Chúng xô bọn tôi vào một căn phòng lớn trắng toát, ánh đèn sáng lóa khiến tôi phải nhíu mắt lại vì đau. Sau đó tôi thấy có bốn người ngồi đằng sau cái bàn và đang nhìn đống giấy tờ, bọn thường dân thôi thì phải. Chúng gom tiếp một nhóm tù nhân ở phía sau nên tụi tôi bị hối thúc đi về cuối căn phòng để nhập bọn với mấy người khác. Tôi biết vài người trong toán tù binh này, số khác chắc hẳn là dân ngoại quốc. Hai thằng đằng trước tôi có mái đầu tròn vàng hoe, trông cứ như sinh đôi vậy. Đồ rằng tụi nó là người Pháp. Thằng bé hơn cứ giần giật ống quần một cách bồn chồn.
Tình trạng này kéo dài trong ba giờ dằng dặc khiến tôi thấy xây xẩm mặt mày, đầu óc trống rỗng; được cái căn phòng cũng ấm áp nên tôi thấy đỡ hơn chút: 24 giờ qua tụi tôi gần như trở thành thịt đông lạnh rồi. Mấy tên cai ngục lần lượt mang từng tù nhân lại bàn thẩm vấn. Bốn gã kia hỏi từng thằng từng thằng về tên tuổi nghề nghiệp của chúng. Đa số các lần đều hỏi qua loa có lệ hoặc sẽ chỉ hỏi đơn giản mấy câu đại loại như: “Mày có làm gì liên quan đến khủng bố bằng vũ khí không?” Hoặc “Mày ở đâu và làm gì vào sáng ngày 9?” Chúng chẳng thèm nghe câu trả lời, hoặc ít ra là trông có vẻ như vậy. Chúng im lặng giây lát, mắt nhìn thẳng về trước nghĩ ngợi rồi bắt đầu ghi chép. Chúng hỏi Tom có thật là hắn ta nằm trong lữ đoàn quốc tế không: Tom chẳng thể trả lời khác được vì giấy tờ chúng đã tìm được trong áo của hắn ta. Chúng không hỏi Juan bất kì điều gì nhưng lại viết rất lâu sau khi nó khai tên họ mình ra. Juan trả lời thành thật: “Anh trai tôi, Joe, là một kẻ phi chính phủ, các anh biết là anh ấy không còn ở đây nữa mà. Tôi không thuộc đảng phái nào cả. Cũng chưa bao giờ làm bất cứ chuyện gì liên quan đến chính trị.” Chúng im lặng. Juan được đà van vỉ thêm: “Thật tình là tôi không làm gì cả. Cũng không muốn phải nhận tội cho người khác.” Thằng nhóc bắt đầu méo máo, môi run run đến là tội. Một tên bảo vệ lôi nó lên rồi kéo đi chỗ khác. Giờ thì đến lượt tôi.
“Tên mày là Pablo Ibbieta?”
“Đúng.”
Gã đó nhìn vào giấy má rồi hỏi tiếp: “Ramon Gris ở đâu rồi?”
“Tôi không rõ.”
“Mày giấu hắn ta trong nhà mình từ ngày 6 đến ngày 19.”
“Không có.”
Chúng viết một lát rồi sau đó mấy tên mang tôi rời khỏi phòng. Tom và Juan đang đứng chờ tôi cùng hai tên cai tù trong hành lang. Bọn tôi bắt đầu đi cùng nhau về phòng giam. Tom hỏi một trong mấy tên bảo vệ: “Rồi sao?”
“Rồi sao cái gì?” Tên cai tù vẫn chưa hiểu ý Tom.
“Này là thẩm vấn lại hay kết án luôn rồi?”
“Kết án.” Cai tù trả lời cụt ngủn.
“Họ sẽ làm gì với chúng tôi đây?”
Để cho qua chuyện, tên cai tù máy móc trả lời: “Phán quyết sẽ được đọc ngay tại gian tù của chúng mày.”
Thực tế thì phòng giam của bọn tôi là một trong những tầng hầm của bệnh viện. Gió lùa vào làm nó lạnh khủng khiếp. Tụi tôi cuộn mình run rẩy cả đêm, mà thực ra cũng chẳng khá khẩm hơn vào ban ngày. Tôi trải qua năm ngày như thế trước đó trong một gian ở tu viện, kiểu như một cái hốc trong tường mà niên đại chắc cũng phải có từ thời trung cổ: vì có quá trời tù nhân mà chẳng nhiều nhặn gì chỗ trống, chúng nhốt họ vào bất kì đâu. Tôi chẳng nhớ nhung gì cái hốc đó; lạnh lẽo không đánh vật được tôi, nhưng tôi cô đơn; cứ thử nghĩ quãng đằng đẵng chỉ có một mình trong một nơi như thế mà xem, chẳng dễ chịu gì cho cam đâu. Ở căn hầm này tôi có người ở cùng. Thằng Juan hiếm khi nào mởi miệng: nó sợ chết khiếp với còn quá trẻ để nói gì ra hồn. Nhưng Tom là tên nói chuyện rất khá, hắn ta lại rành rẽ tiếng Tây Ban Nha nữa. Nội thất trong hầm đếm đi đếm lại cũng chỉ có băng ghế dài với bốn tấm thảm. Sau khi được dẫn về phòng, tụi tôi ngồi đó và chờ đợi lặng lẽ. Một quãng lâu sau, Tom mới cất tiếng phá tan không khí ì ạch ngột ngạt đó,”Chúng ta tiêu rồi.”
“Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng chắc chúng chẳng làm gì thằng nhóc đâu”, tôi phụ họa cho có chuyện.
“Chúng không có chứng cứ chống lại nó, nó là em trai của một quân nhân, chỉ có vậy thôi”. Tom phụ họa thêm.
Tôi nhìn sang Juan, nó như mất hồn, chắc chẳng lọt đượ chữ nào vào tai. Tom tiếp tục, “Anh biết chúng làm gì ở Saragossa không? Chúng bắt người ta nằm trên đường rồi cho xe tải cán ngang người họ. Một tên đào ngũ người Ma rốc kể tôi nghe. Chúng cho rằng như thế sẽ tiết kiệm đạn dược.”
“Nhưng chả tiết kiệm xăng dầu.” Tôi cắm cảu đáp, có chút phật ý với Tom: đáng lẽ hắn ta chẳng nên kể ra chuyện đó, hay ho lắm đấy.
Nhưng Tom vẫn thao thao: “Rồi còn có mấy nhân viên đi dọc con đường và quan sát tỉ mỉ từ chút. Chúng thản nhiên thọc tay vào túi áo và hút thuốc lá. Đừng tưởng chúng để tù binh chết ngay! Đời nào. Chúng muốn họ gào rú trong đau đớn. Kéo lê cả tiếng đồng hồ. Gã Ma rốc nói hắn đã nôn gần chết trong lần đầu tiên làm nhiệm vụ.”
“Tôi không nghĩ chúng sẽ làm thế ở đây.” Tôi trấn an hắn, hoặc bản thân. “Trừ phi chúng thật sự thiếu hụt đạn dược.”
Bình minh ló mình qua bốn lỗ thông khí và khe hở tròn trên phía trái trần nhà và từ đó có thể nhìn thấy bầu trời. Cũng qua cái lỗ ấy chúng nạp than vào hầm, thường sẽ được đậy bằng cánh cửa sập. Ngay dưới cửa tròn có đống bụi than cao ngất: nó từng được dùng cho việc sưởi ấm bệnh viện, nhưng kể từ khi chiến tranh nổ ra, bệnh nhân được sơ tán, than nằm chỏng chơ ở đó, vô dụng; thỉnh thoảng còn bị ngâm nước mưa vì chúng quên đậy cái cửa sập.
