Site Loader

Dịch từ bản gốc: We aren’t built to live in the moment

Disclaimer: Bài viết gốc chỉ là một bài Opinion chứ không phải là một  bài research kèm sources và studies để chứng minh tính xác thực của thông tin. Nghĩa là ý kiến của tác giả có thể đúng và sai, và bạn cũng có thể đồng ý và không đồng ý, nhưng vui là chính nha.

Mục đích chính của bài viết (theo mình nghĩ): là hãy thôi biện hộ sự buông thả của bản thân bằng lối sống YOLO đi, não bộ của bạn không cho phép bạn sống-như-không-có-ngày-mai đâu.


Loài người được đặt tên sai rồi. Chúng ta tự gọi mình là Người-tinh-khôn, nhưng thực chất danh từ ấy thể hiện sự tự mãn hơn là một mô tả đơn thuần. Thế cái gì đã cho chúng ta sự tinh-khôn ấy? Điều gì đã đưa chúng ta vượt xa các giống loài khác? Hằng hà sa số các lời giải đáp đã được phỏng đoán, nào là ngôn ngữ, công cụ, sự hợp tác, văn hoá, nằm ngoài chuỗi thức ăn, nhưng chẳng có yếu tố nào là độc nhất ở con người cả.

Điều khiến loài người trở nên khác biệt chính là một khả năng mà các nhà khoa học mới bắt đầu chú ý gần đây: Chúng ta chiêm nghiệm về tương lai. Chính tầm nhìn độc đáo của chúng ta đã tạo ra nền văn minh và duy trì một xã hội như chúng ta đang là. Cái tầm nhìn ấy đã nâng đỡ tinh thần, đưa đường dẫn lối chúng ta, nhưng nó cũng gây nên những bất an muộn phiền, dù ta đang đánh giá cuộc sống của cá thể hay lo lắng cho vận mệnh quốc gia. Các loài vật khác có các nghi thức vào mùa sinh sản để dạy dỗ nòi giống, nhưng chỉ có chúng ta, con người, mới bắt những đứa trẻ nghe bài phát biểu vào “ngày chào đời” để trịnh trọng thông báo rằng: hôm nay là ngày đầu tiên của toàn bộ cuộc đời sau này của chúng.

Xin phép đưa ra một cái tên khả dĩ hơn cho loài c­­húng ta là Người-tiên-liệu (Homo Prospectus), bởi chúng ta vươn mình bằng cách cân nhắc những triển vọng của mình. Chính khả năng nhìn xa trông rộng khiến chúng ta trở thành loài tinh-khôn. Nhìn vào tương lai một cách vô thức hay có ý thức là chức năng chính của bộ não chúng ta như các nhà tâm lý học và khoa học thần kinh đã khám phá ra, dù khá muộn màng bởi hầu hết các nhà nghiên cứu đều phỏng đoán con người là tù nhân của quá khứ và hiện tại trong suốt thế kỉ qua.

Các nhà hành vi học đã tin rằng cách học hỏi của động vật là việc thiết lập thói quen nhờ sự lặp đi lặp lại. Các nhà phân tâm học cho rằng phương pháp điều trị là khai quật và đối mặt với quá khứ của bệnh nhân. Thậm chí ngay cả khi tâm lý học nhận thức xuất hiện, nó cũng tập trung vào quá khứ và hiện tại – vào ký ức và nhận thức.

upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/b/...
Wanderer above the Sea of Fog – Caspar David Friedrich

Nhưng càng ngày càng thấy rõ rằng tâm trí chúng ta chủ yếu hướng về tương lai thay vì bị thúc đẩy bởi quá khứ. Ta sẽ không thể hiểu được hành vi, ký ức và nhận thức mà không đánh giá tầm quan trọng của sự tiên liệu tương lai. Cách chúng ta học hỏi không phải là ôm khư khư lấy bản ghi trong đầu mà là liên tục điều chỉnh ký ức và tưởng tượng ra các khả năng trong tương lai. Bộ não chúng ta quan sát thế giới không phải bằng cách xử lý từng điểm ảnh trong một phân cảnh mà bằng cách tập trung vào những bất ngờ khả hữu.

Cảm xúc của chúng ta thường định hướng hành vi trong tương lai hơn là phản ứng lại với hiện tại. Các nhà trị liệu cũng dần khám phá ra phương pháp mới để chữa lành chứng trầm cảm, căn bệnh mà họ cho rằng căn bản không phải do tổn thương quá khứ hay căng thẳng hiện tại mà vì tầm nhìn méo mó về những điều sẽ xảy ra.

