Gửi cho em, Esmé, với tình yêu và khốn cùng.
“For Esmé – with love and squalor
Mong rằng bạn sẽ tìm thấy sự khôn ngoan và dễ chịu trong câu chuyện này.
Read this story and find wisdom and comfort.
Chỉ mới đây thôi, tôi nhận qua đường hàng không một thiệp mời dự đám cưới tổ chức ở Anh, đúng ngày 18 tháng Tư. Đây hẳn sẽ là đám cưới khiến tôi hao tâm tổn sức lắm mới có thể tham dự, ngay khi thiệp mời hạ cánh xuống trước cửa nhà, tôi nghĩ ngay đến viễn cảnh được vi vu sang hải ngoại, mỗi tội kinh phí chắc cũng bộn tiền. Tuy nhiên sau một cuộc đàm phán cởi mở với vợ tôi, một cô nàng sắc sảo đáng kinh ngạc, chúng tôi, đúng hơn là tôi, đành từ bỏ đám cưới ấy – chỉ vì một nguyên do: mẹ vợ tôi đang hồ hởi chuẩn bị cho chuyến viếng thăm gia đình tôi trong suốt nửa sau tháng Tư này, và tôi thừa nhận mình hoàn toàn quên bẵng mất chuyện đó. Thực tình tôi không mấy hứng thú phải chạm mặt thường xuyên với mẹ Grencher, nếu không muốn nói mình kinh hãi việc đó, và bà cũng chẳng còn trẻ trung gì cho cam. Những 58 tuổi. (Sự thật được bà tiết lộ sao bao lần giấu diếm.)
Dẫu thế, theo nguyên tắc từ trước đến nay, cái nguyên tắc giữ cho tôi không trở thành kẻ khoanh tay thờ ơ trước một hôn lễ có nguy cơ tan tành xác pháo ở bất kì nơi nào tôi tình cờ có mặt, tôi nhiệt thành biên ra đôi dòng giãi bày về cô dâu, quý cô tôi quen biết gần sáu năm qua. Tôi không cố ý gieo cho vị chú rể chưa gặp mặt bao giờ này vài giây khó ở trong ngày vui của chàng, nhưng nguyên tắc buộc tôi phải làm vậy. Xin đừng hiểu nhầm rằng tôi muốn an ủi gì ở đây cả. Đặc biệt là muốn rao giảng đạo đức hay lên mặt dạy đời người khác.
Hồi tháng Tư năm 1944, tôi cùng với sáu mươi anh chàng người Mỹ khác đăng ký nhập ngũ vào khóa huấn luyện chuyên biệt chuẩn bị cho ngày tổng tiến công phe phát xít, được hướng dẫn bởi cục Tình báo Anh tại Devon. Rồi khi nhìn lại quãng ấy, tôi cảm giác cả tôi và sáu mươi đồng chí kia như bị lạc loài, có lẽ bởi chúng tôi không phải là những kẻ giao thiệp trơn tru giữa đám đông bát nháo. Tất cả chúng tôi đều là thể loại cuồng viết thư tay, nếu có khi nào xảy ra đoạn hội thoại ngoài lúc làm nhiệm vụ thì ắt hẳn để hỏi xin người kia ít mực thừa. Thời gian dôi ra khi không viết thư hay lên lớp, chúng tôi dành để tìm thú tiêu khiển giải khuây cho mình. Vào những ngày trời trong nắng ấm, tôi thường tản bộ chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình dọc những miền quê xinh xẻo. Chẳng may hôm đó là một ngày mưa cũng chẳng sao, kiếm một nơi khô ráo và đọc một cuốn sách cũng là lựa chọn không tồi, thường thì chỗ ấy cách bàn ping-pong một sải tay chẳng hạn.
Khóa đào tạo kéo dài trong ba tuần rồi bế giảng vào một ngày Thứ Bảy ướt sũng. Bảy giờ tối hôm đó, cả nhóm chúng tôi được sắp xếp lên tàu đến London, nghe đồn rằng ở đó chúng tôi sẽ được sáp nhập với sư đoàn bộ binh và không vận để tập trung lực lượng cho cuộc đổ bộ D-Day (1). Gần ba giờ chiều, tôi đã gói ghém xong hành lý cho vào ba lô quân dụng, bao gồm cả túi bọc vải bố của cái mặt nạ khí chứa đầy những cuốn sách tôi mang tất từ bờ kia Đại Tây Dương. (Còn mặt nạ khí thì tôi đã ném qua ô cửa mạn tàu Mauretania vài tuần trước khi nhận ra sự thật nực cười rằng mình sẽ hít no khí độc của kẻ thù, trước khi kịp đeo cái vật chết dẫm vô dụng đó vào mặt.) Tôi nhớ rằng mình đã tần ngần rất lâu ở khung cửa sổ nằm cuối khu trại Quonset(2) của đội mình, mải mê trông ra màn mưa ảm đạm đan chéo cả bầu trời mà chẳng hay biết ngón tay bóp cò ngứa ngáy khó chịu, cùng lúc ấy tiếng sột soạt vọng đến tai tôi từ ngòi bút của đồng đội đang hý hoáy biên thư trên mớ giấy V-mail(3). Đột nhiên, chẳng hiểu vì điều gì mà tôi lại rời gót khỏi khung cửa và mặc lên người nào là áo mưa, khăng choàng cashmere, ủng cao su và cả mũ chào mào (riêng chiếc mũ này tôi vẫn thường tự hào, tôi luôn đội ở góc chếch phủ nhẹ xuống bên tai – một kiểu rất riêng của mình). Sau khi chỉnh lại đồng hồ đeo tay cho đồng bộ với chiếc đang treo trên tường phòng vệ sinh, tôi bắt đầu dấn mình vào màn mưa mịt mùng, rảo bước xuống triền đồi thoai thoải rải đầy sỏi đá ướt rượt, hướng về thị trấn dưới kia. Sấm chớp đì đùng giăng đầy trên đỉnh đầu nhưng tôi mặc kệ, thậm chí có phần coi khinh. Sống chết có số cả thôi, lo sợ cũng ích gì đâu.