Tom bắt đầu run rẩy. ”Lạy Chúa lòng lành, con sắp chết cóng rồi đây. Lại phải tập nữa rồi.” Nói đoạn rồi hắn ta đứng dậy tập thể dục. Mỗi động tác làm hở áo sơ mi lộ ra bộ ngực trắng phớ đầy lông lá. Hắn nằm trở lại, giơ chân lên rồi đạp đạp vào không khí. Tôi nhìn thấy bộ mông to bự của hắn rung lên đều đặn. Tom có thân hình đồ sộ nhưng quá nhiều mỡ thừa. Tôi trộm nghĩ làm thế nào mà đạn súng trường hay lưỡi lê sắc nhọn có thể xuyên qua tảng mỡ mềm oặt như cục sáp bơ này được nhỉ. Giả mà hắn ta gầy hơn thì tôi đã không có suy nghĩ ác ý rồi.
Tôi thì không hẳn thấy lạnh, nhưng cũng tê dại luôn ở cánh tay và vai. Thỉnh thoảng, vì rét quá nên tôi bị một ấn tượng rằng mình quên gì đó và bắt đầu nhìn quanh quất tìm áo khoác rồi đột nhiên nhớ ra chúng có đưa áo khoác cho mình đâu. Nói đến chuyện đó lại thấy bực mình. Chúng lấy quần áo của bọn tôi đem cho bọn lính tráng, chỉ để lại mỗi áo sơ mi – với mấy cái quần vải bố của bệnh nhân thường mặc vào mùa hè. Một lát sau Tom ngồi dậy, xê xích lại cạnh tôi, hít thở nặng nhọc.
“Ấm hơn không?”
“Lạy Chúa, không! Nhưng tôi sắp tắt thở rồi.”
Tầm tám giờ tối một tên thiếu tá bước vào với hai đảng viên phát xít. Gã cầm một tờ giấy. Gã hỏi tên cai tù: “Mấy người này tên gì?”
“Steinbock, Ibbieta và Mirbal.”
Gã thiếu tá đeo kính vào rồi lẩm nhẩm dò danh sách: “Steinbock… Steinbock… À đây rồi… Mày bị kết án tử hình. Sáng mai xử bắn.” Gã bình thản nhìn tờ giấy như thể vừa thông báo ngày mai bọn tôi không được ăn sáng thôi vậy. Cũng đúng thôi, chuyện thường ngày ở huyện với bọn phát xít mà. “Hai đứa kia cũng thế.”
“Không thể nào! Không phải tôi!” Juan bàng hoàng phản kháng.
Gã thiếu tá nhìn nó ngạc nhiên: “Mày tên gì?”
“Juan Mirbal,” Nó vội vã khai báo, cầu khấn có sự nhầm lẫn gì ở đây.
“Để coi, tên mày rành rành này. Mày đã bị tuyên án rồi.”
“Nhưng tôi có làm gì đâu!”
Gã thiếu tá nhún vai không quan tâm rồi quay sang Tom và tôi.
“Tụi mày là người Basque?”
“Không có ai là người Basque cả.”
Gã có vẻ bực bội. “Cấp trên bảo tao có ba người Basque ở đây. Tao sẽ không phí thời gian chạy theo chúng đâu. Thế theo lẽ thường tụi mày có muốn có một linh mục không?”
Tụi tôi chẳng trả lời nổi, có phải đi xưng tội đâu mà sốt sắng được cơ chứ.
“Một bác sĩ người Bỉ sẽ đến đây ngay. Anh ta được ủy quyền trải qua đêm nay với tụi mày.” Gã chào kiểu quân sự rồi bỏ đi.
“Điều tôi kể anh, giờ thành hiện thực rồi thấy chưa”. Tom quay sang cười như méo.
“Ừ. Làm thế thật đồi bại đối với thằng nhóc.” Tôi nói cho phải phép chứ tôi không quý nó lắm. Mặt nó quá ốm, sợ hãi và thống khổ làm biến dạng nó đi, làm nhăn nhúm các chi tiết trên đó. Ba ngày trước nó là một đứa khá thông minh, không tệ chút nào; nhưng giờ nó trông như một lão già khú đến nỗi tôi nghĩ nó sẽ chẳng thể trẻ lại, thậm chí nếu chúng có thả nó ra đi nữa. Đáng lý cũng không khó khăn gì thương tiếc một chút cho nó, nhưng cảm giác thương tiếc làm tôi thấy ghê tởm, hoặc ít ra cũng khiến tôi khiếp sợ. Nó chẳng nói chẳng rằng gì nữa nhưng trở nên xám ngoét. Nó ngồi phịch xuống ghế, mắt tròn xoe nhìn chăm chăm nền đất. Tom động lòng trắc ẩn, hắn ta nắm cánh tay nó định an ủi nhưng thằng nhóc vùng vằng giật ra, khó chịu ra mặt.
“Để nó yên đi”, tôi nhỏ giọng “Anh không thấy nó sắp sướt mướt tới nơi rồi à.” Tom hối lỗi vì vô ý, ngoan ngoãn đứng dậy; hắn ta những muốn xoa dịu thằng nhóc nhằm giết thời gian để không phải nhớ đến chuyện của mình. Nhưng tôi lại thấy khó chịu về thái độ tránh né đó: chưa bao giờ tôi có ý nghĩ về cái chết, cũng đâu có lý do để nghĩ đâu, nhưng bây giờ lý do đã rành rành ra đấy, mà cũng chẳng có gì để làm ngoài việc ngồi chiêm nghiệm về chuyện chết chóc.
Tom bắt đầu lân la tán chuyện, hắn không thể ngồi yên được: “Anh đã diệt vài thằng phải không?” Tôi chẳng ơi hỡi gì. Nhưng hắn ta lại huyên thuyên rằng đã giết những sáu người từ đầu tháng Tám tới giờ; tội nghiệp, hắn không nhận thức được tình trạng hiện tại và tôi đồ rằng hắn cũng chẳng muốn nhận thức về nó làm gì. Chính tôi cũng có chút mơ hồ. Không biết có đau lắm không, tôi nghĩ về mấy viên đạn, tôi mường tượng hỏa lực của chúng ào ạt xuyên qua người tôi. Tất cả điều ấy cứ quanh quẩn bên câu hỏi thực sự; nhưng tôi trấn tĩnh lại: bọn tôi còn cả đêm để chiêm nghiệm cơ mà. Lát sau Tom ngưng nói, tò mò nên tôi quan sát hắn qua khóe mắt; hắn trở nên tái nhợt, trông như sắp thối rữa ra đến nơi rồi; tôi nhủ với mình “Bắt đầu rồi đây.”
Trời nhá nhem tối, thứ ánh sáng mờ đục của hoàng hôn len lỏi qua lỗ thông khí, trườn mình trên đống than đá rồi nôn ra nền đá vệt sáng dài, như một bãi nôn của bầu trời; cái lỗ trên trần nhà khoét một khoảnh tối tròn trịa đính thêm một vì sao: đêm nay hẳn trời sẽ trong và lạnh lắm đây.
Cánh cửa đột nhiên mở ra, hai tên cai ngục bước vào theo sau bởi một gã tóc vàng vận y phục da thuộc. Gã chào. “Tôi là bác sĩ, được ủy quyền giúp đỡ các anh trong những giờ phút khó khăn này.” Âm giọng của gã thật dễ chịu và đặc biệt. Tôi thắc mắc, bọn tôi có bệnh hoạn gì mà mời bác sĩ. “Anh làm gì ở đây?”
“Tùy ý của anh. Tôi sẵn sàng làm tất cả để thời khắc cuối cùng của các anh bớt mệt mỏi hơn.”
“Anh đến đây làm gì chứ, có đầy người trong bệnh viện cần được giúp kìa?” Tôi có chút tò mò về gã này.
“Tôi được cử đến,” gã nói trong khi nhìn lơ đễnh sang hướng khác, có gì khuất tất chăng. “A, các anh muốn hút thuốc không?” hắn ta bỗng trở nên vồn vã, “tôi có thuốc lá và cả xì gà nữa.”
Gã mời loại thuốc lá và xì gà Anh nhưng bọn tôi từ chối. Nhìn vào mắt gã tôi nhận ra chút bực bội trong ấy. Tôi huỵch toẹt ra, “Anh không cần phải ở đây chỉ vì lòng thương hại. Thêm nữa, tôi biết anh. Tôi đã thấy anh với lũ Phát xít trong sân trại lính lúc tôi bị bắt.”
