Site Loader
  • Tên tác phẩm: On writing
  • Năm xuất bản: 1999
  • Số trang: 320
  • Tác giả: Stephen King, tiểu thuyết gia hiện đại người Mỹ

Rating: 4 out of 5.

Theo thống kê của National Endowment for the Arts, doanh thu của thể loại tiểu thuyết hay truyện ngắn giảm từ 45% còn 40% và đang tiếp tục đi xuống. Người ta thích câu chuyện sống động trên phim hơn chỉ đọc. Người đọc cũng đang chuyển dần sở thích đọc sang thể loại phi hư cấu, điều này tác động lớn đến nền văn học đương đại. Bạn có sợ một ngày nào đó sẽ không còn tác giả tài năng viết ra những tác phẩm văn học của thời đại này vì công chúng đã tự đào thải họ ra khỏi thị trường sách? Mình thì sợ khiếp lên được, dẫu đọc đến cuối đời vẫn không hết sách kinh điển nhưng thời đại nào cũng cần tiếng nói tiêu biểu của thời đại ấy. Vì thế, mình muốn giới thiệu một cuốn sách về chuyện viết – On Writing của Stephen King để bơm máu cho những người đang có ý định theo đuổi con đường viết văn chông gai này.

Dù bạn chưa đọc một cuốn tiểu thuyết nào của Stephen King (như mình), bạn cũng đã thấy tên ông ấy đâu đó trong tất cả các nhà sách mà bạn đã lượn lờ. Luôn có hẳn một dãy sách của ông ở khu ngoại văn, kệ trinh thám kinh dị. Sở hữu hơn 30 tiểu thuyết lọt top bán chạy nhất, được cựu tổng thống Barack Obama trao tặng Huân chương quốc gia vì Nghệ thuật, dĩ nhiên Stephen King hoàn toàn đủ tư cách làm thầy về chuyện viết (hư cấu). Nhưng thay vì làm mở khoá dạy viết trên masterclass như những “bậc thầy” khác, ông đã viết On writing.

Cuốn sách này không thuộc top-những-cuốn-sách-cần-đọc-trong-đời. Bởi như chính Stephen King nói trong phần “What writing is”:

“If you can take it (writing) seriously, we can do business. If you can’t or won’t, it’s time for you to close the book and do something else”.

Phần dưới đây sẽ là tóm tắt các ý tưởng chính của On Writing. Nếu bạn không muốn bị spoiled, vui lòng kéo xuống phần cuối cùng để xem review cá nhân của mình lấy cảm hứng đọc bản gốc.

I. Một hộp dụng cụ đầy đủ (hay the Toolbox)

Hiển nhiên chúng ta không thể “tay không bắt giặc” được, nhưng Stephen King cũng không thấy cầm một vũ khí trong tay là đủ. Đánh giặc, sửa ống nước, đi làm, viết văn đều cần mang theo mình một hộp chứa đủ đồ nghề cần thiết, và luyện tập đủ mạnh để mang vác hộp đồ ấy. Bởi, bạn đâu chắc vấn đề sẽ phát sinh những gì ngoài cái tua vít dự định ban đầu phải không? Hộp dụng cụ ấy nên có nhiều ngăn, thứ nào hay dùng nhất thì để lên trên. 

Đồ nghề viết văn cần có ít nhất 4 ngăn chứa: từ vựng, ngữ pháp, đoạn văn, độ dài chữ.

  1. Từ vựng

Hãy dùng những gì bạn có. 

“It ain’t how much you’ve got, honey, it’s how you use it.”

Bạn có thể cải thiện vốn từ của mình sau, bằng cách đọc nhiều. Nhưng trước hết, khi viết văn hãy dùng vốn từ là của bạn. Thứ tệ nhất bạn làm đối với văn của mình là ăn diện cho từ vựng của mình, đổi một từ đơn giản thành một từ hoa hoè nào đó vì bạn thấy xấu hổ với vốn từ nghèo nàn của mình. Cũng đừng dùng một từ fancy nào đó vì sợ từ gốc không được “thuần phong mỹ tục”. Rất nhiều tác gia tạo nên kiệt tác chỉ với những từ vựng cực kì đơn giản:

“Một vài ông chủ tử tế vì họ ghét điều họ phải làm, một số khác giận dữ vì họ ghét phải độc ác, và một số khác lãnh đạm vì họ nhận ra từ lâu rằng nếu không lạnh lùng thì không thể thành ông chủ được.”

John Steinbeck, Chùm nho uất hận

Hãy dùng từ đầu tiên xuất hiện ngay trong đầu bạn, miễn là nó phù hợp và trọn ý.

