Tiêu đề câu view rẻ tiền thôi, chứ cuốn sách nào đáng đọc cũng đều chứa đựng nỗi cô đơn nhất định, vì quá trình viết sách hay sáng tạo đều là hành trình đơn độc, ít nhất là về mặt tâm tưởng. Hơn nữa, ai rồi cũng cô đơn thôi, giống như ai rồi cũng đói, khát, buồn ngủ, thất tình, hạnh phúc, đau ốm, chỉ khác nhau ở tâm thế. Với tâm thế xem cô đơn là món ăn vặt, mình chọn ra 5 cuốn sách cho bạn vừa đọc trong những ngày cách ly ở nhà một mình vừa gặm nhấm cô đơn cho vui miệng.
List sách mình liệt kê ra có những giới hạn nhất định, cần có disclaimer để bạn không bị nhầm lẫn:
- sách nằm trong số sách mình đã đọc, nghĩa là mang tính chủ quan về khẩu vị và bị giới hạn cỡ mẫu. Khi mình đọc nhiều hơn mình sẽ update lại phần 2
- sách văn học, xoay quanh nỗi cô độc của con người, chống chỉ định với những người yếu bóng vía, nhưng rất tốt cho sức khoẻ của người có thú vui châm biếm cuộc đời
- sách sắp xếp theo thứ tự từ thấp lên cao về độ khó đọc
- Tên Tiếng Việt: Người đàn ông mang tên Ove
- Số trang: 337 trang (tiếng Anh)
- Tác giả: Fredrik Backman (Thuỵ Điển)
- Văn phong: hài hước kiểu Bắc Âu, nhẹ nhàng điềm tĩnh nhưng rất-buồn-cười luôn; mình đọc bản tiếng Anh là vậy, không chắc bản tiếng Việt có xuất sắc thế không
- Phim chuyển thể: A Man Called Ove
- Những sách được dịch cùng tác giả: Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi; Britt-Marie đã ở đâyhttps://shorten.asia/RFsswjNq
Nếu bạn đã từng thấy cuộc đời vô nghĩa, người bạn yêu thương rời đi khiến cuộc sống bạn trống rỗng, không động lực sống, không còn niềm an ủi nào còn lại, và nghĩ đến chuyện nghỉ sống sớm, thì đây là cuốn sách dành cho bạn. Một người đàn ông cáu kỉnh, cay nghiệt, nguyên tắc, cứng nhắc, biết sửa ống nước và lò sưởi, suốt đời chỉ yêu thương và mỉm cười với vợ mình – Sonja, người phụ nữa trái ngược hoàn toàn với ông. Sau khi bà Sonja mất, ông thu mình lại sống với những dư âm, và lập kế hoạch 5 lần 7 lượt để đi theo người vợ quá cố. Nhưng ông mãi vẫn không được chết vì gia đình hàng xóm mới chuyển đến mang một tá rắc rối vào cuộc đời ông, để rồi ông nhận ra mọi người vẫn cần (làm phiền) ông, và những khúc mắc lòng ông được tháo gỡ bởi những đáng yêu nho nhỏ. Cuối cùng ông vẫn chết nha, nhưng là chết tự nhiên và nhân văn, sau khi đã hiểu ra: cuộc sống có người xung quanh tuy phiền, nhưng vui. Vì vậy, nếu bạn đang cô đơn, hãy thử mở lòng cho người khác hiểu cuộc đời bạn, biết đâu bạn lại nhận ra họ đã đi kể nó cho người khác nữa, và cuộc sống vốn tẻ nhạt nay trở nên vui nhộn vì có thêm drama.
- Tên Tiếng Việt: Gối đầu lên cỏ
- Số trang: 228 trang (tiếng Việt)
- Tác giả: Natsume Soseki (Nhật Bản)
- Văn phong: lãng mạn, có pha trào phúng
- Những sách được dịch cùng tác giả: Nỗi lòng; Sanshiro; Tôi là một con mèo
Nhìn ảnh bìa đã thấy chán đời rồi. Nếu bạn đang chán đời và ghét người nhưng vẫn muốn làm đẹp tâm hồn bé nhỏ của mình bằng nghệ thuật (hội hoạ), có thể tìm đến cuốn này. Một anh chàng hoạ sĩ chán cuộc sống trần tục, nên lên đường tìm kiếm một cái đẹp thuần tuý ở một ngôi làng nọ. Hành trình lang thang ấy anh chiêm nghiệm về nghệ thuật xưa và nay, Đông và Tây, lúc thì khen lấy khen để, lúc thì chê bai bỉ bôi. Thế rồi anh gặp nàng Nami (nghĩa là Diễm Ảo), nàng đẹp nhưng u uẩn như một làn sương mai, không một dục vọng nào xen ngang được vào cái đẹp ấy. Cho đến khi anh bắt gặp nỗi xúc động ánh lên trên sân ga, và nguồn cảm hứng vẽ anh tìm kiếm bao lâu cũng đã xuất hiện. Bức tranh của anh rốt cuộc cũng có một “cái thần”.
