Site Loader
why-you-hate-people-crush-on-you

Ghét là một từ mang sắc thái mạnh. Ta hoàn toàn có thể dùng từ “không thích”, “khó chịu”, “phiền phức”. Thế nhưng, vẫn có những lúc ta lại có cảm giác khó ở sâu sắc khi đối mặt với người thích mình, và ta buộc phải dùng từ ghét, dù chẳng hiểu nguyên do.

Có phải bạn đỏng đảnh khó chiều quá không, đáng lẽ phải vui sướng khi tự dưng có người yêu mến mình chứ? Đáng lẽ phải thấy tự hào vì ta có gì đó lôi cuốn thì người khác mới thích chứ? Thế mà lại cảm thấy như bị xâm phạm lãnh thổ và trở nên xấu tính người thích mình vô cùng.

Sẽ có người cố lý giải rằng bạn là người thiếu tự tin, không cảm thấy đáng được yêu thương nên mới không chấp nhận được tình cảm của người khác. Có thể, hoặc không. Bài viết này sẽ đưa ra những lý do không mang màu sắc Freud để hiểu hành vi ngược ngạo của ta khi ghét một người thương mình.

1. Đối phương có phẩm chất không tốt

Lý do đơn giản nhất: trong lời nói, hành động, lối sống của người đó khiến bạn cảm thấy đó không phải là người tử tế. Dối trá, trăng hoa, hèn nhát, yếm thế, tục tĩu, vân vân…, những tính cách nằm dưới đáy thang đo giá trị của riêng bạn. Dĩ nhiên có hằng hà sa số người xấu tính, kể cả bạn, trên đời này nhưng bạn lại không ghét họ. Vậy hà cớ gì lại ghét người đó?

Đó là vì bạn thấy giá trị của mình sẽ bị ảnh hưởng khi được thích bởi một người không tử tế. Thâm tâm bạn sẽ vang lên sự nghi hoặc: “Mình như thế nào mà lại bị một đứa như vậy thích chứ?” Nếu sẵn tâm lý không tự tin vào bản thân, suy nghĩ ấy sẽ khiến bạn ghét kẻ kia, và đồng thời vô thức ghét cả chính mình.

Hãy nghĩ rằng, hoa không chỉ thu hút mỗi ong bướm, mà còn cả sâu bọ. Bạn chọn ai mới thể hiện hệ giá trị của bạn. À, “sâu bọ” không phải ám chỉ người thích bạn là thấp kém. Chỉ là cách nói để bạn không tự kéo mình xuống với cảm giác ghét bỏ bản thân, chỉ vì ai đó bạn ghét thích bạn.

2. Thứ người ấy thích không phải là chính bạn

Thế nhỡ người thích bạn là một người tử tế với những phẩm chất tốt thì sao? Họ quan tâm bạn, muốn làm bạn vui lòng, sẵn sàng bên bạn mỗi ngày nếu bạn cho phép. Bạn gần như không có lý do gì để ghét họ. Thế mà bạn vẫn ghét.

Bằng sự nhạy cảm của mình, bạn nhận ra thứ người ấy thích không phải là con người của bạn, mà là một thứ người ta muốn thấy ở bạn, hoặc một lý do ngoại cảnh nào đó. Có lẽ họ thích bạn vì ngoại hình, vì sự vui vẻ, sự thông minh, vì những phẩm chất trong tưởng tượng của họ, hoặc vì lý do “kiếm đại một người cho có”. Còn bạn, bạn biết rằng những thứ người ta thích chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, họ chỉ nhìn được một góc vẽ mây trời mà nghĩ rằng cả bức tranh là thiên đường. Bạn phức tạp và sặc sỡ với nhiều mảng màu đối nghịch nhau hơn 3 gam màu cơ bản họ nhìn ra được. Họ càng ngợi khen, ngưỡng mộ 3 gam màu ấy bao nhiêu, bạn lại càng cảm thấy những dải màu tinh vi khác bị tối hẳn đi, và có thể bị chê trách nếu bạn để lộ ra. Bạn không thấy được toả rạng hay tối sầm đúng với màu sắc của mình khi bên họ.

