Đó không phải là câu hỏi cần giải đáp với một list các lý do cần đọc sách, mà là một câu cảm thán nhẹ nhàng thay cho câu này: Why the f*ck do you have to read books you don’t like?!
Trừ những đối tượng không có nhu cầu đọc hoặc đã là người đọc lâu năm, những người-muốn-đọc-sách-nhưng-không-biết-bắt-đầu-từ-đâu thường rơi vào những cái bẫy như này:
- Top 10 cuốn sách nhất định phải đọc trong đời (top 1: Đắc nhân tâm)
- 7 cuốn sách thay đổi cuộc đời bạn
- 11 tips giúp bạn đọc sách tốt hơn (top 1: ghi chú và highlight)
- Đọc sách mỗi ngày để tạo thói quen
- Đừng bỏ dở một cuốn sách hay
- Đọc … cuốn sách bạn sẽ trở thành …
Với kinh nghiệm của một người 3 năm liên tục chưa đạt thử thách 24 cuốn/năm cuae Goodreads, mình xin phép liệt kê những điều mình quan sát được ở người đọc nửa vời.
1. Đọc sách là sở thích, nghĩa là trước hết phải thích đã
Mỗi khi có ai đó bắt đầu ngưỡng mộ chuyện đọc của mình, mình đều phải giải thích rằng:
Chẳng có gì cao siêu cả đâu, mình nghèo nên phải ngồi nhà đọc sách giải khuây thôi. Nếu có nhiều tiền mình cũng ăn chơi trác táng lắm.
Một phần là vì nghèo thật, nhưng phần lớn là do may mắn. Ngay từ khi còn nhỏ mình đã được đọc những cuốn sách văn học lôi cuốn, và cứ thế bị những câu chuyện kéo tuột đi đến mãi sau này. May mắn là mình được tiếp xúc với những cuốn sách mình thích, may mắn vì biết thấy thích những cuốn sách ấy. Mình như miếng bọt biển liên tục thấm hút những câu chuyện mà không hề có mục đích đọc để tăng kiến thức, tăng trí tuệ, tăng vốn sống, tạo thói quen hay bất kỳ mục đích nào ngoài khao khát muốn được đọc.
Thế nên mình nghĩ, trước khi hành hạ bản thân bằng cách tạo thói quen đọc hay thuyết phục sự chây ỳ bằng những ích lợi của việc đọc, điều bạn cần làm là tìm cho ra cuốn sách bạn thích đọc. Đó phải là cuốn sách khiến bạn say mê đọc quên thời gian, đọc đến đâu lòng (hoặc não) nảy nở đến đấy. Một cuốn sách khiến bạn nhớ (mang máng) một câu thoại tâm đắc, một ý tưởng thú vị, để mỗi lần nói chuyện liên quan thì ngay lập tức có thể nhắc lại, hoặc thậm chí kể lại cả cốt truyện.
Mình không quan tâm tới thể loại sách người khác thích đọc, có thể là self-help, ngôn tình, textbook, papers, triết học, văn học, tiểu thuyết (nếu có thì mình cũng chỉ đánh giá ngầm thôi). Điều mình cho rằng quan trọng hơn hết về sự đọc của một người là cách người ta cảm nhận và áp dụng cuốn sách ấy vào cuộc sống và cuộc hội thoại. Được nhìn thấy tất cả biểu cảm biến chuyển trên gương mặt của một người đang say mê kể về thứ người ấy thích còn đáng giá hơn ngồi xem một bộ phim.
2. Đừng bở lỡ những cuốn sách kinh điển?
