Chưa khi nào mà văn hoá hustle lại mạnh mẽ như thời này. Các loại năng lượng tích cực đua nhau lan toả đến nghẹt thở, các sách vở và KOLs thúc giục mọi người phải quảng giao, hiệu quả, cật lực, và mạo hiểm để có thể phát triển hết “tiềm lực” của bản thân. Người ta dè bỉu comfort zone như một lãnh địa chết. Người ở ngoài zone nhìn vào bảo người ở trong là chây ỳ, người ở trong nhìn ra thì nhấp nhổm không yên. Là một người lười biếng, tiêu cực, và thiển cận, tôi thấy mệt mỏi vì không được yên thân trong vùng thoải mái của mình, nên dù đang bị vaccine hành vật vã, tôi cũng phải viết vài dòng đòi lại công bằng cho comfort zone.
Disclaimer: Dù đã cố gắng bao quát nhiều tình huống nhất có thể, và nỗ lực chèn khoa học vào cho đỡ pseudo intellectual, thì bài viết vẫn có bias và có chút điêu trá. Dù sao thì một câu trả lời không thể thoả mãn tất cả các câu hỏi. Bạn có thể bình luận ý kiến nếu có góc nhìn khác.
Định nghĩa
Gì thì gì cũng phải hiểu rõ cụm từ comfort zone đã, vì dường như có nhiều người nhầm lẫn giữa vùng an toàn và vùng nhàm chán.
Theo định nghĩa của Google:
“Comfort zone is a place or situation where one feels safe or at ease and without stress.”
Là không gian hoặc tình huống khiến một người cảm thấy an toàn, dễ chịu mà không bị lo lắng gì.
Theo Dr. Abigail Brenner, một bác sĩ tâm thần học, “a comfort zone is a psychological/emotional/behavior construct that defines the routine of our daily life” that “implies familiarity, safety, and security.
Comfort zone là một ý niệm hành vi, cảm xúc, tâm lý định hình thói quen cuộc sống hằng ngày, thể hiện sự thân thuộc và an toàn (safety và security là hai nghĩa khác nhau, nhưng trong tiếng việt thì gom về an toàn).
Ngay chính từ “construct” cũng đã nói lên một phần định nghĩa của comfort zone. Construct là “một ý tưởng hay một lý thuyết gồm nhiều khái niệm, đặc biệt là được xem là có tính chủ quan và không dựa trên những bằng chứng thực nghiệm.” Nghĩa là, giống như Tình Yêu, comfort zone được nhận thức tuỳ mỗi người. Đối với người này nó có thể là một căn phòng 16m2, người khác là một biệt thự 1000m2. Đối với người kia là một người yêu, đối với người khác là được một mình. Miễn rằng đó là không gian hoặc trạng thái tạo sự an toàn, dễ chịu, thì đó là comfort zone.
Định nghĩa trên cũng nhắc đến thói quen, sự lặp đi lặp lại, nên mình dùng từ ổn định là một từ tương tự như comfort zone. Xin lưu ý không nên đánh đồng “sự ổn định” với những ý tưởng “an cư lập nghiệp”, “lấy chồng, cưới vợ, sinh con”, “công nhân viên chức”. Mình chỉ dừng ở các hành vi, tâm lý, cảm xúc lặp đi lặp lại thành thói quen trong cuộc sống hằng ngày.
Ổn định thì tồn tại
Trước hết, comfort zone hay sự ổn định không hề tiêu cực, mà trái lại là cội nguồn của sự tiến hoá.
Trong cuốn Gen Vị Kỷ, Richard Dawkins khẳng định rằng, thuyết “Thích nghi thì sống sót” (survival of the fittest) của Charles Darwin là một trường hợp đặc biệt của một định luật phổ hơn: “Ổn định thì tồn tại” (survival of the stable). Vũ trụ này bao gồm những sự vật có tính ổn định, dù trong phạm vi lớn hay nhỏ, chúng đều là những mô hình ổn định của nguyên tử.
Một vài ví dụ nhé? Bong bóng xà phòng lúc thổi ra thường méo mó, nhưng cuối cùng trở về hình cầu bởi vì đó là hình dạng bền vững để tấm màn mỏng chứa đầy khí bên trong. Các tinh thể muối có xu hướng hình khối lập phương bởi đó là cách thức ổn định cho các liên kết của các ion Natri và Clo. Nước trong chân không cũng trở về trạng thái bền vững dạng hình cầu, còn ở trong môi trường có trọng lực của Trái Đất, chúng luôn trở về dạng phẳng và nằm ngang. Đôi khi các nguyên tử gặp nhau, có sự góp mặt của năng lượng, sẽ liên kết tạo thành các phân tử mang ít hoặc nhiều tính ổn định hơn. Nếu các nguyên tử tìm được một hình thức ổn định, nó sẽ tiếp tục tồn tại dưới hình thức đó.
