Có thể phản ứng của bạn với tiêu đề là một cái bĩu môi và cảm thán: “Cliche!”. Mình không định dùng giọng văn Chicken soup for soul để viết về chủ đề tâm linh trừu tượng này, cũng không tự sáng tạo kiến thức chỉ với hơn hai chục năm sống. Gần đây mình đọc cuốn Further Along the Road Less Travelled, và có một đoạn tác giả – Tiến sĩ Morgan Scott Peck- viết về bản tính con người và sự trưởng thành tâm linh rất ấn tượng, nên mình chia sẻ nó lại cho những ai cần đến.
Một điều lưu ý, trong bài viết mình sẽ dùng “Thiên Chúa” khi nhắc đến một Đấng Huyền Nhiệm (Mystery), bạn có thể thay đổi bằng những tên gọi phù hợp với đức tin của bạn. Nếu bạn không có đức tin, bạn cũng sẽ tìm thấy bản thân ở đâu đó trong những chặng đường này thôi, không có chuyện “chắc nó chừa mình ra” đâu.
Con người là loài vật kì lạ. Chúng ta là loài duy nhất mặc quần đi vào toilet, chúng ta làm những điều trái với tự nhiên và xem đó là văn minh. Các loài vật khác được trao đầy đủ bản năng để sinh tồn, như cá hồi đến mùa là có thể vượt sông vượt biển để quay trở lại nơi nó sinh ra và đẻ trứng mà không cần la bàn, như loài rùa biển cứ đến kỳ lại vượt đại dương lên bờ để sinh nở mà không cần Google map. Còn chúng ta dường như quá thiếu các bản năng và khuôn thức ứng xử có tính di truyền, nên chúng ta thiết lập các khế ước xã hội và dựa vào đó để sống, nên lúc nào cũng đau đáu câu hỏi về sứ mệnh cuộc đời. Nhưng chẳng phải như vậy nghĩa là chúng ta có sự tự do phi thường và khả năng ứng xử đa dạng hay sao? Cá hồi hay rùa biển không thể nào tự ý thay đổi lịch trình trong gen của nó được, nhưng chúng ta thì có. Không mặc quần đi vào toilet ở nhà bạn vẫn có thể mặc quần đi vào toilet ở quán cà phê mà. Đó không phải là món quà tuyệt vời nhất mà Thượng Đế đã ban tặng chúng ta ư? Thế nên, trước khi tìm hiểu về sự trưởng thành tâm linh, chúng ta nên dành một phút mặc niệm cho niềm vinh dự với tư cách là con người.
Vì có tự do quyết định, nên chúng ta luôn thay đổi suốt cuộc đời, và thay đổi không cùng một tốc độ với nhau, nên sự trưởng thành cũng khác nhau.
- 4 chặng đường trưởng thành tâm linh
Có 4 chặng đường trưởng thành tâm linh được tóm lược như sau:
a) Chặng I
Tạm gọi chặng I là chặng “hỗn loạn”, chiếm khoảng 20% trong chúng ta. Đây là nhóm người hoàn toàn vô nguyên tắc, không có gì níu giữ họ trong cuộc đời này, bất tuân với mọi thứ trừ ý chí của chính họ. Mà ý chí thì bất kham và hay thay đổi, nên chính họ cũng tự lừa mình, quẩn quanh với mớ bòng bong suy nghĩ của bản thân. Một số sẽ bê tha theo nghĩa đen, đầy thói hư tật xấu, ra tù vào tội, ốm đau bệnh tật vặt vẹo. Nhưng một số khác lại bê tha theo nghĩa bóng, họ có thể kỷ luật để phục vụ tham vọng như tiền tài danh vọng, có thể leo lên địa vị xã hội cao, thậm chí trở thành tổng thống hoặc nhà truyền giáo nhưng họ vẫn không biết thứ gì khác bên ngoài ý chí riêng.
Nếu may mắn, họ sẽ sống một cuộc đời suôn sẻ theo lịch trình được thiết lập sẵn theo số đông và theo ý chí của họ, không có ai hay gì xuất hiện để vả vào mặt họ. Nếu may mắn hơn, họ sẽ vẫn thấy rất hài lòng với cuộc sống vô nguyên tắc kia. Nếu gặp chuyện, thường là những lộn xộn do chính họ gây ra, họ sẽ nhắm mắt làm ngơ, cho đến khi những đau đớn từ những biến cố ấy tiếp tục diễn ra khiến họ không thể tự mình giải quyết nổi. Hoặc họ sẽ tự tử, hoặc sẽ chuyển sang chặng II. Vậy nên bạn đừng quá ngạc nhiên nếu có ai đó trông rất hoàn hảo và hạnh phúc mà vẫn muốn chết, họ chỉ không thể chịu nổi chính họ mà thôi. Còn việc biến chuyển lên chặng II này thường rất đột ngột và kỳ diệu, như thể Chúa đã vươn tay ra mà kéo linh hồn họ lên vậy. Ban đầu sự biến chuyển chỉ là vô thức và diễn ra khoảnh khắc, nhưng sau khi người ta đã ý thức được, họ sẽ muốn làm mọi thứ để thoát khỏi sự đau đớn hỗn loạn kia, kể cả ép mình vào một khuôn phép.
