Site Loader

Nhà em nuôi tủ lạnh từ khi em học lớp 5, là cách đây cũng gần 20 năm. Không rõ ba má hồi ấy kinh doanh món gì mà đột nhiên phất lên trông thấy. Nhà cửa xây lại khang trang, gạch lát sáng choang từ nền lên tận ⅔ tường (kiểu kiến trúc quê mùa em ghét nhưng thế hệ cũ ở quê rất chuộng), còn có cả bồn tắm nằm. Em nhớ hiệu tủ lạnh là Hitachi, bền lắm, đến giờ ba má vẫn còn dùng không nỡ vứt. 

Đoạn ấy, như em kể đấy, có chút khấm khá nên tủ lạnh lúc nào cũng chật kín thịt cá rau củ trái cây nước ngọt. Em hãnh diện lắm, bạn cùng lớp đến nhà tập văn nghệ em sẽ chạy lên chạy xuống giữa phòng khách và nhà bếp để lấy thứ này thứ kia trong tủ lạnh để khoe. Đi học về lại chạy ngay vào xem có má có mua món gì mới không. 

Nửa năm sau, thật ra em cũng không nhớ rõ, không – thời gian trong ký ức tuổi thơ em lẫn lộn giữa hiện thực và sách truyện em đọc, thì nhà có biến cố lớn. Má nằm viện suốt mấy tháng trời, ba chạy đi đi về về giữa bệnh viện và nhà để coi trông hai đứa con. Sau này ba má nhắc lại rằng nhà mình lúc ấy hoàn toàn khánh kiệt, có lúc trong túi ba chỉ còn 200 ngàn. Nhưng với một đứa bé 10 tuổi, em không phân biệt được khánh kiệt hay nghèo hay giàu. Đến bây giờ em cũng không cảm nhận giàu nghèo của mình, chắc vì bản chất self-centred. Chỉ biết rằng tủ lạnh từ ấy trống hoác, chỉ có hai món khổ qua và cá nục. Đấy là hai món duy nhất ba biết nấu nên đã dạy em nấu để hai anh em ăn qua tháng ngày chờ má đỡ bệnh. Em có tủi thân không? Không, em cũng chẳng hiểu cấu tạo não bộ mình thế nào nữa. Em chỉ nhớ duy nhất mình khóc oà lên khi lần đầu tiên thấy má nằm hôn mê trên giường bệnh, vì má trông… không giống má. Đó là một vụ tai nạn khủng khiếp.

Vài năm sau, má khoẻ lên và mọi thứ dần trở lại quỹ đạo bình thường, nhưng tủ lạnh thì không. Ký ức về tủ lạnh đoạn này, xen kẽ giữa sách vở trường lớp và lục đục gia đình, là mấy…bao ni lông. Kể ra thì buồn cười, nhưng không hiểu sao mảnh ký ức lại đọng lại mấy bao ni lông đựng thịt rau cá lác đác trong tủ. Lớn rồi nghĩ lại, chắp nối các sự kiện với nhau mới biết nhà đoạn ấy không hề bình thường. Ba má giấu chuyện kinh tế và mâu thuẫn nên em không biết, chỉ biết tủ lạnh ảm đạm, má không còn rạng ngời, ba ít ở nhà, nhà có thêm xe máy nhưng không còn đi du lịch cùng nhau, thỉnh thoảng em nghe loáng thoáng mấy từ “nợ” “lãi” trong câu chuyện của ba má.

Năm 15 tuổi em đi học xa nhà, ký ức về tủ lạnh bị đứt quãng. Mãi đến khi là sinh viên, bắt đầu sống một mình, tủ lạnh mới lại hiện diện rõ nét lại. Đừng cười em, nhưng thời gian đầu sống tự lập em để tủ lạnh bẩn lắm. Em sẽ đổ lỗi tại má, người mẹ này đã quá nuông chiều em đến hư hỏng, chẳng biết dọn dẹp, nấu ăn thì ăn không chết. Cứ cuối tuần má lại mang đồ sang nuôi tủ lạnh cho em. Em càng lớn, thói quen ăn uống càng đặc thù, thì kỹ năng chuẩn bị đồ ăn của má càng cao siêu. Dù em có chuyển chỗ ở ở Đà Nẵng hay ở Sài Gòn rồi về lại Đà Nẵng suốt từ năm 18 đến 27 tuổi, má vẫn đều đặn gửi hàng trợ cấp sang. Thịt bò thái lát mỏng như thịt trong tô hủ tiếu, ướp sẵn gia vị, cho vào từng khẩu phần 100g (vì em ăn theo chế độ tập gym ấy), xếp từng chồng trong tủ đông. Gà ta cũng ướp sẵn, đùi và ức gà trữ trong hộp cho em, phần lườn và đầu cánh cổ để cho ba (ba đoạn này bị thất sủng lắm). Thịt heo được cắt thành từng tảng vuông vức, ướp theo cách gia truyền của má để hấp thay cho luộc. Ba cũng thỉnh thoảng nướng thịt mang cho em, món này ba làm rất ngon. Dưa hấu hay mít má sẽ sang tận nhà gọt vỏ cắt từng miếng để ngăn mát. Má sợ em biếng ăn lười nấu mà sút cân.

