Khi viết phần 1, mình nghĩ rằng phần 2 sẽ là sự phản chiếu của bản thân lên thang đo 4 cấp độ trưởng thành của bác sĩ Scott Peck (cuốn Futher Along The Road Less Traveled). Sau đó, mình mất hứng và không thấy phần 2 cần thiết nên định bỏ dở. Tuy nhiên, sau khi đọc cuốn Concerning the spiritual in art của hoạ sĩ Kandinsky, mình lại tìm thấy rất nhiều điểm chung ở phần phân tích sự trưởng thành tinh thần, dù cách nhìn nhận khác hoàn toàn với bác sĩ Scott. Một trùng hợp nho nhỏ là, mình dung bức ảnh bìa của phần 1 là của Kandinsky vì cảm thấy tinh thần của hai người khá giống nhau, và lúc đó mình chưa hề biết sự tồn tại của cuốn sách Concerning the spiritual in art. Với mình, phát hiện đó như chuyện vô tình tìm được kho báu sau nhà vậy, đến mức gần như phấn khích, nên mình tiếp tục tiêu tốn thời gian vô bổ cho phần 2.
Trước hết cần nói về Wassily Kandinsky, hoạ sĩ người Nga quốc tịch Đức, và sau là quốc tịch Pháp (chắc chuyển sang Pháp sống để tránh chủ nghĩa Phát Xít). Ông đã khởi xướng lên trường phái Trừu Tượng, đồng thời là nhà lý thuyết nghệ thuật đóng góp quan trọng vào nghệ thuật hiện đại. Ngoài giá trị tri thức ra, cuốn sách này của ông lại đặc biệt ở tính trữ tình. Một cuốn sách lý thuyết mà trữ tình, như thể lắng nghe tư tưởng rung lên từ đáy lòng, như Nietzsche viết triết học tựa thi ca, như Chúa Jesus thổi tình yêu vào 10 điều răn vậy. Nghĩa là muốn hiểu phải dụng đến cả tim và não. Dù khó nhằn cho việc đọc, nhưng dào dạt cho tâm hồn.
Kandinsky minh hoạ cho các chặng trưởng thành tinh thần (spritual growth) như một hình tam giác chia thành nhiều ngăn kích thước khác nhau. Để dễ hiểu, bạn hãy tưởng tượng tháp nhu cầu của Maslow (cái tháp này cliche chắc ai cũng biết nhỉ…), nhưng bỏ chữ “nhu cầu” thay bằng “tinh thần”, xoá hết các tên trong các ngăn đó, và tin rằng tam giác tinh thần có thể dịch chuyển về phía trước và lên cao, nhờ vào các ngăn bên trong luôn nới rộng biên giới của chúng. Các ngăn bên dưới luôn mập mạp hơn các ngăn trên, và giá trị tinh thần tăng dần từ đáy tháp trở lên cho đến khi trên đỉnh tháp là những kẻ vô cùng cô độc.
- Nhóm “tín điều” duy vật
Đây là nhóm thấp nhất và đông dân nhất trong tháp tinh thần. Về mặt tôn giáo, họ là những tín đồ Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Phật giáo… Về mặt chính trị, Kandinsky cho rằng họ là tín đồ đại diện dân nhân (các quan lại?) hay những người cộng hoà. Về mặt kinh tế, những người trong nhóm này theo chủ nghĩa xã hội, mài sắc ngọn giáo của sự công bằng để đâm một nhát chí mạng vào con quái vật tư bản chủ nghĩa. Những cư dân trong nhóm này không bao giờ tự đi đến giải pháp cho một vấn đề và luôn bị lôi kéo bởi những người đứng cao hơn họ. Họ không hề tham gia vào quá trình kéo chiếc xe cút kít của loài người tiến lên, mà chỉ đứng đó nhìn từ xa và cho rằng đẩy xe hẳn là dễ lắm.