b) Chặng II
Thế nên chặng II có thể được gọi là “khuôn khổ”, một cơ chế mà người ở chặng I cần để quản thúc họ, giúp họ vượt qua biến cố. Khuôn khổ rất đa dạng, nó có thể là nhà tù, quân đội, công ty, một kiến thức nào đó, và phổ biến nhất là tôn giáo. Bởi vì họ cần cơ chế quản thúc, nên họ gắn chặt với khuôn khổ ấy, bằng cách trở thành một người tù mẫu mực, một nhân viên mẫn cán, một nhà khoa học nguyên tắc, hay một con chiên ngoan đạo.
Mình nói kỹ hơn vào phần tôn giáo nhé, vì nó gần nhất với lĩnh vực tâm linh chúng ta đã nói đến. Những người ở chặng II này thường nhìn Thiên Chúa như một ông cảnh sát tốt bụng ở xa xa trên trời, Ngài là mẫu nam tính, là hữu thể yêu thương, có quyền ban thưởng nhưng cũng không ngại trừng phạt thích đáng cho những tội lỗi. Họ không cảm nhận được rằng Thiên Chúa có một nửa ở trong họ nên mới có nghi thức nhận Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ vào người để nuôi dưỡng phần linh hồn của Thiên Chúa trong ta. Các tôn giáo khác cũng tương tự như vậy, mối quan hệ giữa những người ở chặng II và các Đấng huyền nhiệm như một sự đổi chác / giám sát hơn là sự giác ngộ. Đây là những người khi đọc thấy câu: “Hãy vác thánh giá theo chân Chúa” thì sẽ vác thánh giá thực sự ngoài đời (nếu bạn xem Minari rồi bạn sẽ cảnh này quen thuộc).
Hãy thử tưởng tượng hai người trong chặng II này kết hôn và sinh con đẻ cái. Họ sẽ tạo ra một mái ấm ổn định tràn ngập tình yêu và bằng mọi giá giữ gìn sự ổn định và những giá trị cao đẹp của tôn giáo. Bởi vì họ không muốn con cái họ lại rơi vào hỗn độn mà họ từng gặp trước đây nữa. Những đứa trẻ sẽ lớn lên trong tình yêu thương và những nguyên tắc tôn giáo, cho đến khi tất cả các nguyên tắc và giá trị tôn giáo “nội tâm hoá” trở thành máu thịt của nó. Nhưng đồng thời, đó cũng là lúc những đứa con đã có ý thức riêng, có tự do ý chí riêng, nó sẽ phản kháng và bắt đầu ruồng bỏ cái cơ chế giám sát mà trước đây bố mẹ nó đã cầu đến. Thế là chúng dần xa rời tôn giáo, trở thành những con người hồ nghi, bất khả tri, vô thần, và nghĩa là những con người này bước vào chặng III.
c) Chặng III
Gọi là chặng III là chặng “hồ nghi”, không tin vào tôn giáo nhưng lại trưởng thành hơn những người “ngoan đạo”. Nhưng khoan hẵng xếp bản thân vào chặng III này, vì không phải cứ vô thần hay bài tôn giáo là trưởng thành tâm linh đâu ạ, đọc kỹ tiếp nhé. Những người ở chặng III thường là những người can dự sâu sắc vào xã hội, đặt nền móng cho những phát triển cộng đồng như y bác sĩ, nhà khoa học, các nhà hoạt động,… Họ là những người có tri thức, giàu lòng yêu thương, và thường nặng về tư duy khoa học. Họ tìm kiếm chân lý đến nơi đến chốn (chứ không phải chẳng biết gì mà vẫn bài trừ đâu). Và nếu cố gắng tìm hiểu đủ SÂU và đủ RỘNG, họ sẽ bắt đầu thấy điều họ tìm kiếm, một bức tranh toàn cảnh dần được ghép lại. Một bức tranh không chỉ xinh đẹp mà còn rất giống những thần thoại, dụ ngôn mê tín mà ông bà cha mẹ họ đã tin vào. Và ở đây, họ chuyển sang chặng IV “thần bí” (mystical).
d) Chặng IV
Những nhà thần bí là những người đã nhận ra một loại kết nối bên dưới các bề mặt, dù ở văn hoá hay tôn giáo nào họ cũng có những giác ngộ tương đồng nhau. Họ yêu sự huyền nhiệm và thích giải mã các huyền nhiệm ấy, nhưng đồng thời họ biết rằng càng giải mã thì họ càng thấy nhiều huyền nhiệm hơn. Họ biết rằng họ chẳng biết gì cả, và họ thung dung sống trong thế giới mơ hồ ấy, điều mà rõ ràng người ở chặng II sẽ phát run khi nghĩ về.
