Xuất bản: 29/9/1774 (Đức); 4/2014 (Việt Nam) Số trang: 220 Tiếng gốc: Đức Tên gốc: Die Leiden des jungen Werthers Thế loại: Epistolary novel, Fictional Autobiography (*)
Lần đầu tiên đọc Nỗi đau là khi sắp 20 tuổi. Cứ ngáp dài với cái giọng văn sướt mướt dài dòng và ảo não ấy. “Có cần phải làm quá như thế không? Yêu thôi mà -_-“. Mình đã thật nghĩ như vậy, và bỏ lửng trang sách.
Lần thứ hai tìm lại Nỗi đau là lúc vừa 21 hoa niên, khi đã tìm thấy và đánh mất thứ đáng yêu nhất trong hỗn mang của chính mình, khi đã cho và nhận đủ chân thành để bốn bề tâm hồn nới rộng ra xung quanh, lắng nghe được thanh âm của đời sống và của những tâm hồn khác. Từng câu chữ nồng nhiệt, run rẩy, ngập ngụa yêu thương lẫn thống khổ của Goethe cứ bám riết lấy từng hồng cầu đi khắp cơ thể rồi về lại tim và ở lại trong những vách ngăn mãi sau này.
Thì ra là thế, chẳng có gì quá ở đây cả. Mỗi con người sinh ra với nội tại về sự nhạy cảm và sức chịu đựng khác nhau. Xin đừng thấy một kẻ vật vã với một chuyện cỏn con với người mà cho rằng họ ủy mị yếu đuối, xin đừng khuyên ai đó mạnh mẽ lên khi chính người không mang một tâm hồn và sức chịu đựng như họ. Có những kẻ không may mang lấy tấm màn bảo vệ mỏng mảnh hơn người, một dao động nhỏ của đời sống cũng tạo một vết rách trên đấy, người dựa vào tấm màn dày dặn hơn của mình để đo sức mạnh của họ sao? Nếu đã không thương và cảm thông, cớ gì góp sức làm tấm màn rách toạc thêm?
Mình thành khẩn nói những lời ấy âu cũng vì những cảm nhận trái chiều của mọi người dành cho Nỗi đau, có người nâng niu nó như là tri kỉ cũng không thiếu kẻ ngán ngẩm giọng điệu như lời ru. Nhưng mình tin rằng, một người trẻ đã đi qua trải nghiệm của lòng nhiệt thành yêu thương và khát khao cống hiến sẽ đồng điệu với chàng Werther đáng thương. Ai mà chẳng mơ ước được sống an yên với người mình yêu thương và gom góp thành tựu cho xã hội chứ? Nhưng nếu cả xã hội và con người mà Werther đã kính cẩn dâng lên thứ rượu nguyên chất vắt từ chân tình mình lại chối từ ban cho chàng cơ hội, liệu sự sống và nỗi đau của chàng có cần phải kéo dài nữa không? Đấy không phải là nỗi niềm tuyệt vọng, mà là một ý định quả quyết không hề bị kích động bởi một ý tưởng lãng mạn nào. Đó là sự lựa chọn cuối cùng trong tất cả sự lựa chọn của một chàng trai yêu đời sống đến nồng nàn.
Vì thế, dẫu không yêu Werther, xin người cũng vẫn nhớ đến chàng, nhé.
EV’RY youth for love’s sweet portion sighs,
Ev’ry maiden sighs to win man’s love;
Why, alas! should bitter pain arise
From the noblest passion that we prove?
Thou, kind soul, bewailest, lov’st him well,
From disgrace his memory’s saved by thee;
Lo, his spirit signs from out its cell:BE A MAN, NOR SEEK TO FOLLOW ME.
FROM ‘THE SORROWS OF YOUNG WERTHER.’ by Johann Wolfgang von Goethe – 1775
Để hiểu hơn về một tác phẩm kiểu gì cũng cần phải xem qua tác giả của nó là ai, sinh ra vào cung hoàng đạo gì, hưởng thọ bao nhiêu, sống thời đại nào, có gặp biến cố nào không, cuộc đời hạnh phúc hay đau khổ, giàu hay nghèo, có lưu vong nơi đất khách quê người hay an nhàn tự tại không. Để chi? Để thấy được sự liên hệ và thống nhất giữa tác giả và nhân vật, để nhận ra thứ gì đã đưa đẩy tác giả đến với cuốn sách của mình, và để tin lời tác giả là thật, nhân đạo hay hiện thực trong câu chuyện tác giả kể là có thật.
Thì đây, Johann Wolfgang von Goethe (đọc là /ˈɡɜːtə/ nhé, còn muốn đọc tên tiếng Đức thì chịu khó xem trên Wikipedia nha) sinh ngày 28/8/1749 (cung Xử Nữ) ở Frankurt Đức và mất ngày 22/3/1832 ở Weimar Đức, thọ 82 tuổi. Nếu bạn đã là người đọc sách văn học thì không thể không nghe qua tên của ông được, vì ông không những là một nhà văn vĩ đại của Pháp, mà còn là nhà thơ, soạn kịch và triết học. Hoặc nếu không đọc sách thì chắc bạn cũng từng nghe qua Viện Goethe, tổ chức giao lưu văn hoá giữa CHLB Đức với các nước trên thế giới, đủ để biết ông ấy nổi tiếng tới mức là đại diện cho văn hoá Đức. Về cuộc đời ông mình sẽ dành một bài riêng để viết chi tiết hơn vì Goethe là nhà văn nhà thơ yêu thích của mình.
Nỗi đau của chàng Werther được hoàn thành chỉ trong vòng 5 tuần rưỡi, khi Goethe mới vừa 24 tuổi, nghĩa là bằng tuổi mình bây giờ nhưng tài năng gấp trăm lần… Đây là tác phẩm góp phần quan trọng trong phong trào Proto-romantic (Tiền lãng mạn) của Đức, kéo theo sau đó là thời kì hậu lãng mạn cực kì thành công. Chính vì vậy mà cuốn sách này đã đưa tên tuổi Goethe lên ngồi chiếu đại văn hào thế giới.
Đối với các tác phẩm văn học, mình sẽ không tóm tắt trong reviews mà chỉ viết mang tính gợi mở để bạn tò mò và ham muốn đọc cuốn sách hơn. Cái đẹp của văn học đôi khi không đến từ kiến thức bạn có được sau khi đọc, mà là cảm xúc dấy lên trong suốt quá trình đọc.