Đã thế, khi họ muốn tìm hiểu sâu hơn để thấy được toàn cảnh bức tranh, bạn lại cảm thấy như bị làm phiền, bị tra khảo, bị xâm lấn. Bạn không muốn phải kể lể giải thích, phải trải cả dải màu ra để chỉ trỏ cho họ biết bạn có những gì. Nếu họ không cảm nhận được bằng trái tim, không ngôn từ nào lột tả được sự vi tế của tâm hồn. Có phải họ sẽ phân bua rằng họ là người đơn giản, sống đơn giản mới hạnh phúc, còn bạn đang phức tạp hoá vấn đề lên? Bạn lười, mất năng lượng, nên cũng không buồn cho họ biết rằng: Người hiểu được sự phức tạp mới có thể trở nên đơn giản.

3. Bạn đang mong chờ một điều khác

Bạn có biết, khi một người khó chịu với cả điều nhỏ nhặt, đó thể vì họ quá nhớ nhung một ai khác không?

Trái tim ta khao khát một thứ, một người mà ta không có được. Vì không có được, nên nó vùng vằng, giẫy dụa, và cáu bẳn với cuộc sống. Có thể đó là người trái tim ta đã gọi được tên hay nhớ được khuôn hình, nhưng cũng có thể là người chưa từng xuất hiện trong đời ta nhưng trái tim ta biết rằng nó muốn người đó. Đó là người, dù đã thấy được hầu hết các cung bậc cảm xúc hay dải màu trong tính cách bạn, cả đẹp đẽ lẫn xấu xí, vẫn quý trọng những gam màu cốt lõi của bạn.

Tất cả những kẻ không phải là người trái tim bạn muốn đều khiến nó khó chịu. Từng giây phút ở bên người khác đều khiến nó thấy tiếc nuối, mệt mỏi vì đáng lẽ giây phút đó dành cho người nó muốn. Những quan tâm săn sóc của người thích nó đều khiến nó thấy hàm ơn nặng nề và bị đòi hỏi đáp trả, chứ không giống sự công bằng của người yêu và được yêu. Khi người thích bạn muốn chia sẻ bản thân họ với bạn, muốn nhận lại chút quan tâm từ bạn thì bạn lại giãy nãy phiền toái, bạn không thấy mình có nghĩa vụ phải nghe một người bạn không quan tâm trút bầu tâm sự.

Thế là, trái tim bắt bạn phải trở nên xấu tính, phải bực bội với người thích bạn, mà bạn có hề muốn thế đâu. Vốn dĩ bạn đâu xấu tính đến mức ấy, chỉ một chút thôi. Bạn đã ấm áp tinh tế với người bạn yêu thương biết bao nhiêu.

Lời từ chối chân thành

Người ta không có lỗi khi thích bạn. Bạn lại càng không sai khi không thích người ta. Tình cảm của người ấy là thật, dù thứ họ nhìn thấy không là con người thật của bạn đi nữa, nhưng cảm xúc tiêu cực của bạn khi ở gần người đó cũng là thật. Bình tĩnh, đừng cắn họ, không được yêu đã đủ bất hạnh rồi. Ta cần công nhận cảm xúc của cả hai, và dùng sự chân thật để đối đãi với bản thân và với khối tình cảm không mong muốn.

Nói thật với người ấy rằng mình không thích họ, không phải vì họ không đủ tốt hay không xứng đáng với mình, mà là không gây nên mối thương yêu trong lòng bạn mà thôi. Nếu họ chấp nhận được thì vẫn làm bạn, nhưng thường là không, nên bạn cần dứt khoát giữ họ ở một khoảng cách xa. Khoảng cách đủ xa để họ có thể ngừng thích bạn và tiếp tục với cơ hội được yêu thương khác, và bạn cũng được nhẹ nhõm. Chân thành và lãnh đạm vẫn có thể đi cùng nhau trong lời từ chối.

Sẽ không tránh khỏi được những trách móc đổ lỗi, rằng vì sao không nói từ đầu mà vẫn cho họ cơ hội, tại sao không thích mà vẫn tỏ ra vui vẻ như muốn đưa đẩy, rằng họ làm gì sai mà lại khó chịu. Đành chịu lấy vậy, không cần phải phân bua, những lời trách móc ấy là sự khẳng định cuối cùng việc bạn không thích họ là đúng đắn.