“Hình thức chọn lọc tự nhiên sớm nhất chỉ đơn giản là chọn lọc các dạng ổn định và đào thải các dạng bất ổn định.”
Khi nhìn vào cuộc sống hằng ngày, ta cũng thấy những sự “quay về tính ổn định” như vậy. Khi bạn chuyển nơi ở, một hình thức thay đổi comfort zone, bạn thường sẽ mang theo vài món đồ cũ sang để tạo cảm giác thân quen (ngoài chuyện tiết kiệm), hoặc ít nhất cũng sắp xếp nơi mới theo cách bạn vẫn thường sắp xếp ở nơi cũ. Đến một nơi mới, bạn dần tìm những quán quen, người quen, món quen, để tạo cảm giác thuộc về nơi đó. Khi bạn yêu một người, bạn không thể nào cứ ở trong trạng thái “rung động” tương tư theo đuổi mệt nhoài được, bạn muốn chiếm hữu người đó, dạy dỗ họ hệ thống hành vi của bạn, bỏ người ta vào túi áo, để thoái mái ở cạnh họ và yên tâm làm những việc khác.
Con người luôn có xu hướng biến mọi thứ thành thói quen, dù có bao nhiêu mới lạ hay thử thách ôm vào người thì cơ thể luôn điều chỉnh về sự comfort zone để được tồn tại.
Ích lợi của comfort zone
Ích lợi của comfort zone hay sự ổn định chẳng phải quá rõ ràng sao, là được sống thoải mái không áp lực đấy. Đó là cả một mục tiêu sống chứ ở đó mà chê bai.
Không. Cuộc sống bắt đầu khi chúng ta tìm được một nơi chốn, một trạng thái khiến ta cảm thấy an toàn và dễ chịu. Nghĩ mà xem, có ai ở trong nghèo đói nợ nần mà gọi là comfort zone không? Có ai ở trong mối quan hệ bị tra tấn tinh thần và thể chất mà gọi là comfort zone không? Có ai phải di chuyển liên tục mà gọi là comfort zone không?
Câu này ý muốn nói rằng khi bạn quá thoải mái trong comfort zone thì bạn sẽ đánh mất sự dũng cảm và sự tự tin để thay đổi. Chẳng hạn, bạn muốn đổi việc, nhưng bạn sợ công việc mới không tốt như công việc cũ, nên bạn mắc kẹt ở ước muốn và sự khoẻ-thân đang có. Và bạn gọi sự khoẻ-thân đó là comfort zone. Bạn đang khoẻ thân nhưng tinh thần bạn không khoẻ, nó đang kiệt quệ dần, chứ không hề thoải mái an toàn gì cả. Công việc cũ không phải là comfort zone của bạn. Nếu bạn thấy chìm ngập trong chơi game để trì hoãn việc cần làm (chứ không phải chơi game là công việc), thật ra bạn chỉ khoẻ thân chứ tâm lý bạn vô cùng ghét bỏ chính mình, thì đó vẫn không phải là comfort zone. Bạn phải đi tìm cho được “trạng thái ổn định bền vững” của mình, thì đó mới là comfort zone của bạn.
Không những thế, tôi cho rằng chính comfort zone mới củng cố sự tự tin của mình. Khi sống trong một môi trường an toàn và dễ chịu, tôi có thể tập trung làm những việc quan trọng của mình. Khi hoạt động hằng ngày trở thành thói quen, tôi có thể tiết kiệm năng lượng để những làm việc yêu cầu nhiều năng lượng hơn. Nếu thấy thoải mái với một mối quan hệ, gia đình, bạn bè, hay tình yêu, tôi có thể chia sẻ và yêu thương họ tốt hơn. Nếu trạng thái ổn định bền vững của tôi là được một mình, thì tôi có thể toàn tâm toàn ý thực hiện những ước muốn của mình mà không phải chia sẻ năng lượng, thời gian cho một đối tượng đầy rủi ro.
