Mình thường nghĩ về “khoảng cách.” Nghĩ ở mức độ nào gọi là thường xuyên? Có lẽ là mỗi ngày, khi đứng nhìn ra ban công, khi đứng trước một tác phẩm, khi đứng trước một cuốn sách, trước bạn bè, trước người thân, trước người mình yêu thương, trước Chúa, và trước bản thân mình. Dường như luôn có khoảng cách nhất định với tất cả mọi thứ mình đối diện. Mình dùng từ khoảng cách, chứ không phải từ “xa cách.” Xa hay gần chỉ mang tính chủ quan và có đánh giá cá nhân lên đó. Mình không thấy xa cách, cũng không thấy thực sự gần gũi, chỉ là biết rằng luôn có một khoảng cách, và điều đó không tốt cũng chẳng xấu.
Rất nhiều lúc mình phải cưỡng lại ham muốn sờ vào tác phẩm trong bảo tàng hoặc triển lãm, điều bạn biết là cấm kị rồi đấy. Đó là cái ham muốn được cảm nhận bề mặt thô ráp của bức tranh, tưởng tượng ra đường cọ đã quẹt lên đó và áp lực mà bàn tay nghệ sĩ đã tạo ra để có được hiệu ứng trên canvas. Nếu là một bức tượng đồng, mình phải cưỡng lại nhu cầu được sờ soạng bề mặt mát lạnh và trơn bóng để cảm nhận bao nhiêu sức lực đã mài dũa một cục đồng thô kệch trở nên mịn màng như thế. Nhưng luôn có một ý nghĩ khiến mình an lòng bước lùi lại, yên ắng ngắm nhìn tác phẩm từ xa, chỉ để đôi mắt và trí tưởng tượng làm việc của nó. Đó là ý nghĩ về những kẻ quấy rối tình dục. Cái ham muốn sờ vào tác phẩm của mình, ham muốn ngắt một bông hoa đẹp về chưng, có khác gì với cái ham muốn sờ vào người khác của những kẻ ấy đâu. Chỉ vì nó là một tác phẩm nghệ thuật, không có nghĩa ham muốn của mình thượng đẳng hơn. Gần gũi thì tốt, nhưng có khoảng cách còn tốt hơn rất nhiều, để bảo vệ thứ đẹp đẽ trước mắt.
Nghe một bản nhạc, hay đọc một cuốn sách, nhất là nhạc và sách của tác giả yêu thích, mình không chỉ thoả mãn với trải nghiệm với tác phẩm thôi. Đầu óc mình còn nghĩ đến chuyện gì đã xảy ra với họ, họ cảm nhận tác động của sự việc ấy sâu sắc đến mức nào mới viết ra được những dòng chữ này, khi mài dũa lời bài hát và trang sách họ có phải lặp đi lặp lại cái cảm giác ấy không? Đấy là cái ước muốn được gần gũi và đồng cảm với người mình yêu thích. Nhưng hầu hết thời gian mình thấy may mắn vì khoảng cách giữa mình và họ. Nhỡ đâu họ chẳng có biến cố gì trong đời, nhỡ đâu tất cả những đau khổ mình gán lên cho họ chỉ xuất phát từ sự tưởng tượng của tác giả mà thôi. Hay tệ hơn, những đau khổ mình tưởng tượng chỉ là một phần rất bé so với những gì tác giả chịu đựng. Bạn đã đọc Mù loà (José Saramago) chưa?… Khoảng cách giữa mình và tác phẩm và tác giả giúp mình không ngất đi lúc đang đọc vì sự nhạy cảm chết tiệt của mình. Đối với người đương thời, có một điều ngăn mình lục lọi về một người mình mến mộ, giữ họ ở một khoảng cách vừa phải để vừa có thể trân trọng tài năng của họ, vừa không xâm phạm đời sống con người của người ấy. Đó là cảm giác về stalker. Mình cảm thấy những người đi rình mò về người khác, thu thập thông tin và phán xét ngấm ngầm về họ, dù có xuất phát từ lòng mến mộ hay căm ghét, cũng đều sẽ không bao giờ thấy thoả mãn – không thoả mãn cho đến khi vào tận sâu bên trong người họ mến mộ. Thế nên, giữ khoảng cách với thế giới xung quanh cũng là một việc cần thiết cho sự tồn tại của mỗi người.
