Site Loader
Alice Munro

Hi vọng Nhã Nam đọc được bài này và làm ơn tái bản các tác phẩm của Alice Munro. Tôi vẫn chưa có đủ 3 cuốn của bà ấy!

Lâu nay người ta vẫn nhìn Nobel Văn Học như một giải thưởng chọn theo tiêu chí: thể loại sách mà giới trẻ sẽ không thích đọc. Bằng chứng là chẳng ai nhớ nổi năm nào trao cho tác giả nào. Hoạ chăng, người ta nhớ đến một năm nào đó giải thưởng danh giá này trao cho nhạc sĩ nhạc pop Bob Dylan (Nobel Văn Học 2016), một cú knock out cho giới văn học vốn đã bị lãnh đạm.

Ấy thế mà, có một tác giả tuy đạt giải Nobel nhưng hay. Nói khoa trương thì là nhờ tác giả này mà giải Nobel Văn Học 2013 còn giữ được chút uy tín: Nhà văn Alice Munro, bậc thầy truyện ngắn đương đại (sau đó uy tín bị lại đánh rớt vì Bob Dylan). Tôi cố tình không muốn thêm “người phụ nữ thứ 13 nhận giải Nobel” vào như một thói quen phân biệt giới tính.

Không giống những tác giả hướng đến chữa-lành-thế-giới, chẳng hạn như Bob Dylan, hoặc giải-trí-nhẹ-nhàng-sau-giờ-làm-việc-căng-thẳng, Alice Munro mang một thế giới thực vào thế giới thực. Thế giới thực qua lăng kính tỉ mỉ, vi tế, trung thực của bà trở thành thực tại hoàn hảo.

Bài viết là nỗ lực tuyệt vọng bóc tách thực tại hoàn hảo ấy, lột tả vẻ đẹp trong những câu chuyện của Alice Munro. Nếu đâu đó trong bài ngôn ngữ có lộn xộn, ấy là vì tôi vụng về trước tham vọng xây dựng lại thế giới của Alice Munro dưới ngôn ngữ bình dân.

1. Đôi nét về tác giả

Tôi không định làm bài tổng hợp thông tin về Alice, những thông tin ấy có sẵn ở Wikipedia. Tuy nhiên, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến những chi tiết trong cuộc sống bà làm tiền đề cho chi tiết trong truyện.

Hầu hết thời gian sống của bà, từ khi sinh ra đến khi nghỉ hưu, đều ở những vùng quê của Canada như Ontario và phía tây Vancouver. Vì thế, bối cảnh trong truyện của bà thường lấy địa danh cụ thể của những vùng quê ấy. Những miêu tả cảnh sắc thường mang lại cho người đọc cảm giác lành lạnh thoáng đáng, thưa người và đôi khi ảm đạm.

Có lẽ vì sinh ra trong gia đình nông dân, cuộc sống không mấy khá giả, nên bà yêu quý và hiểu biết về lối sống của tầng lớp bình dân và trung lưu trí thức. Hầu hết nhân vật trong truyện của bà, kể cả nông dân lẫn trí thức, đặc biệt là trí thức, thường mang một nỗi lo vật chất. Cách họ tìm cách mưu sinh không quá nặng nề và được chú trọng như cách họ xoay sở với các mối quan hệ xung quanh, nhưng bà luôn để nhân vật phải kiếm tiền, thay đổi công việc vài lần trong một truyện, cho thấy họ luôn mang nỗi lo cơm áo gạo tiền thường trực. Tôi đoán rằng, những năm đi học và cả cuộc sống kết hôn của bà cũng gặp không ít khó khăn vật chất.