Đến trung tâm thị trấn, nơi chắc hẳn ẩm ướt nhất vùng, tôi dừng chân trước một nhà thờ để đọc bảng thông cáo, thói quen ấy đa phần do mấy con số màu trắng nổi bật trên nền đen thu hút sự chú ý của tôi, nhưng một phần cũng vì sau ba năm nhập ngũ tôi trở thành con nghiện của những bảng tin. Thông cáo viết rằng, vào lúc 3 giờ 15 phút sẽ có buổi luyện tập hợp xướng cho trẻ em. Tôi kiểm tra đồng hồ rồi bước ra sau bảng. Tờ giấy đính trên đó liệt kê tất cả những bé dự định tham gia buổi ấy. Tôi đứng yên dưới màn mưa, chăm chú đọc bằng hết những cái tên, rồi bước vào nhà thờ.
Tầm trên dưới một tá phụ huynh xúm xít trên những băng ghế dài, nhiều người trong số họ ôm vào lòng những đôi ủng cỡ nhỏ, đế giày dốc lên cho ráo nước. Tôi bước qua họ và ngồi ngay hàng đầu đối diện với sân khấu. Trên bục cao cao của thính phòng, độ hai mươi đứa trẻ được sắp xếp tăng dần theo độ tuổi từ 7 đến 15, hầu hết các em là các bé gái, ngồi ngay ngắn trong ba hàng ghế liền kề nhau. Lát sau một phụ nữ dáng vóc đồ sộ trong bộ quần áo vải tuýt chật ních bước lên bục, cô giáo hợp xướng của các bé bảo chúng mở rộng khẩu hình hơn nữa khi hát. Bà ấy hỏi các em rằng đã bao giờ nghe được một chú chim non can đảm cất cao thanh âm quyến rũ mà ban đầu không chịu há thật rộng chiếc mỏ nhỏ xíu của mình ra chưa? Hiển nhiên là chưa. Bà ta trông khá kiên định và khó đoán, tiếp tục ra rả rằng bà muốn tất cả các bé phải hấp thụ được thần hồn thần túy những lời ca của bà ta, chứ không chỉ hát nhại theo như mấy con vẹt ngu si ngớ ngẩn. Kết thúc đôi lời dạy dỗ nghiêm khắc kia, bà ta thổi một nốt bằng ống bắt nhịp của mình, và rồi bọn trẻ nâng những cuốn sách thánh ca lên ngang mặt trông như một tốp cử tạ tí hon vậy.
Dàn đồng ca cất giọng mà không cần nhạc đệm – hoặc chính xác hơn là, không cần bất kì sự hỗ trợ nào cả. Các em làm rung động tâm can thính giả với thanh âm khi du dương lúc hùng tráng mà một con chiên ngoan đạo như tôi chưa bao giờ mơ tưởng đến được trong cuộc đời từng trải của mình. Giả như trong giai điệu vang lên từ cách kéo đàn không mấy nhọc sức của hai đứa trẻ bé nhất kia có chút sai nhầm nào, chắc chỉ có Chúa trời mới có thể tìm ra, nhưng Người hẳn cũng đang hài lòng tán thưởng món quà tuyệt diệu được dâng lên cho mình ấy. Bài thánh ca này tôi chưa thưởng thức qua bao giờ, nhưng cứ mong nó kéo dài thêm càng nhiều tiết thơ càng tốt. Vừa lắng nghe tôi vừa lướt qua mọi gương mặt các bé trong dàn đồng ca, nhưng đột nhiên bị thu hút bởi một trong số chúng, đứa trẻ gần tôi nhất ngồi ở ghế cuối hàng đầu tiên. Một cô bé khoảng mười ba tuổi với mái tóc thẳng màu tro ánh vàng chỉ ngắn quá tai một chút cùng vầng trán thanh thoát, và đôi mắt tỏ ra nhàm chán của em khiến tôi ngờ rằng rất có thể em đã rành rẽ mọi sự ở chỗ này rồi. Chẳng phải vì ở gần tôi nhất mà giọng ca em như nổi bật hoàn toàn trên đám trẻ còn lại, nó vốn dĩ phải ở vị trí đó bởi em sở hữu chất giọng nữ cao hơn cả, vừa ngọt ngào vừa dày dạn nhất. Có điều quý cô bé nhỏ trông có vẻ hơi chán ngán với tài năng của mình, mà cũng có thể do thời gian kéo dài quá lâu và địa điểm chưa xứng tầm với giọng ca trời phú ấy; những hai lần tôi nhìn thấy em ngáp giữa những câu xướng ca. Cái ngáp của một quý cô đích thực, dù đã khép kín miệng nhưng ta không thể nào bỏ lỡ được cú ngáp ấy, hai cánh mũi phồng nhẹ đã tố giác em mất rồi.