Cuốn này không được lòng nhiều người, vì lối viết càng về sau càng rườm rà ngôn từ mỹ miều, và không có cốt truyện rõ ràng. Nhưng vào thời điểm cuốn sách ra đời, đây là sự thử nghiệm táo bạo của văn học Nhật thế kỷ XX. Cuốn sách phù hợp với những bạn tu tại gia nha, hoặc trưởng giả học làm sang. Không đọc cũng không bỏ lỡ gì.
- Tên Tiếng Việt: Đời nhẹ khôn kham
- Số trang: 334 trang (tiếng Anh)
- Tác giả: Milan Kundera (Czech – Pháp)
- Văn phong: của một tiểu thuyết gia kiêm lý-thuyết-gia
- Những sách được dịch cùng tác giả: Một cuộc gặp gỡ; Chậm; Sự bất tử
- Link mua ở Tiki
Lúc đọc sách bạn sẽ không thấy cô đơn gì đâu, nhưng đọc xong rồi bạn sẽ bị sang chấn tâm lý. Nhẹ thì buông một tiếng thở dài. Nặng thì thành triết gia nhìn đời nhẹ tựa lông hồng bay qua cửa sổ. Vì sao? Vì nhân vật chết hết ráo, đến con cún trong bìa cũng chết sạch. Cuộc đời con người trong tiểu thuyết này dù nặng hay nhẹ, đơn giản hay phức tạp, trải qua biến cố chính trị hay tình cảm, thuỷ chung hay ngoại tình, sống YOLO hay trầm trọng cũng đều đi đến một hồi kết chung được tiết chế nhẹ nhàng, kiểu: “Phù, cuối cùng cũng xong đời”. Tất nhiên truyện sâu sắc hơn rất nhiều so với những gì mình đề cập ở đây, nhưng những triết lý và nghệ thuật tiểu thuyết của Kundera không phù hợp với topic. Tóm lại, cuốn này phải đọc nha, để hiểu sự sống cần phải ngắn ngủi chớp nhoáng như vậy mới đẹp đẽ được, nỗi cô đơn hay nhọc nhằn của hiện tại cũng chỉ tô điểm thêm vẻ đẹp ấy.
- Tên Tiếng Việt: Quấn-quít
- Số trang: 196 trang (tiếng Việt)
- Tác giả: Emile Ajar (hay được biết đến với tên Romain Gary, tác gia người Pháp gốc Do Thái)
- Văn phong: châm biếm trào phúng rất Pháp, từ vựng và lối hành văn như thể của thời “Đường kách mệnh”
- Những sách được dịch cùng tác giả: Lời hứa lúc bình minh; Cuộc sống ở trước mặt; Rễ trời; Chó trắng
- Link mua ở Tiki
Tưởng tượng bạn đang sống trong một siêu đô thị 10 triệu dân, lủi thủi một mình trong một căn hộ chật hẹp. Không có giao tiếp xã hội khiến bạn quên dần thứ ấm áp nhưng xa vời là tình-người. Rồi bỗng dưng, một con trăn xa tít tận đâu lại đến được nhà bạn, ấy thế mà bạn lại quấn quít với nó (và một con chuột bé xíu khác) để sưởi ấm khoảng cách giá lạnh của thế giới hiện đại. Dĩ nhiên con trăn khiến bạn thấy lố bịch, nhưng nếu thay nó bằng con mèo, cún, tắc kè chắc bạn sẽ thấy cốt truyện ấy gần gũi với bản thân hơn chăng. Tóm tắt cuốn sách thì dễ, nhưng đọc nó không dễ chút nào. Giống như phải ăn khổ qua rồi mới thấy vị ngọt nơi hậu vị vậy. Văn phong cuốn này thực sự thử thách tất cả vốn liếng Tiếng Việt và sự tập trung của mình. Nhưng đáng. Bạn có thể đọc cuốn sách này để cùng tác giả châm biếm cười cợt lên sự cô độc dày đặc mà thời đại này đang tạo ra cho con người. Các cuốn khác của Gary dễ đọc hơn và cũng xuất sắc hơn rất nhiều, bạn có thể thử tìm đọc xem.