Alice Munro - bậc thầy truyện ngắn

Khi được hỏi tại sao chọn viết truyện ngắn thay vì viết tiểu thuyết, bà trả lời rằng: bà không định trước sẽ viết truyện ngắn, bà luôn muốn viết một tiểu thuyết, gần như sau mỗi lần tập truyện ngắn xuất bản, nhưng vì công việc chính của bà là nội trợ với 3 đứa con mọn, bà không có thời gian cho một quá trình dài hơi như tiểu thuyết. Tôi không rõ nên cảm ơn những đứa con vì đã cho thế giới một Chekhov thứ hai, hay nên thấy tiếc nuối vì nếu không có 3 đứa con thì bây giờ tôi đã đọc được tiểu thuyết của bà. Nhưng sau khi nghe bà trả lời phỏng vấn về cuộc sống đời thường, tôi nghĩ tôi nên xót xa và khâm phục bà hơn:

Tôi không ngán làm việc nhà, thứ mà tôi phiền là người ta nghĩ việc nhà là cả cuộc sống. Khi bạn là bà nội trợ, bạn luôn bị gián đoạn và không có chút không gian riêng. Không phải chỉ là chuyện giặt giũ.”

2. Những điểm nổi bật

a) Chủ đề

Chủ đề chính trong truyện ngắn của Alice Munro là tình yêu, hoặc những yếu tố trữ tình đội lốt tình yêu. Khi viết về những con người đời thường và những mối quan hệ xoay quanh họ, khó lòng không viết về tình yêu. Nhưng tình yêu bản thân, giữa nam và nữ, giữa cha mẹ và con cái, giữa người với người qua lăng kính của Munro không được lý tưởng hoá, cũng không được bi kịch hoá, mà hiện diện ngấm ngầm chi phối tất cả các hành động của nhân vật. Người đọc không tìm thấy một chữ “yêu”, như trong truyện ngắn Mắc lỡm (tập Trốn Chạy), nhưng ta vẫn biết rằng nữ chính say đắm trong tình yêu qua cách cô tìm đọc mọi thông tin về vùng đất người tình sinh ra.

Nhân nói đến nữ chính, cần nhắc đến tính nữ trong truyện của Munro. Hầu hết các nhân vật của bà là nữ. Các cô gái nếu đọc các tác phẩm của bà đều có thể thấy mình ở đâu đó, và hiểu hơn về tính nữ của mình. Người ta gán cho bà danh hiệu “feminist”, người cổ vũ nữ quyền. Nhưng bà trả lời rằng, bà là phụ nữ, và viết về phụ nữ. Nếu đàn ông viết về đàn ông thì gọi là gì? Menist? Những điều bà truyền tải trong truyện, dù vô tình hay hữu ý, là nền tảng của nữ quyền: trải nghiệm của phụ nữ cũng quan trọng. Bấy lâu nay ta thường đọc trải nghiệm của nhân vật nữ dưới góc nhìn của nhà văn nam, thì nay, may quá, ta đã có Alice Munro giãi bày giúp nỗi lòng. 

Dưới đây là một đoạn trích trong truyện Đam mê (tập Trốn Chạy) mà tôi tin cũng chính là suy nghĩ thật của bà:

Cô nổi giận không phải vì cô không có tiền mua sắm vung vít hay mặc váy sống thế kia. Cô giận vì người ta nghĩ phải như thế mới là con gái. Đó là những gì đàn ông – người ta, tất cả mọi người – nghĩ con gái phải vậy. Xinh đẹp, giàu có, hư thân, ích kỷ, óc bã đậu. Đó là những gì một cô gái nên tỏ ra, để được yêu. Rồi sau này khi trở thành mẹ, cô ta lại tận tuỵ cung phụng con cái. Cô ta sẽ không ích kỷ nữa, nhưng óc bã đậu thì vẫn còn. Mãi mãi.”

b) Sự đột phá trong cấu trúc

Alice Munro đã canh tân kiến trúc của truyện ngắn. Xưa nay truyện ngắn thường theo một dòng tuyến tính, hoặc kể về quá khứ, hoặc kể về hiện tại, hoặc kể về tương lai, hoặc từ quá khứ đến tương lai. Nhưng Alice Munro đã bẻ gãy đường thẳng ấy thành từng đoạn nhỏ, trộn lẫn quá khứ với hiện tại với nhau, rồi chơi trò xếp hình với thời gian trong truyện.

