Site Loader

Mình chưa đọc Kẻ trộm sách, mình không biết trộm sách thì có được tán dương hay không. Còn mình thì đã đi cướp sách của người khác một cách hèn hạ, mà vẫn mạnh dạn đi review. Sách hay thì không hiếm, nhưng sách mình muốn có được thì toàn ngưng xuất bản, nên là, bần cùng sinh đạo tặc thôi. *Bật nhạc nền 7 rings*

Dưới đây là 5 cuốn mình “mượn” của người khác, và mình vẫn cực kì ấn tượng cho đến nay, được sắp xếp theo thứ tự thời gian cho từng phi vụ.

Trần trụi với văn chương – Paul Auster

  • Duyên số

Thời mình còn là sinh viên, mình có một hội bạn văn nhân trí thức xứ Đà Thành gọi là Vừng Ơi. Một trong số đó là một anh bạn chuyên sưu tầm và bán sách hiếm. Mà anh là doanh nhân kiêm tài tử, sách nào anh thích thì anh không bán, trong đó có cuốn Trần trụi với văn chương này. Ờ không bán thì mượn, giọng ngọt nhạt: “Em đọc tí em trả ngay”. Mình mượn, đọc, trốn mất hút không sủi tăm. Anh có lần hỏi lấy lại thì bảo “Em chưa đọc xong anh ơi, chờ em tí nữa”. Nhưng thật ra là đã rắp tâm giữ luôn rồi. Sau này không biết anh ở ẩn hay sao mà mất liên lạc. Anh cũng tặng kèm mình cuốn Di sản của Eszter mà mình đã từng review. Nhận của anh quá nhiều, biết ơn, nhưng cũng không có gì trả lại.

  • Cảm nhận

Cuốn này mình đã có review chi tiết rồi. Mình không đam mê lắm với thể loại sách trinh thám hay kinh dị, nhưng sách buộc mình phải động não để tìm lối ra trong mê cung của chính tác giả thì mình sẵn sàng nhào vào.

1984 – George Orwell

  • Duyên số

Cuốn này thì nó đến tay mình rất nhẹ nhàng. Mình mượn được của một anh trong nhóm bạn, và anh bảo “em giữ luôn đi.” Bạn phải hiểu câu này nó hiếm tới mức mình không tin được, phải hỏi đi hỏi lại rằng anh chắc chưa? Những cuốn mình mượn anh trước đó mình toàn phải ói ra trả lại, trong khi cuốn 1984 này dù không mua được ở đâu nữa mà vẫn tặng cho mình. Đến giờ vẫn không hiểu, nhưng rất biết ơn. Đời mình nhiều may mắn quá.

  • Cảm nhận

May quá, vào thời kỳ sung sức nhất của cuộc đời, mình đã kịp đọc và viết review cho 1984, giờ thì mình chỉ việc chèn link. Quan điểm chính trị của mình đã rõ ràng và thay đổi rất nhiều kể từ lúc đọc, nhưng cảm giác bị lôi tuột vào thế giới của George Orwel vẫn không thay đổi. Đến tận bây giờ, khi nhớ lại cảnh Winston Smith, nhân vật chính có nỗi sợ lớn nhất là bị chuột cống cắn, bị thế lực Big Brother dí vào mặt con chuột đói ăn dữ tợn, đã hét lên: “Đưa nó cho Julia đi!”, mình vẫn tin rằng đấy chính là bản chất thứ hai của tình yêu. Sự vị kỷ. Tình yêu á? Đến lúc cần bán thì phải bán. Nếu chưa bán đứng người yêu, ấy là chưa đến lúc bị dí chuột cống vào mặt.

Gen Vị Kỷ – Richard Dawkins

  • Duyên số

Ban đầu mình mượn nó từ người “bạn”, mượn thật, vì lúc đó chưa được tái bản nên cũng gọi là quý. Vài người bạn trong nhóm Vừng Ơi cũng muốn đọc, nên giao kèo với nhau là mượn luân phiên. Nhưng mình đọc chậm quá, giữ quá lâu nên các bạn cũng nản, và chủ nó cũng nản, nên nó thuộc về mình. Khi mình có “bạn mới”, mình lại gửi cho bạn ấy mượn, như một lời tỉnh tò: “Quý lắm mới cho mượn đó”. Sau này mình có cảm giác không làm “bạn” được nữa, mình đã bắt bạn phải mang bằng được cuốn này trả mình, rồi sau đó mới đường ai nấy đi. Sách vở sòng phẳng, ái tình phân minh. Sách của anh là của em, sách của em vẫn luôn là của em. Người rồi sẽ đến rồi đi, chỉ có sách vở là còn với ta mãi.