- Tên Tiếng Việt: chưa được dịch (dịch tạm là: Quá ồn một nỗi cô đơn. Chắc là cũng sắp được dịch và xuất bản thôi)
- Số trang: 98 trang (tiếng Anh, ngắn gọn – ưu điểm của Hrabal)
- Tác giả: Bohumil Hrabal (người Cezch; là một trong những cây bút đỉnh cao của Đông Âu hay thậm chí là Châu Âu thế kỷ 20)
- Văn phong: nhẹ nhàng, hài hước; kiểu dark humour
Mình rất có cảm tình với các nhà văn Đông Âu như Sandor Maraj (Bốn mùa trời và đất, Di sản của eszter), Karel Čapek (Khi loài vật lên ngôi), và bây giờ là Bohumil Hrabal. Không biết có phải vì vị trí địa lý và bối cách lịch sử được coi như vùng ngoại ô của châu Âu không mà những nhà văn ở đây có văn phong rất lowkey. Phải nói thế nào nhỉ, kiểu nhẹ nhàng, hài hước, châm biếm nhưng phải vừa cười vừa đau. Cốt truyện hầu hết là đời thường của những cá nhân nhỏ bé đến mức vô hình nhưng rồi được đặt trong vòng xoay của thời cuộc. Một cú nhích mình nhẹ của xã hội xung quanh cũng khiến cuộc sống của những thân phận ấy chao đảo, thế là chúng ta có chuyện để đọc. Truyện Too loud a solitude cũng vậy, một ông già sống một mình trong một căn hầm ẩm thấp dột nát đầy chuột, làm nghề nghiền giấy báo cũ suốt 35 năm. Mỗi ngày trong ba mươi lăm năm ấy, ông nén giấy thành những kiện đầy tính nghệ thuật, đặt một cái khung vào những trang sách của những bậc thầy vĩ đại. Trước khi bấm nút nghiền, ông ta đặt vào trung tâm của chồng giấy một cuốn sách đang mở ra ở câu trích dẫn quan trọng. Công việc của ông ấy không chỉ đơn thuần là một quá trình tiêu hủy, mà còn là một sự tôn kính sự yên nghỉ những cuốn sách hiếm và bị cấm thời bấy giờ của xã hội chủ nghĩa ở Cezch. Ông là một trí thức không chính thống và là người sưu tầm sách cấm dưới lốt một lão già nghiền sách, bởi tri thức là thứ nguy hiểm trong bối cảnh lúc bấy giờ. Chuyên dĩ nhiên phải có bước ngoặt, đó là khi máy móc xuất hiện khiến công việc của Haňta bị thừa thãi. Tiếp theo thế nào thì bạn đọc đi sẽ rõ nha. Nhưng spoil câu mở đầu của truyện như này:
“For thirty-five years now I’ve been in wastepaper, and it’s my love story”
Too Loud A Solitude, Bohumil Hrabal (viết năm 1976, chính thức lưu hành năm 1989 vì lý do chính trị)
Sở dĩ mình để cuốn này ở cuối cùng bởi vì nó chưa được dịch ra tiếng Việt, và để hiểu hết chiều sâu của truyện cần tìm hiểu một chút về bối cảnh xã hội của Czechoslovakia vào giai đoạn 1948-1989. Nhưng bỏ qua chuyện chính trị và lịch sử, truyện là một câu chuyện khiến bạn vừa thấy nỗi cô đơn và tình yêu tri thức của mình trong Hanta, vừa được cười tủm tỉm nhẹ nhàng, dù có những đoạn mô tả chuột và lối sống bẩn thỉu của ông ấy khiến mình thấy lợm giọng.
Hi vọng sách vở giúp bạn tận hưởng nỗi cô đơn của mình. Còn nếu muốn thỉnh thoảng phớt lờ nó, thì bạn có thể xem phim, youtube, tiktok, những dạng short forms để phân tán sự tập trung khỏi cuộc đời nhẹ khôn kham này.
Feature painting: Poetry Reading Tour (Gastone Novelli, 1961)