Nghĩa là, mở đầu có thể là cô gái nghe tiếng xe đằng xa nên nấp vào nhà quan sát, tiếp theo truyện quay về quá khứ để lý giải sự sợ hãi chiếc xe đó của cô, sau đó lại quay về hiện tại cô phải đối mặt với người chủ chiếc xe, lại quay về quá khứ của người chủ chiếc xe để chuẩn bị tinh thần cho hành động sắp làm trong hiện tại, rồi quay về hiện tại kể về nút thắt cao trào của truyện và cái kết là một tương lai mở sau khi nút thắt được gỡ ra. Vâng, cốt truyện vừa rồi là của truyện ngắn Trốn Chạy trong tập Trốn Chạy.

Sự bẻ gãy thời gian này thường khả thi trong tiểu thuyết, nơi có đất diễn nhiều hơn cho các nhân vật, kể cả sắp chết nhưng vẫn có thời gian hồi tưởng lan man. Nhưng đối với truyện ngắn, tấc chữ tấc vàng, sự đột biến thời gian như thế cần một kỹ năng vững chãi lèo lái thời gian và sự tiết chế kể lể khủng khiếp, sao cho người đọc không bị say sóng khi bị quăng quật từ hiện tại đến quá khứ đột ngột và không bị nhàm chán. Nhưng nếu vẫn bị say sóng, người đọc buộc phải thích nghi, bởi đó là điểm đặc biệt mà ta không dễ thấy được ở những truyện khác.

Sự đột phá cấu trúc cũng là một lý do khiến cho truyện ngắn của bà có dung lượng lớn hơn các truyện ngắn thông thường.

c) Xây dựng cốt truyện

Alice Munro nói rằng bà không sắp đặt trước cốt truyện, bà cứ viết sau đó mới làm công việc chỉnh sửa sau cùng. Mỗi truyện bà mất ít nhất một tháng để hoàn thành. Một thông tin để cho thấy sự tỉ mỉ, chu đáo trong cách bà xây dựng câu chuyện.

Chỉ một câu thoại cũng ẩn chứa trong đó những kiến thức sâu rộng và sự tiết chế đáng kinh ngạc. Trong truyện Đam mê (tập Trốn Chạy), một nhân vật chỉ được giới thiệu là bác sĩ, không có tính từ đi kèm để biết giỏi hay dở. Anh ta bất chợt đến vào lúc nữ chính đang bị vỏ trai làm rách chân. Anh ta cúi xuống xem xét vết thương và nhận xét:

Máu chảy quá trời. Đó là dấu hiệu tốt…”. Munro phải đọc bao nhiêu kiến thức về y khoa mới chọn được chi tiết ấy? Phải giỏi tiết chế bao nhiêu mới không sa đà vào khoe kiến thức về bác sĩ để viết một câu thoại thản nhiên như vậy? Hay bà chỉ vô tình bị đứt chân, rồi một người bác sĩ nào đó cũng nói câu ấy, và bà ghi nhớ, rồi chờ đến truyện này để dụng vào?

Biên tập viên của Munro ở The New Yorker, Deborah Treisman, từng nói rằng khi đọc những truyện của Munro, thỉnh thoảng cô nhảy qua một câu hoặc một đoạn nào đó có vẻ dài dòng, rồi mới phát hiện ra mấy dòng bị bỏ ấy cực kỳ quan trọng ở 20 trang sau. 

Những lời này không hề nói quá. Không có chi tiết thừa trong truyện của Alice Munro. Ta phải nhớ tất cả các chi tiết rải rác khắp cái truyện để liên kết được nội tâm và hành động của nhân vật. Nếu lơ là hay biếng nhác mà bỏ lỡ một chi tiết, bạn sẽ bỏ lỡ cả biến động nội tâm của nhân vật. Chẳng hạn như trong truyện Quá nhiều hạnh phúc (tập Quá nhiều hạnh phúc), tôi đọc Tiếng Anh nên những câu có quá nhiều từ mới khiến tôi mệt não tôi thường lướt nhanh. Sau đó 5 trang tôi thấy mình bị lạc, không hiểu sao nhân vật của tôi đang kể chuyện ở Nga thì giờ đã ở trên tàu đi Stockholm. Cô nhảy lên tàu khi nào? Cô xuất phát từ đâu? Sau đó tôi phải quay xe lại đọc kỹ lại những đoạn đã cưỡi ngựa xem hoa.