Thật ra, người ở chặng II và chặng IV có thể cùng chia sẻ một đức tin, nhưng cách nhìn thì khác nhau ở tầng lớp sâu xa. Với câu “Kính sợ Chúa là bắt đầu khôn ngoan” (Thánh Vịnh 111), người ở chặng II sẽ nghĩ: nếu biết kính sợ ông cảnh sát tốt bụng, ta sẽ được tỏ bày bởi Thiên Chúa; người ở chặng IV sẽ hiểu: “Lòng kính sợ Thiên Chúa sẽ cho bạn thấy con đường giác ngộ”. Và cả hai đều đúng. Luôn có nhiều cách diễn dịch trong mỗi câu nói, nên luôn có chỗ cho người ở chặng II và IV trong các tôn giáo.
2. Đừng chỉ đánh giá qua vẻ bề ngoài
Quá trình trưởng thành tâm linh không theo đường thẳng tăm tắp chạy từ chặng I lên chặng IV. Không phải ai cũng đạt được đến chặng IV khi đến gần đất xa trời. Có người mãi mãi nằm lại ở chặng I. Có người trông như thể đã ở chặng IV, nhưng thực ra lại là những kẻ man trá ở chặng I. Thế nên phải hết sức cẩn thận đánh giá bản thân và người khác ở mức độ trưởng thành này.
Có những người đi nhà thờ hằng tuần, nhưng trong lòng đầy ấm ức bất mãn với cơ chế của Giáo hội, rồi dần dần nghi ngờ về tôn giáo và bắt đầu chất vấn đậm tính khoa học. Trong khi có những lãnh tụ tôn giáo nói về Thiên Chúa nhưng lại chẳng tỏa ra một chút thiên hướng tâm linh hay tín ngưỡng nào, trông thì như ở chặng IV nhưng thực ra lại là tội phạm ở chặng I.
Tương tự, không phải nhà khoa học nào cũng ở chặng III. Họ là chuyên gia trong lãnh vực chật hẹp của họ, an tâm trú ngụ đằng sau những tri thức của lĩnh vực ấy và phớt lờ mọi huyền nhiệm của thế giới. Trước khi họ có ý nghĩ chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa, họ đã gạt bỏ ngay trường hợp có thể có Chúa rồi.
Có những người được gọi là “nhân cách phi tuyến tính”, nghĩa là họ một chân ở chặng I, một tay ở chặng II, cái đầu ở chặng III và một sợi tóc ở chặng IV. Họ thiếu tính nhất quán, dễ bị lung lay tác động.
Có người cứ trồi sụt ở hai chặng nào đó. Một anh chàng nát rượu, sau một biến cố như ly hôn hay gây ra tai nạn trở nên vô cùng sám hối, anh ta nhờ cậy đến chùa chiền hoặc nhà thờ (hoặc nhà tù -_- ) để hoàn lương. Vài năm tiếp theo anh ta sống đàng hoàng như một con người, biết kính sợ trời xanh và pháp luật. Bỗng một ngày anh ta biến mất, thì ra anh ta quay lại nếp sống hoang đàng cũ. Một người bạn hoặc một sư thầy hết lời khuyên nhủ anh ta, nên anh ta lại quay đầu là bờ. Rồi cứ thế trồi sụt mãi.
Rồi cũng có người đong đưa ở chặng II và III. Đấy là những con người đi lễ đều đặn, làm không thiếu một nghi lễ nào, nhưng thường lý luận rằng “Phật tại tâm”, Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, kể cả ở sân bóng đá. Nghĩa là anh ta đã chọn sân bóng đá hơn nhà thờ. Nhưng rồi khi anh ta gặp hoạn nạn mới ríu rít cầu nguyện với Thiên Chúa, lại ngoan đạo cho đến khi kinh tế phát lên, anh lại chọn sân bóng vào ngày Chúa nhật.
Và dĩ nhiên cũng có người thậm thụt giữa chặng III và IV. Những con người khoa học, manh nha ý nghĩ về những vấn đề tâm linh như cái chết, sự sống, ý nghĩa cuộc đời, Đấng tạo hoá, Chúa trời,… nhưng luôn sợ hãi thối lui về những nguyên tắc duy lý quen thuộc ở chặng III.
Nhưng xin bạn hãy nhớ cho một điều, kể cả chặng IV, cũng chỉ mới là bắt đầu.
Phần II mình sẽ viết về mối tương quan giữa các chặng trưởng thành, và liên hệ đến trải nghiệm cá nhân.
Bài viết có sự tham khảo ở sách:
Further along the Road less travelled, Morgan Scott Peck
Stages of Faith, James Fowler