Site Loader
Decisive - How to make better choices in life and work Book Cover Decisive - How to make better choices in life and work
Chip Heath and Dan Heath
Non-fiction, psychology, self-help, decision-making skills
Crown Business
2013
336

Goodreads rating: 3.92/5

Rating: 3.5 out of 5.

Hầu như mỗi lúc phải ra quyết định, mình đều ước rằng Chúa Trời là một kiểu Thượng Đế độc tài. Ước rằng Người sẽ xuất hiện trước mặt mình và phán: “Nè, làm chọn thứ này đi, rồi làm như này như nọ, kết quả sẽ là như kia. Đó là yêu cầu của Ta đó.”

Nhưng không, Người cho chúng ta một thứ gọi là Free Will, ý chí tự do, đi kèm với hàng triệu lựa chọn khiến ta đau đầu không biết phải chọn gì để không tự huỷ hoại đời mình.

Nếu bạn cũng chật vật với kỹ năng ra quyết định, mình xin giới thiệu cuốn Decisive (Quyết đoán) của anh em nhà Heath. Tác giả giới thiệu một công thức gọi là WRAP để bạn áp dụng vào mỗi quyết định gồm cả cá nhân lẫn tổ chức. Cuốn sách kèm nhiều dẫn chứng thú vị, bạn có thể tự đọc và trải nghiệm tốt hơn, bài viết của mình sẽ bao gồm tóm tắt lý thuyết WRAP và phần thực hành của bản thân.

Lý thuyết

Tại sao chúng ta thường chọn lựa sai

Lắng nghe trái tim!

Tin vào trực giác!

Lập bảng phân tích ưu nhược điểm?

Có phải đây là những lời khuyên bạn thường nghe khi phải ra quyết định không? Trái tim và trực giác và bảng phân tích ưu nhược điểm nghe hay đấy, mỗi tội chúng là của bạn, nó cũng bị thiên vị bởi những ý nghĩ, cảm xúc, và niềm tin cố hữu của bạn, chứ cũng không phải là một thứ gì khách quan hay giàu thông tin hơn.

Theo anh em nhà Heath, có 4 ác nhân gây hại cho việc ra quyết định:

1 Lựa chọn: có HOẶC không / cái này HOẶC cái kia. Nghĩa là chúng ta giới hạn quyết định chỉ còn lại một sự lựa chọn.

Thiên kiến (Confirmation bias): Chúng ta thường tìm những dẫn chứng hỗ trợ cho niềm tin của bản thân

Cảm xúc ngắn hạn: Thường thì chúng ta bị thúc đẩy làm một hành động bốc đồng thiếu cân nhắc vì những cảm xúc tạm thời nhưng mãnh liệt.

Quá tự tin: quá lạc quan về khả năng, về dự đoán, và về tương lai, dẫn đến những tính toán sai lầm.

Mở rộng lựa chọn (Widen your options)

Dựa trên 4 ác nhân trên, tác giả đưa ra từng bước để bạn cân nhắc các lựa chọn.

Trước tiên, mình thấy có nghiên cứu này thú vị nên cho vào dù sẽ khá dài dòng. Một giáo sư của trường Đại học Carnegie Mellon muốn tìm hiểu kỹ năng ra quyết định của trẻ vị thành viên nên đã thu thập câu trả lời từ 105 em về các chủ đề: gia đình, trường học, quần áo, bạn bè, sức khoẻ, tiền và thời gian rảnh. Cứ tưởng các em sẽ phải phân vân giữa những lựa chọn như: Giờ ăn ở KFC hay Jollibee? Chọn váy màu nào bây giờ: Xanh dương, đen, hay trắng?

Nhưng không hề, 65% các quyết định của các em ở dưới dạng: một câu khẳng định cách giải quyết (“Mình quyết định sẽ không đổ thừa cho người khác nữa!”), hoặc một lựa chọn “Có hoặc không” (“Mình đang phân vân không biết có nên chia tay bạn trai không”). Nghĩa là, các em không có quyết định gì sất.

