Trước khi đọc bài này, chúng ta cần một ít thông tin nền về Sigmund Freud, nên sẽ có một bài kiểm tra nho nhỏ dựa vào meme dưới đây:
Nếu bạn thấy meme buồn cười thì có thể đọc thẳng vào luận điểm chính. Còn nếu chưa hiểu thì chúng ta có internet nè. À, mình quên mất một nguyên tắc marketing tối quan trọng rằng: người dùng rất lười, người ta chỉ thích cái gì tiện lợi và nhanh chóng. Bảo người ta đọc chữ đã là quá lắm rồi, huống gì lại bắt người đọc tìm hiểu thông tin nền. Nhưng mà bản thân người viết cũng lười, không thể nào tóm tắt tất cả các lý thuyết của Freud, nên mình sẽ chỉ nhắc đến những lý thuyết cơ bản có liên quan nghệ thuật để phục vụ cho bài viết này.
Sigmund Freud, nhà phân tâm học tiên phong, cho rằng nghệ thuật biểu lộ các cảm xúc vô thức – tức những gì có lẽ nghệ sĩ thậm chí cũng không công nhận mình có. Freud xem nghệ thuật như một hình thái “thăng hoa” (sublimation), một phần thưởng thay thế cho những thoả mãn thực sự mà các dục vọng sinh lý trong vô thức của chúng ta đòi hỏi. Nghĩa là, đâu đó dưới tảng băng chìm vô thức, chúng ta bị thúc đẩy bởi những nhu cầu bản năng như: quyền lực, giàu có, hư danh, tình dục, sự say mê của phụ nữ, gọi chung là dục năng (libido). Dục vọng này theo Freud có nguồn gốc từ giai đoạn tiền sinh dục của con người, tức là vào thời thơ ấu bên mẹ hiền cha yêu của chúng ta (bởi vậy nói đến Freud meme thì luôn có 3 keywords: mother issues, daddy issues, and p*nis, còn tâm lý học thì nhan nhản cụm từ “chữa lành đứa trẻ trong bạn”). Song, chúng ta bị giới hạn công cụ, hoặc bị đạo đức xã hội kìm hãm mà không thể đạt được tất cả những gì mà bản năng muốn, nên chúng ta, ở đây là nghệ sĩ, quay sang chuyển hoá tất cả dục năng vào việc sáng tạo trong thế giới tưởng tượng những điều mà chúng ta ao ước sở hữu. Dù nghe có vẻ tiêu cực, nhưng sự “thăng hoa” này Freud cho rằng là một giá trị vĩ đại, phần nào dẫn dắt con người ta ra những điều kỳ diệu như nghệ thuật và khoa học.
Để hoàn thiện lý thuyết phân tâm học của mình, Freud không thể nào bỏ qua địa hạt béo bở nghệ thuật bằng cách lý giải vì sao nghệ sĩ làm ra tác phẩm như vậy dựa vào các sự kiện thời thơ ấu của họ. Cụ thể ông đã viết 3 bài luận phân tích 3 bậc thầy vĩ đại: “Leonardo da Vinci and a Memory of his Childhood,” “Dostoyevsky and Parricide,” and “The Moses of Michelangelo”.
- Leonardo da Vinci
Trước hết, “da Vinci” không phải là họ của Leonardo, đó chỉ là một địa danh. Leonardo không có họ theo thông lệ hiện đại. Ông là con ngoài giá thú của Piero Fruosino và một cô gái quê tên là Caterina. Tên đầy đủ của ông là ‘Lionardo di ser Piero da Vinci’ có nghĩa là ‘con trai của Piero đến từ Vinci’ – ngôi làng Tuscan nơi ông sinh ra. Thế nên, có thể nào đừng gọi tên họ lịch sự của ông là “da Vinci” hay không?
