Khu nhà tôi mới đến ở có không khí của một người già đang độ nghỉ hưu, nhàn nhã tĩnh tại vì có của ăn của để. Chẳng mấy khi tôi thấy người ta làm việc, cổng cửa hầu hết các nhà đóng im ỉm trừ quán cà phê cóc đầu đường, kể cả tiệm giặt là cũng chưa bao giờ thấy mở cửa, chỉ để trước nhà một biển quảng cáo in lời nhắn cố định: “Nếu thấy quán đóng cửa xin gọi đến…”. Trong những lần đi dạo loanh quanh tôi nghe lỏm được câu chuyện của các chú bác xoay quanh những từ khoá “chứng khoán”, “đầu tư”. Hi vọng sự yên ả này là thành quả của họ sau một đời dài vất vả, chứ không phải sự tiêu điều của dịch dã.
Căn nhà của tôi nằm cuối con hẻm. Gọi là hẻm nhưng cũng chỉ dài chưa đầy 50 mét, chỉ 4 căn nhà hộp cao tầng nép vào nhau cho đỡ quạnh quẽ. Cô hàng xóm đến chào tôi, dù vốn là tôi phải đến chào cô, với giọng miền Bắc đã nhạt màu: “Con có mấy đứa rồi? … À, chưa à. Ừ thôi, con ở cho có hàng xóm láng giềng, chứ khu mình buồn quá con ạ”. Giọng cô, và cả những cô chú xung quanh, nhỏ nhẻ dịu dàng đến mức tôi phải ngạc nhiên. Người trung niên trong ý thức của tôi luôn nói chuyện với âm lượng cao nhất, nếu là người thân tôi sẽ thấy bẽ mặt, nếu là người lạ tôi sẽ bước lùi vài bước. Rồi tôi lại ngạc nhiên với sự ngạc nhiên của mình. Có lẽ tôi quên mất người Đà Nẵng, nhất là ở những khu lâu đời, người ta vốn từ tốn, không phải kiểu thanh lịch thượng lưu, mà sự lành tính trong nếp sống. Tôi từng nghe nhiều lời than vắn thở dài ở Sài Gòn, nhưng tiếng than của cô bán sữa đậu nành buổi sáng ở khu này khiến tôi không quá nhọc lòng: “Tình cảnh này buồn ghê con. Mấy công ty quanh đây đóng cửa nên ít người mua quá. [tôi im thin thít, túng bấn tìm lời an ủi cô]. Mà thôi, bán được ít còn hơn không có gì”. Có thể là sự tích cực, nhưng cũng là sự chịu luỵ trong nếp nghĩ, hay vì biết chấp nhận nên mới tích cực?
Mỗi chiều vào lúc 3 giờ, con hẻm ngân nga tiếng piano bên trong căn nhà hàng xóm kín cổng cao tường. Tôi không nghe ra được bản nào, nhưng rất có thể là một trong những bản của Liszt, nốt chạy theo nốt khiến người nghe phải nín thở chờ một quãng nghỉ. Tôi mến tiếng piano này, không chỉ vì ngưỡng mộ một bản nhạc khó. Tôi mến tính cách chủ nhân tiếng đàn. Không phải là kiểu trẻ con bị buộc phải học những bài vỡ lòng, đánh vài nốt lại phải miễn cưỡng quay lại từ đầu. Không phải tiếng đàn của một kẻ phù phiếm tập tành đàn ca phong lưu như tôi, quanh đi quẩn lại những giai điệu dễ đoán. Cũng không phải tiếng đàn của một người già nhàn nhã tận hưởng âm nhạc du dương, tốc độ chạy nốt có thể gây ra một cú trật khớp tay. Tôi đồ rằng, và hi vọng rằng, người chơi đàn là một người trưởng thành say mê piano và nhạc cổ điển ngoài công việc trí thức của họ, nếu không, ai lại có thể mỗi ngày đúng giờ ấy, ngồi xuống chơi trọn một bản loạn thần như thế. Mà cũng có thể tự tôi suy diễn ra mọi thứ, có khi người ấy chỉ là một người chơi dương cầm đang tập bản nhạc để kiếm cơm. Đôi tai và trí tưởng tượng luôn nhạy cảm đa đoan hơn đôi mắt mệt mỏi của tôi.