Tâm lý FOMO thì hầu hết mọi người đều gặp, và gặp trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống. Mấy danh sách “Top 10 cuốn sách nhất định phải đọc trong đời”, “Là phụ nữ không nên bỏ qua những cuốn sách này”, “Những cuốn sách được Bill Gates gợi ý nên đọc” chắc khiến không ít người bồn chồn dày vò. Trong cuốn Tôi tự học của cụ Nguyễn Duy Cần có đề cập rằng: phàm những cuốn sách được tiếp thị nhiều càng không đáng đọc. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn tính phổ cập tri thức của việc quảng cáo sách, nếu không có những kiểu giới thiệu ấy thì nhiều người sẽ không biết đến những cuốn sách hay để đọc, góp phần gia tăng số sách trung bình mỗi người Việt Nam lên 1.2 cuốn/năm. Nhưng mục đích chính chẳng phải để gia tăng sức mua hay sao? Bạn mua về đọc thì tốt quá, chứ mua về rồi để lên giá ngắm, yên tâm rằng mình đã không bỏ lỡ những cuốn sách hay, và xem việc trữ sách như là một hành động giúp bạn đứng vào hàng ngũ những-người-yêu-sách thì đem lại lợi lộc gì ngoài lợi lộc cho nhà xuất bản.
Thế nhỡ khi đọc sách (được quảng cáo là) hay nhưng lại không thấy hay thì sao? Ráng đọc cho hết hay bỏ dở?
Cố gắng đọc một cuốn sách vì nó được gắn nhãn best-seller cũng khổ sở không kém gì phải ăn mướp đắng vì nó tốt cho sức khoẻ cả (nếu bạn thích mướp đắng là chuyện khác, mình thì không). Bỏ dở hay không đọc một cuốn sách hay không khiến bạn ngu dốt hơn (mình toàn tự nhủ: không thể nào dốt hơn được nữa rồi), nhưng tiếp tục đọc trong chật vật bạn sẽ bỏ lỡ niềm vui đáng lẽ bạn đã có trong thời gian ấy. Mình chưa thấy cuốn sách nào mình không thích mà ráng đọc cho hết lại giúp ích gì cho mình cả, ngồi không và thở có khi còn đáng giá hơn (mình đang nghĩ đến cuốn The awakening của Kate Chopin).
Một cuốn sách khó đọc và một cuốn sách bạn không thích cần được cư xử khác khau. Một cuốn sách khó đọc là một cuốn sách khiến bạn tò mò và đóng góp vào tri thức bạn đang thiếu, nhưng hiện tại bạn lại chưa đủ khả năng đọc hiểu để hoàn thành nó. Những cuốn sách này cần sự kiên nhẫn, đọc chậm rãi, kỹ càng, mệt thì tìm cuốn khác đọc hoặc đi chơi tung toé rồi về đọc tiếp, năm này chưa đọc được thì năm sau quay lại đọc. Còn những cuốn sách có hay đến mấy mà đọc một 10% rồi vẫn chưa thấy chút xúc cảm nào xảy ra, thì tốt nhất là:
Sau đó dùng toàn bộ năng lượng ghét bỏ ấy để chê bai cuốn sách chân thành kính cẩn vào, còn thi vị hơn là quay qua đọc review để giả vờ thích nó khi đàm đạo với người khác. Nào, tôn trọng khẩu vị của bản thân một tí đi nào.
Ngoài ra, có những cuốn sách “kinh điển” không cần phải đọc hết từ đầu đến cuối. Ừ, là self-help đấy. Mục lục phát huy tác dụng cao nhất đối với những cuốn này. Đọc introduction là tóm tắt được ý tưởng của cuốn sách, sau đó chọn chương nào muốn đọc kỹ sau. Mình còn lười hơn, đọc summary của cuốn sách trước lấy luận điểm, nếu thấy tò mò mới qua đọc sách, nhưng hầu hết là tóm tắt đã đủ dùng với mình rồi. Đừng lo bạn sẽ bỏ lỡ thứ gì quan trọng. Các cuốn sách self-help thường xào đi nấu lại một vài ý tưởng trùng lắp rồi thêm mắm dặm muối để tăng dung lượng từ 30 trang lên 300 trang và bán với giá 149k (đã giảm 20%). Thật sự nể phục những bạn đam mê đọc sách self-help và kiên nhẫn viết tóm tắt lại, bạn đã tiết kiệm thời gian sống của rất nhiều cá thể, góp phần vào quá trình tiến hoá của loài người.