Chúng ta có thể đổ thừa rằng trẻ vị thành niên chưa phát triển hết não bộ nên mới có quá trình ra quyết định đầy hormone điên rồ như vậy. Tuy nhiên, một nghiên khác của giáo sư Paul Nut về khả năng ra quyết định trong môi trường làm việc cho ra kết quả: chỉ có 29% người ra quyết định trong nhóm mà ông nghiên cứu cân nhắc hơn 1 lựa chọn. Thêm vào đó, ông tìm ra kết quả: các quyết định “Có hoặc không” dẫn đến 52% thất bại theo thời gian so với 32% những quyết định có 2 hoặc hơn 2 lựa chọn.

Vậy không thể đổ thừa cho não bộ hoặc hormone được, mà nằm ở việc giới hạn các lựa chọn. Tác giả đưa ra vài lời khuyên để bạn có thể mở rộng các lựa chọn của mình:

  • Đổi cách hỏi

Thay vì hỏi những câu hỏi “có hoặc không” / “cái này hay cái kia”, bạn có thể hỏi “Có cách nào tốt hơn không?”, “Mình còn có thể làm được gì khác không?”, hoặc “Làm cả cái này VÀ cái kia thì sao?” Ngoài ra, thay vì những câu hỏi mang tính khẳng định thừa thãi: “Chị ơi, món này có tốt không ạ?”, bạn có thể hỏi những câu: “Chị ơi, món này có tác dụng phụ gì không? Có nhược điểm gì ạ?”. Vừa thu thập thêm thông tin trái chiều để cân nhắc sản phẩm, vừa không bị người bán chửi…

  • Cân nhắc chi phí cơ hội

Chi phí cơ hội là thứ tốt nhất tiếp theo bạn có thể có được nếu không làm thứ bạn muốn đầu tiên. Chẳng hạn, bạn đang cân nhắc mua xe ô tô 800 triệu, và tự hỏi “Nên mua xe mới nào thì tốt nhỉ: Corolla hay Elantra?”. Bạn có thể cân nhắc chi phí cơ hội của lựa chọn mua xe ô tô bằng câu hỏi: “Mình có thể làm gì khác với 800 triệu nhỉ? Mua một xe cũ và đem phần còn lại đi đầu tư lâu dài? Hay dành 800 triệu đó mua bất động sản?”

  • Hô biến lựa chọn duy nhất

Bài kiểm tra mà tác giả gợi ý có tên Vanishing Options Test. Nghĩa là giả sử lựa chọn bạn đang nghĩ về mất đi, bạn sẽ phải tìm lựa chọn khác thế nào? Ví dụ, bạn đang rất muốn ly hôn, nhưng nếu bạn không thể ly hôn (vì bạn là người đạo Kito giáo chẳng hạn), thì bạn làm sao để hôn nhân dễ thở hơn suốt phần đời còn lại?

  • Cẩn thận với những lựa chọn “hao hao”

Bạn đã tìm ra được vài lựa chọn khác rồi, nhưng có chắc chúng là lựa chọn khác nhau không hay chỉ gần giống nhau thôi? Đổi font chữ hay dịch chuyển hình khối trong một bản thiết kế không phải là một lựa chọn cho khách hàng. Khi nào mà bạn tạo ra một lựa chọn gây tranh cãi nội bộ thì đó mới là lựa chọn thực sự.

  • Tìm người trợ giúp

Bạn không bao giờ là người đầu tiên gặp một vấn đề cả. Luôn có người tương tự với vấn đề tương tự. Việc của bạn là đi tìm đến họ để học hỏi. Đó có thể là các số liệu trung bình (số liệu không biết nói dối, người tạo ra số liệu mới biết dối trá), các phân tích của chuyên gia.

Thực nghiệm (Reality-test the consumption)

Tại sao phải dự đoán trong khi bạn có thể biết bằng cách thử nghiệm các lựa chọn của mình trong môi trường thực tế.