Tôi định tiếp tục tấn công hắn, nhưng bỗng nhiên có điều gì đó bất ngờ xảy ra; sự tồn tại của gã bác sĩ này chẳng còn hứng thú gì với tôi nữa. Thường thì tôi chú ý đến ai thì tôi chẳng bỏ qua bao giờ. Nhưng tự nhiên ham muốn trò chuyện biến mất không tăm tích; tôi nhún vai rồi lảng mắt đi chỗ khác, có quan trọng đâu chứ. Chốc sau tôi ngẩng đầu lên lại thấy gã bác sĩ nhìn tôi vẻ tò mò, ánh mắt dò xét gì đấy. Mấy tên bảo vệ đang ngồi ngổn ngang trên băng ghế. Pedro, tên cao gầy đang
xoay xoay ngón tay cái vẻ sốt ruột, tên còn lại cứ lúc lắc quả đầu từng chặp để không phải ngủ gục.
“Ngài có muốn chút ánh sáng không?” Pedro đột ngột hỏi gã bác sĩ. Tên bảo vệ còn lại cũng gục gặc đầu tỏ vẻ tán thành: tôi nghĩ hắn ta có đầu óc ngang ngữa khúc gỗ, nhưng chắc cũng không đến nỗi đần độn. Nhìn đôi mắt xanh trống hoác đó khiến tôi có cảm giác tội lỗi duy nhất của hắn chỉ là thiếu trí tưởng tượng. Pedro ra ngoài rồi trở vào với một cây đèn dầu và đặt ở cạnh băng ghế. Ánh đèn tù mù nhưng cũng đỡ hơn là cái cảnh tối đen như mực. Trong một quãng dài tiếp theo, tôi ngước nhìn vùng sáng tròn vạnh mà cây đèn hắt lên trần nhà. Nhìn lăm lăm như bị thôi miên vậy. Rồi bỗng nhiên tôi tỉnh thức, vùng sáng vụt tắt, cảm giác chính mình bị nghiền nát dưới sức nặng khủng khiếp nào đó. Không phải ý niệm về cái chết, không khải sự kinh hãi; một thứ gì đó không thể gọi tên, tôi không biết cái quỷ đó là gì. Má tôi nóng rực, đầu tôi đau nghiến. Chợt rùng mình rồi nhìn ra hai người còn lại. Tom vùi mặt vào đôi bàn tay. Chỉ có thể thấy mỗi cái gáy béo ú trắng phớ của hắn. Juan bé nhỏ đáng thương hơn cả, miệng nó há ra hớp hớp không khí, hai lỗ mũi phập phồng, trông nó như sắp chết ngạt vậy. Gã bác sĩ tiến lại gần xoa vai an ủi nó: nhưng mắt gã lạnh tanh. Sau đó, bàn tay gã lén lút lần mò xuống cánh tay rồi cổ tay của Juan. Nó chẳng phản ứng gì cả. Gã nắm cổ tay Juan giữa ba ngón tay một cách kì cục, cùng lúc xê xích ra sau một chút để quay lưng về phía tôi. Nhưng tôi dựa ra sau và thấy gã lôi ra một chiếc đồng hồ từ trong túi, nghía qua một lúc mà chẳng lơi là cổ tay thằng nhỏ ra một chút. Một phút sau gã buông bàn tay nó xuống chầm chậm và quay đi, dựa lưng vào tường, thế rồi như thể bỗng nhớ ra chuyện gì quan trọng lắm cần phải ghi ngay kẻo lỡ, gã lấy ra cuốn sổ từ túi áo và cắm cúi viết đôi dòng. “Thằng khốn”, tôi lồng lộn trong đầu khi hiểu ra ý đồ của gã, “mày cứ thử đến kiểm tra mạch của tao mà xem. Tao sẽ đấm nát bấy bộ mặt thối tha của mày, đồ chó!”
Gã không lại, nhưng tôi cảm thấy hắn theo dõi tôi. Tôi ngẩng đầu đáp trả ánh nhìn của gã đầy thách thức. Gã lớn tiếng hỏi tôi “Anh không thấy lạnh à?” Gã có vẻ lạnh, người tái xanh.
“Không.” Tôi không thích câu hỏi có ý đồ của gã.
Gã chưa khi nào dỡ bỏ kiểu nhìn tích phân chăm chú đó khỏi tôi. Đột nhiên, tôi vỡ lẽ, lấy tay vuốt mặt: người tôi ướt đẫm mồ hôi. Trong căn hầm này, lại đang đông chí, giữa cơn gió lạnh ngắt, tôi đổ mồ hôi như tắm. Tôi vuốt mái tóc bết dính; cùng lúc tôi thấy áo mình ướt rượt và dán chặt vào da: tôi đổ mồ hôi ròng ròng mà không hề hay biết. Nhưng gã bác sĩ kinh tởm kia chẳng bỏ sót điều gì; gã quan sát những giọt mồ hôi lăn dài trên má tôi và nghĩ: đây hẳn là biểu hiện của trạng thái khủng hoảng, hẳn là gã đang cảm thấy an tâm và tự hào rằng mình được sống, vì gã biết lạnh. Tôi những muốn đứng dậy thoi mấy quả cho nát bản mặt của gã, nhưng tôi chưa kịp làm gì thì cơn giận dữ và xấu hổ của tôi đã lụi tàn chóng vánh; lưng tôi thờ ơ dựa lại vào băng ghế.
Tôi an phận lau cổ mình bằng khăn tay vì giờ đây mấy giọt mồ hôi nhỏ giọt từ mái tóc xuống cổ chẳng dễ chịu gì. Nhưng rồi tôi cũng từ bỏ lau cổ luôn, vô ích thôi, khăn tay giờ cũng ướt sũng mà tôi vẫn tiếp tục đổ mồ hôi. Mông tôi cũng ướt sũng luôn rồi, quần dính nhớp vào băng ghế.
Bỗng, Juan cất tiếng. “Ông là bác sĩ?”
“Đúng rồi.”
“Nó đau…lâu lắm à?”
“Hử? Khi nào…? À, không.” Gã người Bỉ nói, hình như tôi nghe phảng phất tiếng cười nhẹ đâu đó trong giọng cha chú ấy. “Không đau chút nào đâu. Nhanh lắm.” Hắn làm như thể mình đang an ủi một khách hàng mua lẻ: mua đi, rẻ lắm! vậy.
“Nhưng tôi…họ bảo là…đôi khi phải bắn những hai lần…”
“Đôi khi,” gã gật gù. “Chuyện đó cũng có thể xảy ra khi loạt đạn đầu tiên không trúng mấy bộ phận sống còn.”
“Thế rồi họ lên đạn và ngắm bắn lại từ đầu sao?” Thằng nhóc nghĩ ngợi giây lát rồi kêu lên, giọng khàn đi vì thoảng thốt, “Nó kéo dài đau đớn Chúa ơi!”
Nó kinh khiếp về nỗi đau đớn, đó là tất cả những gì nó có thể nghĩ đến: nó còn quá trẻ để chết. Tôi thì chưa từng nghĩ nhiều về tuổi tác và đau đớn cũng không phải là thứ khiến tôi toát mồ hôi.
Tôi đứng dậy, đi về phía đống bụi than. Tom nhảy dựng lên và ném về tôi ánh nhìn thù địch: tôi làm hắn ta giật mình vì tiếng sin sít của đôi giày. Không biết mặt tôi trông có kinh hoàng dúm dó như mặt hắn không nhỉ: hắn cũng chảy mồ hôi ròng ròng. Dù sao thì bầu trời vẫn tráng lệ, không một tia sáng nào vươn mình đến được góc phòng đen kịt, tôi chỉ cần ngẩng đầu một chút đã ngắm được chòm Đại Hùng. Nhưng nó chẳng mang dáng vẻ đã từng có trong cái đêm trước đó, cái đêm mà tôi cũng chiêm ngưỡng một mảng trời tuyệt vời từ cái hốc ở tu viện, mỗi giờ của ngày trôi qua đều đem lại cho tôi một kí ức khác nhau. Buổi sáng, bầu trời mang màu xanh sáng sủa khiến tôi liên tưởng đến những bãi biển ở Đại Tây Dương; đến trưa, mặt trời lại gợi tôi nhớ về quán bar ở Seville nơi tôi thưởng thức rượu vang Manzanilla và nhâm nhi cá cơm với dầu ô liu; chiều tối, tôi nương nhờ bóng râm và thơ thẩn nhớ về chiếc bóng đổ tràn một nửa đầu trường bò tót để dành nửa còn lại lấp lóa dưới ánh dương rực rỡ: chẳng dễ gì ngắm nhìn khắp nhân gian được ánh xạ lên bầu trời kiểu ấy. Nhưng giờ tôi có thể chìm đắm với bầu trời bao lâu tùy thích, chẳng còn gì khơi dậy trong tôi nữa. Như thế lại hay, nhớ những kỉ niệm mình không thể lặp lại vì ngày mai không còn thì vui vẻ nỗi gì. Tôi quay về và ngồi sát bên Tom.