Chính vì vậy mà truyện ngắn của Munro tạo ra cảm giác rất đậm đặc, sức lực đọc một truyện ngắn có thể tương đương với một cuốn tiểu thuyết. So sánh này có hơi khập khiễng, tôi đọc tiểu thuyết Nửa Chừng Xuân (Khái Hưng, 1934) 356 trang trong một ngày, nhưng đọc tập Trốn Chạy (Alice Munro, 2012) 452 trang mất những 8 đêm. 

Các truyện của bà ngày càng phức tạp, nhiều nhân vật hơn, nhiều kiến thức nền hơn, nhiều chi tiết cho nhân vật hơn. Những đêm đọc Alice Munro, não tôi không hề được ngơi nghỉ mà phải chạy hết công suất để thẩm thấu hết cái thâm sâu bà đã đổ vào từng chi tiết. Đọc sách chưa bao giờ là một hoạt động thư giãn, chắc thế nên Nobel Văn học giờ đã chuyển sang cho nhạc sĩ.

d) Văn phong

Từ vựng của Alice Munro đơn giản. Thứ khiến cho truyện của bà phức tạp không phải ở những tính từ khó hiểu, mà là sự mô tả tỉ mẩn các chi tiết vặt vãnh. Chẳng hạn như trong truyện Sắp rồi (tập Trốn Chạy), nữ chính nhìn thấy rất nhiều hành động gần gũi giữa bố cô và người giúp việc (thông qua việc ông kể luôn miệng về cô giúp việc đó), nữ chính đã nảy sinh những ý nghĩ trong đầu. Không ai biết những ý nghĩ đó là gì, Munro không nói ra. Bà viết về một giấc mơ của cô, trong đó cô thấy bố đang cầm vòi nước tưới cây, khi thấy cô giúp việc đến làm vườn ông đã xịt nước trêu cô; nữ chính chỉ nhìn thấy lưng của ông và vòi nước đang phun ra từ thân dưới của ông; cô tỉnh dậy, vừa ghê sợ thứ mình mơ vừa dâng lên một cơn dục vọng bất thường. Munro chính là bằng chứng sống cho câu: Đừng kể, hãy cho tôi thấy.

Truyện của Munro không hề tươi sáng như những nhà văn lãng mạn, nhưng cũng không phải tối tăm như nhà văn hiện thực. Vốn dĩ không có bi kịch trong truyện, chỉ có những bước ngoặt đời thường, sự kiện thời thường, cái chết tất yếu, những điều bình-thường của cuộc sống đời thường. Nhưng vì bà kể những sự kiện ấy với giọng điệu lạnh lùng, không chút thiên vị hay thương xót, chắc chắn như một tuyên ngôn, thấu suốt đến những lớp lang sâu nhất của tâm lý con người, nên ta có thể trầm cảm khi đọc truyện của bà. 

Fact about Alice Munro

Bà có khiếu hài hước, kiểu hài hước đen, rất hợp với truyện dòng gothic mà bà theo đuổi. Có những đoạn biết là hài hước, nhưng không rõ nhân vật đang đùa hay nghĩ thế thật. Ví dụ như trong Nín lặng (tập Trốn Chạy), chồng của nữ chính chết do bão đánh chìm tàu cá, người ta hoả táng anh ta, hỏi cô có muốn phát biểu lời cuối và châm lửa không; cô, đang bận rộn phân phát cà phê trong đám tang, cáu kỉnh đáp: “hỏi lầm người rồi, bởi vì là goá phụ cô được mong đợi phải tự quăng mình vào lửa kia.” 

3. Cảm nghĩ cá nhân

Tôi đọc được 3 cuốn sách của Alice Munro. Cuốn Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới đọc vào năm 2016. Hai cuốn Trốn Chạy và Quá Nhiều Hạnh Phúc đọc vào năm 2021. Có lẽ vì thời điểm năm 2016 còn trẻ, chưa đủ trải nghiệm để thụ cảm những tinh vi trong truyện nên tôi không thấy Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới xuất sắc. Còn với cuốn Trốn Chạy, tôi hoàn toàn bị chinh phục. 

