Khi bạn buột miệng nói mình bất tài, mọi người sẽ ngay lập tức xua tay bảo rằng bạn tài năng lắm nhưng chưa có đất dụng võ thôi, cố gắng kiên trì vận may sẽ tới. Thế giới không muốn bạn nghĩ thứ bạn đang nghĩ, cứ thử dõng dạc nói bạn có tài xem người ta có bảo bạn ngưng ngạo mạn đi không. Nhưng dù thế người khác có an ủi thế nào, nỗi đau đớn vì bản thân bất tài cũng chỉ bạn tự cảm nhận và giải quyết lấy.
Cảm nhận
Thất tình có gì ghê gớm? Đau tình đến đứt ruột tứa máu rồi sẽ nguôi ngoai, chỉ có cảm giác bất tài mới như axit ăn mòn dần dần lòng tự tôn. Đến một ngày bạn có thể nhầm lẫn tên người yêu cũ, nhưng không thể quên được cảm giác ghê tởm khi nhìn thứ mình vừa tạo ra. Người ta cố gắng đạt thành tựu để xứng đáng được người khác yêu? Không, người ta nỗ lực chứng minh bản thân để có thể yêu bản thân. Không ai căm ghét người bất tài hơn chính bản thân họ. Làm bao nhiêu thứ vẫn không thấy mình giỏi thứ gì, làm mãi một thứ vẫn không thấy tiến bộ, viết một bài thơ nhưng không đủ dũng cảm đọc lại, tạo một đoạn nhạc nhưng cứ hao hao với những thứ đã nghe, vẽ một bức tranh nhưng chỉ muốn chôn xuống lòng đất. Nỗi tủi hờn khi phải tự tiêu hoá lấy thứ mình tạo ra, và ngỡ ngàng với sự bất tài của mình, quả là cảm giác ngậm bồ hòn làm ngọt. Cơn sang chấn tâm lý có thể chuyển sang cơn đau vật lý, khi bạn phải đập đầu vào tường vì nhục nhã. Đừng hỏi vì sao mình biết, để mình tự trả lời. Mình gửi cho bạn mình, người biên tập sách, một truyện ngắn mình viết mà đến bản thân cũng không dám đọc lại. Bạn đọc được hai dòng đầu tiên, quay sang gửi cho mình này:
“Đoán nhé. Đây là con ghẻ? Đứa tệ nhất hoặc tệ nhì?”
Sau đó, để an ủi mình, bạn bảo: “Điểm cộng là không sai chính tả.” Như thể, bạn mình đang khen một cô gái vì cô ấy là con gái, chứ cổ xấu toàn diện. Bạn còn rất nhiệt tình gợi ý rằng: Linh phê bình văn người ta sắc sảo thế mà sao viết dở như hạch. Hay chuyển hướng sang bình luận văn học? Chẳng phải bạn tốt đẹp gì với mình, bạn đang lo lắng cho văn đàn nước nhà thôi.
Suy cho cùng, nỗi sợ bất tài hay lo âu về địa vị là cảm giác khi ta khao khát điều lớn lao hơn khả năng của bản thân ở hiện tại, nhưng lại không chịu làm đến nơi đến chốn thứ cần làm ở trước mặt. Dù cảm giác bất tài tiêu cực thật, nhưng mình cho rằng người ta cần phải trải qua nó. Còn thấy đau là còn thương mà, thấy bất tài nghĩa là vẫn còn muốn cố gắng, khối người còn không biết bản thân bất tài.
Giải quyết
Khi đã chấp nhận bản thân bất tài, lại phải tìm cách tự giải quyết lấy. Nếu ấp ủ mãi mặc cảm tự ti thì đến một lúc máu trong người sẽ chỉ còn là axit.
Cal Newport gợi ý trong So good they can’t ignore you rằng, đừng có nghĩ lớn làm ít nữa, mà phải nghĩ nhỏ làm nhiều. Thay vì lập trình cuộc sống theo chiều từ rộng đến hẹp: lý tưởng -> mục tiêu -> công việc -> kỹ năng, thì hãy làm ngược lại. Tự đánh giá xem bản thân có những kỹ năng nào làm ổn hoặc khá không, sau đó chọn làm những công việc có thể phát triển tối ưu những kỹ năng này. Khi bộ kỹ năng kiến thức này phát triển đến độ chín muối, nghĩa là trở nên hiếm và có giá trị trên thị trường lao động, nó sẽ tạo ra một thứ gọi là “vốn nghề nghiệp.” Khi “vốn nghề nghiệp” đủ nhiều, nghĩa là bạn trở nên có giá trị với người tuyển dụng, hoặc có người sẵn sàng trả tiền để mua thứ bạn bán, bạn sẽ dần đạt thứ gọi là “quyền tự trị” (autonomy). Quyền tự trị ban đầu có thể là được ra giá sản phẩm hoặc dịch vụ, cao hơn là tự quản lý lấy tiến độ công việc, nâng dần lên tự quản lý thời gian làm việc, nâng dần lên thành làm việc tự do, cuối cùng là tự thiết kế lấy cuộc đời mình muốn. Khi đạt đến mức độ cao nhất của sự tự trị, bạn sẽ dần tìm ra được lý tưởng cho công việc của bạn, và cũng là lý tưởng sống của bạn.
Vấn đề là trên lộ trình này có quá nhiều cái bẫy.