Quãng dài trôi đi, đằng đẵng. Tom thấp giọng mở lời. Hắn phải nói, nếu không nói hắn chẳng thể nào nhận ra bản thân mình, ngay cả trong ý nghĩ của chính hắn. Tôi đoán hắn tán chuyện với mình nhưng ánh nhìn lại lạc đi nơi nào đấy. Đồ rằng hắn ngại nhìn thấy tôi trong tình trạng nhợt nhạt và vã mồ hôi; tụi tôi y hệt nhau, còn tồi tệ hơn cả soi gương nữa. Hắn trông sang gã người Bỉ, kẻ được sống.
“Anh hiểu phải không?” Hắn ngập ngừng.
“Tôi chẳng hiểu gì cả.” Tôi trả lời cũng với âm vực thấp. Mắt tôi hướng về gã bác sĩ. “Sao chứ? Chuyện gì?”
“Chuyện gì đó nhất định sẽ đổ lên chúng ta mà tôi không thể giải thích được.”
Có mùi gì kì cục từ người Tom. Dường như giờ tôi nhạy cảm với mùi hôi hơn thông thường. Tôi cười toe toét. “Anh sẽ chóng hiểu thôi.”
“Nó chẳng rõ ràng gì cả”. Hắn ta ương ngạnh trả lời. “Tôi mong được can đảm hơn nhưng trước hết tôi phải biết… Nghe này, chúng sẽ lôi chúng ta ra bãi đất trống. Cũng tốt. Chúng sẽ dàn hàng đối diện ta. Cỡ bao nhiêu nhỉ?”
“Tôi không rõ. Tầm năm hay tám thằng gì đấy. Không hơn được.”
“Được rồi. Sẽ có tám thằng. Đứa nào đó sẽ hô ‘ngắm bắn!’ rồi tám họng súng chĩa về phía mình. Lúc ấy tôi sẽ khao khát được chui qua Bức Tường. Tôi sẽ đẩy Bức Tường bằng tấm lưng của mình…với tất cả sức lực có được, nhưng Bức Tường vẫn trơ lỳ như cơn ác mộng tồi tệ. Tôi có thể tưởng đến tất cả. Giả mà anh có thể biết tôi mường tượng rõ ràng đến thế nào.”
“Thôi nào, được rồi đấy. Tôi cũng tưởng tượng được mà.”
“Chắc đau thấu trời xanh mất. Anh có biết là chúng nhắm vào mắt và miệng để làm anh xấu xí ô nhục không.” Hắn nói đều đều pha chút bất cần. “Tôi đã có thể cảm thấy vết thương rồi đây này. Vừa nãy tôi đau nhói ở đầu và ngực. Nhưng nó chẳng phải cơn đau thực. Còn kinh khủng hơn thế nữa. Đó là nỗi đau tưởng tượng mà ngày mai tôi chắc chắn sẽ nhận lãnh. Rồi sao chứ?”
Tôi thấu hiểu tường tận ý của hắn ta nhưng lại chẳng muốn tỏ ra mình hiểu. Tôi cũng đau chứ, đau như thể thân người phủ đầy những vết sẹo nhỏ chi chít. Không thể làm quen được với cơn đau đó, với cái thực tại đang và sẽ diễn ra này. Nhưng tôi cũng giống hắn ta. Tôi ám thị mình chuyện ấy chỉ là thứ vặt vãnh thôi. “Sau đó thì anh sẽ ngủm củ tỏi chứ gì nữa.”
Hắn lại lẩm bẩm với chính mình mà không thôi chòng chọc vào gã người Bỉ. Gã có vẻ lơ đễnh. Mục đích của gã bị tôi nhìn thấu rồi; gã hứng thú gì ý nghĩ của tụi tôi chứ; gã đến xem những cái xác của tụi tôi như thể xem phim, những thân thể chết dần chết mòn vì dày vò khổ sở bởi bản án tử hình trong khi vẫn còn thở.
“Đúng là ác mộng,” Tom lại ra rả. “Anh muốn nghĩ đến thứ gì, anh luôn mang ấn tượng nó sẽ ổn thôi, rằng anh sẽ tiêu hóa được nó và rồi nó trôi tuột đi, siêu thoát khỏi anh và tan biến. Nhưng tôi chẳng thể hiểu được một điều. Có có lúc tôi suýt hiểu… và rồi nó tiêu tan, tôi lại quanh quẩn cái vòng lặp giữa cơn đau, những viên đạn và nổ banh xác. Thề với anh tôi là kẻ duy vật; tôi không bị phát rồ với những thứ lãng mạn của bọn duy tâm đâu. Nhưng thứ ấy lại là chuyện khác. Tôi nhìn cái xác mình, cũng chẳng ghê gớm gì ngoài việc: chính mắt mình nhìn xác chết của mình. Rồi tôi nghĩ…nghĩ rằng tôi sẽ chẳng còn có thể ngắm nhìn bất kì thứ gì nữa, còn thế giới sẽ tiếp diễn với kẻ khác. Chúng ta không sinh ra để nhận thức về điều ấy, Pablo ạ. Tin tôi đi: tôi từng thức trắng đêm để chờ đợi một điều. Nhưng nó không giống nhau: lần này nó rình rập sau lưng chúng ta, Pablo, rồi chúng ta bất lực chẳng thể chuẩn bị gì với nó.”
“Im đi.” Tôi ngắt lời. “Anh muốn tôi mời một linh mục không hả?”
Hắn ta câm lặng. Tôi vừa nhận ra hắn hành xử mang hơi hướm một nhà tiên tri và gọi tôi là Pablo bằng giọng nói vô hồn. Tôi chẳng thích điều đó: nhưng hình như dân Ai Len đều từa tựa thế thì phải. Tôi lờ mờ nghe thấy hắn ta có mùi nước tiểu. Tôi chẳng cảm thông được nhiều với Tom, cũng không hiểu nguyên do, đáng lẽ chết cùng nhau thì tôi nên tăng thêm chút thương cảm mới đúng. Chắc hẳn với người khác tôi đã rộng lượng hơn. Chẳng hạn như Ramon Gris. Nhưng sao tôi vẫn thấy lạc lõng giữa Tom và Juan. Dù sao thì vẫn tôi thích thế hơn: với Ramon có thể tôi sẽ bị xúc động sâu sắc. Cơ mà sau đó tôi cứng rắn kinh khủng và chỉ muốn cứ cứng rắn như thế.
Hắn ta cứ nhai đi nhai lại mấy lời ấy một cách vô thức. Chắc hắn ra rả như thế để khỏi phải nghĩ ngợi gì. Tom mang cái mùi nước tiểu tởm lợm như một bóng đái cũ rích. Như một lẽ tự nhiên, tôi có cảm giác đồng bệnh tương lân với hắn. Tôi có thể nói mọi thứ hắn nói: chẳng cam lòng mà chết được. Và vì tôi chết chắc nên không điều gì có vẻ hợp lý với tôi, không phải đống bụi than này, hoặc băng ghế kia, hoặc bộ mặt xấu xí của Pedro. Chỉ có một điều khiến tôi bực bội đó là cả hai tụi tôi cùng bơi trong một dòng suy nghĩ. Và tôi biết, suốt cả đêm dài, cứ mỗi năm phút, chúng tôi đều nghĩ đến những chuyện y hệt nhau, cùng lúc. Tôi hướng ánh nhìn sang bên cạnh và lần đầu tiên thấy hắn ta thật lạ lẫm với mình: hắn đeo một bộ mặt chết chóc. Lòng tự tôn của tôi bị tổn thương: suốt 24 giờ qua tôi đã sống bên cạnh hắn, lắng nghe hắn. Tôi trò chuyện và tôi hiểu ch. Giờ đây bọn tôi trông giống nhau như đúc, như thể anh em sinh đôi vậy, đơn giản bởi cả hai sẽ cùng bị bắn, cùng nhau đi xuống mồ, có khi cùng bị quẳng vào một hầm ấy chứ. Tom tóm lấy tay tôi mà không nhìn.