  • Tìm kiếm các bất đồng có tính xây dựng

Chả ai thích bất đồng ý kiến, nhưng bất đồng có tính xây dựng là chuyện khác. Trong một tổ chức, bạn có thể lập một nhóm chuyên phản bác và chứng mình lựa chọn của bạn là sai. Trong gia đình, nên có một người thủ vai phản diện, không phải để làm bạn chùn bước, mà là giúp bạn tìm ra được những khía cạnh bạn không nhìn ra trong lựa chọn của mình. Bạn thuyết phục được họ thì tự tin cũng tăng lên.

  • Cân nhắc lập trường trái ngược 

Để tránh bị thiên kiến và đánh giá chủ quan, bạn hãy bỏ công cân nhắc đến lập trường đối ngược với bạn. Chẳng hạn, rõ ràng bạn thấy chồng bạn đã làm một việc ích kỷ mà bạn không thể hiểu nổi như lập quỹ đen, nhưng thử cân nhắc đến một thứ gọi là “ý định tích cực” (positive intent). Có thể anh ta sợ có ngày khó khăn phá sản nên đã để dành riêng một khoản để làm bạn bất ngờ, chứ cũng chưa chắc đã đem tiền cho người dưng.

  • Nhìn ngoài, nhìn trong

Tầm nhìn bên trong là điểm nhìn bạn dựa trên các niềm tin cá nhân của bạn, tầm nhìn bên ngoài là điềm nhìn đặt vào các số liệu, phân tích, reviews, chuyên gia,… Thường thì chúng ta chỉ nhìn vào bên trong khi ra quyết định quan trọng, trong khi đi ăn thì toàn xem review trước. Điểm nhìn bên ngoài giúp bạn có đánh giá khách quan hơn về vấn đề, thay vì tự tin thái quá vào khả năng và dự đoán cá nhân.

  • Thử nghiệm

Thực nghiệm là một bước rất hiệu quả để kiểm tra sự chính xác của lựa chọn. Trước đây có một bạn từng đưa mình vào một tình huống “Thử thách nghèo khó” để xem mình có phải là kiểu gái đào mỏ không. Nhờ bài thử thách nhân tâm này của bạn mà mình đã ra được quyết định không chơi với người thích thử lòng, hi vọng bạn cũng đã cho ra quyết định chính xác cho bản thân. Hoặc ví dụ khác, thay vì offer hợp đồng dài hạn ngay, công ty có thể đưa ra hợp đồng thử việc trước để xem lựa chọn người tài có hợp lý không.

Tránh cảm xúc nhất thời (Avoid short-term emotions)

Có hai loại cảm xúc nhất thời điều khiển các quyết định của bạn: 

(1) mere exposure: chúng ta thường thích những thứ quen thuộc (hay xuất hiện trước mắt)

(2) loss aversion: hay còn gọi là FOMO, sợ mất hoặc bỏ lỡ thì đau hơn là niềm vui đạt được

Quảng cáo thường tận dụng loại cảm xúc (1) để dụ dỗ chúng ta mua hàng, còn các KOL thì liên tục xuất hiện trên mạng xã hội. Loại thứ cảm xúc thứ (2) thường ngăn cản chúng ta làm những thứ mang tính rủi ro, như tỏ tình chẳng hạn.

  • 10/10/10

Để tiếp thêm dũng khí lựa chọn, bạn có thể thử quy tắc 10/10/10: Bạn cảm thấy thế nào sau 10 phút đã hành động? Sau 10 tháng? Sau 10 năm? Có thể bây giờ bạn sẽ nghĩ hậu quả của quyết định sẽ cực kì khủng khiếp, nhưng nếu đặt vào các mốc thời gian xa hơn, bạn sẽ thấy rằng cảm xúc sẽ qua đi, điều quan trọng là chúng ta đã làm và không thấy hối tiếc.

