Đọc sách mà không có người đàm đạo, không được cười vào nỗi thất vọng của bạn bè khi vớ phải sách dở, và không được bạn bè chứng kiến mình điên cuồng vì một cuốn khác là đã mất phân nửa thú vui đọc sách. Đời mình sang trang khi bắt đầu sử dụng Goodreads, đã có nhiều điều tốt đẹp bắt đầu ở đó. Nhưng sau 5 năm dùng Goodreads, mình đang nghĩ đến những vùng đất mới. Nhân tiện đang thử nghiệm trên Readism và The Storygraph nên mình lên bài review trải nghiệm để bạn tham khảo, biết đâu tìm được chân ái mà xa rời được Facebook.
Giới thiệu chung
Goodreads
Goodreads là mạng xã hội sách quốc tế, liên kết chặt chẽ với mảng kinh doanh sách và Kindle của ông lớn Amazon. Amazon sao thì Goodreads cũng na ná vậy, tả bí lù.
Bắt đầu thành lập năm 2006. Tính đến 2019 có khoảng 90 triệu người sử dụng.
Mục tiêu: Tìm kiếm sách bạn thích; theo dõi thói quen đọc; và tham gia vào cộng đồng đọc sách lớn nhất thế giới
The Storygraph
The Storygraph ban đầu là một đơn vị phát hành truyện ngắn online từ năm 2012. Đến 2019, Nadia Odunayo, một nhà khởi nghiệp công nghệ, vì quá chán nản với Goodreads mà cùng với một founder khác đã phát triển một mạng xã hội mới cạnh tranh với Goodreads, thậm chí còn được khen hơn cả Goodreads.
Đến đầu năm 2021, có khoảng 40,000 người dùng.
Mục tiêu: Giới thiệu sách hay cho bạn dựa vào tâm trạng của bạn.
Readism
Mình không có nhiều thông tin của đơn vị này, nhưng theo website của nó thì là: Mạng xã hội yêu sách đầu tiên của Việt Nam.
Bắt đầu đưa vào hoạt động trong năm 2021, chưa có số liệu người dùng, nhưng mình đếm trên các group của Readism, người dùng rơi vào khoảng trên dưới 1000. Nói chung còn rất mới
Mục tiêu: Tạo mạng xã hội giao lưu cho người yêu sách ở Việt Nam
Ấn tượng
Goodreads
Giao diện của Goodreads tạo cho mình cảm giác đang giao tiếp với một anh bạn đầu to mắt cận, tóc tai bù xù và mang balo to lù lù đựng đủ thứ trên trời dưới đất. Rất thông minh, cái gì cũng biết, mỗi tội bừa bộn và nhập nhằng. Theme dark academia cũng phù hợp với hình tượng mà Goodreads tạo ra.
Trang chủ ở dạng newsfeed các hoạt động của bạn bè trong cộng đồng, cùng với kính thưa có loại tin tức và quảng cáo sách dưới dạng recommendations.
The Storygraph
Từ GR bước qua TSG mình khá giật mình: Có vậy thôi à? Cảm giác như đang gặp một người bình thường, kiệm lời, có thể hoà lẫn vào đám đông không dấu vết, nhưng mở lời ra nói thì rất đáng nể.
STG đúng là tối giản để tối ưu. Vì nó tập trung vào chức năng giới thiệu sách, nên giao diện chỉ hiển thị sau recommendations và những sách muốn đọc, không có (hoặc chưa có) quảng cáo hay mấy tin tức linh tinh đi kèm. Mình đặc biệt cảm thấy cảm tình với cách trình bày này, cho thấy người tạo ra app này đúng là người đọc, họ muốn vào app vào tìm thấy sách và đọc, không có lan man chuyện thiên hạ.
Readism
Giao diện rất Việt Nam. Mình không có ý chê gì ở đây đâu, từ từ mình giải thích. Người Việt mình hay có kiểu dĩ hoà vi quý, làm gì cũng muốn vừa lòng nhiều người nhất có thể. Readism cũng tạo cảm giác ấy cho mình, kiểu hoa hậu thân thiện. Cũng màu xanh ngọc na ná như STG, nhưng kèm thêm vài hình ảnh phong cách corporate (không biết có cùng chủ hoặc ít nhất là cùng designer của Moster box không). Cá nhân mình không thích corporate art (if it's art), nhưng chắc nó hợp lòng người.
Trang chủ là kiểu newsfeed như GR nhưng từ những người trong Hội nhóm chứ không phải bạn bè. Kéo mãi xuống dưới vẫn không thấy đáy. Dù sao vẫn còn đang hoàn thiện nên hi vọng Readism sẽ tìm thấy chiếc áo phù hợp nhất với mục tiêu.