“Pablo. Tôi tự hỏi…Tôi tự hỏi có thật là mọi chuyện sẽ chấm dứt ở đây không.”
Tôi giật tay mình ra rồi cáu tiết bảo, “Nhìn xuống giữa chân mình đi, đồ con lợn.”
Một vũng nước lớn tràn ra giữa hai chân hắn và mấy giọt nước rơi tong tong xuống từ ống quần.
“Cái quái gì thế này?” Hắn thất kinh.
“Mày tè ra cả quần chứ gì”. Tôi cho hắn hay sự thật mà hắn không muốn tin.
“Không phải,” hắn chối bỏ đầy giận dữ. “Tôi không tè ra quần. Tôi có cảm thấy gì đâu.”
Gã người Bỉ lại gần bọn tôi. Hắn thăm hỏi với lòng trắc ẩn giả tạo. “Anh bệnh à?” Tom im lặng. Gã bác sĩ liếc qua vũng nước tiểu rồi cũng chẳng nói gì, chắc gã cũng hiểu mấy biểu hiện ấy rồi.
“Tôi không biết thứ đó là gì nhưng tôi thề tôi không sợ hãi đến mức ấy”. Tom biện minh với vẻ hung tợn. Gã người Bỉ vẫn im lìm. Tom bật dậy rồi đi ra góc phòng để tiểu tiện. Hắn cài lại cúc quần rồi ngồi xuống cam chịu. Gã bác sĩ ghi chép gì đấy.
Ba người bọn tôi nhìn chòng chọc vào gã, vì gã được sống. Gã có sự vận động của người được sống; gã run rẩy trong căn hầm theo cách mà người sống thường run rẩy; gã có thân thể béo tốt và dễ bảo. B. Tôi những muốn cọ xát ống quần giữa hai chân để xem mình còn sống không, nhưng lại chẳng dám; tôi quan sát gã người Bỉ giữ thăng bằng trên đôi chân, điều khiển cơ bắp, đó là một người có thể mơ đến ngày mai. Còn bọn tôi, ba cái bóng khiếp nhược; nhìn lăm lăm vào gã, bú mút sức sống của gã như mấy con ma cà rồng đói khát.
Sau cùng, gã tiến về Juan bé nhỏ. Lại muốn kiểm tra cổ nó vì động cơ nghề nghiệp hay tuân theo sự thúc đẩy của lòng nhân ái đây? Nếu gã hành động xuất phát từ lòng trắc ẩn thì đó hẳn là lần duy nhất trong nguyên một đêm.
Gã vuốt ve đầu và cổ của Juan. Thằng nhóc để mặc cho gã đối xử ra sao thì ra, đôi mắt nó chăm chú vào gã chẳng lơ là, rồi đột ngột nó siết tay gã rồi nhìn vào đó một cách kì lạ. Nó nắm bàn tay ấy giữa hai tay mình, không khí trở nên bất ổn và khó lường, hai cái càng xanh xao kẹp chặt lấy bàn tay mập mạp và đỏ ửng. Tôi quan ngại về chuyện sắp xảy ra, Tom hẳn cũng ngờ ngợ như thế: nhưng gã người Bỉ không hiểu, hắn lại con mỉm cười vẻ cha chú nữa chứ, chắc gã tưởng Juan cảm kích nghĩa cử cao đẹp của mình. Chỉ giây sau thằng nhóc đưa bàn tay ấy lên miệng rồi gồng mình ngạm lấy như con chó điên bị dồn đến đường cùng trở nên phát tiết với kẻ đánh đuổi. Gã bác sĩ hấp tấp giật ra làm tấm lưng đập vào tường. Trong một giây gã kinh hoàng nhìn bọn tôi, chắc gã bỗng nhận thức được bọn tôi không còn giống gã nữa rồi. Tôi cười như điên, một tên bảo vệ nhảy vào phòng. Tên còn lại ngủ mất rồi, đôi mắt mở ra trống rỗng .
Tôi vừa thấy thoải mái vừa quá khích đồng thời. Chẳng muốn nghĩ thêm nữa chuyện gì sẽ đến vào bình minh hay về cái chết. Vô nghĩa cả thôi. Tôi chỉ gắng sức tìm kiếm thứ để nói hoặc sự trống rỗng cũng được. Nhưng cứ hễ tôi cố nghĩ về chuyện khác thì mấy nòng súng trường lại chĩa trước mặt. Tôi sống sót qua ý nghĩ về bản án cỡ hai mươi lần; thậm chí có lần tôi còn được thiếp đi trong giây lát, cũng tốt, tôi cần sức lực cho ngày mai. Chúng chắc sẽ lôi xềnh xệch tôi ra bức tường, tôi sẽ vật vã gào thét chống chọi; tôi sẽ nài nỉ cầu xin lòng thương hại của chúng. Tôi thức giấc và nhìn qua gã người Bỉ: tôi e rằng có lẽ mình đã òa khóc trong cơn mê ngủ. Nhưng gã đang vuốt ve ria mép và chẳng quan tâm xung quanh. Nếu muốn lẽ ra tôi có thể đã ngủ được một lúc lâu hơn; tôi lê lết qua 48 giờ không chợp mắt làm tôi kiệt quệ. Tôi đã ở đầu mút sau cuối của đời mình rồi. Nhưng tôi lại tiếc nuối hai giờ còn lại của sự sống; chúng sẽ đến rồi đánh thức tụi tôi vào sớm mai. Tôi sẽ lê bước theo chúng, hãy còn u mê với cơn ngái ngủ và tôi hẳn sẽ từ giã cõi đời mà không để lại gì nhiều ngoài tiếng “Ớ!” ngớ ngẩn; tôi tuyệt đối không để chuyện đó xảy ra. Tôi không muốn chết như súc vật, tôi muốn tri kiến cái chết. Với cả tôi cũng sợ ác mộng. Tôi đứng dậy, đi tới đi lui, và, để đánh lạc hướng tư tưởng mình, tôi nghĩ về quá khứ. Kí ức ngồng ngộn ùa về đổ ập lên tôi. Có vài chuyện tốt đẹp, cũng có nhiều điều tồi tệ – ít ra tôi cũng có thể gọi chúng là quá khứ. Bộ phim lướt qua những khuôn mặt và sự kiện tôi ghi dấu trong sự tồn tại của mình. Tôi trông thấy gương mặt của đấu sĩ bò tót bé nhỏ bị húc trong suốt buổi biểu diễn ở Valencia, khuôn mặt của một trong những người chú của tôi và gương mặt của Ramon Gris. Tôi tưởng nhớ toàn bộ cuộc đời mình, toàn bộ một cách chi tiết và sống động: tôi đã nghỉ việc ba tháng ra sao vào năm 1926, tôi suýt chết vì đói rét thế nào. Tôi nhớ cả cái đêm tôi ngủ lang trên băng đá ở Grenada và nhịn đói những ba ngày. Tôi nhớ và tôi giận dữ, tôi không muốn chết. Thế rồi thước phim ấy lại làm tôi mỉm cười. Tôi mới rồ dại làm sao khi theo đuổi hạnh phúc, đàn bà và tự do. Tại sao? Tôi muốn giải phóng Tây Ban Nha, tôi ngưỡng mộ Piy Margal, tôi tham gia phong trào phi chính phủ, tôi diễn thuyết trong những hội nghị công khai: tôi làm mọi thứ thật nghiêm túc như thể tôi bất tử vậy.