Khi quá quay cuồng với cảm xúc, bạn cố gắng tách mình ra khỏi cảm xúc ấy và nhìn bằng điểm nhìn của người thứ ba. Chẳng hạn, hãy đặt câu hỏi cho bản thân: “Mình sẽ khuyên bạn thân làm gì trong tình huống này?”

  • Ưu tiên các giá trị cốt lõi

Thường thì việc đau đớn lựa chọn đến từ sự mâu thuẫn các giá trị cốt lõi của bạn: gia đình và sự nghiệp / tự do cá nhân và lợi ích chung?

Trước hết, ta hãy xác định chắc chắn những giá trị cốt lõi mình muốn theo đuổi trong cuộc đời bằng cách trả lời câu hỏi: Mình muốn là một người thế nào? Mục tiêu lâu dài là gì? Mình muốn xây dựng một tổ chức/một gia đình như nào?

Có ưu tiên lớn nhất rồi, thì giảm bớt nhiễu nhương xung quanh để dành thời gian cho điều cốt lõi, các quyết định cũng theo đó mà được cân nhắc chọn lựa.

Sẵn sàng để sai lầm (Prepare to be wrong)

  • Chặn hai đầu của tương lai (Bookend the future)

Các quyết định của chúng ta không dẫn đến một điểm / một hoàn cảnh cố định trong tương lai, mà là một dãy các tình huống xếp từ xấu nhất đến tốt đẹp nhất.

Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, bạn có thể đặt câu hỏi: “Rồi, sau một năm, dự án đã tan tành. Nguyên nhân thất bại là gì?”

Nhưng nếu tình huống tốt nhất xảy ra, liệu bạn có sẵn sàng đón nhận chiến thắng? Hãy đặt câu hỏi: “Sau một năm, dự án toàn thắng, đơn hàng đưa về lũ lượt. Cần làm gì để tiếp nhận thành công mà không bị quá tải?”

  • Lập hàng rào dây kẽm

Hầu hết các hành động xảy ra hằng ngày thường bị đưa vào chế độ autopilot, như việc lột chuối từ đỉnh chẳng hạn, trong khi lột từ đằng đuôi thì dễ lột hơn nhiều. Để tự đánh thức bản thân khỏi cơn mê sảng ban ngày, cách tốt nhất là lập ra DEADLINE. Cả ước mơ cũng phải có deadline.

Đối với những tài nguyên của bạn (tiền, thời gian, thức ăn v.v.), bạn nên CHIA NHỎ thay vì để một cục như vậy sẽ gây ra tình trạng phung phí hoặc dùng quá tay.

  • Tin tưởng vào quá trình (WRAP)

Công thức WRAP không đảm bảo rằng bạn sẽ luôn lựa chọn đúng, mà là giúp bạn tự tin hơn vào kỹ năng ra quyết định của mình để dũng cảm chấp nhận thử thách và tạo ra các thay đổi lớn. Cuối cùng thì người ta hối tiếc vì không làm hơn là đã làm.

Thực hành

Tác giả có đưa ra một phần thực hành gồm nhiều tình huống khác nhau, nhưng mình chọn một tình huống mình thấy có khả năng xảy ra với thế giới của mình nhất để thực hành. Tình huống này mình lấy trong một group về hôn nhân gia đình của anh Chánh Văn Hoàng Anh Tú, bạn có thể tham khảo như một nguồn thông tin dồi dào về cuộc sống hôn nhân muôn màu.

