Bà lão loà năm nay đã 76 tuổi, ở nhờ nhà đứa cháu họ xa đã 3 năm nay. Đứa cháu họ là một bác làm nghề đơm cá, vợ mò cua bắt ốc, dưới nách ba đứa con mọn. Nhà nghèo xác xơ, cơm ăn bữa đói bữa no. Hai mươi năm về trước, bà lão loà cũng có của, có lòng nhân hậu hay giúp đỡ mọi người. Thế mà con trai bà lão ăn chơi hư đốn, phá tan gia sản rồi bỏ nhà đi biền biệt. Bà đau đớn nhớ thương con mà khóc đến loà cả mắt. Đứa cháu cũng từng nhận ơn bà 5 đồng khi suýt nữa phải bán con. Nhưng cái nghèo làm người ta nhanh quên cái ơn. Cô vợ chịu đựng 3 năm nay đã bắt đầu sốt ruột. Tới bữa cơm thấy bà lão loà lọ mọ đến bàn ăn đã ngứa cả mắt. Bà lão ăn được một lưng cơm, định đưa chén cho thằng con lớn xin lưng thứ hai, cô vợ quát lên: Đã không làm được gì mà ăn cho lắm! Bà có biết bà đang ăn vào phần cơm của thằng lớn không hả? Bà lão nghe thế đành buông chén, ra ngồi trước thềm lấy cài tóc xỉa răng. Cô vợ chịu không nổi, bảo với bà rằng, từ nay bà cầm nón ra ngồi ở cây đa gần bờ đê mà xin mấy xu nuôi lấy miệng bà. Thế là mỗi ngày thằng lớn dắt bà ra ngồi ở dưới cây đa từ sớm đến trưa mới được về. Hôm đó, bà ngồi mãi đến xế trưa vẫn chưa có xu nào, cô vợ đến bảo bà ngồi đó đừng về ăn cơm, chờ đến chiều thằng lớn dẫn bà qua chỗ chợ chiều mà xin cho được. Cô về đến nhà thì trời nổi cơn giông như sắp mưa lớn đến nơi. Bác chồng vừa sai thằng lớn chạy ra đê đón bà thì cô vợ la oai oái bảo đau bụng. Cả nhà xúm xít lo cho cô đến chiều, cô bảo đau bụng mà ăn đến 4-5 lưng cơm. Trời mưa đùng đùng, thằng lớn nhìn trời rồi quay sang trách bố: mưa to thế này chắc bà chết cóng mất thôi. Ông bố giật mình, nhưng lại trấn an rằng, chẳng lẽ bà lại không biết tìm quán nào gần đấy mà trú mưa sao. Sáng sớm hôm sau, bác lại vác đồ ra ruộng đơm cá. Thấy đằng xa chỗ gần bờ đê đàn quạ đang tụ lại một chỗ, bác tưởng rằng có ổ rắn hay thứ gì bắt được nên hớn hở chạy đến. Đàn quạ thấy động bay nháo nhác, để lộ một cái xác bà lão loà đã bị rỉa tả tơi.
Đây là truyện ngắn Bà Lão Loà của Vũ Trọng Phụng, trong một lần vui miệng tôi đã kể lại cho mẹ nghe. Mẹ tôi, từ đoạn bà lão xin lưng cơm thứ hai bị đay nghiến, đã ầng ậng nước mắt. Nghe đến đoạn cái xác bị quạ rỉa, bà liền bưng mặt oà khóc tu tu, không cách nào nín được. Bà khóc như một đứa trẻ tủi thân vì tin mình được nhặt từ thùng rác về chứ không phải con ruột của ba mẹ. Mẹ tôi khi ấy, có lẽ cũng có nỗi sợ như đứa trẻ, sợ bị bỏ rơi. Chỉ khác là, nỗi sợ của đứa trẻ sẽ biến mất khi nó lớn lên và biết đó chỉ là trò đùa, còn nỗi sợ của mẹ sẽ càng ngày càng mãnh liệt theo thời gian.
Mẹ tôi nói trong nước mắt: “Con kể chuyện này với má làm chi, giờ má khổ tâm quá“. Tôi hối hận vô cùng. Tôi quên mất mẹ tôi đang già đi, quên mất cái nhạy cảm của một người cảm thấy cái kết gần kề. Một người ở tuổi 20s như tôi, đọc truyện cũng khóc cũng thương cho những thân phận khốn khổ, nhưng đồng cảm ở một khoảng cách rất xa, gấp sách lại có thể vui ngay được. Còn mẹ tôi nghe chuyện, chỉ thấy bản thân gắn chặt trong cái khốn cùng ấy. Tôi an ủi bao nhiêu lời rằng, má yên tâm, con đảm bảo má sẽ có lưng cơm thứ hai; rằng, chuyện người ta kể ở thời kỳ đói rách, con làm sao để má đói được mà sợ; rằng, con ngoan thế, má làm gì có chuyện khóc đến loà cả mắt, bệnh mấy con cũng nuôi mà. Nhưng mẹ tôi vẫn khóc, vẫn sợ đến run người, tưởng như tôi vừa vô ý cắt da thịt mẹ ra. Mẹ bảo: “Nước mắt chảy xuôi con ơi“.