Bài thánh ca vừa kết thúc, bà sơ dạy hợp xướng lại mau chóng tuôn ra một tràng ý kiến dài dòng về đám trẻ tội nghiệp đang gần như không đứng vững sau chừng ấy nỗ lực, môi chúng mím chặt lại đầy cam chịu trong suốt bài diễn văn đáng kính ấy. Xem chừng phần hát hợp xướng của buổi diễn tập đã hoàn thành và không muốn bị giọng nói chói tai của bà ta phá nát sự màu nhiệm do đám trẻ dệt nên, tôi mau chóng đứng dậy và rời khỏi nhà thờ.
Mưa thậm chí còn nặng hạt hơn trước đó. Tôi tản bộ xuống phố và trông qua cửa sổ phòng giải lao của Hội Chữ Thập Đỏ, đôi ba anh lính đứng sâu phía quầy bar cà phê, và, thậm chí vọng ra từ cửa kính ấy, tôi có thể nghe tiếng quả ping-pong nảy lên từ căn phòng khác. Băng qua đường, tôi tiến vào phòng tiếp dân vắng hoe, chỉ có mỗi bà phục vụ trung niên, người trông như thể bà ta ưa một vị khách với áo mưa khô ráo hơn là kẻ như tôi. Tôi cố gắng treo áo khoác lên cây móc đồ một cách tế nhị nhất có thể rồi ngồi xuống bàn, gọi một tách trà kèm bánh mỳ nướng quế. Đây là lần đầu tiên trong cả một ngày trời tôi mở miệng với ai đó. Trong khi chờ món đến tôi lục hết các túi, kể cả túi áo mưa, cuối cùng tìm ra hai lá thư cũ rích để đọc lại lần nữa, một lá từ vợ tôi kể cho tôi hay về chất lượng phục vụ của Schraff’s trên Phố 88 xuống cấp ra sao, và lá còn lại từ mẹ vợ, ướm lời xem tôi có thể gửi cho bà ít sợi len cashmere trong lần ra “trại” đầu tiên không.
Trong lúc tôi vẫn ngồi nhâm nhi tách trà ban đầu của mình, quý cô trẻ tuổi trong dàn hợp xướng mà tôi đã dõi theo và thưởng thức giọng ca khi chiều bước vào phòng trà. Tóc em ướt sũng, bết lại làm lộ ra đôi vành tai. Em đi cùng với một cậu trai nhỏ xíu nếu không nhầm chắc là em trai em, em nhấc chiếc mũ lên khỏi đầu cậu chỉ với hai ngón tay, như thể nó chỉ là một mẩu vật thí nghiệm không bằng. Người sau chót là một phụ nữ trông tháo vát, đội mũ phớt mềm rủ – đoán chừng là vú nuôi của hai đứa trẻ. Quý cô trong đội hợp xướng vừa tiến vào sảnh vừa cởi áo ngoài của mình, chọn một bàn mà theo nhận định của tôi là vị trí đẹp, đối diện với bàn tôi chỉ vừa vẹn tám đến mười bước. Em cùng vú nuôi ngồi xuống. Cậu nhỏ, độ năm tuổi gì đấy, vẫn chưa muốn yên vị ngay. Cậu trượt chiếc áo vest khỏi người rồi vứt ra ngoài, và rồi, với bộ mặt câng câng của một anh chàng ngổ ngáo bẩm sinh, cậu thận trọng đến quấy nhiễu vú nuôi mình bằng cách kéo ra kéo vào chiếc ghế của mình nhiều lần, đồng thời dõi theo vẻ mặt của bà. Vú nuôi trầm giọng trong nỗ lực buộc cậu chàng ngồi xuống và ngưng ngay mấy trò khỉ đó đi, nhưng chỉ đến khi cô chị lên tiếng nhắc nhở cậu mới ngoan ngoãn lại gần và tựa mảng lưng bé tí vào ghế của mình. Ngay lập tức cậu nhón lấy tấm khăn ăn đặt lên đỉnh đầu. Cô chị lấy nó lại, mở ra và trải rộng lên đùi cậu. Đến khi trà được mang ra, quý cô trẻ tuổi mới bắt gặp tôi đang chăm chăm quan sát nhất cử nhất động bên phía bàn em. Vẫn đôi mắt thấu suốt kia, em chăm chú nhìn đáp trả lại tôi, và rồi đột ngột, em gieo cho tôi nụ cười mỉm đầy ẩn ý.
Cái mỉm cười ấy rực rỡ một cách kì lạ, như thỉnh thoảng những nụ cười nhẹ ẩn ý như thế có được. Tôi cũng cười đáp lại, kém rực rỡ hơn nhiều, và cố giữ môi trên của mình khỏa lấp được vết trám tạm thời được mạ kẽm đen như than nằm giữa hai răng cửa. Điều tiếp theo tôi kịp nhận ra, quý cô nhỏ bé ấy đang đứng ngay cạnh bàn trà của tôi, với một dáng vẻ thanh lịch đáng ghen tị. Em diện một chiếc đầm vải len caro – kiểu sọc Campbell, tôi đoán vậy. Trong mắt tôi, đó có vẻ là bộ đầm hoàn hảo dành cho một quý cô trẻ tuổi vào một ngày mưa tầm tã thế này. “Tôi tưởng người Mỹ coi thường trà,” em mở lời trước tiên. Đó không hẳn là lời bình phẩm của một kẻ ngạo mạn mà là của người yêu chân lý hoặc thống kê. Tôi trả lời e rằng một số người Mỹ chúng tôi cả đời chẳng uống gì khác ngoài trà. Tôi ướm hỏi em có nhã ý dùng trà cùng tôi chăng. “Cảm ơn ông,” em đáp. “Cũng được, trong chốc lát thôi nhé.”
