nghi nhưng mơ ước đến đời sống tự do là chuyện không tự nhiên. Vì vốn dĩ tự do tinh thần đòi hỏi không chạy theo sau vật chất hay phải cầu cạnh một thứ khác như một tổ chức tư bản. Nhưng nếu đổi ngược lại cách trình bày triết lý thì lại khác. Triết lý sống phổ quát: Hướng đến một cuộc sống tự do tự tại => Triết lý công việc: trở thành người đủ giỏi để ở đâu cũng sống được, và đủ giỏi để có thể có nhiều thời gian tự do hơn là làm nô lệ cho công việc => Triết lý tiền bạc: Vừa giảm các nhu cầu tiêu dùng xuống, vừa học cách đầu tư để sớm đạt tự do tài chính. Hoặc, version hippie hơn: Hướng đến một cuộc sống tự do tự tại => Triết lý công việc: Làm ít nhất có thể => Triết lý tiền bạc: Tiêu ít nhất có thể. Đây là một triết lý kinh tế mới của Thoreau trong cuốn Walden: Thời gian kiếm ra tiền mua xe để đi từ A đến B luôn nhiều hơn thời gian đi bộ từ A đến B, trong khi đi bộ còn có thể suy nghĩ và ngắm cảnh. Chỉ cần giảm nhu cầu tiện nghi xuống là đã có thể làm ít đi và có nhiều thời gian tự do ngắm mây trời hơn rồi. Mình áp dụng triết lý này mỗi lần lười làm việc: Nếu muốn nghỉ ngơi thêm vài tiếng, mình sẽ không mua thêm đồ linh tinh gì trong một tháng; đồng thời muốn mua gì mình sẽ tính thời gian làm việc để mua món đó, nếu tốn quá nhiều thời gian mình sẽ không mua.

Một khía cạnh chiếm phần lớn thì các khía cạnh khác phải chịu phần thiệt, vì tài nguyên lúc nào cũng hữu hạn. Nếu giá trị cốt lõi của bạn là con cái và gia đình, cụ thể là những khoảnh khắc trưởng thành của con, thì cần bỏ điện thoại xuống, đừng lướt Facebook nữa mà hãy nhìn con hoặc giảm bớt việc bên ngoài để chăm sóc con. Một người xuất hiện trên mạng xã hội dày đặc để phục vụ cho công việc thu hút sự chú ý của họ, nghĩa là có một khía cạnh nào đó trong cuộc sống của họ sẽ bị xao nhãng, hoặc tệ hơn là trục trặc. Bạn có thể trở thành bất kỳ điều gì, nhưng không thể là tất cả mà.

Kết luận

Mình viết bài này không nhân danh người đã có triết lý sống vững vàng, mà là một sự ghi chép cho điều mình nhận ra gần đây khi liên hệ tất cả những sách mình đọc và cách mình sống trước giờ. Mình nhận ra cái liên kết mật thiết ấy nằm ở triết lý sống của mình, thứ mà ban đầu mình chẳng hề tạo ra nhưng lại hình thành bồi đắp qua năm tháng. Mình cũng đang tiếp tục củng cố triết lý ấy thôi, nên có thể bài viết sẽ không bao quát được hết các luận điểm hoặc dẫn chứng ngoại lệ.

Nếu bạn hỏi mình triết lý sống hay vậy, nhưng làm sao để có triết lý sống của bản thân? Thì mình thật sự không trả lời chính xác được. Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, mình cứ lang thang đọc, làm, sống, và luôn chiêm nghiệm lại chuyện đã xảy ra để tìm ra một liên kết chính xuyên suốt quãng sống. Cũng có người sẽ xác định những giá trị cốt lõi của đời sống họ rồi sau đó mới lập nên triết lý sống. Cũng có người học hỏi từ một sai lầm hoặc mất mát to lớn nào đó, khiến họ nhận ra cần phải sống có giới hạn để bảo vệ cho thứ họ quý trọng.

Nhưng thế nào cũng cần một lượng tri thức đủ để phân biệt các khái niệm, nhầm lẫn các khái niệm cũng dẫn đến nhầm lẫn lối sống. Chẳng hạn, tình yêu và hẹn hò là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Giá trị cốt lõi là tình yêu, là ưu tiên những việc thể hiện và đón nhận tình yêu, nhưng không đồng nghĩa với việc đi hẹn hò người này người kia để tìm tình yêu.

Nếu không có triết lý sống, vì nghe thực quá phức tạp, thì có sống được không? Nếu bạn định nghĩa ăn ngủ thở đi làm đi chơi nhưng bị điều khiển bởi xã hội và người xung quanh là sống, thì câu trả lời là được. Nếu bạn muốn tự chọn lấy từng hành động, từng đồ vật, từng con người để có được một sự vận hành trơn tru, thì triết lý sống là cần thiết. Có người thực sự sống, có người chỉ đơn giản là mộng du.

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.