Ngay cái khoảnh khắc tôi tái hiện lại toàn bộ cuộc đời mình trước mặt, tôi đột nhiên nhận ra, “Quân dối trá chết tiệt!” Chẳng nghĩa lý gì nữa khi chuyện đến hồi kết. Giờ tôi đi dạo, tôi cười với các cô em bằng cách nào đây: người tôi cứng đờ ra khi mới chỉ mới manh nha nghĩ đến cái chết như này. Đời tôi mở ra, khép lại, đóng sập như một chiếc cặp táp nhưng mọi thứ trong nó vẫn còn dở dang. Trong một lúc tôi để cuộc đời ngày hôm qua của mình lên bàn cân rồi xem xét. Tôi những muốn nhủ mình rằng, cuộc sống tươi đẹp xiết bao, tôi đã sống ý nghĩa lắm rồi. Nhưng tôi chẳng thể nào vượt qua khỏi nổ lực đánh giá đời sống, giờ nó chỉ là bản nháp mà thôi, viết ra rồi bị xé đi, vứt xuống mồ; tôi đã nhúng ngập đời mình trong sự vĩnh cữu giả tạo, thành ra tôi chẳng hiểu nổi điều gì. Cũng chẳng thương nhớ gì: đáng lẽ tôi đã có thể tiếc nuối biết bao điều đã qua, hương vị của rượu vang manzanilla hay những lần tôi đã ngâm mình vào mùa hè trong con lạch xinh xẻo gần Cadiz; nhưng cái chết, nó thật giỏi vùi dập mọi thứ.
Gã bác sĩ bỗng dưng nảy ra sáng kiến. “Này các anh,” gã hồ hởi nói với tụi tôi, “tôi sẽ làm giúp một chuyện – dĩ nhiên là phải có sự chấp thuận của cấp trên – tôi sẽ gửi lời nhắn nhủ của các anh, hoặc một kỉ vật đến cho người thân…”
Tom lẩy bẩy, “Tôi chẳng còn ai cả.”
Tôi vẫn giữ im lặng. Được một lúc Tom quay sang tôi với vẻ hiếu kì.
“Anh không nhắn gửi gì cho Concha ư?”
“Không.”
Tôi ghét sự đồng lõa này: là lỗi của tôi. Đêm trước đó tôi đã kể về Concha. Đáng lẽ tôi nên kiềm chế mình lại. Tôi và nàng yêu nhau độ một năm rồi. Đêm qua tôi thật sự khao khát được gặp lại nàng dẫu chỉ năm phút ngắn ngủi. Đấy là nguyên do tôi kể về nàng, nỗi khao khát làm tôi mù quáng. Nhưng giờ tôi chẳng còn cái đam mê được gặp nàng nữa, chẳng còn muốn nói gì với nàng hơn nữa. Tôi thậm chí từng mong mỏi siết chặt nàng trong vòng tay mình: nhưng cơ thể tôi giờ đây ngập ngụa sự kinh tởm bởi vẻ tái nhợt và mồ hôi – Làm sao biết được thân thể nàng hòa lẫn vào tôi mà không cảm thấy sự tởm lợm đó chứ. Concha hẳn sẽ khóc dữ lắm nếu nghe tin tôi chết đi, nàng hẳn sẽ chán chường với cuộc sống một thời gian dài về sau. Nhưng rốt cuộc, kẻ sẽ biến mất vẫn là tôi. Tôi mơ về đôi mắt xinh đẹp dịu dàng của nàng. Mỗi khi nàng ngắm nhìn tôi, có điều gì đó chảy tràn từ nàng sang tôi. Nhưng tôi biết chuyện đó bất khả rồi: giờ nàng có ngắm nhìn tôi đi nữa thì thứ ấy vẫn mắc kẹt lại nơi đáy mắt nàng, chẳng với đến được phía tôi. Và tôi, trở thành kẻ cô độc.
Tom cũng cô độc, nhưng theo một cách khác. Ngồi vắt chéo chân, hắn ta nhìn chằm chằm dãy ghế với nụ cười phơn phớt. Hắn nhấc tay lên, chạm vào ván gỗ đầy thận trọng như thể hắn sợ làm vỡ nó rồi chóng vánh rụt tay về và rùng mình. Giả mà là Tom tôi sẽ chẳng tiêu khiển bằng trò sờ mó băng ghế đâu; chuyện này cũng mang vẻ vô nghĩa của dân Ai Len, nhưng tôi cũng thấy mấy vật này có vẻ buồn cười: chúng mờ nhòa hơn, mỏng mảnh hơn bình thường. Chỉ nhìn mớ đồ như dãy ghế, cái đèn, đống bụi than thôi tôi cũng ý thức rõ là mình sắp toi đến nơi rồi. Thường thì tôi chẳng nghĩ rành mạch cho lắm về cái chết nhưng lại thấy nó ở mọi nơi, mọi thứ, trong cách mà sự vật bước lùi và giữ khoảng cách, thật kín đáo, như người ta nói chuyện khe khẽ bên cạnh một kẻ đang hấp hối. Cái chết hiển hiện trong cách Tom chạm vào băng ghế.
Trong trạng thái như tôi đang là, nếu ai đó đến và bảo tôi rằng hãy về nhà một cách lặng lẽ, rằng tôi được tha bổng cho cả đời mình, hẳn tôi sẽ tê dại chẳng phản ứng được gì mất: hàng giờ hay hàng năm chờ đợi cũng như nhau thôi khi cái ảo tưởng về vĩnh hằng rơi rụng rồi. Tôi chẳng bấu víu vào thứ gì nữa nên bình tĩnh hơn bao giờ hết, mà thật ra cũng còn gì để bấu víu đâu. Nhưng đó là cơn điềm tĩnh đáng sợ – bởi cơ thể tôi, cái cơ thể mà tôi nhìn bằng chính đôi mắt nó, lắng nghe bằng đôi tai nó, nhưng nó không còn là tôi nữa; tự nó nhớp nháp và run rẩy, tôi chẳng nhận ra nổi cơ thể mình. Tôi phải sờ nắn, nhìn ngắm nó để hiểu chuyện gì đang diễn ra, như thể đó là cơ thể của kẻ nào khác vậy. Đồng thời, tôi vẫn cảm nhận được thân thể, nó đang lao vút xuống như chiếc máy bay rơi chúi mũi không gì cứu vãn nổi. Tôi nghe thấy nhịp đập đều đặn trái tim mình. Nhưng đập bây giờ thì khác gì nếu mai là ngày sau cuối, trái tim đang bơm máu chăm chỉ mà ngu ngốc kia không trấn an được tôi. Toàn bộ thân thể tôi như bị tùng xẻo ra từng mảnh rồi bị xiên lên, chẳng còn lành lặn gì. Nó chẳng còn sức để chịu bất kì áp lực dù nhẹ nhàng nhất, nó hoàn toàn câm nín, một biểu hiện thật ghê tởm đối với tôi; tôi chợt cảm thấy không điều khiển nổi cơ thể mình, tôi có một ấn tượng rằng đang bị buộc chặt vào một con bọ khổng lồ kinh tởm. Tôi sờ vào quần, nó ẩm ướt; không rõ là do mướp mồ hôi hay thấm nước tiểu nữa. Nhưng tôi vẫn phòng hờ bằng cách lại đống than đá mà đi vệ sinh.
Gã người Bỉ xem đồng hồ rồi thông báo: “Ba rưỡi rồi.”
Thằng khốn! Hắn có mưu mô gì mới nói thế. Tom nhảy dựng lên; tụi tôi quên mất thời gian trôi đi; màn đêm gói ghém tất cả lại trong cái khối đen đặc vô hình và ảm đạm của nó, thậm chí tôi còn chẳng để ý đêm xuống khi nào.
Cu cậu Juan òa khóc, vặn xoắn bàn tay nài nỉ: “Tôi không muốn chết. Tôi không muốn chết chút nào đâu.”
Nó vừa chạy quanh căn hầm vừa vung vẩy loạn xạ cánh tay rồi vùi mặt nức nở vào một tấm thảm. Tom nhìn nó bùi ngùi nhưng chẳng có chút mong muốn an ủi nào. Cũng không đáng để rước thêm rắc rối: thằng nhóc ồn ào hơn cả hai đứa tôi nhưng lại ít bị tác động hơn cả: nó giống như một kẻ bệnh tật đang bảo vệ mình khỏi cơn sốt thôi vậy. Hẳn sẽ trầm trọng hơn nếu chẳng có cơn sốt nào.
