Qua đuôi mắt, Chi biết rằng có một người đang lấp ló trước cửa khoang tàu. Cô vờ như đang chăm chú đọc sách, hi vọng với phép lịch sự tối thiểu họ sẽ để cô được yên thân. Kẻ ấy bước vào, dè dặt, thăm dò sự hăng hái của cô với người lạ. Một đôi bốt đen, mũi và đế phủ lớp bùn nâu mỏng, quần kaki ống nhét vào bốt. Một người nam trẻ tuổi, Chi đoán vậy, có lẽ chỉ xấp xỉ hoặc trẻ hơn cô. Chi lì lợm không ngước nhìn lên. Người kia ngồi xuống giường đối diện, nhấp nhổm muốn mở lời. Đành phải dùng đến cách cuối cùng. Cô đưa tay trái lên đẩy gọng kính, rồi lại vờ như chiếc nhẫn vàng ở ngón áp út bị lỏng, xoay xoay vài vòng rồi lại cầm sách lên đọc. Cậu thanh niên cuối cùng cũng đứng dậy đi ra, trả lại cô khoang tàu 4 giường trống trơn.
Sáu tiếng hết nằm lại ngồi không gian bé như cái kén, cô bắt đầu thấy hối hận về hành động bốc đồng này. Vốn chỉ tốn hai giờ bay từ Hà Nội đi Sài Gòn, cô đã đổi ý mua vé một chiều giường nằm điều hoà di chuyển hơn ba mươi tiếng với giá tương đương với vé máy bay. Chị bán vé đã phải dừng tay gõ bàn phím, nhìn kỹ vào mặt người mua để đảm bảo không nghe nhầm khi Chi hỏi vé giường nằm điều hoà. Nhưng nhờ vậy, giờ cô độc chiếm cả một khoang tàu. Chẳng ai bỏ chừng ấy tiền và thời gian đi tàu nếu không có một lý do đặc biệt. Chàng thanh niên kia hẳn cũng có câu chuyện riêng muốn giãi bày, nhưng Chi không còn hứng thú với những câu chuyện. Khi người ta không thể kể, người ta cũng đánh mất khả năng nghe, dần dần xung quanh họ đặc quánh những ấm ức. Cô tự an ủi, cũng là dịp tốt để bắt đầu đọc sách lại.
Ban đầu Chi không định mang tự truyện Đời tôi của Marcel Reich-Ranicki theo. Nó mang kích cỡ quá phô trương, câu chuyện lại đậm đặc. Cô không muốn vác thêm gánh nặng lên túi xách và tâm hồn mình. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, chỉ có cuốn này xứng đáng nhất với ba mươi tư tiếng một mình tẻ ngắt, cô cần có một bi kịch xa vời của cuộc đời khác ở một đất nước khác trong thời đại khác phân tán tâm trí.
Lần cuối cùng cầm cuốn Đời tôi lên đọc đã hơn một năm trước. Chính xác là một năm bốn tháng 28 ngày. Bookmark vẫn còn chèn ngay đoạn cô bạn gái thiếu thời (sau này là vợ) của Reich-Ranicki chép tay cho ông quyển Tủ thuốc gia đình bằng thơ của Kastner. Nàng còn minh hoạ những bài thơ ấy và đóng thành tập tặng ông, món quà công phu và nhiều yêu thương nhất ông từng nhận được trong đời. Chi đã cảm khái với chi tiết ấy đến mức ngay lập tức gập sách lại và tìm mua một tập giấy vẽ màu nước, bắt đầu chép tay và minh hoạ từng bài thơ tình yêu thích của mình. Và đề tên Xa Ngái. Cô như thể một đứa trẻ lén nhịn tiền ăn sáng để mua món quà đầu tiên cho mẹ, mỗi ngày đều phải cố gắng không kể cho mẹ nghe niềm vui sướng của mình. Việc tưởng tượng ra sự kinh ngạc của anh khi lật từng trang Xa Ngái vào ngày sinh nhật và xúc động trước toàn bộ thương yêu lẫn biết ơn của cô dành cho sự tồn tại của anh, đã tạm ứng cho Chi niềm hạnh phúc êm ái trong suốt hai tháng.
***
“Cơm cháo mì gì không cô ơi?”
“Dạ, sao ạ?”
“Cô ăn tối món gì? Có cơm sườn, cháo bò băm, hoặc mì ốp trứng.”