  • Cảm nhận

Có hai sự kiện làm thay đổi nhãn quan của mình về Tình Yêu: khi biết đến chúa Jesus, và khi đọc Gen Vị Kỷ. Con người trần tục vẫn hoàn toàn có khả năng yêu thương vô hạn lượng và dám hi sinh mình cho tình yêu, cũng giống như ta có thể mong đợi vào điều kỳ diệu vậy. Hiếm nhưng vẫn có. Còn hầu hết lòng người vẫn dựa vào sự vị kỷ. Chính sự vị kỷ đã bảo tồn gen, bảo vệ cá thể, bảo đảm sự sống còn của giống loài, là động lực đằng sau hầu hết các hành vi và quyết định của chúng ta. Chấp nhận phần ích kỷ đó, mình gia giảm được cảm giác tội lỗi khi hành động vì bản thân, và gỡ bỏ hầu hết kỳ vọng lên người khác. Chuyện người khác không tốt với mình là chuyện đương nhiên. Người tốt, hầu hết vì họ không có cơ hội làm chuyện xấu thôi. Dù sao, người ta làm gì cũng vì họ phải làm thế, không khác đi được, thay vì nhân danh Tình Yêu, đạo đức hay luật nhân quả để trách móc đổ lỗi thao túng áp đặt họ thì chi bằng tìm cách giải thoát cho chính mình.

Đó là điều mình học được cuốn sách. Còn bản thân thuyết Gen Vị Kỷ vẫn là đề tài tranh cãi về mặt khoa học, nhiều người vẫn không chấp nhận công trình nghiên cứu của Dawnkins cho rằng nó mang tính cá nhân. Đã gọi là “thuyết” thì tin hay không vẫn phải dựa vào đánh giá của bạn.

Cuộc sống ở trước mặt – Romain Gary

  • Duyên số

Sau khi đọc xong cuốn Lời hứa lúc bình minh của Romain Gary vào 4 năm trước, mình lên cơn thèm đọc tất cả những tác phẩm của ông. Kiểu, nếu không đọc được thì đời mình không được yên ổn trọn vẹn ấy. Vậy mà lúc ấy Cuộc sống ở trước mặt, cuốn sách hay ngang ngửa Lời hứa lúc bình mình, lại không tái bản (và đến giờ vẫn không tái bản), đau khổ không bút nào tả siết. May thay, đời mình sống dựa vào may mắn, đến nhà bạn chơi, lục tủ sách của bạn lại ra cuốn này (và Chúa Nhẫn phiên bản bìa da). Dĩ nhiên mình lại hốt cả hai về, không hẹn ngày trả. Sau này gặp lại cũng bị đòi, nhưng cười hì hì cho qua chuyện. Nghĩ sao, sách tôi đã muốn thì làm gì có chuyện trả.

  • Cảm nhận

Mình đã từng nói đâu đó trong các bài viết rằng mình không thể viết review cho Cuộc sống ở trước mặt. Một phần mình đã dùng tất cả tinh tuý để viết về Lời hứa lúc bình minh rồi, một phần khác vì Cuộc sống ở trước mặt hay đến mức không cần mình phải chỉ nó hay thế nào nữa. Mình nghĩ một con người với trí lực của một học sinh cấp ba, một trái tim đập những nhịp chậm rãi, và một vài tiếng tập trung là đã có thể vừa rấm rức vừa khúc khích trước câu chuyện tình yêu giữa một đứa trẻ và một bà già xa lạ vô tình bập vào đời nhau và nên máu thịt. Dưới tà thuật kể chuyện của Romain Gary, cuộc sống buộc phải khoe ra cả những gì xấu xa nhất, nhưng cũng đẹp đẽ nhất.