Nó sụt sùi, có thể nghe rõ ràng nó đang thương tiếc cho chính mình; nó còn chẳng hề đoái hoài gì đến cái chết. Trong một giây, một giây ngắn ngủi thôi, tôi những muốn khóc than cho mình. Nhưng điều tôi làm lại trái ngược hoàn toàn: tôi lướt thoáng qua thằng nhóc, đôi vai gầy sọp của nó rung lên nức nở và tôi thấy mình bất nhân: không, không có chuyện tôi tiếc thương cho mình hay là kẻ khác đâu. Tôi nhủ với mình: “Ta muốn chết thật trong sạch.”
Tom ngồi dậy đứng dưới lỗ tròn trên trần, ngước đầu ngắm ánh sang ban mai. Tôi thì đã nhất quyết chết thật trong sạch, cứ đinh ninh như vậy thôi. Nhưng kể từ lúc gã bác sĩ nói giờ giấc xong, tôi thấy thời gian chảy trôi từng giọt từng giọt một.
Trời vẫn còn tối mịt khi Tom cất tiếng: “Anh nghe gì không?”
Chúng đang diễu hành ở ngoài sân.
“Có.”
“Chúng làm cái quỷ gì nhỉ? Làm sao bắn trong bóng tối được.”
Không còn thanh âm nào nữa. Lát sau tôi bảo Tom, “Ban ngày rồi.”
Pedro thức giấc, ngáp dài rồi đi lại tắt đèn cầy. Hắn nói với chiến hữu của mình: “Lạnh chết mất.”
Căn hầm toàn màu xám xịt. Tụi tôi nghe tiếng súng nổ xa xa.
“Bắt đầu rồi đây,” tôi bảo với Tom. “Chắc chúng sẽ xử tử ở sân sau.”
Tom hỏi xin gã bác sĩ điều thuốc lá. Tôi thì không, chẳng thuốc lá hay rượu chè gì cả. Từ lúc ấy chúng chẳng ngừng bắn một giây.
“Anh hiểu chuyện gì đang diễn ra không?” Tom lại hỏi.
Hắn định bồi thêm gì đó nhưng rồi lại thôi, quay qua nhìn cánh cửa. Cửa đột ngột mở tung, một gã trung úy đi cùng bốn tên lính. Tom đánh rơi điều thuốc.
“Steinbock?”
Tom nín thinh. Pedro chỉ vào hắn ta.
“Juan Mirbal?”
“Trên tấm thảm ấy.”
“Đứng dậy,” gã trung úy ra lệnh.
Juan chẳng nhúc nhích nổi. Hai tên lính phải xốc nách nó lên để nó đứng được trên hai chân. Nhưng nó ngã vật xuống ngay khi chúng lỏng tay ra.
Mấy tên lính có vẻ chần chừ.
“Cậu ta không phải là người dặt dẹo đầu tiên,” gã trung úy nói. “Hai anh mang nó đi đi: họ sẽ tập trung mấy người như nó ở đằng kia.”
Gã chuyển sang Tom. “Đi thôi.”
Tom lê lết giữa hai tên lính. Hai tên khác xốc nách thằng nhóc mang đi đằng sau. Nó không ngất nữa nhưng mắt trợn tròn, nước mắt chảy ròng xuống gò má. Tôi chuẩn bị ra ngoài theo hai người bạn tù thì gã trung úy giữ tôi lại.
“Mày là Ibbieta?”
“Đúng.”
“Chờ một lát, sẽ có người đến với mày sau.”
Thế rồi chúng rời đi. Cả gã người Bỉ và hai tên cai tù cũng đi nốt, còn lại mỗi một mình tôi. Tôi thật không hiểu nổi chuyện gì đã diễn ra nhưng có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng kết liễu tôi ngay cho rồi. Tiếng súng vang lên từng quãng đều đặn; tôi rùng mình với mỗi phát đạn bắn ra. Tôi muốn rú hét lên, bứt giật tóc tai. Nhưng tôi nghiến răng chặt cứng và dúi bàn tay vào trong túi áo, vì tôi quyết rồi mà, tôi phải chết trong danh dự.
Tầm một giờ sau chúng lại đến và đưa tôi lên tầng đầu tiên, vào căn phòng bé xíu ngập mùi xì gà và ngột ngạt. Hai gã nhân viên đang ngồi phì phèo thuốc trên ghế dựa, giấy tờ nằm trên đùi.
“Mày là Ibbieta?”
“Đúng vậy.”
“Ramon Gris đâu rồi?”
“Tôi không biết.”
Gã hỏi tôi vừa lùn vừa mập. Mắt nhìn khắc nghiệt đằng sau cặp kính. Hắn nói cụt ngủn, “Đến đây.”
Tôi lại chỗ của gã. Gã đứng dậy, nắm lấy cánh tay tôi và chiếu vào tôi ánh nhìn như thể muốn nhấn tôi xuống lòng trái đất vậy. Đồng thời gã lại còn dốc toàn lực siết mạnh bắp tay tôi. Chẳng đau đớn gì với tôi, nó chỉ là một trò chơi: gã muốn đàn áp tôi thôi. Thấy chưa đủ gã còn thổi phì phò hơi thở nồng nặc hôi thối vào mặt tôi. Tụi tôi cứ giữ yên tư thế đó một lúc, thật mà nói thì tôi suýt phì cười. Với một kẻ sắp chết, cần nhiều nỗ lực hơn để đe dọa được hắn, chỉ thế thôi thì chưa xi nhê gì. Gã đẩy tôi ra sau một cách thô bạo, rồi ngồi xuống lại chỗ cũ. Gã mở lời: “Mạng hắn đổi lấy mạng mày. Mày sẽ được sống nếu cho tụi tao biết hắn ở đâu.”
Mấy gã vận ủng và roi ngựa kia cũng vẫn sẽ tiêu đời. Sau tôi ít lâu, những chẳng chóng thì chày thôi. Chúng tất bật tìm kiếm tên tuổi trong mớ giấy tờ nhàu nát, chúng đuổi theo kẻ khác để bỏ tù hay đàn áp họ: hẳn là chúng có ý tưởng ghê gớm lắm cho tương lai Tây Ban Nha hay mớ vấn đề khác đây. Mấy trò vặt vãnh của bọn chúng khiến tui kinh ngạc và thấy khôi hài quá chừng; tôi chẳng cảm thông được chút nào, bọn ấy điên cuồng quá. Gã thấp bé vẫn nhìn tôi chòng chọc, gõ gõ vào đôi ủng bằng cái roi ngựa kia. Mấy cử chỉ đó có chủ ý nhằm giúp gã mang dáng vẻ của con thú man rợ sống động.
“Thế nào? Mày hiểu chuyện chứ?”
“Tôi không rõ Gris ở đâu,” tôi lại chối. “Tôi đoán rằng hắn đâu đó ở Marid.”
Gã nhân viên còn lại lười biếng nhấc bàn tay tái nhợt của mình lên. Vẻ biếng nhác này cũng được tính toán cả rồi. Tôi nhìn thấu cái vở kịch của bọn chúng mà ngạc nhiên quá đỗi, trên đời này có những kẻ giải trí với chính mình theo cách đó sao.
“Mày có mười lăm phút để ngẫm nghĩ,” hắn nhả từng từ một. “Mang hắn ta vào phòng giặt ủi, canh đúng mười lăm phút. Nếu hắn ta vẫn chối quanh thì xử bắn luôn.”
Chúng quá rõ chúng đang làm gì mà. Tôi đã bị dày vò cả đêm trắng, rồi lại lê lết một giờ đồng hồ trong căn hầm khi Tom và Juan bị bắn và giờ thì chúng nhốt tôi vào phòng giặt; bọn chúng chắc đã dựng trò vui này từ đêm qua rồi. Chúng tự nhủ với mình rằng thần kinh chúng rốt cuộc cũng bị bào mòn cả đi nên chúng muốn tôi cũng chịu chung cảnh ấy.