“À… cho cháu bò băm đi ạ.”
“Mấy suất?”
“Dạ một ạ.”
“Ủa cô đi một mình à? Con gái ngủ trên tàu một mình không sợ?”
“Sợ gì cô?”
“Thì… có nhiều thứ để sợ chứ.”
Không biết có điều gì đáng sợ khi đi một mình, nhưng ở một mình thì có. Sợ phải sống tiếp. Khi còn sống chung với nhau, cô để anh toàn quyền quyết định, chỉ để cô có năng lượng tập trung vào việc viết. Anh biết mùi hương hợp với mái tóc đen dài này, anh biết món ăn phù hợp với tâm tính trong ngày của cô, anh biết, với cái cổ cao ba ngấn thì nên dùng nước hoa gì. Đến tận bây giờ cô cũng chưa thay đổi những nhãn hiệu anh đã gắn lên mình, cố phụ thuộc vào anh càng lâu càng tốt. Nhiều lúc đi dạo một mình bên bờ hồ, một sợi mùi hương chạy sượt qua trước mũi. Không biết chính xác đấy là mùi nước hoa mà anh hay dùng không, nhưng cô biết chắc đó là mùi của anh, để rồi thấy mình đang hít hà loanh quanh để thu hết dư âm của sợi hương rồi lại ngẩn người ra tự hỏi: đấy là mùi thật hay chỉ là mùi trong ký ức. Sức đề kháng với hiện thực yếu kém đến mức, đứng trước mỗi quyết định cô phải nghĩ: nếu có anh, anh sẽ bảo cô nên làm gì nhỉ, rồi chờ mảnh hồn anh để lại trong cô lên tiếng chỉ dẫn. Nhưng đôi lúc cũng thật khó khăn. Anh chỉ để lại một mảnh hồn, thay vì toàn bộ cơ thể.
Tô cháo đặc quánh. Có thể pha thêm nước sôi, nhưng vốn mùi vị đã không mấy hấp dẫn. Mà cũng lạ, chẳng có ai nấu cháo thịt băm có mùi vị giống anh từng nấu, cứ vừa nấu vừa nghiêm mặt bảo cô phải hạn chế ăn cháo đi, nếu không em sẽ yếu rạc người cho xem. Không biết chuyện đó có đúng không, dù sao bây giờ cô cũng chỉ gọi món vì thói quen chứ không phải vì yêu thích nữa.
Bỏ lại phân nửa phần cháo, Chi ngẫm nghĩ về những lựa chọn trong ngày của mình rồi bật cười, “may mà anh không phải đi tàu Việt Nam đấy, babe.” Có lẽ anh đã bị Châu Âu tiêm nhiễm vào đầu những hình ảnh con tàu hiện đại và tiện nghi nên cứ kể với cô những cảm giác lãng mạn trên những chuyến tàu, mà anh hay gọi là hành hương. Anh bảo, người ta đi tàu thường chùng lòng dưới sức nặng của thời gian ngưng đọng trong toa tàu và cảnh vật trôi vùn vụt ngoài cửa sổ. Người ta cảm thấy có trách nhiệm phải tìm kiếm một ý nghĩa sâu sắc trong ý nghĩ trước sự giãn ra của thời gian. Có khi, có người còn tìm thấy ý nghĩa cuộc đời họ sau một chuyến đi. Cô đã phì cười trước suy nghĩ diễm tình này của anh. Chẳng đọc nhiều văn học mấy nhưng anh luôn khiến cô phải ngạc nhiên với tâm hồn trong trẻo như một chú chim sinh ra để hót và chẳng bận tâm ngọn gai nơi ngực.
***
Càng về đêm, Chi càng kiệt sức. Tiếng dây xích nghiến vào đường ray đấm liên tục vào nửa đầu bên phải. Đáng lẽ cô nên tìm hiểu cách sống sót trên tàu, như mang theo thuốc ngủ, hoặc ít nhất một tấm chăn dày. Điều hoà trên tàu lạnh khủng khiếp. Cái lạnh phi nhân tính xả ra từ cùng một hệ thống trên trần, tê tái hơn cái rét buốt của mùa đông Hà Nội ngoài cửa sổ. Lớp da nệm hấp thụ toàn bộ khí lạnh, nhân đôi lên, rồi phả ra lại lưng cô. Tự dưng, Chi thấu cảm toàn bộ tấn bi kịch mà Reich-Ranicki kể về trại tập trung, thay vì bị phun hơi ngạt, cô đang bị tra tấn bằng hơi lạnh đến thở không nổi. Người Do Thái trong trại Getto bị hành hạ cùng cực trong nhục nhã, nhưng họ cũng đã yêu, một tình yêu gấp gáp, nôn nóng và cuồng nhiệt. Tình yêu là chất ma tuý làm mụ mẫm nỗi sợ của họ. Còn cô ngay giờ đây, không biết phải sợ gì, cũng không có thứ gì để yêu, côn trùng cũng không thể sống dưới cái lạnh vô độ này. Vẫn giữ nguyên áo măng tô trên người, Chi co quắp mình trong tấm chăn có mùi của vài đời người, vỗ vỗ vào cánh tay như cách anh thường dỗ dành cô.