Câu này không sai, nhưng cũng không đúng. Trong comfort zone, nhiều thứ không phát triển, nhưng một vài thứ khác lại phát triển mạnh mẽ, tuỳ thuộc vào lối sống của bạn. Nếu bạn là người thích đi du lịch đó đây, dĩ nhiên bảo bạn ở trong comfort zone là nhà mình thì bạn sẽ giãy nảy lên rồi. Nếu bạn là người thích giao thiệp với nhiều người, thích biến người lạ thành người quen, bảo bạn cứ ở cùng với những người thân thuộc thì bạn sẽ thấy nhàm chán. Nhưng nếu thứ bạn muốn phát triển là những ý tưởng, sáng tạo, tri thức, những thứ thuộc về tinh thần, thì bạn cần comfort zone để giảm thiểu rủi ro, phiền toái, sao nhãng, mệt mỏi mà tập trung làm việc.
Quan điểm “Routine kills creativity”, tôi cũng không đồng ý. Chẳng hạn trường hợp của Stephen King, trong suốt nghiệp viết, ông tạo thói quen viết 6 trang/ngày, để đến giờ ông sở hữu 63 cuốn tiểu thuyết. Khi người viết quen với việc viết, hoạ sĩ quen với nét cọ, nhân viên quen với thao tác và hệ thống, khi đó mới có chỗ cho sáng tạo được nảy nở. Còn việc người ta sáng tạo hay không, hay sáng tạo như thế nào, là tuỳ vào ham muốn của mỗi người. Nếu người ta chỉ muốn một cuộc đời dung dị và thoả mãn với sự đều đặn thì không thể nói họ không có cuộc sống được.
Để phát triển trong comfort zone
Tôi là người tham lam, thay vì phải lựa chọn giữa việc ngủ quên trong sự thoải mái ổn định và chật vật đau đớn để phát triển, tôi chọn phát triển trong sự thoải mái. Suy cho cùng, đây là cuộc chiến tinh thần. Đầu óc tôi thừa biết nó sẽ chẳng làm thứ gì nó thấy khó chịu, dù tôi có thuyết phục nó bằng những lý do tốt đẹp đến mấy. Nên tôi phải đánh lừa tâm trí mình bằng cách: Biến tất cả những thứ mình làm, những nơi mình đến, mối quan hệ bên cạnh thành comfort zone.
Thoải mái làm người bình thường (average man)
Không phải ai cũng phải thiên phú cho một tài năng nào đó, có người chẳng có tài năng gì dù cố công tìm kiếm, và người đó có thể là tôi, hoặc bạn. Tôi không cổ xuý chuyện bạn từ bỏ quyết tâm trước khi bắt đầu. Nhưng ta cần chuẩn bị tâm lý rằng, ta sẽ thất bại, sẽ chẳng đóng góp được gì cho văn minh nhân loại, sẽ không tìm thấy bạn đời, chết đi và bị quên lãng như những hạt bụi. Việc chấp nhận những tình huống xấu xảy ra sẽ khiến ta, ít nhất là tôi, không thấy sợ hãi khi bắt đầu làm một điều chưa từng làm. Hay đúng hơn là, loại bỏ kỳ vọng ra khỏi việc đang làm để có thể thoải mái tận hưởng niềm vui của công việc mang lại. Đối với mối quan hệ cũng vậy, tôi cho rằng đương nhiên họ sẽ không hiểu mình, đương nhiên họ sẽ làm điều tốt cho bản thân họ nhất nếu phải lựa chọn, nên tôi thấy các mối quan hệ hoạt động nhẹ nhàng ở cạnh mình. Còn nếu không nhẹ nhàng thì… không là quan hệ gì thôi.
Tôi cũng nghĩ đương nhiên là mình không biết rất nhiều thứ, và ngu dốt khi học một thứ mới, nên tôi không bị chán nản khi không hiểu. Chẳng hạn, Tiếng Anh là comfort zone của tôi, nó cho tôi sự dũng cảm và tự tin để học ngôn ngữ khác, vì tôi biết sự ngu dốt lúc này rồi sẽ nhường chỗ cho sự thoải mái như trước đây đã từng.