Cốt lõi những phát hiện của Freud trong bài luận về Leonardo có thể được tóm tắt trong một tuyên bố duy nhất: Freud cảm thấy về mặt phát triển tâm thần, Leonardo da Vinci chưa bao giờ lớn khỏi thời thơ ấu của mình. Leonardo sinh ra là con ngoài giá thú, sống một mình với mẹ ít nhất vài năm trước khi được đưa về nhà của cha mình. Sự vắng mặt của hình bóng người cha trong những năm đầu đời là điều đã khơi dậy những ẩn ức của Leonardo. Có lần Leonardo đề cập đến một ký ức ấu thời khi đó nghệ sĩ từng được con chim săn mồi đậu vào vành nôi và đuôi của nó đập liên tục vào ông ấy. Từ đó, Freud khẳng định rằng vì tính chất lạ thường của ký ức, đó thực tế là một tưởng tượng mà ông đã tạo ra sau này sau đó gán ghép vào trí nhớ thơ ấu của mình. Theo kiểu phân tích tâm lý điển hình, Freud cho rằng cái đuôi là một biểu tượng “dương vật” và con kền kền (Freud đã hiểu sai con chim săn mồi thành con chim kền kền do lỗi dịch sai từ tiếng Ý sang tiếng Đức) đại diện sự thay thế cho mẹ Leonardo. Freud lý giải việc con kền kền thay thế mẹ của Leonardo là thế này: Leonardo nhận thức được rằng ông không có cha và trong tưởng tượng ông đã thay thế mẹ mình bằng một biểu tượng nam tính hung hãn để đại diện cho người cha vắng mặt. Freud nói rằng trong thời thơ ấu, các bé trai cho rằng phụ nữ cũng có dương vật, và do đó đuôi của con kền kền là “dương vật” của mẹ Leonardo. Tưởng tượng này, được Freud mô tả là một ham muốn đồng tính tiềm ẩn, phản ánh tình cảm của Leonardo dành cho mẹ và hồi tưởng của ông về thời gian được bà chăm sóc (tức là cho ông bú sữa mẹ).
Freud tiếp tục phân tích những khuôn mặt tiên đồng tuyệt đẹp chính là sự tái tạo hình ảnh bản thân của Leonardo thời thơ ấu, và nụ cười mỉm chi bí ẩn của nàng Mona Lisa chính là bản sao của bà Caterina, nụ cười mà hoạ sĩ đã mất đi mãi mãi và bị mê hoặc khi bắt gặp lại nơi mệnh phụ thành Florence.
Dù bản thân rất ngưỡng mộ tài năng và tác phẩm của Leonardo, Freud vẫn lên án về việc nghệ sĩ không thoát được những đam mê và ẩn ức tuổi thơ của mình. Bởi nếu không vì quá đắm chìm trong bản năng tìm kiếm về quá khứ, Leonardo đã có thể đạt được những kỳ tích lớn hơn nhiều trong lĩnh vực nghệ thuật.
- Dostoyevsky
Đối với Dostoyevsky, nhà văn vĩ đại người Nga – cha đẻ của Tội ác và trừng phạt (hay đỉnh cao là Anh em nhà Karamazov), Freud không một chút nương tay. Freud mô tả Dostoyevsky với bốn khía cạnh trong tính cách: “người nghệ sĩ, kẻ loạn thần kinh, nhà đạo đức và tội nhân”. Ông tuyên bố rằng Dostoyevsky không thực sự là một nhà đạo đức vì ông là một tội nhân. Ông ta phạm một tội lỗi và sau đó tự trừng phạt mình cho điều đó, chỉ để tiếp tục phạm tội. Nếu Dostoyevsky thực sự là một nhà đạo đức, ông sẽ chống lại ham muốn phạm tội theo bản năng của mình (các bạn phản Kito có thể lấy ý này để chất vấn nghi thức xưng tội của những Kito hữu nè).
Về lý do cho rằng Dos là kẻ loạn thần, Freud liên hệ đến căn bệnh động kinh được gán cho Dos. Freud nghĩ rằng động kinh ở Dos không phải là bệnh lý mà là sản phẩm của chứng loạn thần (dù Freud cũng biết rằng có rất ít thông tin chứng minh cho lập luận này). Theo anh trai của Dos, khi còn nhỏ ông để lại lời nhắn trên giường trước khi ngủ: “đừng chôn tôi trong 5 ngày nếu tôi trông có vẻ như đã chết, vì rất có thể là tôi chỉ bị co giật mà thôi”. Freud nói rằng chứng co giật này “biểu thị sự đồng nhất với người chết – người đã chết thật hoặc người mà đối tượng mong họ chết”. Vì thế, Freud kết luận Dos đã đóng vai cha mình và trừng phạt cả cha và bản thân trong những lần co giật. Freud nghĩ rằng Dos ghét cha mình, vô thức mong cha mình chết vì cha ông quá khắc nghiệt, đồng thời cảm thấy tội lỗi vì mong muốn đó nên đã tự trừng phạt cả mình và cha bằng cơn co giật do chứng loạn thần gây nên. Freud còn tự tin khẳng định kết luận đó dựa vào phân tích tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov.
