Mấy tháng trước, khi biết mình bắt đầu tìm đọc Kinh thánh, một chị bạn sơ giao theo đạo Kito đã hỏi mình thế này:
– Bữa nay tự nhiên mày mò Kinh thánh chi á? Thích anh nào theo đạo à?
Mình tưởng một người con đã được dạy dỗ và thương yêu bởi Chúa thì sẽ suy nghĩ khác chứ nhỉ. Mình chỉ trả lời:
– Chị có biết là có những người họ đọc chỉ vì người ta muốn biết thôi không?
Không còn mục đích nào, không còn chữ “để” nào sau chữ “muốn biết” đó nữa. Được “tri thức” là động lực thuần tuý và là cứu cánh của những kẻ tự học rồi. Tri thức ấy khiến tâm hồn và đầu óc họ mở mang theo nhiều chiều kích, cả chiều sâu lẫn chiều rộng, sẽ khiến họ trở nên nhạy cảm và hiền hoà với mọi rung động của cuộc sống, sẽ an ủi cho những tâm hồn mệt mỏi và cho họ thụ hưởng cảm giác được sống.
Thế nên mình nghĩ, Tôi tự học của Nguyễn Duy Cần (NDC) không dành cho tất cả người đọc, đọc một số review thấy có bạn còn cho 3* T_T Bởi không phải tất cả người đọc đều là kẻ tự-học, sẽ có người đọc tiểu thuyết để giải trí, đọc sách self-help để làm giàu, đọc sách chuyên ngành để nâng cao tay nghề, trong tiểu thuyết còn chia theo loại tiểu thuyết ngôn tình chiều chuộng những tâm hồn thiếu nữ tuổi xuân xanh và tiểu thuyết cổ điển để tiếp cận các nền văn hoá. Trong khi đó, Tôi tự học của NDC bàn về lối sống, phương pháp tự học vô cùng thuần tuý, tự trọng, mực thước, và có phần khắc kỷ. Cuốn sách không viết ra để thuyết phục những người ngoại đạo Tự học, nó được viết ra để nói hộ tiếng lòng của những kẻ Tự học nhưng vẫn đang lang thang đi tìm con đường và đồng môn trong biển trời tri thức.
Không tự trọng sao được khi người tự học phải thực học, nghĩa là mở lòng với quan niệm mới nhưng cũng đủ vững vàng để bảo vệ nhân sinh quan của mình, sẵn sàng đạp đổ chính toà tháp thần tượng của mình nếu tiếp nhận một tri thức đúng đắn hơn, học một tri thức hay đọc một cuốn sách phải thực lòng quan tâm đến điều tác giả đang muốn nói, rồi chiêm nghiệm và tiêu hoá nó, đối thoại phản bác với những điều chưa hợp lý nhưng cũng biết ngợi khen những điểm sáng của tác giả. Tự trọng để khi học một điều gì đều học kỹ càng, quyết không qua loa lấy lệ để khoe mẽ, để không chấp nhất thời gian mà tìm còn đường tắt đi đến kho tàng tri thức. Và đặc biệt, đọc sách hay thì không nên vay mượn, đã mượn thì phải trả đừng để bạn đòi, tội bạn 🙂 Tự học được như NDC kể ra cũng là một hành trình trui rèn nhân phẩm của một con người.
Không mực thước sao được khi người Tự học phải biết lựa chọn những gì cần học và không nên theo, đọc cái gì đến mức độ nào là vừa phải, thái độ với nhân sinh thế nào mới chuẩn mực. Cũng đúng thôi, đọc vô tội vạ không đường lối thì kiến thức cũng ngổn ngang trong đầu, kiến thức mà không được sắp xếp hệ thống thì làm sao mà tìm được mối dây liên kết của hằng hà sa số tri thức của nhân loại, không tìm được mối dây liên kết chung ấy thì sự học chẳng có ý nghĩa gì nữa, vốn dĩ tất cả mọi sự trên đời này đều móc nối với nhau. Mực thước trong Tự học để có thể rút ngắn thời gian tìm được những mối dây kết nối thế giới với nhau, và sau đó? Không có sau đó, hiểu được sự thuần nhất của cuộc sống đầy biến động, rồi từ đó hiểu được nội tâm chính mình là thành tựu cuối cùng rồi.
Không khắc kỷ sao được khi NDC cho rằng muốn Tự học cần thực hành một lối sống bình lặng và tối giản, nghĩa là giảm thiểu tối đa những mối quan hệ, những khế ước xã hội không cần thiết, tránh xa những nhiễu nhương của đời thực để có thể toàn tâm toàn ý học tập và trao dồi tri thức. Nghe hơi chán nhỉ, bạn bè bù khú với nhau bàn luận về thế giới cũng vui mà, hay cuối tuần đi dạo phố phường mua sắm cũng thú vị mà. Nhưng thành thật mà nói, đời sống tối giản chỉ chán với những người không có sở thích tự học và sợ ở một mình. Đối với những người có niềm say mê với sách vở, họ tin rằng tìm được một ý tưởng sâu sắc trong một cuốn sách nó đáng giá hơn nhiều lần so với những lời tán hưu tán vượn trong hội hè của những mối quan hệ sơ sài. Nói gì cũng về lại chi phí cơ hội cả, nếu có thể chu toàn được các mối quan hệ xã hội mà vẫn dành được thời gian và không gian tĩnh lặng cho bản thân để chiêm nghiệm tri thức thì quả là phi phàm.