Điểm mạnh
Goodreads
GR có 3 điểm mạnh lớn: Kho sách online đa dạng nhất; khả năng theo dõi thói quen đọc mạnh; và cộng đồng người đọc lớn nhất. Ba điểm này hỗ trợ nhau qua lại, khiến GR trở thành con tàu Titanic, người dùng một khi đã lên boong tàu thì chỉ có nhảy xuống tự bơi mới vào được bờ.
- Kho sách đa dạng
Nhờ hoạt động lâu năm và có lượng người dùng lớn nên hầu như sách nào cũng có ở GR, trừ những cuốn quá mới và quá chuyên biệt của một quốc gia hoặc một đề tài (5 năm qua mình chỉ phải tự thêm 2 cuốn). Cảm giác tìm sách gì cũng có đã sướng rồi, tìm được cả sách hay mà mình không biết còn sướng hơn.
- Chức năng theo dõi hành vi đọc mạnh
Với hệ sinh thái của kho sách online Amazon và Kindle, vào đọc cuốn nào nó cũng tự động update đang đọc/đọc xong, nên GR tạo điều kiện thuận lợi để người đọc theo dõi thói quen đọc của mình.
- Cộng đồng người đọc lớn nhất
Nhờ cộng đồng lớn nên cỡ mẫu cũng đủ lớn để tin cậy vào các review. Ban đầu mình nghĩ review của GR có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi các quan hệ ngầm giữa nhà xuất bản và Amazon, nhưng khi so sánh các rating ở STG, mình không thấy chênh lệnh nhiều lắm (Ví dụ, cuốn sách trong ảnh cũng 4* ở STG có đánh giá 4*). Dù sao, sách hay vẫn là sách hay, sách dở vẫn cứ lè tè 2 3* thôi.
Ngoài ra, trong phần profile của Goodreads còn xếp loại thứ hạng nữa, rất tư bản luôn. Gọi là điểm mạnh hay yếu cũng được, vừa thúc đẩy người ta review tốt hơn lại vừa khiến người ta có cảm giác ganh đua.
The Storygraph
Ngoài việc tối giản giúp người đọc tập trung vào việc đọc, STG còn rất chu đáo trong dịch vụ giới thiệu sách hay, và đánh giá sách khách quan.
- Giới thiệu sách
Không giống cách tiếp cận của GR là dựa vào recommendation từ đủ các dữ liệu (bạn bè, thể loại, sách đạt giải), STG quan tâm đến gu đọc và tâm trạng của bạn. Dựa vào một bản khảo sát nhỏ trả lời những câu hỏi về: bạn thích thể loại gì, thích nhịp điệu nhanh hay chậm, thích tiến trình phát triển nhân nhân vật thế nào, cái kết ra sao, thích nhẹ nhàng hay đậm đặc? Nếu bạn là người đọc nghiêm túc và có khẩu vị, những câu hỏi này khả năng rất cao sẽ cho bạn cuốn sách yêu thích tiếp theo.
STG còn thêm được một tủ sách mới "did not finish" cho những kẻ mất kiên nhẫn với sách dở. Đúng là app do người đọc thiết kế nên đánh đúng tâm lý chung.
- Đánh giá khách quan
Các rating để dưới cùng của sách, và không xuất hiện cùng với sách khi bạn tìm kiếm để tạo cơ hội cho bạn tìm hiểu cuốn sách thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào số rating và bỏ đi. Các review là những câu hỏi cụ thể về nội dung như: nhân vật, nút thắt, nhịp điệu, cốt truyện, sau cùng mới là rating và review văn bản bổ sung. Điều này đúng tâm lý với người đọc kỹ tính. Mấy lời giới thiệu trên bìa không giúp ích được gì cả, phải biết các yếu tố chính của sách ra sao mới chọn sách được.
- Số hoá thói quen đọc rất chi tiết
Số liệu này trên Goodreads cũng có, nhưng không chi tiết và đầy đủ bằng STG. Mình thích nhất phần số liệu tác giả yêu thích nhất dựa vào số sách đọc nhiều nhất. Hoá ra, Nguyễn Nhật Ánh là tác giả yêu thích của mình mà mình không hề biết luôn, đứng trên cả Romain Gary và Sain-Ex.
- Nhập dữ liệu sách từ GR
Một điểm cộng to đùng nữa dành cho STG, đó là khả năng nhập dữ liệu sách từ GR sang. Mình cực kì ấn tượng khi ngay lần đầu vào website đã được hỏi có muốn chuyển nhà từ GR qua STG không nó chuyển cho. Thử nghĩ xem, ở một nơi 5 năm thì độ ì nó cao tới mức nào, thành ra STG làm được điều này coi như đã giải quyết nửa bài toán cạnh tranh rồi, giờ chỉ còn chờ thời gian để người dùng kéo nhau qua dùng thôi.