Tôi thấy mình ở các nhân vật nữ trong các truyện. Tôi đồng cảm với sự yếu đuối non nớt, muốn trốn thoát khỏi sự thao túng của gã người yêu nhưng bất thành của cô gái trẻ Carla trong Trốn Chạy; sự sáng dạ, hiền lành nhưng nổi loạn ngầm của Grace trong Đam Mê; sự thông thái đến cứng đầu của Juliet trong bộ ba truyện; tính lãng mạn nồng nhiệt của nàng Robin tạo ra sự hối tiếc ngập tràn về già trong Mắc lỡm. Dĩ nhiên, tôi cũng thấy các bạn tôi, những người xung quanh tôi trong các nhân vật ấy.

Nhưng để chọn một nhân vật làm tài sản riêng, tôi sẽ cướp lấy Juliet. Cô gái lớn lên với sách vở và tri thức, tách biệt với thế giới bên ngoài. 21 tuổi mà đã sở hữu bằng cử nhân và thạc sĩ về nghiên cứu văn hoá La Mã và Hy Lạp cổ nhờ học bổng. Một ngành nghe qua đã thấy nghèo nàn, nhưng cô yêu những thứ huyền hoặc vô dụng ấy. Môi trường học thuật không cho cô gặp được những đối tượng yêu đương phù hợp. Vậy mà tình cờ, trên chuyến xe lửa cô đang đi gặp một người tình xưa, cô đã gặp một anh chàng đánh cá từng học bác sĩ. Anh chỉ cho cô về vị trí và tên gọi các chòm sao, cô kể anh nghe nguồn gốc tên của những chòm sao theo các vị thần Hy Lạp. Cô thông thái, nhưng điên rồ, cô đã bỏ dở chuyến xe lửa ấy mà tìm đến nhà anh. Sống cùng anh, có một đứa con mà không kết hôn, và cô tự hào về điều đó. Cô ôm bé về thăm nhà, nhìn thấy những đổi thay của cha mẹ. Cô đối với mẹ rất quan trọng, bà bệnh nặng nhưng cố gắng gượng vì biết sắp được gặp con gái mình. Nhưng cô đã quay lưng lại với khối tình cảm nặng nhọc ấy, cô đã không đáp lại tình yêu van nài của mẹ ngay trước lúc bà mất. Cô không tin vào thánh thần, cô đã tranh cãi tay đôi với vị linh mục về Chúa. Cô đã dạy con gái cô nhiều thứ, trừ tâm linh. Khi con gái cô lớn, niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời cô, đã bỏ đi trong im lặng để tìm kiếm câu trả lời cho chính nó. Cô đã vùng vẫy, trách móc, tìm kiếm, hối hận trong suốt mười mấy năm sau, chỉ đến cuối cùng phải quy phục với cuộc sống. Cô đã biết yên lặng và hy vọng con gái quay về, như một tín đồ vẫn hy vọng một ân sủng không xứng đáng nhận được.

Đọc Trốn Chạy, tôi không xúc động nảy nở, cũng không thấy đẹp đẽ rạng ngời. Tôi chỉ thấy được thấu hiểu trong thinh lặng. Vì được thấu hiểu, nên tôi thấy được khuây khoả. 

Có lẽ, chồng đầu của bà, ông James Munro, cũng có cảm giác được hiểu ấy vào lần đầu hai người gặp nhau. Ông làm rớt vụn chocolate xuống nền thư viện, nhìn quanh quất xung quanh để xem có ai thấy không để đặng nhặt lên. Alice Munro nhìn ông, đồng loã, và nói:

Tôi sẽ ăn.”


Hãy chia sẻ cho mình những tác phẩm/tác giả bạn yêu thích để mình tìm hiểu cùng nhé.

2 Replies to “Alice Munro – Tuy Nobel nhưng hay!”

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.