Em đã cố gắng thái thịt bò mỏng như lá lúa như má, nhưng không thể, về sự tỉ mẩn vì tình yêu thương thì em vẫn thua xa má.

Từ khi sang Anh đến giờ, thời thế đã hoàn toàn thay đổi. Tủ lạnh thực sự do chính tay em nuôi. Ai cũng biết đồ ăn Anh chán nhất thế giới, có tiền ăn ngoài cũng không thể ăn món mình muốn ăn. Em từ nấu ăn làng nhàng vụt sáng thành đầu bếp, không chỉ nấu ngon, nấu đủ 3-4 bữa, mà còn nấu cầu kỳ. Em lại đổ lỗi cho má (và gym), tiêu chuẩn ăn uống đủ cao để phải học cách chiều lấy mình. Lúc mới sang một tuần em chỉ dám ăn đâu đó 20 bảng (tầm 600 ngàn), mà giờ đã tăng gấp 3. Mỗi cuối tuần em sẽ kéo xe đi 3 cái siêu thị mua đủ đồ. Chuẩn bị 5 hộp ngũ cốc sữa chua trái cây ăn sáng, nấu sẵn thịt cá trong hộp, mỗi tối sẽ chuẩn bị sinh tố và đồ ăn trưa cho hôm sau, trái cây thì không thể thiếu. Em nghĩ mình có thể nấu được hầu hết các món đã ăn ở Việt Nam.. Má thấy em chăm mình mà tặc lưỡi, đến má còn không chăm con được đến thế. Tủ lạnh giờ không chỉ sạch sẽ mà còn đầy ắp thịt cá rau củ quả trái cây và ti tỉ các thứ khác. Cảm giác no đủ an tâm của 20 năm trước lại quay về.

Prepmeal như này này, để vào tủ lạnh rồi ăn dần trong tuần. Đi làm rồi không còn thoải mái nấu ăn 3 bữa/ ngày nữa..

Em không cần đúc kết đại ý câu chuyện thì anh cũng hiểu em muốn nói gì phải không. Người đọc của em bây giờ đã tầm 30 rồi, cũng không cần phải giảng giải gì chi tiết. Người ta cứ thế trưởng thành dần qua năm tháng rồi soi chiếu về tuổi thơ thế thôi. Nhưng anh biết điều gì làm em ngạc nhiên không? Những năm đầu tuổi 20, khi chưa biết chăm sóc bản thân, em cứ mong đợi bạn trai sẽ “vì yêu” mà sẽ chăm em như má em chăm em vậy. Hay cứ anh giai nào hẹn hò mà hỏi em biết nấu ăn không, em sẽ ba máu sáu cơn mà luận giải về bình đẳng. Bây giờ thậm chí em không hề kỳ vọng đối phương phải vào bếp nấu ăn thể hiện tình cảm, em chỉ mong họ đừng là gánh nặng cho mình. Em tin rằng mình sẽ luôn là người chăm sóc bản thân. Người ta có thể dồn sức chăm sóc đầu tư cho em 3 tháng, em có thể giả vờ đảm đang lấy lòng người ta trong 3 tháng. Sau đó mèo lại hoàn mèo, người lại hoàn người. Sống đời với nhau thì phải cùng chăm nhau, người kia mệt thì mình chăm và ngược lại. Cả hai cùng mệt thì thả trôi một bữa, sống phiên phiến một tí cho đỡ áp lực. Cuối ngày thì mình vẫn là người chịu trách nhiệm cho linh hồn và dạ dày của mình. Đó là chưa kể khác biệt thói quen ăn uống, văn hoá vùng miền, khác biệt chủng tộc quốc gia, chăm sóc không thể là sự áp đặt nhân danh tình yêu.

Nếu em chăm ai, thì đó là một phần là vì yêu, phần lớn là vì người ấy sống trong cùng một nhà và chia sẻ cùng tủ lạnh với em (như bạn cùng nhà của em vậy). Vì đó là chuyện em làm hằng ngày. Nhưng, giả như, ta sống với nhau, và bỗng dưng tủ lạnh chỉ thấy toàn bao ni lông, thì anh hiểu chuyện gì đang xảy ra rồi đấy.

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.