Cơ mà chúng nhầm to rồi. Ở phòng giặt tôi tựa mình vào cái máy vì thấy mình yếu quá, và tôi suy tính. Nhưng không phải về ý định của chúng nó. Hiển nhiên tôi thừa biết Gris chỗ nào; cậu ấy đang ẩn náu với em họ mình, cách thành phố bốn kilomet. Và cũng dĩ nhiên tôi sẽ chẳng đời nào tiết lộ ra nơi Gris giấu mình trừ phi chúng tra tấn tôi (nhưng có vẻ chúng chẳng nghĩ đến chuyện đó). Tất cả những chuyện này đã được sắp xếp kĩ lưỡng, rõ ràng và chẳng hề đếm xỉa đến tôi. Có điều, tôi hẳn sẽ hài lòng nếu hiểu được cách hành xử của mình. Tôi thà chết còn hơn là từ bỏ Gris sao? Nhưng vì sao chứ? Tôi chẳng quý Ramon Gris chút nào. Tình bạn dành cho cậu ta lụi tàn ít nhiều ngay trước bình minh, cùng lúc với tình yêu tôi dành cho Concha và đồng thời với khát vọng sống của mình. Thì đúng là tôi đánh giá cậu ta rất cao; cậu ta cương trực và mạnh mẽ. Nhưng đó chưa phải là nguyên do tôi đồng ý chết thay cho cậu ta; cuộc sống của cậu cũng chẳng quý giá hơn của tôi; không có cuộc đời nào giá trị cả. Chúng sẽ xô một kẻ ngã sấp vào bức tường rồi xả súng đến khi hắn chết hẳn. Có là tôi hay Gris hay bất kì ai nữa cũng chẳng có gì khác biệt. Đúng là cậu ấy hữu dụng cho Tây Ban Nha hơn tôi nhưng tôi nghĩ quái gì tới Tây Ban Nha hay phi chính phủ chứ; chả có gì quan trọng cả. Nhưng tôi đã đến nước có thể cứu sống mình và bán đứng Gris và rồi tôi từ chối làm thế. Hình như ai đó đang cười cợt tôi; cười vào cái sự cố chấp của tôi. “Mình phải ngoan cố.” Và rồi cái xúc cảm kì khôi xâm chiếm cơ thể tôi.
Chúng vào rồi mang tôi lại hai gã nhân viên kia. Con chuột cống bỗng dưng chạy sượt qua bàn chân, chả hiểu sao tôi lại thấy thích thú. Quay sang một trong mấy gã đảng viên Pha-lăng tôi cười hỏi: “Mày có thấy con chuột không?”
Hắn ta chẳng thèm trả lời. Có vẻ là người cực điềm tĩnh, hắn giữ mình lúc nào cũng nghiêm nghị cả. Tôi muốn phá ra cười lắm nhưng cố kiềm chế vì sợ một khi tôi đã bật ra thì chẳng thể ngậm miệng lại nỗi. Gã đảng viên có ria mép. Tôi cợt nhã hắn lần nữa: “Mày nên cạo bộ ria đó đi, đồ đần độn ạ.” Nếu hắn mà để bộ râu tóc đó sinh sôi khắp bộ mặt mình thì chắc phải tức cười lắm. Hắn đá tôi một cú mà không thèm báo trước, tôi nín thinh.
“Sao rồi,” gã nhân viên béo ú lên tiếng, “mày đã thông suốt chưa?”
Tôi nhìn chúng hiếu kì, trông như mấy con côn trùng thuộc loại quý hiếm vậy. Tôi trả lời chúng rằng, “Tôi biết chỗ ở của anh ta. Anh ta núp mình ở nghĩa địa. Trong cái huyệt hay lán của tên đào mộ nào đấy.”
Đúng là trò hề. Tôi những mong nhìn thấy cảnh chúng đứng dậy khóa dây nịt rồi ra lệnh tíu tít.
Chúng đứng bật dậy. “Đi thôi. Molés, tóm luôn mười lăm thằng nữa từ trung úy Lopez. Còn mày,” gã béo ú lồng lộn, “tao sẽ tha chết cho mày nếu mày khai thật, nhưng mày sẽ phải trả giá đắt nếu lại có ý làm trò khỉ với tụi tao nữa.”
Chúng bỏ đi trong tiếng huyên náo ồn ã còn tôi chờ đợi một cách bình thản dưới sự giám sát của tên đảng viên. Hết lần này đến lần khác, tôi cứ cười cười mà nghĩ đến viễn cảnh chúng sẽ làm. Tự nhiên tôi thấy sững sốt và bất lương ghê. Tôi tưởng đến cảnh chúng nhấc từng cái bia mộ, mở từng cái nắp hầm. Tôi phác họa cảnh tượng đó cho mình như thể tôi thành người khác rồi vậy; tên tù nhân này cứ cứng đầu đóng vai anh hùng; mấy gã đảng viên phát xít hung tợn với bộ ria mép và đồng phục chạy xoắn xít quanh mấy cái bia đá; nực cười không chịu nổi. Độ nửa giờ sau gã thấp béo trở về một mình. Tôi đoán hắn đến để ra chỉ thị xử tử tôi. Mấy gã khác chắc còn lẩn quẩn ở nghĩa địa.
Gã nhân viên nhìn tôi chăm chú. Chả có vẻ gì sượng sùng cả. “Mang hắn vào bãi đất cùng mấy thằng khác,” gã ra lệnh. “Sau vài hoạt động quân sự toà án thường trực sẽ quyết định sẽ làm gì với hắn.”
“Thế họ sẽ không…không xử bắn tôi nữa sao?…”
“Dù sao thì, không phải bây giờ. Chuyện tiếp theo không phải việc của tao.”
Tôi vẫn hoàn toàn mù tịt. “Nhưng vì sao chứ?”
Gã nhún vai mà chẳng trả lời, tên lính dẫn tôi đi nơi khác. Trong cái sân rộng thênh đó chứa khoảng một trăm tù binh, phụ nữ, trẻ nhỏ và vài người già. Tôi đi vòng quanh bãi cỏ trung tâm, sững sờ. Tầm trưa chúng cho tụi tôi ăn trong cái sảnh hỗn độn. Hai hoặc ba người xúm lại hỏi han tôi. Chắc là tôi có biết họ, nhưng tôi chẳng mở miệng trả lời. Tôi thậm chí còn chả biết mình ở đâu cơ mà.
Tôi nhận ra Garcia, thợ làm bánh. Hắn ta trầm trồ, “Sao anh ăn may quá vậy! Tôi không ngờ rằng anh còn sống được cơ đấy.”
“Chúng tuyên án tử hình cho tôi và rồi chúng đổi ý, cũng không biết tại sao.”
“Chúng tóm tôi lúc hai giờ ấy.” Garcia kể.
“Tại sao?” Tôi ngạc nhiên, Garcia có liên quan gì đến chính trị đâu.
“Tôi không biết. Chúng bắt bất kì ai không nghĩ theo lối chúng.” Hắn thấp giọng rỉ tai tôi. “Chúng tìm được Gris rồi.”
Tôi run bắn người. “Khi nào?”
“Sáng nay này. Cậu ta làm rối tung chuyện lên. Rời nhà em họ vào Thứ Ba vì tranh cãi gì đấy. Có một đống người bao che cho cậu ta nhưng cậu ta không muốn nợ nần ai cái gì. Cậu ta bảo là ‘Tôi dự định ẩn nấu chỗ của Ibbieta, nhưng chúng giam cậu ấy rồi, nên chắc tôi sẽ trốn trong nghĩa trang’.”
“Nghĩa trang ư?”
“Ừ. Thằng ngu. Dĩ nhiên là chúng đến đó sáng nay, chắc chắn rồi. Cậu ta bị phát hiện trong cái lều của tên đào mộ. Cậu ta bắn trả nhưng rồi cũng bị bắt.”
“Trong nghĩa trang!”
Mọi thứ xoay mòng trước mặt và tôi thấy mình đổ ập xuống sàn nhà: tôi cười, dữ dội đến trào nước mắt.
Such a philosopher of existentialism, I was thrown into his existential crisis after screwing the short story “The wall” from the namesake book. what I got from it is that We are not allowed to be clean, whether dead or alive.