Cái bẫy của “vốn nghề nghiệp” là nhầm lẫn thị trường. Có hai loại thị trường khi nói đến vốn nghề nghiệp, một là loại “winner take all”, và loại “auction.” Với thị trường Winner take all, chỉ có một loại vốn / kỹ năng đáng giá, và có hàng ti tỉ người cạnh tranh nhau trong kỹ năng ấy. Chẳng hạn trong chuyện viết, bìa đẹp hay marketing giỏi cũng không thể nào bảo chứng được một tác phẩm bán chạy ngoài chất lượng viết của tác giả. Một bài blog trang trí đẹp đến mấy, tối ưu SEO đến mức nào, cũng không giữ chân được người đọc nếu nội dung vô giá trị. Vốn nghề nghiệp ở đây phải là chất lượng viết của bạn. Đối với thị trường “đấu giá”, vốn nghề nghiệp là bộ kỹ năng và mỗi người có một bộ kỹ năng khác nhau. Chẳng hạn như kinh doanh, một doanh nhân cần biết cả kiến thức chuyên môn sản phẩm, có khả năng bán hàng, và cả kỹ năng điều hành. Nhầm lẫn về thị trường sẽ khiến bạn tiêu tốn năng lượng thời gian vào những công việc không mang lại vốn nghề nghiệp bạn mong muốn.
Để có vốn nghề nghiệp, cần có tư duy của một nghệ nhân. Hình ảnh một nghệ nhân đại diện cho một người cần mẫn làm đi làm lại một thứ ít nhất một thập kỷ đến mức trở nên điêu luyện và thuần thục. Những người thành công sớm ở tuổi 20s – 30s là những người đã bắt đầu nhen nhóm thứ họ đang làm từ tấm bé. Saint-Ex cũng viết trong Xứ Con Người rồi ấy, từ trong tuổi thơ người ta nhìn thấy những hạt mầm lý giải số phận của họ. Bill Gates (mình ghét phải dùng ví dụ này nhưng nhắc đến ông thì không cần phải giới thiệu dài dòng), trước khi xây dựng đế chế Microsoft, đã được đi học trong một ngôi trường đầu tiên lắp đặt máy tính và để học sinh tự do khám phá. Nếu có ai đó già đời trong một việc, đó là vì họ làm nó sớm và nhiều (và thậm chí có xuất phát điểm cao) hơn người khác. Cứ so sánh với họ thì ta sẽ không thể nào đi hết con đường 10 năm của chính mình. Ngoài ra, luôn phải có người feedback ngay cho quá trình luyện tập của bạn và nới rộng phạm vi của thử thách. Cứ một mình một bóng thì dễ rơi vào mù mịt, hoặc làm mãi một thứ quen thuộc cũng không mang lại tiến bộ. Làm công việc dễ cũng giống như yêu một người dễ dãi, chán ngắt và trì trệ.
Cái bẫy “quyền tự trị” nằm ở sự ảo tưởng và thiếu kiên định. Ai mà chẳng muốn sống cuộc đời tự do, không có chủ tớ, không bị lệ thuộc vào bất kỳ mối quan hệ nào. Viễn cảnh tự do khiến nhiều người bỏ qua giai đoạn tích luỹ “vốn nghề nghiệp” để nhảy thẳng vào cuộc đời tự do tự tại. Chẳng hạn, bạn thấy trên mạng đầy rẫy những cách kiếm tiền thụ động: viết blog về phong cách sống, bán sản phẩm thiết kế trên Etsy, thiết kế web tự do. Bạn cũng bị hấp dẫn với video về một cuộc sống rời bỏ chủ nghĩa tư bản và về quê trồng rau nuôi cá. Thế là bạn nghỉ việc / nghỉ học, hăm hở viết blog hoặc vừa du lịch vừa viết blog. Chừng 3 tháng đầu, bạn viết rất nhiều, hạnh phúc vì đang làm thứ mình yêu thích, cho đến khi bạn vừa burn out, vừa nhận ra là người ta không dễ móc tiền trả cho mấy thứ vớ vẩn bạn viết. Thay vì tự do, bây giờ bạn vừa thất nghiệp / thất học và nghèo đói. Đầu tiên phải có kỹ năng đủ giỏi để làm thứ người ta có thể sẵn sàng trả tiền đã chứ. Hơn thế nữa, cứ cho là bạn không bốc đồng, bạn kiên nhẫn giỏi thứ bạn làm, bạn vẫn sẽ không có được tự do nếu vẫn bị mấy thứ hào nhoáng rù quến: công ty tên tuổi, lương cao, ổn định,… Càng giỏi sẽ càng bị nhiều thứ cản trở trên đường đi, lúc này cần kiên định nói không với những thứ tốt để đạt được thứ tốt nhất.
Thật ra mình cũng không rõ bài viết này hay cuốn sách này có giúp ích gì cho sự bất tài của bạn và của mình không. Nếu như cuốn Show Your Work khuyến khích bạn mạnh dạn công khai sản phẩm để nhận feedback, thì cuốn này lại bảo rằng nếu không có lộ trình nghề nghiệp cẩn thận và cứ mơ mộng đòi hỏi bạn sẽ kiệt sức mà không nên cơm cháo. Thôi thì, cứ nuốt lấy viên thuốc đắng bất tài này xuống bụng, cứ đánh bản thân bầm dập nếu muốn, nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện trước công việc mỗi ngày nhé. Bạn mình vẫn ngày ngày thúc giục mình gửi bài sang để được bỉ bôi. Không phải show work, show off, mà show up mới là quan trọng nhất để chữa bệnh bất tài.
One Reply to “Khi bạn bất tài nhưng vớ phải So good they can’t ignore you (Cal Newport)”