Sự tiên liệu tương lai giúp chúng ta trở nên khôn ngoan không chỉ từ những kinh nghiệm của bản thân mà còn bằng cách học hỏi từ người khác. Chúng ta không giống với bất kì động vật xã hội nào khác, ta sống và làm việc theo bầy đàn xa lạ và đông đúc, bởi vì chúng ta đã và đang cùng nhau xây dựng tương lai. Văn hoá loài người – ngôn ngữ, sự phân công lao động, tri thức, luật lệ và công nghệ chỉ khả thi bởi chúng ta có thể dự liệu được những gì đồng loại sẽ thực hiện trong tương lai xa. Chúng ta hi sinh hôm nay để nhận lãnh phần thưởng ngày mai, dù là ở kiếp này hay kiếp sau như các tôn giáo đã luôn hứa hẹn.

Năng lực tiên liệu trong vô thức của chúng ta tương đồng ở một số động vật, nhưng hiếm có sinh vật nào có khả năng suy nghĩ trước hơn vài phút. Sóc dự trữ hạt theo bản năng chứ không phải vì chúng biết mùa đông sắp đến. Kiến cùng nhau xây tổ vì chúng được lập trình trong gen để làm như vậy, chứ không vì đã bàn luận rồi thống nhất về bản thiết kế. Thỉnh thoảng người ta cũng thấy tinh tinh là loài có tiên đoán ngắn hạn, chẳng hạn như con đực Cau Có ở vườn thú Thuỵ Điển, nó tích trữ đá để ném vào du khách đang trố mắt nhìn nó, nhưng tinh tinh không giống như loài Người-tiên-liệu.

Nếu bạn là một con tinh tinh, bạn sẽ dành phần lớn thời gian trong ngày để kiếm ăn từng bữa. Nếu bạn là con người, bạn có thể dựa vào hàng hoá dự trữ của người quản lý siêu thị, hoặc đặt chỗ nhà hàng vào tối thứ Bảy nhờ vào một sự phán đoán tập thể cho tương lai cực kì phức tạp. Cả bạn và nhà hàng đều tưởng tượng chung một thời gian trong tương lai là ngày thứ Bảy và cùng mong đợi hành động của đối phương. Bạn tin tưởng nhà hàng sẽ mua thức ăn và nấu món bạn cần. Người ta cũng tin tưởng bạn sẽ xuất hiện và trả tiền cho họ, số tiền mà họ chấp nhận chỉ vì chủ đất cũng chấp nhận để đổi lại thời gian thuê mặt bằng.

Vai trò trung tâm của sự tiên liệu tương lai đã xuất hiện trong các nghiên cứu gần đây về các quá trình tư duy có ý thức và vô thức. Một nghiên cứu ở Chicago đã liên hệ và ghi chép lại suy nghĩ cùng tâm trạng tức thời trong ngày của gần 500 người lớn. Nếu các học thuyết phân tâm học truyền thống chính xác thì những người này sẽ dành rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm. Nhưng thực tế họ lại nghĩ về tương lai nhiều gấp ba lần quá khứ, và thậm chí một vài suy tư về quá khứ xuất hiện chỉ để xem xét những tác động ở tương lai của chúng.

Khi lập kế hoạch, họ cho thấy mức độ hạnh phúc cao hơn và mức độ căng thẳng thấp hơn so với các thời điểm khác trong đời, có lẽ vì lập kế hoạch trông như sẽ biến mớ hỗn độn thành trật tự ngăn nắp. Mặc dù người ta thỉnh thoảng sợ rằng chuyện sẽ trật đường rầy, nhưng suy nghiệm về các triển vọng vẫn nhiều gấp đôi.

Trong khi hầu hết mọi người thường có xu hướng lạc quan thì những người trầm cảm lại có cái nhìn u ám mờ mịt về tương lai, và chuyện đó có vẻ là lý do cốt lõi cho căn bệnh của họ, chứ không phải vì sang chấn tâm lý ở quá khứ hay suy nghĩ tiêu cực trong hiện tại. Dù rằng các ám ảnh có ảnh hưởng lâu dài thật, nhưng hầu hết mọi người lại thực sự hồi sinh mạnh mẽ về sau. Những người khác tiếp tục chật vật khổ sở vì họ quá quan ngại về sự thất bại và từ chối. Các nghiên cứu cũng chỉ ra người bị trầm cảm khác với người bình thường ở chỗ: họ có xu hướng ít tưởng tượng ra viễn cảnh tươi đẹp đồng thời lại quá lo sợ về rủi ro tương lai.

