Site Loader

Mình nhớ đã đọc hay nghe ở đâu đó câu này: Không còn hippie nào sau 30 tuổi. Nghĩa là sau 30, người ta, dù có mơ mộng lửng lơ đến đâu cũng bị kéo về mặt đất bởi sức nặng của hiện sinh; nghĩa là dần dần người ta trở thành kẻ mà tuổi 20 người ta từng dè bỉu khinh bỉ, tuổi 20 mà người ta nghĩ rằng mình sẽ luôn gìn giữ tâm hồn phong phú này đến cuối đời để tận hưởng bằng hết chân thiện mỹ của cuộc sống. Nhưng rồi chẳng rõ điều gì, thứ gì hay kẻ nào đã bào mòn từng chút từng chút tươi đẹp thuần khiết của tâm hồn bạn, bỗng một ngày bạn không còn thấy rung động với một tiểu thuyết vốn dĩ được ca ngợi xuất sắc; bạn thấy mình thiếu sót quá nhiều nên phải lao vào học và đọc những cuốn sách phát triển bản thân để bắt kịp nhịp độ của xã hội; bạn cũng chẳng bắt gặp bản thân nghêu ngao một bài hát và chìm đắm trong những giai điệu ngày xưa bạn vẫn hằng yêu thích; bạn cũng ngưng cả những thú vui cầm kì thi hoạ để có nhiều thời gian làm việc hơn; bạn dần quên mất tên của những hoạ sĩ, nhạc sĩ, tác gia mà trước đây bạn thuộc nằm lòng trong đầu. Bạn quên dần, quên dần nhiều thứ; bạn biết mình đặc biệt nhưng không nhớ ra được mình đặc biệt ở đâu; bạn biết mình lãng mạn nhưng không tìm ra được những xúc cảm dạt dào ngày trước nữa. Bạn cố nhớ xem mấy năm qua chuyện gì đã xảy ra, cuộc đời đã làm gì với bạn để bạn lại dần đánh mất chính mình.

Và sau khi suy xét cẩn thận, bạn nhận ra… cuộc đời chẳng làm gì với bạn cả, chẳng có sự kiện khủng khiếp nào xảy ra để bạn đổ lỗi cả, chẳng có cú tát nào từ cuộc đời vả vào bạn, hay đúng hơn là những cú tát ấy vả vào tất cả mọi người chứ chả riêng gì bạn. Nghĩa là, chính bạn, với sự bất cẩn, lười biếng, ngạo mạn đã làm cạn kiệt suối nguồn tươi trẻ của tâm hồn mình.

Có rất nhiều tài liệu hướng dẫn làm thế nào để trở nên thông minh hơn, làm thế nào để giàu có hơn, cách để chồng cưng chiều hơn… nhưng mình chưa thấy ai nói về cách làm thế nào để lãng mạn hơn, hay ít nhất là gìn giữ sự lãng mạn ấy. Chắc vì không lãng mạn thì vẫn sống tốt, chứ không có tiền thì chết chắc, nên sự lãng mạn bị xem nhẹ. Thậm chí mình từng xem một video nói về tác hại của chủ nghĩa lãng mạn, rằng chủ nghĩa lãng mạn huỷ hoại các mối quan hệ với sự kì vọng cao, và sự mơ mộng khiến bạn không thành công trong cuộc sống. Nói vậy cũng đúng, mình cũng đâu có ý nói lãng mạn là tính tốt cần phải có. Chỉ là đối với những người vốn dĩ lãng mạn, họ đã hiểu cái đẹp của trải nghiệm đó rồi, thì để mất đi thì thật phí hoài.

Sự lãng mạn theo mình không phải cứ là sướt mướt, diễm tình, lâm li bi đát, đòi hỏi thế giới phải nhẹ nhàng nếu không sẽ dễ dàng tổn thương. Nếu xét theo phương diện đó thì mình là kẻ rất không lãng mạn. Lãng mạn vốn dĩ là khả năng thể hiện và cảm nhận tình yêu. Một mối quan hệ lãng mạn là một mối quan hệ có tình yêu (nếu có quan hệ mà không có tình yêu thì người ta gọi là gì nhỉ, đôi bạn cùng tiến?). Một giai đoạn lãng mạn là giai đoạn các sáng tác thể hiện cảm xúc cá nhân, dào dạt tình yêu. Một người lãng mạn là người nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của tình yêu, giúp người ấy nhạy cảm với sự vật sự việc xung quanh mình, và biết cách khiến người khác cảm nhận được tình yêu. Nếu người khác vô tình đứng trong hào quang ấy cũng được thụ hưởng lây những cơn sóng dạt dào thi vị của bạn.