Sokrates, Chúa Giêsu, Đức Phật – ba bậc thầy của cuộc sống – Frederic Lenoir

  • Duyên số

Mình có dịp làm việc với xưởng thiết kế kiến trúc Tho.A, văn phòng có những bức tường ĐẦY sách, có rất nhiều sách mình không biết đến, và chuyện đó làm mình ngạc nhiên (mình vốn ngạo mạn ngầm thế đấy…). Đúng lúc mình đang muốn tìm hiểu thêm về Chúa Jesus lại vừa hay gặp cuốn này. Khi mình mở lời mượn, anh giám đốc (cũng là Christain) đã ngưng một vài giây rồi nói: “Ừ, cho em mượn luôn.” Có vẻ anh đã đoán được cho nhỏ này mượn thì coi như mất luôn thì phải.

  • Cảm nhận

Vì bài viết này mà mình phải viết một bài review riêng cho Ba bậc thầy của cuộc sống. Mình cảm kích tác giả đã dành công sức đồ sộ nghiên cứu về ba cuộc đời lớn, chứ không chỉ là tóm tắt dựa vào những tư liệu đã có. Trong sách có một đoạn so sánh quan điểm về Tình Yêu của cả ba bậc thầy mà mình rất thích nhưng không có dung lượng để nhắc đến trong bài review.

Sokrates cho rằng, Tình Yêu là sự ham muốn cái ta thiếu (phần nào đúng theo diễn giải của Aristophanes trong Symposium). Chính vì thế mà tình yêu không có tính thần thánh, vì thần linh thì chẳng cảm thấy thiếu thốn gì. Tình Yêu là tinh linh, chẳng phải người cũng không phải thiên thần, muôn đời bất mãn, không ngừng tìm kiếm đối tượng, và luôn luôn xin xỏ. Dù thế, theo Sokrates, Tình Yêu có thể tìm thấy bình yên ở cuối con đường tâm linh, nghĩa là, Tình Yêu là ham muốn Thượng Đế trong vô thức và chỉ thư thái nơi Thượng Đế mà thôi. Tình Yêu với Sokrates chẳng phải đức hạnh, cũng không phải tội lỗi, không là cái thiện, cũng không hẳn là cái ác, nó là sức mạnh mù quáng thúc đẩy ta đi tìm thứ ta thiếu. Điều cần làm là học cách giáo dục, thuần hoá và kiềm chế nó.

Còn Chúa Jesus, trái ngược với Sokrates, lại biến Tình Yêu thành đức tính tối cao của con người. Ngoài từ eros (chỉ tình yêu ham muốn) và philia (tình bạn), sách Phúc Âm đã sử dụng một từ thứ ba để chỉ về tình yêu theo Đức Kito: agapé – lòng khoan dung và ý hiến tặng. Chỉ yêu thương mà không chờ đợi được thương yêu lại. Ở đây, Tình Yêu không phải là cảm nhận thiếu thốn, mà trái lại, là một cảm nhận hiện hữu tràn đầy. Khi đã cảm nhận được tình yêu vô vị lợi và vô điều kiện của Thiên Chúa, người ta sẽ biết yêu người khác mà không cần phải sai khiến hay thực hiện như một bổn phận. Nghĩa là, Tình Yêu theo Chúa Kito là một đức tính có thể học được, như đức hạnh hay công bình, và học theo tấm gương của chính Người và Thiên Chúa. Đêm trước khi bị hành hình, Người nói cùng môn đồ: “anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Gioan, 13, 34).

Đức Phật lại lên án thẳng thừng về tình yêu-dục vọng, kể cả tình philia. Tình Yêu của Phật giáo nằm trong chữ từ bi – lòng tốt vô biên, một khả năng sống với khổ đau của tha nhân.

Có vẻ mình đang nói nhiều đạo lý dựa trên những cuốn sách mình đi cướp của người khác nhỉ. Mình tự thắc mắc rằng sao mình toàn cướp sách từ nam giới, nhưng chắc là sự trùng hợp, sách mình thích vô tình nằm trong tủ sách của họ, các bạn nữ thì tặng chứ không để mình tận tay cướp. Sau này mình đọc phần lớn sách ebook nên cũng không đi lấy sách của ai nữa, nhưng nếu gặp sách hiếm và có cơ hội, mình vẫn sẽ làm.

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.