  • Tình huống

Một chị đã kết hôn mô tả bản thân trước hôn nhân là một cô gái hiện đại, thích ăn ngon nhưng lười nấu ăn nên đã chăm chỉ làm việc để tự chi trả những bữa ăn nhà hàng của mình. Trong gia đình cô, bố cũng nấu cho mẹ nên cô thấy rất thoải mái với việc không biết và không thích nấu ăn. Chuyện vẫn tuyệt vời cho đến khi cô kết hôn với anh chồng thích ăn cơm nhà. Trước khi kết hôn, cô đã nêu quan điểm rõ ràng rằng cô không thích nấu và nấu rất tệ, anh tỏ ra chấp nhận hết và nằng nặc đòi cưới. Sau khi cưới một năm, anh quay sang chì chiết chuyện cô không nấu ăn bằng những lý lẽ của Nho giáo (bạn có thể đọc tình huống để biết cụ thể). Dĩ nhiên, chị vợ rất bất công với tư tưởng của anh chồng, nên muốn trở lại thời độc thân tự do tự tại như xưa, và đặt ra câu hỏi: Có nên ly hôn anh chồng gia trưởng này không? Có đáng để sửa chữa hôn nhân không?

  • Widen options

Chuyện đã rồi nên mình không thấy lý do gì để đánh giá lựa chọn kết hôn của hai người. Cả hai đều không biết mình muốn gì trước khi vào hôn nhân, nhất là anh chồng, cứ nghĩ là sẽ thay đổi được vợ đến khi không thay đổi được lại quay ra chì chiết tạo áp lực. Hơn nữa, câu chuyện cũng một chiều, chưa đủ dữ liệu để đưa ra câu trả lời Có hoặc không ở đây được. Câu hỏi nên đặt ra để có thêm lựa chọn là: “Nếu không ly hôn, mình còn có thể làm được gì? Gặp tư vấn hôn nhân? Đọc sách tâm lý hôn nhân gia đình? Liệt kê những điểm tốt của đối phương?”

  • Reality-test consumptions

Bước này thì chị vợ đã làm rồi, đăng chuyện cá nhân lên group để lấy ý kiến của các “chuyên gia.” Một nửa số họ đồng tình với anh chồng và đổ lỗi cho chị vợ quá ích kỷ, rằng “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nấu ăn là trách nhiệm của phụ nữ, hay đáo để hơn là “mẹ bạn dạy chưa kỹ thôi”. Một nửa còn lại ủng hộ chị vợ ly hôn hoặc không nấu luôn cho anh chồng biết tay. Một số ít khác chia sẻ tình cảnh tương tự, nhưng họ đã thay đổi từ người không biết nấu sang người thích nấu vì thấy chồng vui vẻ chịu đựng ăn bữa cơm dở tệ của họ.

Lúc này, nếu mình là chị vợ, mình sẽ tràn đầy căm tức với tư tưởng của anh chồng và tin chắc rằng mình đúng. Thế nên, mình cần cân nhắc đến lập trường của đối phương. Mình sẽ nghĩ đến “ý định tích cực” của anh chồng. Có thể anh muốn mình nấu ăn không phải để phục vụ anh, mà là muốn mình trở thành phiên bản tốt nhất (vì theo chị kể thì chị cũng tự lập và hiểu biết), mỗi tội cách anh thể hiện không phù hợp. Hiểu được ý định tốt đẹp nhưng vụng về đó, mình có thể ngồi xuống nói chuyện với anh: “Em hiểu điều anh mong muốn ở một gia đình xum vầy bên bữa ăn. Em cũng mong anh hiểu quan điểm gia đình của em hơi khác, nó nằm ở con người chứ không phải thức ăn. Tụi mình đáng lẽ nên làm rõ kỳ vọng này trước khi kết hôn. Nhưng chuyện đã rồi, và em cũng muốn tiếp tục ở cạnh anh, nên anh có thể kiên nhẫn và bao dung với em được không? Em chỉ có thể thay đổi nhờ tình yêu của anh, chứ những lời cay nghiệt của anh làm em tổn thương, em không thay đổi vì bị tổn thương được.”

Sau đó thử làm việc tạo bonding giữa hai người như nấu ăn chung, em nấu 1 bữa thì anh nấu 1 bữa để xem tình hình có khá hơn không.

  • Avoid short-time emotions

Chị có thể thử quy tắc 10/10/10 cho quyết định ly hôn của mình. Chị cảm thấy thế nào sau 10 phút ly hôn? Thoả mãn vì đã trừng trị được ông chồng gia trưởng? Hay trống rỗng vì cả quá trình ly hôn dài dằng dặc?