Và như con Cáo trong Hoàng Tử Bé đã nói ấy: Phải có nghi thức chứ! Bất kì cái gì linh thiêng cũng cần phải có nghi thức, chăm sóc khu vườn tâm hồn của bạn cũng vậy. Chăm chút cho tâm hồn của bản thân không phải để cho ai xem, mà là để bạn không quay sang ghét bỏ cuộc sống chỉ vì không chịu nổi sự khô hạn và nhạt nhẽo của chính mình. Những nghi thức này mình đã phải cố gắng luyện tập từ khi bắt đầu nhận ra nếu không gìn giữ, tâm hồn mình sẽ chẳng còn gì ngoài đống tro tàn của tuổi 20 cả.

  1. Thời gian suy tư

Mình cực kì thích từ “suy tư” này, vì là từ Hán Việt nên nó đã bao gồm trọn ý “suy nghĩ một mình”. Một mình mà không suy nghĩ, suy nghĩ mà không được ở một mình cũng sẽ không nảy sinh bất kì một ý tưởng hay cảm xúc đặc biệt nào. Bạn có bao giờ cầu nguyện lớn tiếng hay với người khác không? Thời gian suy tư cũng cần được kín đáo và mang vẻ thiêng liêng như khi bạn cầu nguyện vậy, có gì khác giữa cầu nguyện với Ơn trên và đối thoại lắng nghe chính mình đâu, Chúa đã thổi linh hồn vào bạn mà.

Wilhelm Amberg

Có hai loại suy tư mà mình thường dụng đến: tìm câu trả lời cho một câu hỏi nhất đinh và để đầu óc được lan man (nói hoa mỹ là mơ mộng ấy). Dạng suy nghĩ đầu tiên mình dùng để phục vụ công việc của mình: đặt câu hỏi “Nếu … thì sao?”, trả lời, có ý tưởng, viết, và nhận tiền. Mình thường tranh thủ suy nghĩ dạng này trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, để đến lúc làm việc thì ngồi vào viết thôi chứ không tốn thời gian nghĩ nữa.

Dạng suy tư thứ hai, mình không áp đặt được thời gian biểu cho nó, bất kể lúc nào đầu óc mình cũng sẵn sàng mơ mộng cả. Nhưng hiệu quả nhất, nghĩa ra cho ra ý tưởng tốt nhất, thường sẽ vào đi dạo, trước khi ngủ, hoặc thậm chí bỗng dưng mình đứng ngây người ra như tượng vậy. May mà sống một mình. Những ý nghĩ lan man này thường toàn là rác thôi, nhưng trong đống rác luôn có vụn vàng mình có thể nhặt ra để trau chuốt dần qua thời gian. Đó có thể là những ý tưởng lớn về bản chất của một vấn đề, sự soi chiếu vào tâm trí, một dự án mình muốn làm trong tương lai, hoặc đơn giản là ý tưởng phác thảo cho blog.

Dành thời gian suy tư lúc rảnh rỗi như Cal Newport gợi ý cũng là một cách thư giãn, hoặc bạn muốn cũng có thể gọi đó là thiền định, dõi theo và phân tích các sợi dây ý nghĩ hoặc cảm xúc trong tâm trí để rút ra được bản chất của chúng.

       2. Dung nạp văn học nghệ thuật

Đã có thời gian suy tư thì phải có chủ thể để suy tư về. Và tất nhiên, nghệ thuật là thức ăn không thể thiếu cho một tâm hồn lãng mạn. Mình không nghĩ phải biết tất cả các hoạ sĩ và xem tất cả các tác phẩm của họ, hay đọc hàng trăm cuốn sách mới có thể lãng mạn. Chỉ đọc vài cuốn sách, nghe vài bản nhạc, xem dăm bức tranh nhưng lại thực sự yêu thích chúng, nhìn thấy câu chuyện của mình trong chúng, soi rọi chúng vào cuộc đời mình để kết nối, để chúng trở thành thịt xương máu mủ của mình, để bất kì điều gì xảy ra, dù phước lành hay bất trắc thì mình cũng có một cuốn sách hay một bài hát là hoa tiêu chỉ đường, là chút ngọt ngào để gặm nhấm và an ủi. Giờ thì mình không thường xuyên thăng hoa khi tiếp xúc với nghệ thuật nữa, một phần vì mình đã chai đi ít nhiều, cần có tác phẩm nặng kí hơn mới khiến mình xúc động dạt dào được, phần khác vì kinh điển cũng giới hạn mà hiện đại thì cần thời gian kiểm chứng. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta ngừng tìm kiếm cái đẹp – cái tốt – cái thật ở cả nghệ thuật lẫn cuộc sống, năm 20 tuổi bạn dễ dàng tìm thấy tình yêu và nhìn đâu cũng thấy đáng yêu, năm 25 tuổi chuyện không dễ dàng nữa nhưng không vì thể mà ngừng mở lòng. Cứ vừa trải nghiệm cuộc sống và dùng những trải nghiệm ấy để hiểu cái đẹp, nếu chưa hiểu nghĩa là cần phải trải nghiệm nhiều hơn.