Phải nói rằng cuốn sách Tôi tự học này đối với mình như tri kỉ, NDC đối thoại với mình như bạn vong niên vậy.
“Văn hoá là thứ gì đó không thể truyền , cũng không thể tóm tắt lại được”
Vì thế quãng thời gian đọc được cuốn này, được chìm đắm trong sự mãn nguyện vì tìm được một người bạn tâm giao từ 60 năm trước, mình không thể nào bóc tách ra cho người khác hiểu được Nó giống cảm giác được đọc một cuốn sách hay trong không gian tĩnh mịch bình yên, giống như cảm giác suy tư về người mình yêu say đắm vậy. Thứ cảm giác không thể nào miêu tả được, vì nó kín đáo riêng tư tới mức linh thiêng, chỉ có những ai đã trải qua giây phút ấy mới tự nhận thức lấy mà thôi.
Nếu bạn đã trải qua những khoảnh khắc ấy và cũng thấy lâng lâng mê man với chúng như mình, cho phép mình được mỉm cười ý nhị với bạn một nụ nhé. Cảm giác đó kì diệu lắm phải không?
Nhưng dẫu mình có đồng ý với hầu hết những ý kiến của bác Cần trong cuốn này thì mình cũng tìm thấy đôi chỗ chưa vừa vẹn lắm.
- Bác Cần cho rằng “tính lãng mạn của những cuốn tiểu thuyết kiểu như Tố Tâm, Werther đã làm hư hỏng đầu óc thanh thiếu niên nam nữ không ít”. Nói như thế chẳng phải cũng đả động đến không ít đến những tuyệt tác khác sao, như The thorn bird hay Gone with the wind cũng đưa đường dẫn lối lệch lạc sao? Tính lãng mạn luôn có trong các tác phẩm chứa đựng tình yêu nam nữ, chính điều đó đã khơi gợi những rung động của người trẻ về tình yêu, đặt người trẻ vào những tình huống của nhân vật mà trong đời thực không được trải qua để từ đó hình thành nên lòng tin, lòng tự trọng, sự nghiêm túc đối với tình yêu. Một đầu óc minh mẫn và có chính kiến, sẽ không vì cú tự sát của Werther mà đi tự sát chính mình để chứng minh tình yêu, thay vào đó sẽ trải nghiệm thứ tình yêu mãnh liệt của chàng, để biết yêu đúng cách và bao dung hơn với những tình yêu lạc lối.
Thật ra, mình đã luôn nghĩ bản thân là Werther trong tình yêu vì sự nồng nhiệt và chân thành của bản thân, nhưng mình đã tự sát đâu nào 🙂 - Bác Cần cho rằng, “ý nghĩa cao cả về đời sống của một bậc nam nhi không phải ở trong mối tình cỏn con, chỉ làm tổn thất thời giờ vô ích. Phải dám hi sinh tình cảm của mình cho những công trình quan trọng hơn”. Ý kiến này không hẳn là sai, chỉ là đối với trải nghiệm cá nhân của mình nó hơi mang tính nam ích kỷ. “Những mẫu tình cỏn con” dĩ nhiên là mất thời giờ và vô bổ, nhưng đấng nam nhi không tự trải qua một tình yêu chân thành sâu sắc sẽ thiếu sót trong quá trình làm người tử tế, bởi tình yêu cao cả dạy con người những bài học quý giá hiệu quả hơn nhiều so với sách vở. Dĩ nhiên anh ta hoàn toàn có thể chọn hi sinh tình cảm của mình để dành thời gian làm chuyện lớn, nhưng cũng không có quyền nhân danh tình yêu bắt người phụ nữ hy sinh cho mình. Một người vợ lý tưởng theo bác Cần là người ít đòi hỏi, không cần chiều chuộng, một lòng hy sinh phụng sự cho ý nguyện của chồng. Thế thôi, thời gian riêng mỗi người tận hưởng theo cách của mình, thời gian chung cần tạo ra cảm xúc tích cực với nhau và cùng thực hiện bổn phận trách nhiệm chung, chứ ai mà chẳng muốn sống một đời trọn vẹn với sở nguyện của mình.
- Ý cuối cùng chỉ đơn giản là một lời cảm thán, bác Cần toàn đọc sách tiếng Pháp, mà mình chỉ có mỗi tiếng Anh, thành ra bao nhiêu sách bác giới thiệu nghe ù cạc chứ chả biết gì. Đành phải dành thời gian ngồi tìm tên sách…
Đọc xong sách ngoài cảm giác thoả mãn ra còn thêm sự xấu hổ nữa, nhận ra mình cũng chỉ là dân tập sự khi đọc sách và cũng chỉ là kẻ tri thức nửa mùa…
Link mua ở Tiki
Bài phân tích rất hay, cảm ơn b