Để trả lời cho những câu hỏi về Cái Đẹp, nhất là vẻ đẹp của phụ nữ, người ta vẫn luôn dùng câu: “Hồng nhan trong mắt kẻ si tình”, ý chỉ rằng cái đẹp của đối tượng phụ thuộc vào tình cảm nơi kẻ hân hưởng. Dù rằng khi nói “hồng nhan trong mắt kẻ si tình”, bạn muốn nhấn mạnh vào ý tưởng tốt đẹp là “si tình”, tức tình cảm của bản thân dành cho đối tượng. Thế nhưng, liệu có đúng rằng Cái Đẹp nói chung chỉ có thể giải thích bằng tình cảm chủ quan của mình, hay Cái Đẹp có tính tự thân của nó? Do đó, bài viết này sẽ không bàn đến Cái Đẹp là gì mà tìm hiểu tính chất của Cái Đẹp và năng lực phán đoán Cái Đẹp để chứng minh Cái Đẹp không phụ thuộc vào trái tim si tình của con người.
Tính đúng lẽ của Cái Đẹp
Immanuel Kant (1724 – 1804), triết gia người Đức, đã cố gắng tường giải năng lực phán đoán Cái Đẹp trong cuốn The Critique of Judgment (1790). Kant khẳng định, nguồn gốc năng lực phán đoán Cái Đẹp nằm ngay trong đặc điểm tự thân của nghệ phẩm, chứ không nằm trong chúng ta hay tình cảm thiên vị của chúng ta. Có điều gì đó ở chính đối tượng, trong bố trí hình dáng, màu sắc, đã thúc giục các quan năng nhận thức của chúng ta cảm thấy đối tượng “đúng lẽ” (rightness). Tính đúng lẽ này tạo nên sự hài hoà nội tại của đối tượng, khiến các quan năng nhận thức của chúng ta được thoả mãn, và buộc ta phải thốt lên: “Đẹp quá!”. Hãy nhìn đoá hồng xem, những cánh hoa được sắp xếp lớp lang đều đặn, màu đỏ rượu loang mịn màng, những đường gân lấp ló ẩn hiện trong cánh hoa mỏng tang. Dù cho chúng ta có không quan tâm đến hoa, hay thậm chí dị ứng phấn hoa đi nữa, ta vẫn cảm nhận hiện diện của đoá hoa khuấy động trong lòng ta một nỗi khó tả khiến ta đành phải công nhận vẻ đẹp của nó.
Trong cuốn sách Câu chuyện nghệ thuật (The Story of Art) của E. H. Gombrich, tác giả cũng nhắc đến trong lời mở đầu của mình về tính đúng lẽ này ở các tác phẩm nghệ thuật. Khi sản tạo một tác phẩm, nghệ sĩ không chủ đích biến nó thành cái đẹp, mà chỉ cố gắng điều chỉnh sao cho hài hoà cả trăm chi tiết và màu sắc cùng lúc đến khi bức tranh trông thật “chuẩn” (right). Người xem tranh sau đó mới phản hồi với bức tranh ấy với một sự thoả mãn và ban tặng nó cái tên Cái Đẹp. Vẻ đẹp của một gương mặt cũng có thể đến từ sự hài hoà đúng lẽ trong bố cục của các bộ phận, vẻ đẹp ấy kích thích các quan năng để trong ta xuất hiện mỹ cảm.
Sự bị động trước Cái Đẹp
Kant cho rằng, những quan năng nhận thức bao gồm tri giác, sự tưởng tượng và trí tuệ (hay năng lực phán đoán). Chúng ta gắn nhãn đẹp đẽ cho một đối tượng vì nó thúc đẩy một sự hài hoà nội tại hay khởi hoạt một “màn trình diễn tự do” giữa các quan năng hơn là theo bất kì phương thức có chủ đích hay tập trung nào. Bạn không thể nhìn một đối tượng và cố gắng nghĩ rằng nó đẹp và bùm, nó đẹp. Để hiểu hơn về sự bất khả kháng của quan năng nhận thức Cái Đẹp khi đứng trước Cái Đẹp, chúng ta xem xét đến một số luận điểm của Francis Hutcheson (1694-1746), triết gia người Ailen, tiền bối đi trước của Kant.
Hutcheson cho rằng, ý niệm về Cái Đẹp của chúng ta là ý niệm về trải nghiệm hứng thú khi chúng ta nhìn hoặc nghe thứ gì đó, và tâm hồn chúng ta bị động trước sự hứng thú do Cái Đẹp gây nên (và cả sự chán ngán do Cái Xấu gợi ra). Ông gọi tên năng lực phân định sự hứng thú và sự ngán ngẩm ấy là giác quan bên trong (hay còn gọi giác quan nội tại) để phân biệt với giác quan bên ngoài (5 giác quan). Loài vật cũng có những năng lực tương tự như giác quan bên ngoài của chúng ta, thậm chí là còn mạnh mẽ hơn, nhưng không có con nào cho thấy dấu hiệu của giác quan nội tại. Nghĩa là, một con cún có thể ngửi thấy bạn, nghe thấy bạn, nhìn thấy bạn, thậm chí yêu thương bạn, nhưng không thể cảm nhận vẻ đẹp (hoặc xấu) của bạn (hoặc có thể vì thế mà nó mới yêu thương bạn được chăng?). Hutchenson cho rằng, giác quan nội tại có những niềm hứng thú tất yếu, vì Cái Đẹp và Cái Xấu vẫn luôn y nguyên đối với chúng ta dù vì lý do nào đó mà ta phải đánh giá khác đi. Bạn có thể nhận lời đề nghị được thưởng cả thế giới để bảo đẹp là xấu, bảo xấu là đẹp, hay bị đe doạ bằng những điều ghê gớm nhất, bạn có thể sợ hãi hay tham lam mà nói ngược lại đánh giá của mình, nhưng giác quan nội tại của bạn đối với Cái Đẹp vẫn không hề suy suyển.