Đối với bản thân, không gì quan trọng hơn sự yên ổn trong lòng. Thế nên đừng vì áp lực nào mà phải thoả hiệp lựa chọn giữa người mình thích và người thích mình. Bạn sẽ có cả hai. Thay vì tốn hơi sức bên cạnh người bạn không muốn, chi bằng tập trung trau dồi, đến khi người mong muốn xuất hiện, bạn có thể tự tin đón nhận họ vào cuộc sống, hoặc không.


Update:

– Không thể nào kiểm soát được những trách móc hoặc đánh giá từ phía đối phương, nhất là khi họ thấy bản thân là nạn nhân. Điều khổ sở của người đơn phương là không thể nào làm đối phương hiểu được tình cảm dồi dào của mình. Điều mệt mỏi của người được thích là không thể nào cảm nhận được tình cảm ấy nên trông rất vô ơn. Chỉ có thể chịu trách nhiệm với cảm xúc của mình, mong họ được yêu thương sớm.

– Sẽ không loại trừ trường hợp bạn không thích một người nhưng vẫn bỡn cợt tình cảm của họ. Nếu thế chắc bạn rảnh và không ghét họ, vậy bạn không nằm trong những lý do trên.

– Cũng có thể bạn sẽ không có được cả hai: người bạn thích cũng thích bạn. Nghĩa là cũng có thể bạn sẽ chẳng có tình yêu bạn muốn. Nhưng nghĩ xem, chuyện đó với chuyện phải ở cạnh người gây cho mình nỗi ghét bỏ, chuyện nào tệ hơn.


Comment cho mình biết nếu bạn thấy còn nguyên nhân khác nhé.

5 Replies to “Vì sao ta ghét người thích mình?”

  1. Có 3 lí do:

    Thứ nhất, bản chất thuần tuý của vạn vật trên trái đất này là sinh tồn. Khi sợ hãi, dù động cơ là để bảo vệ thể chất hoặc tinh thần cá thể, thì phản ứng sinh tồn ở bất kì tình huống nào vẫn sẽ tự thân áp chế, một cách vô thức.
    Thô ra mà nói, thì khát khao được đẹp đẽ trong mắt bạn tình là thứ luôn trực trào, sự sợ hãi sẽ khiến bản thân “kẻ được thích” chỉ muốn trốn chạy, để bảo vệ sự đẹp đẽ ít ỏi mà “người thích” thấy ở “người được thích”.
    Bởi vì có những khiếm khuyết mà chính bản thân chủ thể vẫn chưa thể chấp nhận ở con người mình, và nó khiến họ bị xáo động như thể có ai đang ngày một tiến sâu hơn vào ngôi nhà nhỏ/chốn thiêng liêng của họ, nó quá riêng tư và thầm kín
    Ngược đời thay, họ mong muốn được có ai đó sát cánh, nhưng khi thời điểm đến, thì chính họ lại tự cầm chổi quét phăng “người-gõ-cửa” mà không hề phân vân.
    – Vì mục đích cao cả hơn “bạn-tình”/ “bạn-đời” là đời sống riêng tư không bị quấy phá.
    – Vì họ không dành chút thời gian ít ỏi để nghiên cứu người mà họ đang nỡ tâm khước từ, họ phân tích quá nhanh và kết luận quá vội vàng. Để hòng bảo vệ vẻ ngoài đẹp đẽ của chính mình và chôn chặt tất cả những khiếm khuyết của bản thân khỏi thế giới bên ngoài, đặc biệt là khỏi người thích họ.