Gần đây, mẹ tôi cứ cách 2 hôm lại gọi, trong khi mấy năm trước một tháng chỉ gọi dăm lần. Mẹ bảo: “Không hiểu sao dạo này má cứ thấy rầu rầu, chẳng có gì vui để chờ đợi“. Tôi đùa: “Thế con phát lương cuối tháng cho má để má có thứ để chờ giống con nhé?“. Chẳng nói gì đến chuyện giàu nghèo. Nghèo thì tuổi nào cũng khổ, giàu thì tuổi nào cũng dễ chịu hơn. Nhưng khi người ta trẻ, người ta có một sự hứa hẹn ở phía trước. Cái tốt đẹp hứa hẹn ấy là động lực để người ta sống sót qua nỗi chật vật. Khi người ta già, nhìn về trước lại thấy cái chết, nhìn về sau thấy năm dài tháng rộng đầy những điều đã bỏ lỡ, người ta nhìn quanh vẫn không biết mong chờ điều gì.
Sự chán chường của tuổi trẻ chỉ là tạm bợ, ta dễ dàng khoả lấp ngay những khoảng trống chênh vênh bằng đủ loại giải trí, và chờ đợi một hạnh phúc tròn đầy sẽ đến. Người già, khi ở gần với với thời điểm đáng lẽ là “viên mãn”, mọi sự vui thú dường như chỉ là tạm bợ, cái buồn chán mới là thường trực. Mẹ tôi ngày trẻ từng chong đèn đọc sách thâu đêm, nhưng qua mấy mươi năm nuôi con, giờ đã không còn năng lực đọc nữa. Tôi muốn làm mẹ vui lòng, tôi kể chuyện (chuyện Vũ Trọng Phụng không phải lúc nào cũng thảm…), tôi đưa mẹ đi chơi, tôi tìm thứ gì đó cho mẹ xem. Tôi thấy ba tôi ngoài công việc ra, ngoài buổi cà phê sáng với bạn, ngoài giờ cho gà ăn, cũng chỉ biết cầm điện thoại xem linh tinh qua ngày. Lúc ngồi mỏi lưng ông lại nằm, nằm bên phải mệt quá ông lại xoay bên trái. Bảo nhàn thì cũng nhàn, nhưng bảo khổ thì cũng khổ. Vì niềm vui của người già chóng tàn hơn cả xuân sắc của phụ nữ, vui đấy chả mấy chốc lại buồn. Khi người ta già, người ta không chỉ bị cướp đi sức khoẻ, nhan sắc, vị thế, mà còn cả khả năng tự làm vui.
Tôi hay nói với ba mẹ rằng, cứ đầu tư cho con đi, không bao giờ lỗ đâu. Nửa đùa nửa thật. Nhưng càng ngày, tôi chỉ mong ba mẹ đừng làm thật. Tôi sợ ba mẹ đã dành tất cả tài nguyên cho tôi rồi, đến khi xế chiều lại chẳng còn gì giữ lại đảm bảo tuổi già. Tôi sợ, nhỡ tôi là một tài sản không sinh lời, tôi không lo được cho ba mẹ rồi ba mẹ tôi phải làm sao. Người trẻ sa sút còn có thể an ủi bằng sức khoẻ và thời gian, người già sa sút lại không gượng dậy nổi, nằm trơ trọi với nỗi sợ trở thành gánh nặng của xã hội. Cả đất trời và xã hội vận hành thiên vị những mầm non, những thế hệ sau tươi tốt. Còn thế hệ già nua, đã vắt kiệt nhựa sống của mình cho nòi giống của nhân loại, lại bị quên lãng. Bao nhiêu người có lương hưu, bao nhiêu người được khoẻ mạnh, bao nhiêu người được con cháu bảo vệ. Họ như cành cây khô quắt queo vào những ngày cuối đông, không thể tự lìa cành về cội mà phải chờ cho số phận mang một cơn gió làm rung lắc mà rơi xuống. Mẹ tôi cứ luôn bảo, chỉ muốn được chết trẻ cho khoẻ xác. Tôi biết thứ ba mẹ tôi lo không phải là không ai chăm nom lúc ốm đau, mà sợ rằng lúc ốm đau phải nhờ vả đến con cháu. Cái nỗi sợ hết giá trị sử dụng, mất tự do quyết định, phụ thuộc cả tinh thần và vật chất vào kẻ khác khiến bệnh tật già nua thêm khủng khiếp, tất cả sự vui vầy chỉ là an ủi chứ không thể là cứu cánh.
Tôi luôn dùng lời lẽ sắc nhọn đáp trả mỗi lần mẹ tôi vừa ngỏ ý muốn tôi yên bề gia thất. Tôi chẳng nghe lọt tai được mấy kiểu áp lực mềm ấy. Một dạo, mẹ tôi thở dài, có vẻ buông xuôi:
“Má biết lấy chồng kiểu gì cũng khổ, má cũng không muốn con khổ. Nhưng má sợ đến lúc ba má mất rồi, con sẽ thấy chỉ còn một mình con trên đời. Má sợ không có ai bầu bạn với con“.
Tôi không nói được gì nữa. Mẹ tôi thắng rồi.
Một người già có thể làm được gì? Họ không cần làm nữa, vì đã làm quá nhiều rồi. Nhưng nếu được, chỉ mong họ làm đến cùng một điều mà họ đã luôn làm: cố sống làm chỗ dựa tinh thần cho những đứa con, để những đứa con ấy không bị bỏ lại bơ vơ ở cuộc đời này.