Người trầm cảm dần dần lẩn trốn vào hang của họ và trở nên tê liệt về mặt xã hội chỉ vì phóng đại sự nghi ngờ bản thân. Một sinh viên thông minh và có thành tích tốt thường tưởng tượng: nếu mình thi trượt bài này, mọi người xung quanh sẽ vô cùng thất vọng và thấy được mình thực sự thất bại thế nào. Các nhà nghiên cứu bắt đầu thử nghiệm thành công những liệu pháp được thiết kế để phá vỡ kiểu tư duy này bằng cách luyện người bệnh hình dung kết quả tích cực của bài kiểm tra và nhìn thấy những rủi ro trong tương lai một cách thực tế hơn (nghĩa là nhiều cơ hội vẫn còn đấy thậm chí nếu bạn thi rớt).

Hầu hết các tiên liệu thường xảy ra ở mức độ vô thức khi bộ não chọn lọc các thông tin để đưa ra dự đoán. Hệ thống thị giác và thính giác của chúng ta, giống như các loài động vật khác, sẽ bị quá tải nếu chúng ta phải xử lý từng điểm ảnh một trên một phân cảnh hay mọi âm thanh xung quanh. Nhận thức có thể kiểm soát được là nhờ não bộ tạo ra những khung cảnh của nó, để thế giới nhìn vẫn ổn định dù mắt chúng ta vẫn di chuyển ba lần mỗi giây. Điều này giải phóng hệ thống tri giác khỏi các chú ý vào các thông tin không cần thiết cho sự dự đoán, đó là lý do tại sao bạn không hề để ý kim đồng hồ đang chạy trừ khi nó dừng lại. Nó cũng là lý do tại sao bạn không cười khi bạn tự cù mình: Bạn biết trước chuyện gì sắp xảy ra.

Các nhà hành vi học từng giải thích quá trình học hỏi là sự hình thành các thói quen bằng sự lặp lại và củng cố, nhưng lý thuyết của họ không thể giải thích được lý do tại sao động vật lại hứng thú với các trải nghiệm mới lạ hơn là quen thuộc. Hoá ra ngay cả những con chuột thí nghiệm vốn dĩ không phải là loài có thói quen, cũng đặc biệt chú ý đến những điều mới lạ bất ngờ bởi đó là phương pháp chúng học cách tránh hình phạt và giành phần thưởng.

Trí nhớ dài hạn của bộ não thường được so sánh với một kho lưu trữ, nhưng đó không phải là mục đích chính của nó. Thay vì trung thực lưu giữ quá khứ thì nó lại tiếp tục viết lại lịch sử. Nhớ lại một sự kiện trong một bối cảnh mới có thể giúp chúng ta chèn thêm thông tin mới vào ký ức. Việc hỗ trợ các nhân chứng có thể khiến họ tái tạo lại trí nhớ để dấu vết ban đầu không mất đi.

Sự linh hoạt của trí nhớ có vẻ giống một khiếm khuyết, đặc biệt là đối với bồi thẩm đoàn, nhưng nó lại hữu ích cho một mục đích quan trọng hơn. Nó là một tính năng chứ không phải là lỗi, bởi giá trị của trí nhớ nằm ở chỗ nó cải thiện khả năng đối mặt với hiện tại và tương lai của chúng ta. Nhằm khai thác quá khứ, chúng ta thường chuyển hoá nó bằng cách trích xuất và kết hợp các thông tin liên quan để phù hợp với các tình huống mới.

Mối liên hệ giữa trí nhớ và khả năng tiên liệu đã xuất hiện trong các nghiên cứu cho thấy rằng những người bị tổn thương vùng trung (thuỳ) thái dương của não thường mất ký ức về trải nghiệm quá khứ cũng như khả năng xây dựng giả định chi tiết và phong phú về tương lai. Cũng tương tự vậy, các nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em chỉ ra rằng chúng không thể hình dung ra tình huống tương lai cho đến khi đạt được khả năng nhớ lại các trải nghiệm cá nhân, điển hình là trẻ em ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi.

Có lẽ bằng chứng đáng chú ý phải nhắc đến là các nghiên cứu hình ảnh não gần đây. Khi hồi tưởng lại sự kiện quá khứ, hồi hải mã (hippocampus) phải kết hợp cả ba phần thông tin riêng biệt của một vấn đề đã xảy ra: Điều gì – Khi nào – Ở đâu, và mỗi phần được lưu trữ trong các khu riêng biệt của bộ não. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mạng lưới (circuitry) tương tự được kích hoạt khi người ta tưởng tượng ra một cảnh mới lạ. Một lần nữa, hồi hải mã lại kết hợp ba phần thông tin (điều gì, khi nào, ở đâu), nhưng lần này nó xáo trộn thông tin để tạo ra một thứ gì đó mới.