Ở đây cần diễn giải những lời của Kandinsky thật khách quan. Ông có những định kiến và thiên vị dựa vào hoàn cảnh sống của bản thân, nên những tên gọi tín đồ trên là ví dụ cho một ý tưởng khái quát hơn cho một nhóm người “tín điều”. Họ tin tưởng và giới hạn bản thân vào những giáo điều mà chính họ còn không hiểu hết. Nhóm này tương tự như những người ở chặng 1 của bác sĩ Scott, họ luẩn quẩn trong ý chí hạn hẹp của mình và bị xã hội nhỏ bé xung quanh điều khiển. Nếu bạn đọc những ví dụ về “tín đồ” trên và áp dụng hoàn toàn vào quan điểm sống của bản thân, nghĩa là bạn cũng là một phần của nhóm 1. - Nhóm “tuyệt đối”
Nhóm này được nhóm 1 đưa lên tầm cao một cách mù quáng. Đặc điểm của nhóm này là họ sợ bị rơi vào một chỗ chưa biết (nói theo cách của Scott là: sợ những điều huyền bí), nên họ cự tuyệt việc tiếp nhận những điều chưa biết để khỏi bị lừa. Về mặt tín ngưỡng, họ không chỉ vô thần mà còn biện giải bằng những lời kỳ lạ (mình đoán Kandinsky đã dùng từ “kỳ lạ” để giảm nhẹ, có thể ông đã nghĩ đến từ “đần độn”). Chẳng hạn như bác học Virchow đã nói: “Tôi đã mổ nhiều tử thi mà khi ấy chưa bao giờ phát hiện ra được một linh hồn nào”. Về mặt chính trị, đa phần họ là những người cộng hoà, hiểu biết sâu về nghị trường, chuyên đọc các bài xã luận. Về mặt kinh tế, họ là những người xã hội chủ nghĩa thường hỗ trợ niềm tin của mình qua những đoạn trích như Tư bản luận của Marx. Một lần nữa, đây là những ý kiến cá nhân của Kandinsky để ví dụ cho những người cực đoan trong niềm tin / nguyên tắc và chỉ tiếp thu những thông tin hỗ trợ niềm tin của mình. Tương tự như chặng II của bác sĩ Scott.
Ở nhóm này, dần dần xuất hiện những chủ đề khác mà những ngăn bên dưới còn thiếu: khoa học và nghệ thuật, còn có cả âm nhạc và văn học. Về mặt khoa học, những người này là những nhà thực chứng và chỉ chấp nhận những gì cân đo đong đếm được, còn lại đối với họ là vô nghĩa. Về nghệ thuật, họ là những người theo trường phái tự nhiên, tin tưởng một cách chẳng gì lay chuyển và đánh giá cao nhân cách, tài năng, khí chất của nghệ sĩ (của tất cả nghệ sĩ?).
Dù nhóm này trật tự và an toàn hơn nhóm 1 nhờ vào những nguyên tắc của họ, nhưng vẫn có một nỗi sợ hãi, bối rối, bất an như thể họ đang lênh đênh trên biển khơi giông bão chẳng thấy đất liền. Đó là do sự học hành của họ mà ra. - Nhóm “sợ hãi” (hay “hồ nghi” như Scott đã đặt tên)
Càng lên cao, càng nổi lên sự sợ hãi và bất an, vì thế sinh ra hồ nghi. Những con người ở nhóm này có đôi mắt tự chúng có thể nhìn thấy được, có đầu óc tự có khả năng suy luận. Những người này sẽ luôn tự hỏi: Nếu sự thông thái của ngày hôm kia bị sự thông thái của ngày hôm qua bác bỏ, và sự thông thái của ngày hôm qua bị sự thông thái của ngày hôm nay bác bỏ, thì kiểu gì sự thông thái của ngày hôm nay cũng bị sự thông thái của ngày mai phá vỡ? Và khi sự thông thái của ngày mai đến, liệu người ta có thể tin vào nó không? Có thể họ sẽ lên đường đi tìm câu trả lời bằng cách tìm kiếm chân lý mới.
Trong các nhóm này có các nhà bác học nhà nghề, hay những chuyên gia nghệ thuật từng viết những cuốn sách sâu sắc, rất được khâm phục. Qua những cuốn sách và kết luận ấy, họ vứt bỏ những rào cản (của nghệ thuật và khoa học) cũ, lập nên những rào cản mới mà tin rằng lần này nó sẽ đứng vững và mãi mãi trên vị trí này. Nhưng Kandinsky cho rằng, họ chỉ đang xây những rào cản phía sau nghệ thuật (và những sự thật) chứ không phải phía trước. Nếu ngày mai họ nhận ra điều này, họ sẽ lại viết những cuốn sách mới và đẩy những rào cản của mình ra xa hơn nữa. Công cuộc ấy sẽ là vô nghĩa cho đến khi họ nhận thức được rằng, những nguyên tắc hay lý thuyết chỉ có giá trị với quá khứ, chứ không bao giờ có giá trị với tương lai. “Tinh thần của vương quốc Tương lai chỉ có thể được nhận ra bằng cảm xúc“.