  1. Ngữ pháp

Nếu bạn viết tiếng Việt, bạn phải vững ngữ pháp tiếng Việt. Những lời khuyên về ngữ pháp của Stephen về tiếng Anh có thể sẽ không quá liên quan. Tuy nhiên vẫn có hai điểm sáng giá sử dụng được:

  • Có hai dạng câu: chủ động và bị động. Với câu chủ động, chủ thể làm điều gì đó. Với câu bị động, chủ thể để chuyện xảy ra với mình. Vì vậy, nếu không muốn trông giống một nhà văn yếm thế, bạn phải tránh lối viết câu bị động. Hãy để nhân vật nhận trách nhiệm bằng cách viết câu chủ động. Thay vì nói, “Nụ hôn đầu luôn được gợi lại mỗi khi tôi nhớ về cách mà tình yêu của tôi và Lan nảy nở”, hãy mạnh dạn nói: “Tình yêu của tôi và Lan chớm nở từ nụ hôn đầu. Tôi sẽ không bao giờ quên giây phút ấy.”
  • Đừng lạm dụng trạng từ, hay trong tiếng Việt là bổ ngữ hoặc trạng ngữ miêu tả. Nếu câu bị động khiến tác giả như một đứa trẻ yếu ớt, trạng từ cho thấy tác giả không dám thể hiện bản thân rõ ràng, và sợ người đọc không hiểu thứ mình viết. Chẳng hạn, “Cô ấy nói một cách từ tốn” / “Anh ấy cao giọng” / “Bà ấy nói với giọng rầu rĩ” là những miêu tả thừa thãi. Người đọc h-i-ể-u được sắc thái của hội thoại dựa vào văn cảnh và chính lời thoại. Tốt nhất vẫn là, “cô ấy nói” / “anh ấy nói” / “bà ấy hét lên“.
  1. Đoạn văn

Chia đoạn cho giúp tạo nhịp điệu và dòng chảy hài hoà cho bài viết / cuốn sách. Đoạn văn thường bắt đầu với câu chủ đề, các câu đi sau hỗ trợ chặt chẽ cho nó. Người đọc nhìn vào cũng sẽ muốn đọc nếu họ thấy các đoạn văn vừa phải, khoảng cách dễ thở, và ngắt dòng hợp lý. Cứ luyện tập cho đến khi bạn tìm ra nhịp đập cho câu chuyện của mình.

  1. Độ dài

Độ dài phụ thuộc vào thứ bạn viết, và nơi sẽ phát hành. Báo chí có độ dài khác với sách, mỗi báo mỗi mục sẽ yêu cầu độ dài khác nhau. Đối với sách, nếu có năng lượng, bạn cứ viết dài ngắn tuỳ ý. Chỉ cần bạn lưu ý viết ngắn gọn nhất có thể. Nếu chỉ cần 3 từ để mô tả thì đừng dùng một đoạn văn 300 chữ.

II. Tới công chuyện: viết

Nếu bạn muốn trở thành người viết, có hai điều bạn phải làm trước hết: 

READ A LOT, AND WRITE A LOT

Không có con đường tắt nào khác. Đọc nhiều nhất có thể, tranh thủ đọc mọi lúc mọi nơi. Đọc nhiều thứ bạn muốn viết. Đọc sách hay lẫn dở để đo lường chính mình. Đọc sách hay để học hỏi, đọc sách dở để được an ủi: “Trời, như này mà cũng ra sách được hả? Mình còn viết tốt hơn.

Đọc là thứ gần nhất với chuyện viết. Nếu bạn không có thời gian đọc, xin đừng viết.

Dưới đây là một số lời khuyên của Stephen King về việc viết:

  1. Tạo thói quen viết

Stephen King viết mỗi ngày 2,000 chữ. MỖI NGÀY. Bạn cần tạo thói quen viết hằng ngày để giao tiếp với nhân vật như người thật, để dòng chảy không bị đứt gãy, và cảm hứng viết không bị phai nhạt. 

Không gian viết đơn giản thôi, quan trọng là phải tránh tất cả những nhiễu nhương làm gián đoạn việc viết. Thiết lập mục tiêu cần đạt mỗi ngày. Viết cũng cần điều độ đúng giờ như ăn ngủ vậy, đừng đợi cảm hứng tới (vì có khi chẳng có để tới). 

  1. Viết gì đây?

Stephen King khuyên:

Anything you damn well want. Anything at all… as long as you tell the truth.

Đọc thứ bạn thích và viết thứ bạn thích đọc. Kể về sự thật, dù nó là sách hư cấu. Chỉ khi kể sự thật, thì người đọc mới tin tưởng và yêu mến nhân vật, những nút thắt, những cao trào, những thông điệp. Người ta mua sách hư cấu vì người ta muốn đọc một câu chuyện hay, về bất cứ thứ gì, miễn nó buộc họ phải luôn lật trang.

Bạn có thể lồng ghép vào truyện tất cả những gì bạn biết: kinh nghiệm sống, tình bạn, tình yêu, tình dục, và công việc. NHẤT LÀ CÔNG VIỆC.

  1. Viết thế nào?

Stephen King cho rằng, có 3 yếu tố tạo nên một câu chuyện: dẫn chuyện (narration), mô tả (description), và hội thoại (dialogue). 