Mình đã nói rất nhiều với người thân, với bạn bè. Điều gì có thể nói ra, mình đều đã nói, nhưng luôn có khoảng cách giữa “biết” và “hiểu” giữa mình và họ. Họ thỉnh thoảng biết mình, nhưng không hiểu. Không, mình đang không ca thán gì, mình chẳng có nhu cầu muốn họ phải hiểu, cũng như mình cũng không có nhu cầu hiểu về họ. Các mâu thuẫn thường xuất phát từ nhu cầu buộc đối phương phải hiểu mình, một kỳ vọng về sự gần gũi đến mức đối phương không được xảy ra sai sót gì bởi-vì-bạn-là-bạn-thân-của-tôi-nên-bạn-không-được-làm-như-thế, bạn-phải-hiểu-tôi-là-người-thế-nào-chứ. Đôi khi sự bao dung chấp nhận đến từ sự lãnh đạm. Xa cách một chút, nhưng dễ thở. Những người bạn lâu năm nhất của mình là những người dường như chẳng để tâm gì mình cả, và chắc họ cũng có cảm giác như thế về mình. Họ và mình đều có tự do ở trong mối quan hệ không có áp lực phải gần gũi mỗi ngày, nhưng dù xa xôi vẫn biết có người luôn ở đó. Cái khoảng cách be bé ấy còn gìn giữ sự lịch sự giữa những người thân thiết với nhau, gọi là tương kính như tân ấy. Không phải vì người ấy chơi với mình 10 năm mà bỏ qua không cảm ơn khi họ mang giúp mình một ly nước.
Tình yêu. Mình không tự tin khi nói hay viết về tình yêu – một địa hạt mình cho phép bản thân không viết về và chỉ giữ cho riêng mình. Các khái niệm và diễn giải về tình yêu đều khiến mình nghi ngại, có chắc tình yêu là vậy không, hay chỉ là ảo ảnh của từng tâm trí? Đặc biệt là ý tưởng “khi yêu người ta mong muốn hoà làm một.” Đấy thực sự là một chân lý, hay chỉ là lời hoa mĩ dụ dỗ người ta vào chuyện tình dục? Người ta muốn hoà làm một để làm gì nhỉ? Tại sao lại có cái nhu cầu xoá nhoà ranh giới giữa hai cá thể đi chỉ còn làm một? Để hiểu nhau hơn, hay để trải nghiệm một thứ thần bí gì mà khi một mình không thể cảm nhận được? Bác sĩ Scott Peck từng giải thích rằng, khi hai kẻ yêu nhau sâu sắc, cùng đạt tới khoái lạc tột đỉnh, thì trong khoảnh khắc tột đỉnh đó chúng ta mất hẳn ý thức về người kia. Ông gọi đó là Cái Chết Nhỏ – khoảnh khắc ta quên mất mình là ai và đang ở đâu, có vẻ như chúng ta tạm thời rời xa mặt đất và bước vào thế giới của Thiên Chúa. Vậy là cái “hoà làm một khi yêu” ấy không khác gì là điều kiện để người bạn tình của mình trở thành cánh cổng Thiên Đàng để mình bước vào? Nếu đó là điều phải xảy ra, mình nghĩ rằng nó nên xảy ra khi người ta nên vợ nên chồng trước sự chúc phúc của Chúa. Cổng Thiên Đàng chắc không (nên) dễ mở với nhiều người yêu, nhỉ? Rốt cuộc, tình yêu làm mình hiểu Chúa hơn, chứ không hiểu được người hơn. Mình ước rằng mình có thể gần gũi đủ để người ấy hiểu được lượng rộng yêu thương của mình dành cho họ nhiều đến thế nào, nhưng trông họ vẫn ngơ ngác hoài nghi. Đúng là:
“Trái tim em cũng ở gần anh như chính đời anh vậy
Tagore, Bài thơ tình số 28
Nhưng chẳng bao giờ anh biết trọn nó đâu.”