Có vẻ lúc cao hứng đoán bệnh cho Dos, Freud quên mất rằng mình đã từng nói tâm lý học không lý giải được nghệ sĩ.
- Michelangelo
Nếu Leonardo ghét cay ghét đắng Michelangelo thì Freud lại say mê như điếu đổ bức tượng Moses, đến mức khẳng định rằng chưa từng có tác phẩm nghệ thuật nào làm ông ấn tượng đến nhường ấy.
Trong Kinh thánh Cựu Ước, Moses là một vĩ nhân có công dẫn dắt người Do Thái ra khỏi đất Ai Cập và tiến về miền đất hứa (xứ Canaan), thuộc Israel ngày nay. Moses được mô tả trong Kinh Thánh như một người đầy tớ đầy giận dữ của Thiên Chúa, nhưng Moses của Michelangelo lại được khắc hoạ như một người biết kiềm chế cơn giận của mình vì lợi ích của đoàn dân. Theo Freud, chính biểu cảm và tư thế ngồi đang kiềm giữ cảm xúc dữ dội của bức tượng Moses đã cho thấy chính con người của Michelangelo: ông vừa làm chủ chính mình vừa làm chủ thế giới bên ngoài khi biết từ bỏ những đòi hỏi của bản năng và hoà nhập với xã hội.
Có vẻ như đối với Freud, Michelangelo là người chiến thắng trong cuộc chinh phục bản ngã/vô thức (the ID) của cái tôi/ý thức (the Ego), còn Leonardo và Dostoyevsky đã không hoàn toàn kiểm soát được “con ngựa” vô thức của mình mà phải chạy theo sau nó.
Lý thuyết của Freud gây ra rất nhiều tranh cãi và vẫn còn bỏ ngỏ lời khẳng quyết về sự tồn tại của các dục vọng thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật. Tuy những chẩn đoán của ông về nghệ sĩ rất hoang đường, chúng ta cũng không thể phủ nhận đóng góp của Freud, cùng với rất nhiều lý thuyết gia khác, trong nỗ lực diễn giải nghệ thuật. Công trình Diễn giải giấc mơ (1899) của ông là nguồn cảm hứng phát triển phong trào Nghệ thuật Trừu tượng.) Từ khi có Freud, nhiều lý thuyết gia nhận ra rằng các diễn giải mang tính phân tâm học luôn đạt tới độ rất sâu sắc. Một nhà phân tâm học có thể tường giải các hình khoả thân to lớn và đầy đe doạ của de Kooning từ góc độ “nỗi sợ bị thiến hoạn”.
Thời đại nào cũng có một nền nghệ thuật riêng không thể lặp lại. Việc tìm hiểu nghệ thuật trong quá khứ không phải để bắt chước và tạo ra những tác phẩm ăn theo vô hồn, mà là tìm kiếm sự thông hiểu cái cốt lõi bên trong của những nghệ sĩ vĩ đại cổ xưa. Từ đó nảy sinh một điểm tiếp xúc nội tâm giữa các thời đại nơi tâm hồn người nghệ sĩ bây giờ, để sáng tạo nên tác phẩm của thời đại đương thời. Đồng thời, những lý thuyết nghệ thuật đi trước sẽ là nền tảng để những lý thuyết gia hiện tại tiếp tục tìm kiếm câu trả: Nghệ thuật là gì? và gọi tên một nền nghệ thuật của chính chúng ta bây giờ.
References:
An introduction to Art theory, 2001, Cynthia Freeland
Freud’s view of artists and their influences
Concerning the Spiritual in Art, 1910, Wassily Kandinsky
Và tạ ơn internet, không có google thì không biết làm trí thức thế nào luôn..
Feature picture: People at Night, 1940, Joan Miró