  • Dẫn chuyện là đưa người đọc từ điểm A đến B, từ tình huống này đến tình huống khác. Chính tình huống tạo nên câu chuyện, chứ không phải cốt truyện. Không có thứ gì gọi là cốt truyện. Các câu chuyện, với những nhân vật đặt trong tình huống cụ thể sẽ tự phát triển nên cốt chuyện chứ không bị người viết sắp đặt (nghĩa là tuân thủ nguyên tắc: viết sự thật). Cũng không cần phải lo lắng về cái kết, kiểu gì câu chuyện nó cũng phải đi đến một chỗ nào đó chứ. Hãy để câu chuyện phát triển tự nhiên.
  • Mô tả là kỹ năng có thể học được, qua đọc nhiều và viết nhiều. Bạn buộc phải miêu tả được mọi thứ: tính cách, ngoại hình, âm thanh, màu sắc, cảm xúc nếu muốn trở thành người viết chuyên nghiệp. Nhưng biết ưu tiên thứ để miêu tả mới khiến bạn trở thành người viết giỏi. Stephen gợi ý chú trọng mô tả vị trí và chất liệu, hơn là ngoại hình của đối tượng. Chi tiết gợi hình đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn về thứ miêu tả thường đúng và tốt nhất. VÀ TUYỆT ĐỐI KHÔNG DÙNG NHỮNG MÔ TẢ CLICHE như: nụ cười nàng tỏa nắng, chiến đấu như một con hổ, tính cách hồn nhiên như cây cối. 
  • Những gì nhân vật nói truyền tải được tính cách của họ. Nếu có thể lồng ghép đặc điểm nhân vật vào hội thoại thì không cần miêu tả. Để tạo nên hội thoại hay cần làm hai điều: chú ý đến cách người xung quanh nói chuyện, và kể lại trung thực những gì bạn nghe.
  1. Các yếu tố khác

Stephen King đưa ra những lời khuyên chu đáo khác cho những người mới viết:

  • Mỗi nhân vật thường sẽ có một phần của bạn. Hãy đặt mình vào nhân vật ấy, với combo tính cách ấy, sẽ đưa ra những quyết định phù hợp
  • Sau bản nháp đầu tiên, hãy tập trung làm một thứ gì khác hoặc nghỉ ngơi, nhằm tạo ra một quãng tách biệt khỏi câu chuyện. Sau đó đọc lại, sửa chữa và tỉa tót thành bản nháp thứ hai.
  • Nên tìm một người Người Đọc Lý Tưởng, nghĩ đến họ khi viết và cho họ đọc đầu tiên trước khi mạnh dạn nộp cho bên xuất bản.

Cuối cùng, một lời khích lệ to lớn đến từ Stephen King:

“Sooner or later the best-selling writers of the sixties and seventies would either die or go senile, making room for newcomers likes me.”


Cá nhân mình thấy cuốn này hữu ích, văn phong cũng hài hước và đậm cá tính của Stephen King (nếu không thì mình bỏ công tóm tắt làm gì). Những tóm tắt trên của mình chỉ là những rút tỉa điểm chính, đọc bản gốc là một trải nghiệm thuyết phục hơn. Stephen đưa ra rất nhiều ví dụ trên chính tác phẩm của ông và của các tác gia tử tế khác (và thẳng mặt chê những bác viết dở…). Ông còn chỉ dẫn chi tiết từng bước tìm cách xuất bản một cuốn sách cho người mới.

Nếu buộc phải có phần “nhưng mà”, đây là vài điểm mình tìm được:

  • Stephen King đưa ra tiên đề ngay từ đầu: “Nếu bạn viết văn dở, không ai có thể khiến bạn viết hay, hay thậm chí là khá. Nếu bạn viết văn hay và muốn trở nên bất hủ thì…QuÊn cHuyỆn đÓ Đi.” Và ông ấy quả quyết về chuyện này. Bản thân mình không chắc là tuyên ngôn này đúng hay không, nhưng chắc chắn nó làm nhụt chí nhiều người viết, vì hầu hết người mới viết chưa được nhiều công nhận thường nghĩ mình tệ. Nên mình không thêm tiên đề này của Stephen vào phần tóm tắt.
  • Những chỉ dẫn ở phần thị trường xuất bản phù hợp với nước ngoài, cụ thể là việc tìm Đại diện văn học cho người muốn xuất bản sách. Tuy nhiên, ở Việt Nam vị trí này vẫn còn đang bỏ ngỏ.
  • Một số đoạn ông ấy viết về những trải nghiệm cá nhân như là tự truyện mình thấy khá dài dòng. Thú thật mình không đọc thể loại sách của ông ấy nên cũng không quan tâm đến đến đời tư của ông (và mình đã đọc phiên phiến những đoạn ấy để không bị ngủ gục hì hì).

“Writing is magic, as much the water of life as any other creative art. The water is free. So drink. Drink and be filled up.”

2 Replies to “On Writing – Stephen King viết gì khi viết về chuyện viết”

  1. Tôi là một giáo viên THCS, tôi bắt đầu muốn viết một quyển sách.

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.