Chia nhỏ công việc
“Tôi có quá nhiều thứ phải làm, nhưng không có gì tôi muốn làm.” (Sober, một bài nghe vui tai nhưng depressed af của Bigbang). Thỉnh thoảng, à không, tôi thường xuyên cảm thấy như thế. Không phải vì ghét thứ mình làm, mà là tâm trí tôi không muốn làm vì quá mệt. Nếu bạn cũng cảm thấy như thế, thì hãy băm nhỏ thứ cần phải làm ra. Chẳng hạn, viết khiến tôi không thoải mái, nhưng lại là thứ phải làm, cứ nghĩ đến việc viết cả một bài dài hơn 2000 chữ với lập luận để không bị bắt bẻ đã đủ khiến tôi chỉ muốn nằm ngủ rồi. Tôi đành chia nhỏ bài viết ra thành các task: lập dàn ý, tìm link tài liệu, tóm tắt tài liệu, rồi viết từng phần, rồi chỉnh sửa, vẽ/tìm ảnh feature và publish. Bất kì thứ gì tôi nhận thấy tâm trí mình trì hoãn làm, tôi sẽ chia nhỏ ra, làm mỗi ngày một chút.
Chấm dứt chuỗi domino
Khi sống với bản thân đủ lâu, bạn sẽ nhận biết khi nào / cái gì khiến một ngày của bạn tồi tệ. Đôi khi là việc ngủ muộn từ đêm qua, đôi khi vì thời tiết, đôi khi vì lỡ chơi game quá 180 phút. Cái “đôi khi” đó, tôi gọi là một quân domino. Quân này mà ngã thì hàng loạt các hành động khác tiếp theo cũng ngã, một ngày của bạn cũng ngã. Thỉnh thoảng ngã bẹp dí cũng không sao, mệt thì nghỉ. Nhưng ngã hoài thì không khéo comfort zone của bạn trở thành dead zone. Vậy cần ngăn chặn quân mấu chốt đó ngã xuống.
Chẳng hạn, tôi biết bản thân nếu không bắt đầu ngồi vào bàn làm việc lúc 8h, thì tôi sẽ nhởn nhơ cho đến trưa, rồi sẽ không có thời gian ăn trưa đúng giờ, rồi phải đẩy việc của buổi sáng đến chiều, lại đẩy việc của chiều lên tối, rồi lại ngủ trễ, sáng mai lại dậy trễ và tiếp tục vòng lặp. Thế nên, làm gì thì làm cũng phải cố mà ngồi vào làm đúng giờ.
Nhưng nếu thấy việc cố gắng thay đổi từ thói quen xấu sang thói quen tốt quá mệt, não bạn sẽ không chịu làm theo. Bạn có thể đổi sang chèn một quân domino khác như một phần thưởng để tạo chuỗi domino mới.
Chẳng hạn, tôi thích uống matcha, nên tôi để nó là thứ tôi muốn thức dậy đúng mỗi sáng (ừ, người đơn giản chỉ cần động lực sống vậy thôi 🙁 ). Chẳng hạn, trong công việc có những task rất chán, não tôi sẽ từ chối ngồi vào làm, tôi sẽ bật nhạc mình thích để đỡ ghét thứ đang làm hơn.
Chẳng hạn, tôi thích học, nhưng lại không phải là người thích ngồi vào bàn và học nghiêm túc. Nếu tôi bắt bản thân học một ngôn ngữ kiểu nghiêm túc ấy, tôi sẽ quay sang ghét nó. Nên tôi chuyển sang quân domino mới: nghe nhạc, xem phim, xem youtube, xem meme, đọc comment,… Tôi để não tôi nghĩ rằng tôi đang chơi, nhưng thực ra là đang để nó làm quen với việc nạp ngôn ngữ mới. Tôi thích ngủ, vừa mở mắt dậy tôi tự nhủ rằng: cố lên, làm xong hết việc là lại được ngủ rồi. Thế là tôi ngồi dậy, làm việc thật hiệu suất, để được ngủ 10 tiếng. Chứ bạn muốn gì ở một người trần tục như tôi nữa? Thức dậy để trở thành tỷ phú và cứu thế giới? Bạn thích gì thì để nó làm động lực sống mỗi ngày của bạn, nhỏ thôi, nhưng đáng mong đợi.
Tóm lại, ta biết bản thân đủ để chấp nhận tất cả các trạng thái của mình.
Có lẽ ta nên sống như những nguyên tử của mình: tìm kiếm trạng thái ổn định bền vững, rồi liên kết với nhau để phát triển thành một dạng mới, và lại tìm kiếm sự bền vững mới để tiếp tục phát triển. Comfort zone chẳng có gì mà phải từ bỏ hay thoát khỏi cả. Điều quan trọng là phải cơi nới lãnh thổ vùng an toàn của mình rộng rãi hơn. Chen chúc loay hoay trong một vùng an toàn bé tí thì không thoải mái lắm đâu.
Chúc bạn một đời thoải mái.