3. Đọc sách mà người mình ngưỡng mộ thích?
Mình có hai xu hướng tâm lý: Tìm hiểu cuốn sách mà người mình thích đang hứng thú, và từ chối đọc cuốn sách mà người khác bảo mình nên đọc. Nghĩa là nếu mình đang định đọc một cuốn mà người mình thích thích, rồi người ấy bảo mình nên đọc đi, thì mình sẽ bỏ ý định đó ngay. Xu hướng tâm lý thứ nhất rất dễ hiểu, chúng ta thường muốn giống người chúng ta thích. Xu hướng thứ hai còn dễ hiểu hơn, do kiêu ngạo mà ra. Và cả hai tâm lý đều có thể trở nên không tốt cho bản thân người đọc.
Trong trường hợp bạn là một người chuyên đọc sách non-fiction, nhưng bạn lại lỡ thích cách một người kể về một nhân vật trong một cuốn sách người ấy thích, bạn cũng muốn thử đọc xem cuốn đó để: 1) hiểu người ấy hơn; 2) gây ấn tượng trong cuộc hội thoại với người ấy. Nếu bạn cũng thích cuốn ấy thì quá tốt, nhưng nhỡ chả thích mấy, thậm chí còn thấy nhạt toẹt, thì phải làm sao? Tốt nhất là đừng cố đấm ăn xôi đọc làm gì, cũng đừng cố cho người ấy biết mình đã đọc. Hãy toả sáng điểm mạnh của mình hơn là đi khắc phục những điểm yếu của bản thân. Trong 10 năm bạn đọc non-fiction thì người ta cũng dành 10 năm đọc fiction, bạn chạy sao kịp số sách văn học người ta đọc mà phải bắt chước cho cực. Kể cho người ấy nghe về những cuốn sách bạn yêu thích vẫn hiệu quả hơn gây ấn tượng bằng việc đọc một cuốn mà người ta đã thuộc lòng. Cá nhân mình ít khi nói chuyện về sách vở với bạn bè, nhưng nếu có đàm đạo, mình thích nghe người ấy kể về thứ mình không biết để tiết kiệm thời gian sống, và ngược lại.
Với tâm lý kiêu ngạo ngầm của một người đọc, mình thường khắc phục bằng cách tìm hiểu review của cuốn sách trước, tải ebook (nếu có) về đọc thử, khi cảm thấy hứng thú thì mình mới mua sách về đọc tiếp trong âm thầm. Nếu cuốn sách khơi gợi được cảm xúc hoặc đóng góp vào trí tuệ của mình, mình mới trở lại cảm ơn người đã giới thiệu. Còn nếu cảm thấy không thích mấy thì quay về ý 2), cũng trong âm thầm. Bởi không chỉ cần tôn trọng khẩu vị của bản thân, mà còn tôn trọng khẩu vị của người khác nữa, có phán xét cũng nên khe khẽ trong đầu thôi.
Tựu chung lại, đọc sách cần thiết thật, nhưng không có lý do gì để phải đọc một cuốn sách bản thân không thấy thích dù nó có được ca tụng đến mấy. Đọc được sách mình thích sẽ càng muốn đọc thêm, đọc thêm lại càng muốn đọc nhiều, đọc nhiều sẽ tự khắc hình thành khẩu vị và tư duy riêng để biết chọn lựa sách phù hợp. Hơn nữa, đọc nhiều đọc nhanh mà không soi chiếu được cuộc đời mình vào những trang sách đã đọc, chi bằng làm người nông dân ít học chiêm nghiệm trên cánh đồng còn thông thái hơn. Quan trọng là, chúng ta biết tôn trọng sách vở và niềm vui đọc sách của bản thân.