Tôi đứng dậy kéo ghế cho quý cô ấy, một chiếc đối diện với tôi, em ngồi xuống trong ở vị trí một phần tư đằng trước của mặt ghế, giúp đốt sống em trông thẳng thớm với vẻ thoải mái và xinh đẹp. Tôi trở về chỗ của mình, gần như vội vã để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trì hoãn đoạn kết cuộc hội thoại trên. Dù thế, khi đã yên vị tôi lại tắc tị chẳng biết nói gì. Thế là tôi lại nhe ra cười, vẫn cố che giấu lỗ trám đen sì kia. Tôi nhận xét vu vơ rằng quả là một ngày dạo chơi tồi tệ. “Vâng, khá tệ,” vị khách của tôi tiếp lời với một âm giọng rõ ràng là của một người căm ghét chuyện xã giao. Em đặt những ngón tay theo cạnh bàn như người ta đang tham dự bài giảng nào đấy, rồi gần như ngay lập tức, em nắm chặt bàn tay lại – móng tay cắm sâu vào trong thật nhanh. Tôi để ý thấy trên tay em đeo một chiếc đồng hồ kiểu dáng quân đội, trông khá giống với một thời kế của hoa tiêu. Mặt đồng hồ quá lớn so với cổ tay mảnh khảnh của em. “Ông đã xem buổi diễn tập hợp xướng,” em nói với giọng điệu hiển nhiên tới mức vô cảm. “Tôi nhìn thấy ông rồi.”
Tôi xác nhận mình đã ở đấy và nhận thấy tài năng ca hát của em vượt trội hơn so với chúng bạn. Tôi cũng ngỏ lời khen em sở hữu một chất giọng vô cùng tuyệt vời.
Em gật đầu thản nhiên. “Tôi biết. Tôi dự định sẽ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp luôn.”
“Thật à? Opera sao?”
“Ôi trời, không đâu. Tôi sẽ hát nhạc Jazz trên đài phát thanh và trở nên giàu sụ. Rồi đến tuổi ba mươi tôi sẽ nghỉ hưu và sống trong một trang trại ở Ohio.” Nói đoạn rồi em đưa lòng bàn tay lên đỉnh đầu ướt rượt. “Ông có biết Ohio không?” Em hỏi tiếp. Tôi bảo mình có đi tàu ngang qua nó vài lần, nhưng chỉ thế thôi chứ không rành rẽ về Ohio. Tôi mời em một miếng bánh mỳ nướng quế. “Thưa không, cảm ơn ông,” cô lịch sự từ chối. “Thật tình tôi ăn như mèo vậy.” Tôi cắn một mẩu bánh mỳ rồi nhận xét rằng có vài quốc gia hiếu chiến hùng mạnh xung quanh Ohio.
“Tôi có biết chuyện ấy. Một người Mỹ từng kể tôi nghe. Ông là người Mỹ thứ mười một tôi từng gặp đấy.”
Giờ thì bà vú khẩn khoản ra hiệu cho em trở về bàn để ngưng làm phiền quý ông là tôi đây. Tuy nhiên vị khách của tôi, điềm tĩnh dịch chiếc ghế của mình nhích sang một hai inch để đối lưng lại triệt để với bàn trà ban đầu, ngăn chặn những cuộc ngắt quãng khả dĩ xảy ra tiếp theo. “Ông đến từ trường Trí Tuệ bí mật trên ngọn đồi kia, đúng chứ?” em chất vấn lạnh lùng.
Để phòng tránh câu hỏi tiếp theo, tôi chỉ đáp đơn giản rằng mình đến quận Devon để khám sức khỏe thôi.
“Thật không?” cô nói. “Ông biết tôi chẳng phải trẻ sơ sinh nữa mà.”
Tôi khẳng định rằng đúng là cô không còn ở tuổi ấy nữa rồi nhấp nhanh một ngụm trà.
Tôi bắt đầu có chút ý thức về dáng điệu của mình và nhướn người thẳng lưng hơn.
“Ông có vẻ thông minh hơn so với những người Mỹ khác đấy,” vị khách của tôi trầm ngâm.
Tôi cho em hay rằng lời nhận xét đó khá kiêu ngạo, và rằng tôi hi vọng điều đó không phải là tính cách của em.
Em ửng hồng đôi má – tự động chuyển về dáng vẻ đĩnh đạc xã giao mà tôi đã bỏ lỡ. “Thì…do hầu hết mấy kẻ người Mỹ tôi gặp đều cư xử như thú vật ấy. Chúng luôn luôn gây gỗ với người khác và xúc phạm tất thẩy mọi người, và ông biết một trong số chúng đã làm gì không?”
Tôi lắc đầu.
“Một trong số chúng đã ném chai whiskey rỗng vào cửa sổ của dì tôi. May mắn thay, cửa sổ chỉ mở tung ra. Chuyện đó đối với ông nghe có thông minh lắm không?”
Không có gì đặc biệt lắm, nhưng tôi cũng không nói thẳng ra. Tôi chỉ trả lời rằng nhiều binh sĩ, trên khắp thế giới, phải ở cách xa tổ ấm của họ, và rất ít người trong số ấy may mắn có nhiều thuận lợi thực sự trong cuộc sống. Và rằng tôi nghĩ đa phần người ta đều tự mình nhận ra điều ấy.
“Cũng có thể,” em nói, không mấy tin tưởng. Em lại đưa tay lên mái đầu ẩm ướt, vân vê tách rời vài sợi tóc vàng mềm rũ, cố gắng che phủ đôi vành tai bị lộ ra khỏi tóc. “Tóc tôi ướt nhẹp,” em nói. “Tôi trông xấu xí như quỷ ấy.” Em đưa mắt sang phía tôi. “Tóc tôi vốn có gợn sóng nhẹ khi nó khô cơ.”
