Site Loader

Rating: 3.5 out of 5.

Vì sao lại là cuốn này? Hẳn một review cho một cuốn sách chỉ 150 trang?

Vì mình cần một cuốn sách mỏng để đọc trong vài giờ sau một thời gian dài đọc toàn ebook tiếng anh và trước khi phải quay lại đọc tiếp chúng… Trời ơi mình nhớ Tiếng Việt và mùi sách giấy!

Và vì phát xít Đức chưa bao giờ là chủ đề nhàm chán với mình. Có đọc bao nhiêu đi nữa vẫn thấy kiến thức về thế chiến thứ II của mình đầy những lổ hổng và toàn các nhận định chủ quan. Các sự kiện lịch sử là có thật, nhưng diễn giải chúng lại phụ thuộc vào sự yêu ghét của người kể chuyện, huống chi lịch sử được viết bởi kẻ chiến thắng.

Trong khi Nửa kia của Hitler đã lãng mạn hoá cuộc đời của Adolf Hitler bằng một chữ Nếu, thì Chương trình nghị sự đã dựng một màn trào phúng chỉ để khán giả thấy sự đê tiện trơ ì của Hitler và đoàn tuỳ tùng.

Có cảm giác Éric như một đạo diễn hài kịch, ông nhón tay chọn những sự kiện có thật trong lịch sử rồi thêm thắt lời thoại châm biếm, một chút nỗ lực miêu tả ngoại cảnh và nội tâm để có những phân cảnh sống động như thật. Rồi bằng cách sắp xếp các phân cảnh theo trình tự đầu cuối tương ứng (bắt đầu với cuộc hội nghị của 24 người và kết thúc với sự nhắc lại của từng cái tên ấy) cộng với một số chi tiết liên tưởng không-liên-quan lắm để có người xem có một cái nhìn tổng quan về sự sáp nhập Áo và Đức – tất nhiên theo một cách châm biếm sự hèn hạ của Chính phủ hai bên như ý muốn chủ quan của tác giả.

Thế có hài hước thật không, vở hài kịch ấy? Tạm được… có thể khẩu vị của mình hơi đậm nên món này vẫn chưa đủ. Éric đã cố gắng trào phúng trong mỗi câu chữ rồi, nhưng vẫn chưa đủ sức nặng. Có đoạn này khiến mình buồn cười hơi lâu nè:

Khi Schuschnigg – thủ tướng Áo – bị Hitler chất vấn nước Áo đã cống hiến được gì cho nước Đức chưa (hòng ép Schuschnigg kí những thoả ước giúp phát xít Đức thâu tóm chính quyền Áo), hắn ta vận hết tốc lực trong cơn tuyệt vọng để tìm một đóng góp trong từng thế kỉ. Và rồi, hắn nhớ ra Beethoven và phất phơ cái tên ấy trước mặt Hitler như miếng giẻ trắng. Nhưng: “Beethoven không phải người Áo. Beethoven là người Đức!” – Hitler vặn lại. Schuschnigg lắp bắp: “Đúng vậy… nhưng ông ấy đã chọn sống ở Áo…”

Rõ ràng đây còn lâu mới là cuộc họp giữa các nguyên thủ quốc gia. Và nó tréo ngoe như chuyện Hitler là người Áo và chọn sống ở Đức, tôn vinh chủng tộc thượng đẳng tóc vàng mắt xanh còn ông ta thì…

Dù sao đây là fiction chứ không phải sách lịch sử, chúng ta cũng không thể đòi hỏi cao hơn được về mức độ đáng tin cậy hay tính thuyết phục của nó. Mình phải tự nhắc điều đó với bản thân trong suốt quá trình đọc, những cuốn như thế này khá nguy hiểm, nếu lơ là nó sẽ ảnh hưởng cách mình đánh giá lịch sử. Dẫu biết rằng nỗi đau Phát xít gây ra với người Do Thái là quá tàn khốc, nhưng mình không ngăn được sự ngưỡng mộ dành cho những kẻ thiên tài như Hitler. Thậm chí các Fallen Angle cũng cần được cảm thông chứ.

Không có bài học quý giá nào được rút ra từ cuốn sách nhỏ này ngoại trừ sự giải trí thuần tuý từ góc nhìn mới lạ vào lịch sử. Cá nhân mình thì lượm nhặt được một điều hay ho vặt vãnh từ sự-liên-tưởng-không-liên-quan-mấy của Éric. Đó là hoạ sĩ Louis Souter, người mà vì tò mò mình đã xem chân dung và không chịu được sự già nua khiếp sợ khốn khổ trong đôi mắt của ông.

Related imageRelated image

Đôi mắt này đã nhìn thấy những bóng ma điên loạn đen kịt tật nguyền nhảy múa trong nửa sau cuộc đời ở nhà thương điên để vẽ ra những bức tranh kì dị như này.

Image result for louis soutter

Đây là những bóng ma mà Éric đã ví như những vũ điệu tử thần – điềm báo cho sự lụi tàn của thời đại lúc bấy giờ.

3.5* (+0.5 là vì cung cấp tên một hoạ sĩ mà cuộc đời và tác phẩm khiến mình nghẹn giọng)

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.