Chị cảm thấy thế nào sau 10 tháng ly hôn? Bây giờ chị đã độc thân, có thể tự do đi ăn nhà hàng mà không bị ai rầy quấy. Nhưng chị có nhung nhớ những bữa ăn với chồng cũ? Để tìm lại cảm giác cũ, chị có thể bắt đầu hẹn hò. Chị, nửa đùa nửa thật, hỏi những người chị hẹn hò rằng: “Anh thấy thế nào nếu vợ anh không biết nấu ăn?” Dù các anh có đảm bảo rằng họ thấy ổn, không sao cả, thì chị vẫn không tin, vì chị đã bị PTSD. Chị không còn tin và yêu như trước đây nữa.

Chị cảm thấy thế nào sau 10 năm ly hôn? Thời gian trôi qua, kỷ niệm rồi cũng phai mờ. Chị có cảm thấy nhẹ nhõm vì đã không ở cùng người luôn chì chiết mình? Hay thấy hối hận vì không cố gắng hơn một tí nữa? Chị cuối cùng có tìm được người chồng tử tế phóng khoáng chấp nhận con người ghét nấu ăn của chị? Hay họ đều rời đi vì không chịu nổi việc đi ăn ngoài suốt ngày?

  • Prepare to be wrong

Giả sử cả hai vợ chồng quyết định ở lại và sửa chữa hôn nhân, cảnh tốt nhất là họ cùng nhau nấu những bữa ăn nhà ngon tuyệt vời và sống hạnh phúc bên nhau suốt đời. Cảnh tệ nhất là, sau khi chờ đối phương thay đổi mãi mà chưa thấy gì, anh chồng bắt đầu sốt ruột và tiếp tục cằn nhằn chị vợ, chị vợ thì suốt quá trình sửa chữa vẫn không cảm thấy chút bao dung yêu thương nào nên quyết định không nấu gì sất nữa. Vậy chẳng lẽ cứ tiếp tục để chuyện diễn ra hoài như vậy?

Lúc này cả hai lại tiếp tục ngồi xuống trao đổi để lập ra deadline. Nếu thật sự vẫn muốn sửa chữa, hãy cho nhau 3-6 tháng để làm mọi cách khiến tình hình tốt hơn. Sau khoảng thời gian đó, nếu cả hai vẫn không thấy dung hoà được, họ có thể đồng ý buông tay nhau. Nguyên nhân bây giờ không còn là thức ăn hay tư tưởng nữa, mà là họ đã không yêu nhau như họ nghĩ.

Dù kết quả vẫn là ly hôn, nhưng với một quá trình cân nhắc từng bước, cả hai sẽ tin tưởng vào quyết định của mình. Dù sao, họ đã hiểu được bản thân muốn gì và đã cố gắng hết sức, không có gì để hối tiếc.

Personal thoughts

Mình đọc cuốn này khi đang cần ra quyết định quan trọng, mà sau khi đã chọn đại rồi vẫn chưa đọc xong. Quá nhiều ví dụ và dẫn chứng. Mình đọc với tâm thế luyện tập khả năng đọc hiểu nên không bị sốt ruột, chứ mình không nghĩ bình thường mình sẽ muốn đọc hết cả cuốn sách như này.

Tuy nhiên, cuốn sách có vài điểm đáng khen: cách sắp xếp rất chu đáo, có trang tóm tắt cuối mỗi chương, có phần Clinic hướng dẫn áp dụng WRAP và giới thiệu nguồn đọc thêm mở rộng.

Hi vọng bài viết hữu ích cho khả năng ra quyết định của bạn. Mình chỉ muốn nhắc lại rằng, mục đích của quá trình ra quyết định là để tự tin tạo ra những thay đổi cho cuộc sống bạn, chứ không phải ngăn bạn hành động vì sợ sai lầm.

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.