“Tôi có thể thấy điều đó, tôi có thể thấy em có mà.”
“Cũng không thật sự xoăn lắm đâu, nhưng khá gợn sóng,” em giải thích rõ hơn. “Ông đã kết hôn rồi à?”
Tôi bảo là rồi.
Em gật đầu. “Ông yêu vợ mình sâu sắc chứ? Hay tôi đang nói chuyện riêng tư quá?”
Tôi trả lời rằng khi nào em đến tuổi, tôi sẽ kể cho em điều ấy.
Em đẩy bàn tay lẫn cổ tay đang đặt trên bàn hướng về phía trước một chút, và tôi chợt nhớ ra đã muốn làm gì đó với chiếc đồng hồ có bề mặt khổng lồ của em – có lẽ gợi ý em thử đeo quanh eo có khi sẽ vừa vẹn hơn.
“Thường thì, tôi không ưa giao du đàn đúm lắm đâu,” em nói và chiếu ánh nhìn bao trùm lên tôi để xem tôi có hiểu ý nghĩa của những lời ấy không. Dẫu thế, tôi chẳng cho em một manh mối nào, dù cách này hay cách khác. “Tôi thuần túy qua đây chỉ vì nghĩ rằng ông trông cô đơn quá thể. Ông mang gương mặt cực kì nhạy cảm đấy.”
Tôi đáp rằng em nhận xét đúng rồi, rằng tôi đã cảm thấy lẻ loi và rằng tôi lấy lòng vui sướng khi có em đến trò chuyện.
“Tôi đang tự dạy mình trở nên biết cảm thông hơn. Dì tôi bảo tôi là một đứa lạnh lùng,” em nói và chạm vào đỉnh đầu mình lần nữa. “Tôi sống cùng với dì. Dì ấy tử tế vô cùng. Từ khi mẹ tôi qua đời, dì ấy một tay làm tất thẩy mọi sự để em Charles và tôi cảm thấy thích nghi được với hoàn cảnh.”
“Thật vui khi nghe điều ấy.”
“Mẹ tôi là một phụ nữ xuất sắc về trí tuệ. Lại khá gợi cảm, đại loại như thế.” Đôi mắt em đặt lên tôi ánh nhìn lộ rõ sự sắc sảo. “Ông có thấy tôi lãnh đạm quá không?”
Tôi nhấn mạnh với em rằng hoàn toàn không – sự thật là, trái ngược với lạnh lùng nhiều lắm. Tôi tự giới thiệu tên mình rồi xin phép được biết đến danh xưng của em. Em ngần ngại. “Tên đầu của tôi là Esmé. Nhưng tôi không nghĩ rằng mình sẽ nói cả họ ra, vào lúc này. Tôi có tước hiệu và ông có lẽ chỉ ấn tượng với những tước hiệu chẳng quan trọng ấy. Như người Mỹ thường thế, ông biết mà.”
Tôi cam đoan với em rằng tôi sẽ không như vậy, nhưng bên cạnh đó, không xưng họ cũng là ý hay để trì hoãn đi đến tước hiệu ấy trong ít lâu.
Gần mười giờ, tôi cảm thấy hơi thở âm ấm của ai đó ngay sau cổ mình. Tôi quay người lại và suýt va phải mũi với cậu em trai của Esmé. Phớt lờ tôi, cậu nói với chị mình với âm giọng trẻ con lanh lảnh: “Cô Megle bảo chị phải trở lại và uống cho xong trà đi!” Việc chuyển lời hoàn thành, cậu ngồi nghỉ trên chiếc ghế nằm giữa chị mình và tôi, ngay bên tay phải của tôi đây. Tôi chú ý đến cậu với sự thích thú cao độ. Câu trông tỏa sáng tuyệt vời khi vận quần soóc màu nâu kiểu Shetland, áo len cụt tay xanh nước biển, sơ mi trắng và một cà vạt vải sọc. Cậu nhìn chòng chọc lại tôi bằng đôi mắt xanh lá mênh mông. “Ai bắt mấy người trong phim hôn nghiêng đầu vậy ạ?” cậu gặng hỏi.
“Nghiêng đầu hả?” Tôi hỏi lại. Đó luôn là vấn đề khiến tôi luôn đau đáu trong tuổi thơ của mình. Tôi trả lời rằng tôi đoán bởi vì mũi của các diễn viên đó quá lớn để hôn thẳng đứng được.
“Tên của em ấy là Charles,” Esmé giới thiệu em trai mình.” Em ấy sáng dạ hơn nhiều so với độ tuổi.”
“Nhóc chắc hẳn có đôi mắt màu xanh lá. Phải không Charles?”
Charles ném sang tôi ánh nhìn lờ đờ xứng đáng với câu hỏi trên, rồi vặn mình luồn lách xuống đằng trước ghế cho đến khi toàn thân cậu khuất dạng dưới bàn chỉ chừa mỗi đầu, phần cậu cố tình ngữa lên ghế, như tư thế bắc cầu của đô vật. “Chúng màu cam,” cậu nói với âm giọng …, hướng lên trần nhà. Cậu chọn một góc khan bàn và phủ nó lên gương mặt xinh trai ngây ra của mình.
“Đôi khi em ấy thông minh và đôi khi không.” Esmé nói.
“Charles. đứng dậy!”
Charles ngay lập tức ngồi im lại tư thế ban đầu. Cậu trông có vẻ như đang nín thở sau đấy.
“Em ấy nhớ bố nhiều lắm. Ông ấy bị sát hại ở Bắc Phi.”
