Site Loader

Hẳn bạn đã từng hỏi và được hỏi rất nhiều những câu hỏi về sở thích như:

Bạn thích màu gì?

Bạn hay nghe thể loại nhạc nào?

Bạn thích xem phim gì? Ăn món gì? Làm gì khi rảnh?

Câu trả lời cho những câu hỏi này giúp ta có thể phỏng đoán được phần nào trình độ học vấn, thẩm mỹ và tính cách của người trả lời. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, nếu có nguyên một bộ câu hỏi thật chi tiết cho từng chủ đề, khảo sát trên một cỡ mẫu đủ lớn của một cộng đồng, ta có thể hiểu trình độ học vấn, thẩm mỹ, và đặc tính của cộng đồng ấy chưa? Nếu có, bạn không phải là người duy nhất thắc mắc điều đó.

Hai bức tranh và hai giai tầng

Tháng 12/1993, hai hoạ sĩ người Mỹ gốc Nga Vitaly Komar và Alexander Melamind đã thực hiện một cuộc khảo sát công phu trên 1001 người Mỹ trong 11 ngày với bảng câu hỏi chi tiết nhằm tìm ra các thành tố tạo nên một bức tranh được thích nhất và bị ghét nhất của người Mỹ. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy: 44% người Mỹ thích màu xanh cô ban, 49% thích tranh phong cảnh với cảnh sông hồ mây núi, 41% muốn có tranh cỡ lớn (60% trong số 41% đấy chọn tranh to cỡ size máy giặt, chỉ ít hơn 20% thích tranh cỡ tủ lạnh), và 56% người Mỹ muốn có yếu tố lịch sử trong tranh hơn là người nổi tiếng hiện đại.

Dựa trên kết quả khảo sát ấy, hai hoạ sĩ đã hiện thực hoá số liệu thành một bức tranh với tên gọi “The most wanted painting”, và nó trông thế này:

omar & Melamid, America’s Most Wanted, 1994. Photo by D. James Dee. Cou
Komar & Melamid, America’s Most Wanted, 1994. Photo by D. James Dee. Courtesy of the artists and Ronald Feldman Gallery, New York.

Hoá ra, đó là một bức phong cảnh gồm mây trời xanh mơ màng, đồng màu với dòng sông lồ lộ ngay giữa tranh, trên bờ George Washington đang đi dạo thơ thẩn, một gia đình Mỹ hiện đại đang đi dã ngoại lướt qua mặt vị tổng thống đáng kính, điểm xuyết hai con nai đang nghễnh ngãng dưới sông. Một kiểu tranh nhàm chán và dễ đoán, nhưng chẳng ai ngờ được lại là thẩm mỹ của đại chúng Mỹ.

Vậy bức tranh bị ghét nhất trông như nào? Chỉ có ¼ số người Mỹ được khảo sát cho biết họ tìm nghệ thuật hiện đại (modern art) để trang trí nhà cửa, còn 60% lại chọn tranh hiện thực hơn là tranh trừu tượng, và hầu hết không thích hình khối góc cạnh, màu sắc bị chia mảng. Để minh hoạ cho sở ghét đó của người Mỹ, hai hoạ sĩ đã tạo ra một bức tranh trừu tượng bé cỡ bìa sách, phủ lớp màu cực dày, với đủ các loại màu nóng chia, không theo hình thù cụ thể mà chỉ là các hình tam giác chồng chất nhau.

Komar & Melamid, America’s Most Unwanted, 1994. Courtesy of the artists and Ronald Feldman Gallery, New York.

Hai bức tranh cùng những tác phẩm khác dựa vào trên kết quả khảo sát này đã được thử nghiệm ở 10 quốc gia khác và cho ra hiệu ứng tương tự như người Mỹ. Chỉ có mỗi Hà Lan là ngược lại, bức được người dân thích nhất là bức tranh trừu tượng màu cam.

Ông Melamid đã kết luận rằng: “Chúng ta có thể tin vào năng lực bầu cử của người Mỹ, nhưng chẳng thể tin nổi vào gu thẩm mỹ của họ.

Sự phân loại sở thích

Rốt cuộc thứ gì đã tạo nên sự khác biệt trong sở thích nghệ thuật đại chúng? Hai bức tranh ấy như đại diện cho hai tầng lớp: số đông và thiểu số, hay còn gọi là: tầng lớp đại chúng và tầng lớp tinh hoa. Nghe tên gọi đã thấy phân biệt tầng lớp rồi phải không? Mà phân biệt tầng lớp thì phải tìm hiểu xã hội học để hiểu ngọn ngành của sự phân biệt sở thích này. Pierre Bourdieu, nhà xã hội học người Pháp chuyên nghiên cứu sở thích trong mối liên hệ giữa giai cấp kinh tế – xã hội và “vốn văn hoá” (cultural capital), đã thực hiện khảo sát những yếu tố xã hội đóng vai trò trong việc lựa chọn quần áo, đồ nội thất, hoạt động giải trí, thực đơn bữa tối cho khách và nhiều vấn đề khác về khẩu vị của một người Pháp và xuất bản ra cuốn sách nổi tiếng Distinction: A Social Critique of the Judgement of Taste (1979).