Sự lãnh đạm của Cái Đẹp
Kant lưu ý rằng, con người có đặc trưng luôn dán nhãn một cách vô thức cho các sự vật mà họ tri giác được, nhằm phân loại các thụ nhận về giác quan có trùng mục đích. Chẳng hạn, khi ta thấy một đồ vật đĩa tròn, miệng to đáy nhỏ, ta phân loại nó vào chén bát đựng đồ ăn, và sau khi rửa chén xong, ta liền đặt đồ vật ấy vào chồng chén bát có cùng kích thước, hay ít nhất cũng cho vào một ngăn với các thứ đựng thức ăn. Thế nhưng, những thứ đẹp đẽ lại chẳng phục vụ mục đích thông thường của con người như cái chén hay chiếc áo. Hoa hồng có lẽ có mục đích tự thân của nó (tạo ra đoá hoa mới để duy trì nòi giống chăng?) nhưng đó không phải là lý do làm cho nó đẹp. Cũng giống như một người phụ nữ sinh ra với một mục đích tự thân tuỳ chọn nào đấy, nhưng mục đích ấy không làm cô ấy đẹp hay xấu. Đường nét thanh tú của một cô gái có thể khiến bạn ham thích mê mẩn đến mức muốn theo đuổi chinh phục, nhưng vẻ đẹp ấy không nhằm mục đích lôi cuốn bạn. Cái Đẹp không liên quan gì đến sự hữu ích. Một đối tượng khó coi, dù là hữu ích, chúng ta cũng chẳng vì thế mà thấy nó đẹp lên; một đối tượng đẹp, dù có hại, cũng không vì thế mà xấu đi.
Cái Đẹp không có mục đích, nhưng sự đúng lẽ (rightness) trong bố cục hay màu sắc hài hoà của nó lại khiến nó như có tính mục đích nào đó. Kant đã gói gọn sự nhận thức về vẻ đẹp này bằng một cụm từ còn thú vị hơn: “tính hợp mục đích không có mục đích” (purposeness without a purpose). Hay nói cách khác, đối tượng thẩm mỹ hoàn toàn lãnh đạm với những hứng thú gây nên cho các giác quan của chúng ta và tách rời khỏi mục đích mà chúng ta gán lên cho đối tượng ấy.
Sự phản hồi đúng đắn với Cái Đẹp
Kant cũng cảnh báo rằng, sự thụ hưởng đối với Cái Đẹp cũng rất khác với những kiểu thụ hưởng khoái lạc (pleasure). Có thể vẻ đẹp của đối tượng khơi gợi nên dục cảm trong chúng ta, nhưng phản hồi của chúng ta phải có tính bất vị lợi, phải độc lập với nỗi xúc động đang hiện hữu. Như đã nói ở trên, đoá hoa hồng có thể đẹp đến mức khiến bạn muốn ngắt hái để mang về nhà cắm lọ, nhưng bạn không thể phản hồi lại nỗi khao khát ấy bằng hành động, bởi một khi thực sự ngắt đoá hoa đương khoe sắc kia, năng lực phán đoán về cái đẹp của bạn đã bị uế tạp. Nếu bạn ngắm nhìn bức tượng Hermaphroditus đang ngủ bằng một khao khát dục cảm và tưởng tượng nàng như người tình của mình, nghĩa là bạn đang không thực sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nàng.
Nếu bạn cũng đứng trước bức Chiều chủ nhật trên đảo La Grande Jatte (Georges Seurat) và liên tưởng đến kỳ nghỉ hè ở Vũng Tàu của mình, thì bạn cũng không có chút liên hệ thẩm mỹ nào đến với vẻ đẹp của bức tranh.
Ngoài ra, khi gọi một vật là đẹp đẽ, chúng ta đồng thời nhấn mạnh rằng mọi người đều cùng phải công nhận như vậy. Kant tin rằng những năng lực phán đoán Cái Đẹp có tính phổ quát, bởi rốt cuộc có vô số người cùng đồng thuận rằng hoa hồng thì đẹp mà con gián thì xấu (và gớm). David Hume, triết gia người Scotland, người được Kant kế thừa và phát triển các lý thuyết mỹ học, đã tìm cách lý giải hiện tượng này bằng cách cho rằng năng lực phán đoán thẩm mỹ có “tính liên chủ quan”: người có khiếu thẩm mỹ có xu hướng đồng thuận với nhau. Điều đó có nghĩa, “hồng nhan” không chỉ trong mỗi một “kẻ si tình”, miễn là người ta có khiếu thẩm mỹ, có năng lực phán đoán Cái Đẹp, “hồng nhan” sẽ hiện hữu trong mắt nhiều người mà không cần phải “si tình”.
Tóm lại, dù rằng ý niệm về Cái Đẹp nhờ vào những quan năng nhận thức của chúng ta, nhưng chính đối tượng, sự đúng lẽ nằm ở mô dạng (Form) của nó là chìa khoá khởi hoạt sự thoả mãn hay hứng thú của các quan năng ấy, một cách lãnh đạm và tách rời. Vì vậy, “hồng nhan” chính là vẻ đẹp tự thân mà không cần có sự chứng minh của “kẻ si tình”.
Sources:
- An introduction to Art Theory, Cynthia Freeland (2001)
- Từ Mỹ học đến các loại hình nghệ thuật, Denis Diderot (2013)
- The Story of Art, E. H. Gombrich (1995)
- 18th Century British Aesthetics (2006), plato.stanford.edu, Hutcheson