Tôi bày tỏ sự thương tiếc khi nghe điều ấy.
Esmé gật đầu. “Bố yêu chiều em ấy vô cùng.” Em nhấm phần da ngón tay cái một cách trầm ngâm. “Trông giống rất giống mẹ – ý tôi là Charles. Tôi thì giống ba như đúc.” Em tiếp tục cắn ngón tay mình.
“Mẹ tôi là một phụ nữ khá nồng nhiệt. Bà ấy hướng ngoại. Còn bố tôi lại hướng nội. Dẫu vậy họ lại khá hòa hợp với nhau, theo một kiểu hời hợt nào đấy. Thành thật mà nói, bố thật sự cần một bạn đời có trí tuệ hơn Mẹ. Ông ấy là một thiên tài trời phú.”
Tôi chờ đợi, đầy thấu hiểu, để có thêm ít thông tin nữa, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. Tôi nhìn xuống Charles, cậu đang tựa một nửa mặt lên ghế. Khi cậu bắt gặp tôi đang quan sát mình, cậu nhắm mắt lại, như đang ngủ, trông giống thiên thần, rồi lè lưỡi mình ra – cái thứ có độ dài gây sửng sốt – nếu là ở nước tôi, đó hẳn là một nghĩa cử tôn vinh tuyệt vời đối với vị trọng tài bóng chày cận thị.
“Ngừng ngay,” Esmé ra lệnh, giọng cứng rắn. “Em ấy đã gặp một người Mỹ làm thế trong hàng đợi mua fish & chips, và giờ thì nó làm theo bất cứ khi nào thấy chán.
Bảo là ngừng ngay cơ mà, nếu không chị sẽ đẩy thẳng em lại với cô Megley đấy.”
Charles trợn tròn đôi mắt, như một dấu hiệu cho thấy cậu đã nghe câu đe dọa của chị rồi, nhưng mặt khác lại chẳng trông đặc biệt bị cảnh báo gì. Cậu lại khép đôi mắt, và tiếp tục nghiêng nửa mặt vào ghế của mình.
Tôi nói với cậu rằng nên để dành nó, ý là cái lè lưỡi chế giễu kia, cho đến khi cậu bắt đầu sử dụng tước vị của mình thường xuyên. Đấy là nói khi cậu cũng có tước vị ấy.
Esmé ném cho tôi cái nhìn lãnh đạm uể oải kéo dài. “Ông là kiểu người đùa rất tỉnh, phải không?” Em nói – đầy vẻ buồn bã. “Bố nói tôi chẳng vui tính tẹo nào. Ông cũng bảo tôi sẽ không sẵn sàng đối mặt đời sống vì tôi thiếu óc hài hước.”
Vừa ngắm nhìn em, tôi vừa đốt một điều thuốc và nhận xét rằng mình không nghĩ khiếu hài hước có ích chút nào trong đời thực.”
“Nhưng bố tôi đã nói nó có.”
Đây hẳn là một lời khẳng định của niềm tin, không phải là sự phản bác, và tôi nhanh chóng đổi giọng. Tôi gật gù và bảo bố em chắc chắn đã nhìn xa trông rộng, trong khi tôi đang nghĩ thiển cẩn (dù cho nó có ý gì đi nữa).
“Charles nhớ bố da diết,” Esmé lại nói sau một chốc lặng im. “Ông ấy là người đàn ông dễ mến hết sức. Cũng cực kì đẹp trai nữa.
Hầu hết mọi người có ngoại hình trung bình, nhưng ông ấy thì rất nổi bật. Bố mang đôi mắt sắc sảo, quá sắc sảo so với một người vốn dĩ nhân hậu như ông.”
Tôi lại gật đầu. Tôi bảo rằng mình hình dung được bố em vượt xa những ngôn từ thông thường.
“À vâng, kiểu thế,” Esmé trả lời. “Bố là một thủ thư, nghiệp dư thôi, dĩ nhiên.”
Ngay lúc ấy, tôi cảm thấy một cú đập nhẹ quấy rối, gần như là một cú đấm lên cánh tay tôi, từ phía Charles. Tôi quay người lại với cậu. Giờ cậu đang ngồi trong tư thế khá bình thường trên ghế, ngoại trừ một đầu gối của cậu gập lại phía dưới. “Bức tường này nói gì với bức tường còn lại?” cậu nâng giọng lên khi hỏi. “Đố ông đấy!”
Tôi đảo mắt nhìn lên trần nhà theo phản xạ và lặp lại câu hỏi thành tiếng. Rồi nhìn Charles với một chút bối rối, tôi bảo mình chịu thua.
“Gặp nhau ở góc nha!” đến điểm cao trào, âm lượng bật ra ở mức cao nhất.
Chiến thắng đó vượt quá sức của Charles. Nó ập vào đến làm cậu cười sặc sụa không ngừng được. Thực tế Esmé phải lại gần và đấm vào lưng cậu, như thể ban cho cậu một thần chú chống ho. “Giờ thì im đi,” em nói.
Em trở lại chỗ cũ. “Nó kể đi kể lại câu đố ấy với tất cả mọi người nó gặp và lần nào cũng làm quá lên. Nó hay chảy nước dãi khi cười. Ngừng ngay đi, làm ơn.”
“Dù thế, đó là một trong những câu đố hay nhất tôi từng nghe đấy.” Tôi vừa nói vừa nhìn qua Charles, cậu đang dần dịu lại cơn cười ban nãy. Phản ứng lại lời khen ngợi của tôi, cậu lún người sâu vào ghế và lại che mặt bằng góc khăn bàn, chừa từ mắt trở lên. Rồi cậu quan sát tôi với đôi mắt đang lộ ra ấy, chứa đầy sự vui vẻ và tự hào lắng xuống dần của một kẻ biết đôi câu đố hay ho.