Bourdieu cho rằng, những người có vốn văn hoá cao (chẳng hạn như giáo dục và địa vị xã hội) thường có khả năng quyết định thẩm mỹ trong xã hội. Những tầng lớp có vốn văn hoá thấp hơn thường chấp nhận những quy định thẩm mỹ đó. Ví dụ điển hình là Vua Luois XIV đã đòi hỏi thức ăn của ông chỉ được nêm nhạt bằng muối và tiêu thôi, kể từ đó cả nền ẩm thực Pháp mắc kẹt với hai loại gia vị ấy đến nay (kể ra nền ẩm thực Việt Nam lại may mắn quá vì tầng lớp thống trị ngày xưa thích ăn uống cầu kì cơ).

Tầng lớp có vốn văn hoá thấp thường không thể tiếp cận đến lượng vốn văn hóa cao hơn vì thiếu phương tiện. Chẳng hạn, đơn giản nhất là thiếu ngoại ngữ để đọc đến những tác phẩm kinh điển hoặc tìm hiểu tri thức được viết bằng ngoại ngữ, thiếu kinh tế để dùng đến xa xỉ phẩm, thiếu thời gian để học hỏi và chiêm nghiệm. Hầu hết những người thuộc tầng lớp lao động mong đợi sự vật “phục vụ một chức năng cụ thể”, còn những người đã thoát khỏi nỗi lo cơm áo gạo tiền có thể ngắm nhìn sự vật (cái Đẹp) một cách thuần tuý, tách biệt khỏi đời sống bình thường. Có thể liên hệ điều này đến tác phẩm Một người Hà Nội (Nguyễn Khải), bà Hiền, nhân vật chính trong truyện ngắn, là một người đàn bà tư sản, hạt bụi vàng của Hà Nội đã nói một câu rằng: “Xã hội nào cũng phải có một giai tầng thượng lưu của nó để làm chuẩn cho mọi giá trị”. Trong khi nhân vật “tôi” trong truyện miêu tả cuộc sống vô sản: “Gia đình tôi thì ăn uống bình dân hơn, vợ chồng con cái ngồi súm sít quanh cái mâm nhôm, […]. Ăn cốt để sống, để làm việc, hay hớm gì cái thứ lễ nghi của… giai cấp tư sản.” Còn cuộc sống bà Hiền lại được miêu tả: “Cái mặc cũng sang trọng quá. Mùa đông ông mặc áo ba-đờ-xuy, đi giày da, bà mặc áo măng-tô cổ lông, đi giày nhung đính hạt cườm. Lại cái ăn nữa cũng không giống với số đông. Bàn ăn trải khăn trắng, giữa bàn có một lọ hoa nhỏ, bát úp trên đĩa, đũa bọc trong giấy bản và từng người ngồi đúng chỗ đã quy định.”

Dẫu cho giai tầng xã hội cấp dưới thiết lập thị hiếu riêng, sở thích riêng về thứ gì tốt hay không tốt, cũng vẫn là “thẩm mỹ bị trị” (dominated aesthetic) và luôn tự thân xác nhận thẩm mỹ của “giai cấp thống trị”. Vì vậy, Bourdieu đã tóm tắt lại cuốn Distinction: A Social Critique of the Judgement of Taste (1979) bằng một câu ngắn gọn: “Sở thích phân loại, và (nó) phân loại kẻ phân loại.

Thế bây giờ chúng ta cố gắng học hành chăm chỉ, làm việc cật lực để tăng vốn văn hoá, liệu khiếu thẩm mỹ có được cải thiện?

Pierre Bourdieu còn chỉ ra rằng: chẳng có gu thẩm mỹ nào tinh tuyền cả, các lựa chọn trong sở thích của mọi người được đưa ra đối lập với những lựa chọn của các tầng lớp khác. Nói cách khác, tất cả chúng ta đều là những kẻ trưởng giả học làm sang. Chúng ta liên tục muốn trau dồi vốn văn hoá của mình để leo lên nấc thang cao hơn của thẩm mỹ và giai cấp. Và khi không thoả mãn được kỳ vọng ấy, ta quay sang căm ghét giai cấp và sản phẩm của giai cấp ấy, và bợ đỡ thứ thị hiếu bình dân của mình. Đó là lúc mà nghệ thuật bình dân (kitsch) ra đời để phục vụ đại đa số công chúng, những bức tranh hao hao nhau về đồng lúa, cây đa đầu làng, phố cổ đông đúc bán đầy ở Hội An, những bản nhạc tình dễ nghe dễ hiểu pha chút giật gân kệch cỡm trong top trending, những bộ phim mì ăn liền nhanh xem nhanh quên.

Thế nên, người nghệ sĩ luôn băn khoăn giữa hai lựa chọn: chạy theo thị hiếu bình dân để giải trí cho số đông hay trung thành với nghệ thuật tiên phong chỉ được hân hưởng bởi thiểu số?

Chẳng lẽ không có lựa chọn nào ở giữa hai bức tranh của Vitaly Komar và Alexander Melamind, giữa những bức phong cảnh na ná nhau và tác phẩm vô tiền khoáng hậu cho những kẻ đang loay hoay ở giữa hai giai tầng hay sao?


Sources:

  1. An Introduction to Art Theory, Cynthia Freeland, 2001
  2. Painting by the Polls, The New York Times
  3. This Is America’s Most Wanted Painting, Artsy
  4. Distinction A Social Critique of the Judgement of Taste, Pierre Bourdieu, 1979
  5. Một người Hà Nội, Nguyễn Khải, 1990
  6. Why Salt & Pepper Ended Up On Every Table

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.