Ngoài ra, cách STG hiển thị trang cá nhân cũng...thâm trầm. Bạn không cần giới thiệu dài dòng, cũng không liên kết gì đến link ngoài. Người khác vào thấy những số liệu mà STG hiển thị sẽ tự biết bạn là người thế nào. Nhờ thế mình mới biết bản thân là một người đọc vô vị:
Mainly reads fiction books that are reflective, emotional, and adventurous. Typically chooses medium-paced books that are <300 pages long.
Readism
Thật khó để tìm thấy điểm mạnh của Readism khi đặt cùng hai ông lớn ở trên. Nhưng có thể nói sự khác biệt lớn nhất của Readism là có một trang Viết để các bạn có một nơi chia sẻ tác phẩm. Phù hợp với những bạn thích viết truyện, mà không có một đất riêng, hoặc mệt mỏi phải phát triển từ đất riêng (mình hiểu mà) nhưng ngại không đăng Facebook mà vẫn muốn có người đọc, thì có thể thử ở đây - nơi chất lượng bài viết trở nên phi giai cấp, bạn đăng gì cũng được, rồi chờ đợi có người đến đọc và phát hiện tài năng.
Hiện nay Readism đang có chiến dịch marketing bằng cuộc thi review bạn có thể tham khảo và tham gia. Khách mời là những tác giả trẻ mình chưa hề biết đến, có lẽ phải quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển văn đàn nước nhà rồi.
Hạn chế
Goodreads
Hạn chế của GR mình cũng đã nhắc qua ở những phần trên: quá cồng kềnh, nặng về review, và nhất là: KHÔNG CÓ ĐÁNH GIÁ SAO LẺ. Ơ kìa, 3.5 và 3.8 là một vòng trái đất. 3.75 và 4.0 cách nhau cả dải ngân hà. Số lượng mình cho 4* nhiều như sao trên trời vậy. May mà sao ở trên blog còn được chọn 0.5.
Sách trên GR phụ thuộc nặng nề vào review và rating. Nghĩa là những cuốn có rating thấp thường không có cơ hội được tìm hiểu kỹ nội dung và đọc thử. Đó là chưa kể, review trên GR khá nhiều nội dung vô thưởng vô phạt. Thậm chí không kiểm chứng được người đọc có đọc không mà cho 1*, làm ảnh hưởng đến tác giả và sách. Sau nhiều lần cho 1 2*, mình đã tự rút ra kinh nghiệm là với sách mình không thích mình sẽ không để sao mà chỉ để review.
The Storygraph
Mình không thấy có gì hạn chế đáng chú ý ở STG cả. Một người thông minh là người tập trung phát triển điểm mạnh, và không dàn trải sức lực để tạo ra điểm yếu. STG tập trung giới thiệu sách và tạo trải nghiệm đọc tốt nhất. Còn những thứ như cộng đồng hội nhóm giao lưu các thứ thì không để tâm nhiều tới.
Readism
Hạn chế lớn nhất của Readism hiện tại là kho sách còn quá ít (mình tìm các cuốn mình thích đều không có, mà mình thì quá lười...); phân loại sách rất lủng củng (như hình); và người dùng chưa đủ nhiều để có thể tin vào review (các rating đang lạm phát ngang ngửa đồng zimbabwe).
Các hạn chế nhỏ thì quá nhiều, như việc hiển thị newsfeed bất tận từ những người lạ hoắc không tin tưởng được vào gu đọc; phản hồi quá chậm (một tin nhắn mất cỡ 2 ngày); các tin tức đăng lại từ Zingnews chứ không tự viết; các trích dẫn chỉ kèm tên tác giả chứ không có tên tác phẩm (mục đích của quote là gì nếu ko để tên tác phẩm cho người ta tìm đọc tác phẩm? Hay chỉ để lấy mấy dòng out of context rồi chèn vào đâu đó?). Nhưng suy cho cùng, các hạn chế này là do thời gian đầu còn đang phát triển, có thể mắt nhắm cho qua được.
Bài toán lớn nhất bây giờ là educate người mới đọc sang dùng, và kéo người đọc lâu năm từ GR qua. Sức ỳ và tâm lý phủ định cái mới khủng khiếp lắm...
Lựa chọn
Mình không thấy có gì khó khăn khi phải lựa chọn dùng mạng xã hội nào, các chức năng phân chia khá rõ ràng ở cả 3 ứng dụng. Mình vẫn sẽ dùng Goodreads để tracking sách đã đọc và tham khảo review. Với STG mình sẽ thỉnh thoảng tìm sách hay mới lạ (mình đã tìm được 2 cuốn khá hấp dẫn rồi). Sau này rảnh rang hơn mình sẽ vào lại Readism để xem có tái hoà nhập được với cộng đồng yêu sách Việt Nam không. Yêu sách là được, đừng đến mức "yêu sách".