    Thứ hai, xét theo khái niệm quý-hiếm, hầu hết những thứ quý báu trên đời này sẽ lại càng quý báu hơn khi nó trở nên khan hiếm. Khi yêu thương một ai đó, con tim cất lời thay cho lí trí, và giai đoạn yêu thương cuồng nhiệt hay thâm thậm chí là mù quáng là giai đoạn không thể tránh khỏi, dẫn đến một chuỗi cảm xúc ào ạt, vung vãi và tệ nhất là thừa thãi.
    Bản thân”kẻ thích” sẽ trở nên dễ dãi, mềm lòng, dễ bị thao túng, trở thành nô lệ của tình yêu và tệ nhất là trở nên hết sức ngu ngốc trong mắt “kẻ được thích” một khi đơn vị “được yêu thương” trước đây, đối với “kẻ được thích” được biết đến như dăm ba đồng bạc, giờ đây ngập ngụa như cơn “lạm phát”, khiến tình yêu lúc này mang lại cảm giác nhạt nhẽo vô cùng.
    Sự trân trọng một thứ khan hiếm từ đó không còn, mà thứ còn sót lại sau con sóng yêu thương đó, chỉ là sự thoả mãn đến ớn ngán thứ tình yêu vô bờ bến kia, khiến họ không thèm đoái hoài đến nó nữa.
    Những cuốn phim về tình yêu đôi lứa có cái kết hậu không để lại cảm xúc trong lòng khán giả mạnh mẽ như những bi kịch tình yêu. Khúc thịt có xương để gặm vẫn kích thích cơn thèm ăn hơn miếng thịt nạc, hạt dưa tách vỏ chẳng ai buồn ăn, gặt hái thành tựu mà không trải qua thử thách gian khổ thì quá hụt hẫng. Cuộc sống trở nên chán chường khi nó quá êm đềm. Lẽ đó, con người ta thích cảm giác theo đuổi tình yêu có hương vị thử thách, để khẳng định giá trị bản thân và hấp dẫn hơn trong mắt hôn phối trước khi đi đến quyết định “settle-down”.
    Thứ ba, “nồi nào, vung nấy”, nếu xét ở khía cạnh tâm hồn, nghĩa là gạt những khái niệm về bối cảnh gia đình, khả năng về kinh tế sang một bên và chỉ xét về cá tính của đôi bên: Cách tư duy, phong cách sử dụng lời nói, tiêu chuẩn về cái đẹp hay chính xác hơn là khả năng cảm thụ cái đẹp thì đó là tình yêu thuần khiết, nếu mỉa mai xét về khía cạnh “tri kỉ” (đáng tiếc là đã không còn hoặc đang chết giãy ở đâu đó giữa xã hội vật chất này).
    Khả năng cao nhất xuất phát từ động cơ hợp nhất trải nhiệm/ lí tưởng, dẫn đến hành vi rót vào nhau những thức ăn tinh thần như gu âm nhạc, văn học, tranh vẽ, phim ảnh thì đó chỉ là tình yêu trá hình “lớp giáo huấn đào tạo tri kỉ” và nó sẽ không có hồi kết, rốt cuộc chỉ vắt kiệt lí tưởng sống và nhân đạo sống của nhau. Thứ tồn đọng sau cùng chỉ là nỗi niềm bất mãn và thất vọng.

    Có một câu truyện, mình xin phép tóm tắt thô lại như sau:
    Một ông lão gặp một cô bé tại một cánh đồng hoa hướng dương, và ông yêu cầu cô bé hãy đi ngang qua cánh đồng hoa hướng dương đó và hái về cho cô một và chỉ một bông hoa hướng dương mà với cô, là bông hoa xinh đẹp nhất. Cô bé đi qua cánh đồng, hết bông hoa này đến bông hoa khác, cô bé không ngừng lưỡng lự và phân vân, khi cô bé sắp sửa hái một bông hoa thì trong lòng lại tự nhủ phía trước sẽ có bông đẹp hơn, rồi mấy chốc cô bé đã đi đến cuối cánh đồng nhưng trong tay không hề có bông hoa nào cả.

    1. Well, you seem to be very experienced. But I find your reasons pretty bitter. I agree to not agree ^^ Thanks for giving your voice. I will update accordingly.

  2. Umm..i’ll never claim to be a “very-experienced” person on the topic but, bitterly or dismally saying, it’s depends on the situation that i we was in and how we observe it throught times. You seems to be a light-hearted person so it’s good to you after-all and i’m happy for you to see things that way. Stay safe and keep you the good work.

      1. Sorry I did try to edit CSS in text format many times but it doesn’t work for comment section. WordPress is such a handful that I’m ready to be a coder :-s The best I can do is to change the font to make it suck less.

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.