Anh bước vào toa xe, tay cầm hai ly trà lipton, thứ đồ uống tốt nhất mà đường sắt Việt Nam có, ngồi xuống ở giường đối diện, nhìn cô với nỗi trìu mến pha lẫn buồn rầu mà thỉnh thoảng vẫn bất chợt xuất hiện mỗi khi anh cảm động với chính tình yêu của mình. Ban đầu, Chi không thể lý giải được cái nhìn ấy, cô đáp lại anh bằng cái nhướng mày, đôi mắt tròn xoe xoáy vào tâm tư anh để tìm kiếm một câu trả lời hợp ý. Đến một hôm, chịu thua trước nỗi thắc mắc dai dẳng, anh thở dài nặn ra một lời biện giải mà chính anh cũng không hiểu hết: Chỉ là, đôi khi anh cảm thấy có thể mất em bất cứ lúc nào, và ý nghĩ ấy như cắt lòng anh.
“Đáng lẽ mình nên làm chuyện này sớm hơn.” Anh nói, sau vài phút ngẩn người thâu lấy góc nghiêng của cô vào mắt.
“Làm gì cơ?” Cô đang ngắm cảnh biển ngoài cửa sổ, lơ đãng quay lại hỏi.
“Đi tàu cùng nhau. Nhìn em bên cửa sổ, anh thấy yêu em hơn ngàn lần.”
Chi mỉm cười hài lòng, ánh mắt vuốt ve gương mặt chảy tràn dấu yêu. Nhưng gương mặt ấy lại dần dần nhen nhúm lại, mắt vằn lên tia gân đỏ, một tay anh thít chặt ở bụng, tay còn lại quờ quạng chồm lên bấu lấy cánh tay cô. Cơn đau lại tái phát ngay lúc này. Chi khuỵ xuống sàn tàu đỡ lấy thân trên của anh, tay lục tìm trong túi và viên giảm đau. Bàn tay anh sờ soạng xuống eo, tiếp tục luồn vào váy. Cử chỉ tham lam này không giống anh. Anh đau đến mất trí rồi sao. Những ngón tay vừa chạm vào đùi đã lạnh điếng người. Lạnh như một xác chết!
Còi tàu hú lên chói chát, Chi giật mình mở trừng mắt, vừa kịp thấy một bóng người vụt chạy ra khỏi cửa. Một gã đàn ông, ống nhét vào giày. Cô muốn hét lên nhưng không ra tiếng, mũi hoàn toàn tắt nghẹn, miệng há hớp lấy không khí, phổi buốt đến vỡ ngực. Ngoài cửa sổ, bóng đêm đen kịt chẳng nhìn nổi là biển hay địa ngục.
Câu truyện gì kì vậy ?
Em ra Hn này sao?
It’s a damn fiction.
Bạn ơi, mình tìm bạn từ goodreads về truyện Mưa đầu mùa (Nguyễn Thị Thanh Bình). Mình mạn phép hỏi bạn còn giữ quyển sách đó ko? Có thể scan lại giúp mình được ko? Mình có quyển đó lúc nhỏ nhưng bị bạn mượn rồi mất. Mình tìm quyển đó suốt mấy năm nay ko ra.
Mong hồi đáp từ bạn
Mình có trả lời bên goodreads rồi ấy. Mình cũng cho bạn mượn và nó làm mất. Mình đã mua lại nhưng 15 năm rồi không biết còn hay không. Mình sẽ tìm lại thử và báo cho bạn nha.
Bạn ơi mình cảm ơn nhiều lắm. Email của mình: chococat101091@gmail.com.
Cảm ơn bạn rất rất nhiều ạ.