Thậm chí ngay cả khi bạn đang thư giãn, não bộ của bạn cũng liên tục kết hợp thông tin để tiên đoán trước tương lai. Đó là một quá trình mà các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên khi họ tình cờ khám phá ra trong lúc scan nghiên cứu não của những người đang làm một công việc cụ thể như tính nhẩm. Bất cứ khi nào có sự gián đoạn giữa các tác vụ thì lại xuất hiện những sự chuyển đổi hoạt động đột ngột trong mạng lưới mặc định của não, điều xảy ra nhằm giúp hình dung hoặc điều chỉnh quá khứ.

Khám phá này giải thích điều xảy ra khi tâm trí chúng ta lang thang giữa các tác vụ: Nó đang mô phỏng lại các khả năng trong tương lai. Đó là cách mà bạn có thể phản ứng thần tốc với những diễn biến bất ngờ. Những thứ như trực giác hay giác quan thứ sáu có thể được hình thành bởi các mô phỏng tương lai trước đó.

Giả sử như bạn nhận được một lời mời dự tiệc qua email từ một đồng nghiệp. Bạn phân vân trong thoáng chốc. Bạn mơ hồ nhớ lại chuyện từ chối lời mời lần trước, nó khiến bạn cảm thấy mình buộc phải chấp nhận cho lần này, nhưng sau đó bạn tưởng tượng ra khung cảnh nặng nề của bữa tiệc vì bạn chẳng ưa gì anh ta khi anh ta say khướt. Nhưng bạn lại tiếc tục cân nhắc chuyện chưa bao giờ mời anh ta đến chỗ mình, và bạn áy náy hình dung ra sự khước từ lần này sẽ khiến anh ta mích lòng, dẫn đến mấy chuyện rắc rối trong công việc.

Việc cân đo nặng nhẹ những yếu tố như vậy sẽ mất kha khá thời gian và năng lượng, nhưng bạn có thể quyết định nhanh chóng bằng thủ thuật tương tự như công cụ tìm kiếm của Google khi nó trả lời truy vấn của bạn chưa đầy một giây. Google có thể ngay lập tức cung cấp một triệu phản hồi vì nó không thu thập thông tin lại từ đầu mà luôn liên tục dự đoán những gì bạn có thể hỏi.

Não bộ của bạn cũng sử dụng kiểu tiên liệu như vậy để đưa ra câu trả lời tức thì dưới dạng cảm xúc. Theo các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực mới gọi là Tâm lý học tương lai, mục đích chính của cảm xúc là nhằm định hướng những hành vi và đánh giá đạo đức tương lai. Cảm xúc cho phép bạn đồng cảm với những người khác nhờ vào việc phán đoán phản ứng của họ. Một khi bạn hình dung cả bạn và người đồng nghiệp sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn từ chối lời mời của anh ta, trực giác sẽ mách bảo bạn nên trả lời thế nào cho đặng: “Nhất định rồi, cảm ơn đã mời nha.”

Câu hỏi đặt ra là, nếu Người-tiên-liệu có tầm nhìn thực sự dài hơi, liệu anh ta có phát điên không? Đó là một giả định lâu đời trong “lý thuyết kiểm soát khủng hoảng” (terror management theory) của các nhà tâm lý học, nó cho rằng con người tránh nghĩ về tương lai vì họ sợ cái chết. Lý thuyết này được đề xuất thông qua hàng trăm thí nghiệm trong đó yêu cầu mọi người nghĩ về cái chết của họ. Có một phản ứng phổ biến là khi đó họ trở nên quả quyết hơn về các giá trị văn hoá của mình, như kiểu yêu nước hơn chẳng hạn.

 The Vision of Tondal                                Hieronymus Bosch (attributed)
Tondal’s vision – Hieronymus Bosch

Nhưng cũng có bằng chứng nhỏ mà quý giá thể hiện rằng thật ra người ta dành rất nhiều thời gian bên ngoài phòng thí nghiệm để nghĩ về cái kết của mình hoặc kiểm soát sự sợ hãi về cái chết. Điều này chắc chắn không phải là điều mà các nhà tâm lý học tìm thấy trong nghiên cứu theo dõi suy nghĩ hàng ngày của những người ở Chicago nêu trên. Ít hơn một phần trăm suy nghĩ của họ có liên quan đến cái chết, và thậm chí những ý nghĩ đó lại thường là về cái chết của người khác.

Người-tiên-liệu, với sự duy lý của mình, không thể bị ám ảnh về cái chết bởi cùng một lý do cho việc anh ta không thể sống mãi với quá khứ: Anh ta không làm được gì với nó cả. Anh ta đã tiến hoá thành Người-tinh-khôn nhờ học hỏi cách nhìn thấy và định hình tương lai, và anh ta đủ khôn ngoan để vẫn tiếp tục nhìn về phía trước dù có chuyện gì đi nữa.

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.