Site Loader

Bàn làm việc của tôi đặt trong căn bếp rộng rãi, nơi tôi có thể chống cằm nhìn vào tủ lạnh đầy ắp đồ ăn. Bạn hỏi, như vậy không phải sẽ gây xao nhãng sao? Có thể, với người có mối quan hệ thắm thiết với thức ăn. Bản thân là đứa trì trệ trong chuyện ăn uống kinh niên, tôi cần đồ ăn nhảy xồ vào mắt mình để đứng dậy nấu ăn.

Thực ra, tôi hoàn toàn có thể sắp xếp góc làm việc trong phòng ngủ ở tầng trên, nhưng tôi ghét chuyện đó. Suốt những năm du mục sống trong nhà thuê, tôi ám ảnh cảnh phải vừa ăn vừa làm vừa ngủ ở cùng một căn phòng. Điều tốt nhất tôi có thể đối xử bản thân là thuê một căn phòng rộng rãi và thực hiện nguyên tắc 3 không:

  • Không ăn uống và làm việc trên giường
  • Không ngủ trên bàn làm việc
  • Không mời bạn khác giới vào phòng

Có một câu thế này: Don’t mix your problem with your medicine. Giấc ngủ là thuốc chữa bách bệnh, công việc là chiến trường nảy sinh vấn đề. Không thể nào vừa mở mắt dậy đã phải bấn loạn về hàng tá gạch đầu dòng còn tồn đọng. Căn phòng là nơi trú ẩn cuối cùng, người tình là mầm mống của cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Trừ phi phải chuyển nơi ở, tôi không nghĩ bạn có thể quên được dấu vết họ để lại ở nơi bạn sinh hoạt hằng ngày. Chúng ta luôn cần một nơi chốn trú ẩn, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mà không có bóng dáng của bất kỳ ai khác.

Trở lại chuyện đặt bàn làm việc ở đâu. Tôi cũng không muốn làm việc ở phòng khách. Mà cũng chẳng ai lại làm việc hằng ngày trong phòng khách. Dù chẳng mấy khi có khách đến nhà, nhưng tôi vẫn cố giữ phòng khách là nơi mà bất chợt có ai gõ cửa tôi không cần phải xin phép 3 phút để dọn dẹp. Văn hoá phù phiếm thường đề cao phòng khách là bộ mặt của căn nhà, là cơ hội để khách khứa hiểu về cá tính và thẩm mỹ của gia chủ. Lạ đời! Người giàu thường vẽ chuyện. Tôi chẳng muốn khách hiểu về tôi qua mấy thứ vật chật, đã rõ là nghèo và lười, cần gì phải nhọc tâm phân tích. Nhưng tôi không muốn họ thấy bàn làm việc bừa bộn của mình, sau đó hỏi: Bạn đang làm việc gì? Phải nói rằng tôi khổ sở trả lời câu hỏi này với các cô chú hàng xóm biết bao nhiêu lần. Nếu nói tôi làm online, cô chú sẽ hỏi: Bán hàng online à? À vâng, coi như đúng là tôi bán linh hồn online. Nếu nói tôi viết lách, các cô chú nghệch ra: Là viết cái gì con? Tôi cũng ậm ừ: dạ họ kêu con viết gì con viết nấy. Nhưng các cô không thoả mãn lắm, vẫn không hiểu sao chỉ viết mà có thể sống được, mà còn hồng hào thế kia. Bạn bè đồng lứa cũng không hiểu, cứ nói đến writer thì chỉ nghĩ đến copywriter. Chí mạng hơn, bạn gật đầu nom rất tỏ tường: em viết mấy bài kiểu tổng hợp thông tin trên mạng phải không? Thành ra, để đỡ mất công dài dòng, tôi cứ nói mình dạy tiếng Anh, dù chẳng dạy dỗ gì mấy.

Tóm lại, đặt bàn làm việc trong phòng bếp là quyết định sáng suốt thứ nhì trong 9 tháng qua. Chưa kể, nhiều lúc mẹ đến thăm, tôi còn được vừa làm vừa ngắm không khí nồng ấm mẹ toả ra từ đằng bếp. Cảm giác rất có thành tựu và phước lành. Bảo sao người ta cứ lải nhải: “đàn bà xây tổ ấm”, và đàn ông lúc nào cũng vin vào bữa cơm gia đình để mong đợi phụ nữ nấu ăn. Tôi cũng muốn có người phụ nữ gia đình cho mình! Lúc cặm cụi nấu nướng và rửa chén, tôi không thể phân thân ra để ngồi vào bàn ngắm nhìn mình trong bếp và tự thấy hạnh phúc được. Mẹ bảo, còn một kiểu hạnh phúc khác, là được chăm sóc người mình yêu, nhìn thấy họ ăn thức ăn mình nấu và mặc quần áo mình giặt ủi. Có thể lắm, có thể một ngày nào đó mắt tôi sẽ rạng ngời nhìn người bạn đời thưởng thành phẩm của mình, và cầu nguyện anh ấy hoặc cô ấy đừng chê bai gì để tôi phải thực hành kỹ năng boxing. Tuy vậy, thứ hạnh phúc trong truyền thuyết ấy cứ đặt vào ngăn tủ để dành cho tương lai. Mẹ cũng nên biết có một loại hạnh phúc khác nữa. Bà quan sát cuộc sống của tôi và nhận xét: Đúng là không ai chăm sóc bản thân tốt hơn chính mình nhỉ?

Bài viết không hề có nội hàm thâm sâu, bạn có thất vọng không? Tôi chỉ đang ngồi trong căn bếp, viết ra ý nghĩ lan man để chứng minh cho bản thân rằng: mình có thể biến mọi chất liệu dù là vô vị nhất thành một bài viết 1000 chữ, vậy tại sao truyện ngắn 2000 chữ mà viết 1 tháng mới xong! Ước gì bản thân có thể nghiêm túc và hàn lâm hơn trong văn chương, nhưng đây là hậu quả mà tôi phải gánh chịu. Tôi là một sản phẩm hỗn độn giữa tiểu thuyết kinh điển và hài độc thoại. Thậm chí tôi còn không biết có nhóm độc giả nào vừa vẹn với ngách của mình, trừ những đứa bạn cũng cợt nhã nhưng chả bao giờ mua sách văn học Việt Nam đương đại.

Khi viết trong căn bếp này, tôi nhận ra một điều: một nàng thơ không nên tự biết mua vui cho bản thân. Việc của nàng là đẹp và buồn, và để người khác có cơ hội được làm nàng vui. Nàng mà vui quá, người ta sẽ vỡ mộng và không biết làm gì để được cần đến.

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.