Đối với mình, những lời trên của Kandinsky bật công tắc đèn trong đầu mình, khiến mình nhận ra những tri thức mình học, và những quan sát về con người đều ở thì quá khứ. Không có gì đảm bảo chắc chắn những lý thuyết, những tri thức, những tính cách ấy sẽ trường tồn. Một tri thức củng cố nhân sinh quan hôm nay có thể vô dụng với một tình huống trong tương lai, một người tuyệt vời của hôm qua vẫn có thể làm điều đáng khinh trong hôm nay, và vẫn trở lại rạng ngời vào ngày mai. Ta chỉ có thể mở rộng tim óc, lắng nghe cảm xúc trước những đổi thay tinh tế nhưng dữ dội ở tương lai. - Nhóm “vô vi”
Trước khi leo được lên ngọn tháp cheo leo trên đỉnh “vô vi”, những người ở nhóm 3 cần trải qua một sự “tan nát” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người nhóm 3 đến một lúc sẽ thực sự sống trong một Thành phố tinh thần, nơi có những lực tác động mà chưa hề được các kiến trúc sư hay nhà toán học nhắc đến. Các mảng tường của niềm tin đổ ập xuống như thể trước đó xây nên từ lá bài. Những trụ cột tinh thần thi nhau ngã xuống như những thanh domino. Mặt trời chân lý vốn chói lọi giờ lại tắt phụt để lại thế giới tăm tối không hề có công cụ phòng bị. Những vong hồn đã chết trong truyền thuyết nay lại đội mồ sống dậy đầy sinh lực. Sẽ có những người bị điếc và bị mù bởi sự thông thái ngoại lai mà không nghe thấy được cú chuyển mình rúng động ấy. Thế nhưng cuối cùng những người này cũng sẽ nghe và nhìn lại được.
Khi đó, họ bước lên một nấc thang mới và không còn thấy nỗi sợ hãi nào nữa. Ở đấy, người ta có một công việc là lay những cột trụ do con người dựng lên. Các nhà khoa học nhà nghề kiểm tra đi kiểm tra lại các nền tảng về “vật chất” mà hôm qua toàn bộ vũ trụ còn dựa vào, đặt các câu hỏi và không sợ hãi trước các câu trả lời khả dĩ về thế giới “phi vật chất”. Hệt như những người lính quên mình trong cuộc đánh chiếm đến tuyệt vọng một pháo đài ngoan cố. Trong nghệ thuật, có những nghệ sĩ đã chuyển từ tìm kiếm câu trả lời ở vật chất (chất liệu, đề tài,…) để mở mang bờ cõi của thế giới tinh thần. Chẳng hạn như Cezanne, ông đối xử với đồ vật y như đối với con người, bởi vì ông có thể nhìn thấu đời sống bên trong ở khắp nơi. Ông không mô tả một con người, ba-quả-táo, mà sử dụng tất cả để tạo nên một vật toát ra từ nội tâm, dưới hình thức có tên gọi là “tranh”. Henris Matisse, hoạ sĩ người Pháp, ông cũng vẽ “tranh”, và trong các “bức tranh ấy” ông diễn tả “cái thần thánh”. Trong tôn giáo, hẳn rồi cũng sẽ có ai đó tìm về những thần thoại cổ xưa mà khoa học chối từ sự hiện hữu, soi chiếu mình vào nó, tìm thấy một ánh sáng chân lý mới le lói và tìm cách thắp sáng nó lên.
Trên đỉnh mũi nhọn cao nhất chỉ có vài người, thậm chí trong một thời đại nào đó, chỉ có một người. Cái vui vẻ bề ngoài của người ấy ngang bằng với nỗi buồn không thể đo đếm bên trong, hành trình đi từ ngăn thấp đến đỉnh khác gì hành trình băng qua sa mạc, làm sao tránh khỏi những giây phút tan nát. Những người này thường bị thời đại, những kẻ ở ngăn thấp hơn, bực bội và chửi rủa là ảo tưởng hay điên rồ, thậm chí là bị căm ghét. Beethoven cũng từng bị rủa xả điên rồ đấy thôi. Và Chúa Jesus, những lời cuối cùng của Người chính là: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu-ca 23:34).
Song, dẫu những biến chuyển của thời đại luôn hỗn độn và thế giới tinh thần luôn trồi sụt, tam giác tinh thần của nhân loại vẫn chầm chậm tiến về phía trước, lên trên, bằng một sức mạnh không gì cản nổi. Đối với từng cá thể, để góp phần vào chuyển động tiến hoá ấy, chỉ có thể có trích dẫn lời khuyên của bậc thầy Socrate: “Hãy biết chính mình!”. (Ờ, câu này mình bịa ra đấy, Kandinsky không khuyên vậy đâu, đừng tin.)
Link mua ở Tiki
Đây là link affiliate với mong muốn: bạn mua được sách hay, hệ thống publishing sống được, mình duy trì được website. Cảm ơn bạn.