    3. Một đời sống đơn giản

Mình không theo chủ nghĩa tối giản nhưng vô tình lại sống khá đơn giản. Các mối quan hệ gần gũi với mình chỉ đếm trên đầu ngón tay, các liên kết thân sơ thì vô hại. Nhờ thế mà tâm trí được tĩnh lặng và có thời gian để suy tư lãng mạn hơn. Nói chung, cứ càng ít tác nhân phân tán từ bên ngoài bạn mới có thể tập trung được cho bản thân, cho tâm hồn đang bị rút cạn năng lượng bởi những nguồn độc hại. Mình nghĩ nghi thức này khó nhất nhỉ, thay đổi cả một lối sống chứ có phải đùa đâu. Nhưng bạn đâu phải từ bỏ gì ghê gớm, chỉ là giảm đi bớt sự nhiễu nhương thôi mà.

    4. Sự bí ẩn

Bí ẩn thì liên quan gì đến lãng mạn? Có thể không liên quan, nhưng ít nhất nếu tỏ ra bí ẩn bằng cách ít nói, người ta sẽ nghĩ bạn có vẻ thâm trầm và đặc biệt, còn hơn mở miệng nói và người ta biết ngay bạn nhạt toẹt. Thật ra sự bí ẩn là hệ quả của lối sống đơn giản ở trên, khi bạn đã hài lòng với thế giới của riêng mình, bạn tự khắc thấy việc thể hiện ra cho đám đông xem nó phi lý và vô nghĩa. Nhưng đồng thời bí ẩn cũng giúp bạn lãng mạn hơn, bạn ít tiếp xúc với người khác, bớt xuất hiện trên mạng xã hội mà vẫn phải suy tư và dung nạp nghệ thuật, vậy tất cả những ý tưởng và cảm xúc ấy sẽ chứa ở đâu cho đủ? Mình thấy đa phần các ý tưởng và cảm xúc là rác cho đến khi được cô đọng, nếu bản bộc lộ ngay tức khắc những suy nghĩ của mình, bạn sẽ không có thời gian để tâm hồn cảm nhận và nảy nở với chúng. Nếu nói hay viết tràn lan những suy tư của mình, bạn sẽ trở thành một KOL nếu may ra ý tưởng của bạn độc đáo, hoặc bạn sẽ trở thành kẻ lắm mồm.

Mình nghĩ rằng cái đẹp nên cần được bí ẩn, cần bỏ thời gian ra tìm tòi, để khi vô tình tìm thấy được người ta phải trầm trồ cảm thán và thấy may mắn. Sự lãng mạn thuần tuý rất quý giá, không nên vung vãi nó ở khắp nơi để ai cũng có thể nhặt lấy mà bình phẩm. Bí ẩn không có nghĩa là im lặng tuyệt đối, mà là biết chọn nơi để xuất hiện chọn thứ để thể hiện, đặt ở một nơi xứng đáng, lẵng lặng rời đi và biết rằng Hữu xạ tự nhiên hương.

Mình muốn nhắc lại rằng, lãng mạn không là một phẩm chất cần phải có (nhưng khả năng yêu thương thì phải có). Mỗi người sẽ có những định tính vừa là điểm yếu, vừa là kho báu riêng. Việc của chúng ta là chấp nhận và biến nó thành bản sắc của mình. Mình hay an ủi bản thân là: thôi có gì dùng nấy, trời cho sao nhận vậy (chứ thật ra làm kẻ lãng mạn khổ ghê gớm).

“Chính thời gian cậu mất cho đoá hồng của mình đã làm cho đoá hồng ấy trở nên quan trọng đến thế.”

Hoàng Tử Bé – Antoine De Saint-Exupéry

Chính thời gian bạn chăm chút cho tâm hồn mình mới khiến bạn trở nên quan trọng và xinh đẹp đến thế.

Sài Gòn – 26/04/2020

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.