“Tôi có thể thắc mắc về việc ông làm việc gì trước khi gia nhập quân đội không?” Esmé đặt câu hỏi cho tôi.
Tôi trả lời rằng tôi chưa đi làm gì cả, rằng tôi chỉ mới tốt nghiệp cao đẳng một năm nhưng tôi thích tự nghĩ mình là nhà văn viết truyện ngắn chuyên nghiệp hơn.
Em gật đầu thật lịch sự. “Xuất bản rồi chứ?” Em hỏi thêm.
Đấy là câu hỏi quen thuộc nhưng lúc nào cũng nhạy cảm, và là câu mà tôi trả lời không phải chỉ một, hai hay ba lần. Tôi bắt đầu giải thích đa phần biên tập viên là một lũ như nào – “Bố tôi viết hay lắm,” Esmé ngắt lời. “Tôi lưu giữ nhiều thư từ của ông cho con cháu sau này.”
Tôi nói đó là một ý tưởng tuyệt vời. Tình cờ tôi nhìn xuống chiếc đồng hồ thời kế có bề mặt to đùng một lần nữa. Tôi tò mò hỏi nó có phải của bố em không.
Em cuối xuống nhìn cổ tay mình một cách trang nghiêm. “Vâng, nó đấy,” em trả lời. “Bố tặng nó cho tôi ngay trước khi Charles và tôi phải đi sơ tán.” Tự ý thức về sự kì cục của chiếc đồng hồ trên tay, em nhấc bàn tay khỏi bàn, nói thêm: “Như một kỷ vật, dĩ nhiên rồi.” Thế rồi em lái cuộc trò chuyện sang hướng khác.
“Tôi chắc sẽ vô cùng hãnh diện nếu ông viết một câu chuyện dành riêng cho tôi một khi nào đó. Tôi là một người đọc tham lam.”
Tôi khẳng định với em là chắc chắc tôi sẽ viết, nếu tôi có thể. Tôi bảo rằng tôi không viết được nhiều cho lắm.
“Đâu cần phải sáng tác quá nhiều chứ! Chỉ cốt đừng để nó trẻ con và ngớ ngẩn là được.” Em phản ứng ngay. “Tôi thích những truyện viết về sự khốn khổ.”
“Về gì cơ?” Tôi hỏi ngược lại, nhướn người về trước.
“Khốn khổ. Tôi cực kì thích thú sự khốn cùng.”
Tôi định giục em nói chi tiết hơn, nhưng tôi bị Charles vấu một phát lên cánh tay, rõ mạnh. Tôi quay sang cậu, khẽ nhăn mặt. Cậu đang đứng ngay sát cạnh tôi. “Bức tường này nói gì với bức tường khác?” cậu lại hỏi, một câu quen thuộc.
“Em hỏi ông một lần rồi,” Esmé nói. “Dừng ngay đi.”
Phớt lờ chị mình, và bước lên dẫm một bàn chân của tôi, nhắc lại câu hỏi quan trọng. Tôi chú ý thấy nút cà vạt của cậu bị lệch. Tôi kéo nó về đúng chỗ, rồi nhìn thẳng vào mắt cậu, ướm lời, “Gặp nhau ở góc tường?”
Trong khoảnh khắc tôi nói câu đó ra, tôi ước mình đã không làm thế. Miệng Charles há rộng. Tôi cảm giác như thể tôi đã tự tay mở banh miệng nó ra vậy. Cậu bước xuống khỏi chân tôi và, với lòng tự trọng chất ngất, bước về phía bàn trà của mình, không hề ngoảnh đầu lại.
“Nó giận đấy,” Esmé giải thích. “Nó có môt tính khí bạo lực. Mẹ tôi có xu hướng làm hư nó. Chỉ có bố là người duy nhất đã không làm tính cách nó lệch lạc.”
Tôi cứ nhìn sang phía Charles, đã ngồi xuống và bắt đầu uống tách trà của mình, dùng cả hai bàn tay nâng chiếc cốc. Tôi những mong cậu trở lại chỗ mình, nhưng cậu đã không làm vậy nữa.
Esmé đứng dậy. “Il faut que je parte aussi”, em nói, với một tiếng thở dài. “Ông biết tiếng Pháp không?”
Tôi cũng nhấc mình khỏi, với cảm giác pha lẫn giữa hối hận và bối rối. Esmé và tôi bắt tay nhau; bàn tay em, đúng như tôi hình dung, là một bàn tay hay bồn chồn, ẩm ướt nơi lòng bàn tay. Tôi trả lời em, bằng tiếng anh, rằng tôi yêu thích vô cùng câu chuyện của em.
Em gật đầu. “Tôi cũng được điều đó,” em nói. “So với tuổi mình, tôi khá hoạt ngôn mà.” Em lại vuốt thử lên tóc mình xem đã khô hơn chưa.
“Tôi rất đỗi xin lỗi về mái tóc mình,” em nói. “Chắc chắn tôi đã trông gớm guốc lắm.”
“Không hề! Thực ra thì, tôi nghĩ nhiều gợn sóng đang vừa trở lại đấy.”
Em lại chạm thật nhanh vào tóc. “Ông có nghĩ rằng mình sẽ quay lại đây trong tương lai gần không?” em hỏi. “Chúng tôi đến đây mỗi Thứ Bảy, sau buổi tập hợp xướng.”