Nhưng không sao, khoảng cách giữa mình và người mình yêu cũng là một chuyện tốt. Nhờ không biết được trọn được trái tim của nhau, nên khi xa nhau cũng dễ dàng quên đi tình yêu của đối phương dành cho mình. Chỉ có tình yêu của mình là còn lại sau cuối.
Các Cha xứ thường bảo, Chúa ở bên trong con chứ chẳng ở đâu xa xôi. Mình công nhận điều này đúng. Nhưng chính mình cũng thấy có khoảng cách với bản thân, thì làm sao để đến gần với Chúa đây. Điểm nhìn của mình thường ở vị trí bên ngoài mình nhìn vào bản thân mình, một sự tự quan sát và đánh giá. Kể cả khi mình cầu nguyện, cũng có một người là mình, từ trên cao quan sát những lời mình nói, và nhận ra mình cũng chẳng thành thực mấy với chính mình. Tâm trí mình có thể lừa chính nó, tự biện giải, tự đồng ý, và mình hoàn toàn nhận thức được chuyện đó. Với nhận thức ấy, mình biết rằng mình sẽ không thể nào đủ phẩm chất để lên Thiên Đàng được, cùng lắm là loanh quanh ở Luyện Ngục xám hối (nhưng có khi ở nơi đó mình cũng không thành thực xám hối gì mấy).
Trong cuốn The Intelligient Trap, tác giả David Robson nhắc đến một nghiên cứu so sánh mức độ trưởng thành của những người cùng độ tuổi ở Mỹ và Nhật. Các nhà nghiên cứu nhận ra các thanh niên Nhật Bản “sâu sắc” hơn với thanh niên cùng tuổi ở phương Tây, và điểm khác biệt ở đây là: các bạn Nhật Bản trả lời khảo sát về bản thân nhưng ở một khoảng cách, hay gọi là một điểm nhìn thứ ba. Lúc ấy mình mới biết rằng, kể cả khoảng cách với chính bản thân cũng là một điều tốt.
“Bình thương cạnh huyền bằng tổng bình phương cách cạnh còn lại.”
Pythagoras
Khoảng cách tạo nên các hình dạng cho thế giới.
Khái niệm khoảng cách ở đoạn đầu (về vật lý, hay giữa các mối quan hệ người với người) có vẻ không liên quan lắm đến đoạn sau. Khả năng tự quan sát bản thân dường như liên quan đến một khái niệm khác về sự giữ được một tâm trí khách quan và quân bình hơn là tự tạo khoảng cách.
Khoảng cách để tạo tâm trí khách quan không có nghĩa là xa cách. Có gì khác giữa việc giữ khoảng cách khi quan sát một tác phẩm với khi quan sát chính mình? Nếu có sự không liên quan trong bài viết ắt hẳn do khả năng lập luận, hoặc là vì góc nhìn quan sát bản thân của bạn và mình không cùng một vị trí. Trong tưởng tượng của mình, luôn có một tôi thứ hai đứng từ xa quan sát tôi thứ nhất trong mối tương quan với sự vật xung quanh. Nên dù bạn có phân loại khoảng cách theo vật lý hay tinh thần giữa người với vật, giữa người với người, giữa mình và chính mình, thì nó vẫn là giữ khoảng cách với mọi sự. Nếu được thì educate mình về “khái niệm khác”, mình còn “vô minh” lắm.