Những ngày đầu mới về ở, mưa thê lương triền miên, cùng với khí lạnh đầu mùa thổi qua con hẻm quạnh quẽ, và vì không được ra đường, tôi như một cái cây bị bứng khỏi lòng đất, nhét vào chậu cảnh để rồi tự hít lấy CO2 của mình vì không đủ sức hô hấp. Vì nhớ nắng, chứ không vì bệnh. Tôi cần nắng, người ta phải có nắng để yêu đời chứ. Vài ngày sau, Đà Nẵng có nắng, thế là tôi lại có thể yêu. Mà có lẽ tôi là người dễ yêu chăng. Giờ tôi lại thấy mình đứng giữa khoảnh sân vuông vức, giữa 4 bề cũng cổng kín tường cao, nhìn lên khoảng trời cũng vuông vức mà so đo màu xanh hôm nay với hôm qua. Quay sang nhìn khung cửa kính cao lớn trước mặt, tôi tưởng ra mình của năm 60 tuổi. Mái tóc đen dài này đến lúc ấy sẽ xơ xác và chuyển dần sang màu bạc, có lẽ được cắt ngắn lên hoặc búi gọn. Ai lại để tóc dài khi đã bạc phơ. Tôi sẽ không nhuộm đen để níu giữ thanh xuân, nếu thời trẻ đã không nhuộm vàng mái tóc đen, chẳng có lý do để về già phải nhuộm đen mái tóc trắng. Tôi chỉ mong tóc mình vẫn còn trên đầu để chờ đến ngày bạc trắng như mây. Chiếc cổ đang vươn cao trong áo len cổ lọ này lúc già sẽ chi chít nếp nhăn, không sao, lúc ấy lại mặc áo cổ lọ màu đen để nổi bật mái tóc ngắn trắng phơ. 60 tuổi chắc sẽ không giữ được vẻ mịn màng và thon thả của dáng dấp, dù tôi nghi ngờ mình sẽ chẳng thể phát phì lên là bao. Chỉ cần đừng trông như Gollum, ngoại hình già đến mức nào vẫn xoay sở để duyên dáng được, chỉ cần không nói như hét vào mặt người khác và tránh những bộ cánh hoa đỏ nền tím. Về già mà vẫn được sáng sáng ra sân tắm nắng quét dọn nhà cửa, chiều chiều pha một ly cà phê để ngửi mùi thơm chứ không uống rồi bật bản Không Còn Mùa Thu thì còn gì bằng. Tuổi nào mà vẫn còn được khoảng không gian thời gian một mình thư thái đều quý cả, và quan trọng nhất, giữ được tâm hồn là giữ được thanh xuân rồi.
Tôi thường nghĩ nhiều về kết thúc của mình, nhảy vọt từ hiện tại đến tuổi xế chiều, bỏ qua quãng sống tuổi trung niên. Dường như tôi sẵn sàng cho sự già đi nhưng trần truồng trước sự trưởng thành. Nhất là từ khi đến ở nơi này, cảm giác như tôi đang tạm ứng, hoặc sống thử trước hạn tuổi già của mình, vừa hài lòng vừa hoảng loạn. Tôi không mong gì ở tuổi xế chiều của mình hơn những ngày tôi đang sống bây giờ, nhưng vốn dĩ, ở tuổi này tôi không nên thấy hài lòng mới đúng chứ, còn quá nhiều thứ phải toàn tất để được già. Chẳng phải tuổi trẻ phải chật vật thiếu thốn dang dở mới là đang tiến hoá sao. Tôi không thể viên mãn ở tuổi này được, như vậy là phạm pháp, là ngông cuồng, có khi nào một sự trừng phạt nào đó đang rình rập chực chờ tôi sơ hở vì mải tận hưởng sự bình yên mà nhảy vồ ra vùi dập cuộc sống của tôi không.
Để bớt hoảng loạn, tôi đành giảm bớt hài lòng, quyết định không trồng thêm rau cỏ cây cối gì trên mảnh sân vuông vức xinh xẻo trong căn nhà cuối hẻm. Tôi sợ mình không nỡ bỏ lại chúng mà ra đi lần nữa, đã có quá nhiều cuộc chia tay bịn rịn trên con đường du mục rồi.
Haha. Dễ thương quá, không thể ngưng sự rúc rích lại cho đến những con chữ cuối cùng :))