Tôi đáp lời rằng không điều gì hấp dẫn với tôi hơn thế, nhưng không may làm sao, tôi khá chắc rằng mình sẽ không thể đến đây lần nào nữa.
“Nói cách khác, ông không thể làm tránh được chuyện di quân,” Esmé hiểu nguyên do.
Em không nhúc nhích gì để rời khỏi bàn. Thực tế, em bắt chéo chân này lên chân kia và, vẫn đang nhìn xuống dưới, xếp thẳng hai mũi giày với nhau. Màn biểu diễn mới ít ỏi làm sao, vì em mang đang vớ trắng và mắt cá chân cùng bàn chân em lại thật đáng yêu. Em đột ngột ngước nhìn tôi.
“Ông có muốn tôi viết thư cho không?” em hỏi, phơn phớt mảng hồng trên đôi má. “Tôi viết những cánh thư cực kì trôi chảy dành cho một người của tôi… “
“Tôi thích lắm.” Tôi lấy ra bút chì và giấy và viết xuống tên, cấp bậc, số hiệu, và số A.P.O(4) của mình.
“Tôi sẽ gửi thư cho ông trước,” em nhận tờ giấy và nói, “để ông không phải cảm thấy thiệt thòi theo bất kì cách nào.” Em cho mảnh địa chỉ vào trong túi váy. “Tạm biệt ông,” em nói đoạn rồi trở về bàn trà ban đầu của mình.
Tôi gọi thêm một ấm trà khác và vẫn ngồi dõi theo hai chị em, và cô Megley hay bị quấy nhiễu đứng dậy ra về. Charles dẫn đầu, đang đi khập khiểng một cách thảm thương, như một người bị tật chân thấp chân cao. Cậu chẳng nhìn lại tôi lần nào. Cô Megley đi sau cậu. sau cuối là Esmé, em vẫy chào tạm biệt tôi. Tôi vẫy tay đáp lại, nhướn một nửa người lên khỏi ghế. Một khoảnh khắc xúc động kì lạ với tôi.
Chưa đầy một phút sau, Esmé quay lại phòng trà, lôi kéo Charles đằng sau mình bằng ống tay áo vest của cậu. “Charles muốn thơm tạm biệt ông,” em nói với tôi.
Ngay lập tức tôi đặt tách trà xuống bàn, và bảo rằng điều đó thật tử tế làm sao, nhưng em chắc chứ?
“Chắc ạ,” em trả lời dứt khoát, thả tay áo của Charles ra và đẩy cậu khá mạnh về phía tôi. Cậu tiến lên phía trước, bộ mặt cáu tiết, và gửi đến tôi một cái hôn thật kêu và ướt nhoẹt ngay dưới tai phải. Sau thử thách ấy, cậu chạy thẳng một mạch đến cửa, một kiểu cư xử ít tình cảm, nhưng tôi kịp chộp lấy nửa thắt lưng phía sau áo vest, giữ cậu lại, và hỏi: “Bức tường này nói gì với bức tường còn lại?”
Gương mặt cậu sáng rỡ. “Gặp nhau ở góc tường nha!” cậu hét lên và chạy ào ra khỏi phòng, có thể đang trong trạng thái kích động.
Esmé đang đứng yen với mắt cá chân bắt chéo lần nữa. “Tôi khá chắc là ông sẽ không quên viết truyện cho tôi, phải không?” em ngập ngừng. “Cũng không nhất thiết phải viết riêng cho tôi đâu. Nó có thể… “
Tôi khẳng định rằng chắc chắn không có chuyện tôi quên. Và rằng tôi chưa bao giờ viết truyện cho bất kì ai, nhưng đây hẳn là thời điểm chính xác để bắt đầu nghiêm túc với chuyện đó.
Em lại gật đầu. “Cho nó thật khốn khổ và cảm động nhé,” em gợi ý thêm.
“Chẳng phải tất cả lính tráng các ông đều quen với khốn khổ sao?”
Tôi nói cũng không hẳn nhưng tôi đang làm quen tốt hơn với nó, theo kiểu này hay kiểu khác, lúc nào cũng thế, và rằng tôi cố hết sức để đạt được những yêu cầu ấy cho cô. Chúng tôi bắt tay nhau lần nữa.
“Giả mà chúng ta gặp nhau trong hoàn cảnh dễ chịu hơn nhỉ?”
Tôi tán thành, rằng thật đáng tiếc.
“Xin tạm biệt,” Esmé chào. “Tôi hi vọng ông bình an trở về từ cuộc chiến.” Cảm ơn em, tôi nói thêm vài lời nữa, và rồi nhìn theo bóng em khuất khỏi phòng trà. Em vừa rời gót chầm chậm, vừa kiểm tra lần cuối xem tóc mình đã khô hoàn toàn chưa, như một phản xạ tự nhiên.
[1] D-Day (6/6/1944): Ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy miền Tây Bắc nước Pháp nhằm mở một mặt trận mới để tiêu diệt quân Pháp xít Đức, đây là chiến dịch đổ bộ quy nhất trong lịch sử nhân loại vào chiến tranh Thế giới II.
[2] Quonset hut: một cấu trúc đúc sẵn bằng thép mạ kẽm sóng có mặt cắt hình bán nguyệt, trọng lượng nhẹ thường được dùng trong quân đội.
[3] V-mail: là phương pháp chuyển thư an toàn và tiết kiệm chi phí thường được sử dụng cho binh lính trong thế chiến thứ II, thư V-mail được kiểm duyệt, sao chép vào cuộn phim và in lại vào giấy khi đến đích của nó.
[4] A.P.O viết tắt của: Army Post Office