Site Loader
selling art

Art dealer và nhà kinh tế học bước vào quán bar, à không, vào gallery. Nhà kinh tế học há hốc miệng vì một bức tranh nguệch ngoạc xanh đỏ tím vàng của một nghệ sĩ chưa nghe qua có giá vài ngàn đô. Trong khi nhà buôn nghệ thuật gật gù nhận xét đây chính là xu hướng nghệ thuật của tương lai. Người nghệ sĩ chưa có tiếng ấy đứng sau cánh cửa gallery, tự hỏi mình có bán được tranh không? Nếu có thì được bao nhiêu phần trong giá bán? Làm thế nào để không phải bán nghệ thuật nhưng vẫn có được vài ngàn đô kia?

1. Hành trình tư bản hoá nghệ thuật

Nghệ thuật ra đời với mục đích khởi nguyên là để tế lễ cách đây 10,000 – 15,000 năm TCN. Những hình động vật trên vách hang động, những tượng gỗ khắc hình thần linh, những bức phù điêu đóng vai trò trong một nghi lễ, tập tục thờ cúng nào đó. Suốt một thời gian dài, nghệ thuật luôn gắn liền với giá trị thiêng liêng (ritualistic value) khi các tác phẩm như tranh tượng chỉ được cất giữ trong các đền thờ, cung điện của vua chúa và gia đình của quý tộc. 

Cuối thế kỷ XVIII, khi các công cụ sao chép hàng loạt, máy ảnh và cùng lúc là sự xuất hiện của xã hội chủ nghĩa, các tác phẩm nghệ thuật mới được giải phóng ra khỏi giá trị tế lễ. Sự sao chép hàng loạt làm mất đi tính độc nhất của tác phẩm nghệ thuật, mang chúng ra khỏi một không gian cố định, riêng tư (một ngôi đền) và đặt trong không gian công cộng (bảo tàng) cho phép trưng bày tác phẩm đó cho nhiều khán giả. Năm 1789 cách mạng Pháp thành công, cung điện Louvre được trưng dụng làm bảo tàng Louvre, bảo tàng công cộng đầu tiên trưng bày tác phẩm nghệ thuật cho công chúng (năm 1793).

Khi nghệ thuật được trưng bày cho công chúng làm phát sinh nhu cầu muốn sở hữu tác phẩm ở tầng lớp tư bản và thương gia thành thị. Những nhà buôn đồ cổ và vật dụng nghệ thuật dần trở thành trung gian mua bán giữa khách hàng và hoạ sĩ. Các gallery nhờ vậy mà xuất hiện ngày càng nhiều. Từ đó, nghệ thuật được tư bản hoá.

2. Thị trường nghệ thuật bị thao túng thế nào?

Từ khi tư bản nhúng tay vào nghệ thuật, người ta ít khi nói về một tác phẩm nổi tiếng mà quên kèm với giá tiền của nó. Thông tin về nghệ thuật chạy tít những con số, số càng lớn thì nền nghệ thuật của tác phẩm đó càng được tự hào thơm lây (như trường hợp của Việt Nam gần đây khi tranh của Mai Trung Thứ được mua với giá 3,1 triệu đô ở phiên đấu giá Sotheby’s Hong Kong). Liệu tác phẩm còn được chiêm ngưỡng như nghệ thuật hay một món hàng mang lợi nhuận kết xù?

Ai là người điều khiển thị trường nghệ thuật? Các gallery, bảo tàng, các nhà sưu tập, nhà đầu tư nghệ thuật? Để trả lời rành mạch vòng quan hệ này cần có vài bài viết mới xuể. Nhưng để tóm tắt, xin hãy xem qua biểu đồ dưới đây. 

How art market works
Cách thị trường nghệ thuật vận hành

Sở dĩ các gallery phải định giá nghệ thuật cao như vậy vì họ phải đầu tư nhiều vào một nghệ sĩ mới nổi: đến tận studio để thăm hỏi, khuyến khích động viên, kết nối nghệ sĩ với khách hàng và đồng môn, tổ chức triển lãm, quảng bá thương hiệu. Sau khi nổi danh, nghệ sĩ thường chuyển đến gallery khác nổi tiếng hơn. Hoặc, sức sáng tác của nghệ sĩ mới cũng dập dìu không ổn định. Thế nên, gallery định giá bán cao để đảm bảo những công sức đầu tư và rủi ro ấy không khiến gallery điêu đứng.

Ngoài ra, các nhà sưu tầm giàu có trên thế giới cũng đóng vai trò then chốt trong trò chơi thao túng thị trường nghệ thuật. Chẳng hạn như Charles Saatchi, đại gia kiêm nhà sưu tầm nghệ thuật kiêm chủ sở hữu gallery Saatchi. Không có trở ngại về tài chính, Saatchi thích nghệ sĩ nào thì sẽ mua tất cả tác phẩm của họ. Sau đó mở triển lãm với giá sốc óc, gấp vài chục lần so với giá gốc. Cụ thể, ông mua tác phẩm của Damien Hirst – một tủ kính chứa xác cá mập chết ướp formaldehyde – với giá $84,000 và bán lại với giá $13 triệu. 

Người ta bảo nhau rằng, Saatchi không phải sưu tầm nghệ thuật, mà là đầu cơ.

Còn ông thì bảo, theo tờ Forbes:

“Vài người thích nghệ thuật, vài người thích bị nó gây sốc. Dù thế nào thì cả làng cũng đều vui.”

3. Những nỗ lực phản kháng

Nguyên lý của Chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ ra rằng: “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Thị trường nghệ thuật cũng không ngoại lệ. Một vài nghệ sĩ đã đứng dậy phản kháng lại hệ thống buôn bán nghệ thuật bằng nhiều cách.

Các nghệ sĩ phát triển các loại hình nghệ thuật khó đóng gói đem bán như: nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, hay nghệ thuật Graffiti mà Banksy là đại diện. Những nghệ sĩ Mỹ Christo và Jeanne-claude đã tạo ra những tác phẩm nhất thời và không thể mua bán. Họ đi du lịch khắp nơi và thực hiện nghệ thuật sắp đặt môi trường và phong cảnh như Hàng rào tiếp nối (Running Fence, 1972 – 1976).

Christo and Jeanne-Claude Running Fence
Christo and Jeanne-Claude, Running Fence, 1972–76. Photos: Wolfgang Volz

Có những nghệ sĩ hoàn toàn nằm ngoài thị trường nghệ thuật, như Gustav Metzger, nghệ sĩ kiêm nhà hoạt động chính trị người Anh gốc Đức. Ông không chỉ tạo ra những bức tranh phun axit để chúng tự hủy, mà còn kêu gọi một cuộc đình công nghệ thuật và từ chối sáng tạo nghệ thuật vào năm 1977 và 1980. Chính Metzger đã phát triển khái niệm Nghệ Thuật Tự Hoại và Đình Công Nghệ Thuật. Ông không bao giờ được trưng bày trong một phòng trưng bày thương mại và các tác phẩm của ông chưa bao giờ xuất hiện tại các cuộc đấu giá.

Có nghệ sĩ bắt đầu từ hệ thống gallery nhưng sau đó bước chân ra để tự thân vận động, mà trường hợp nổi danh nhất là Damien Hirst, người được mệnh danh “nghệ sĩ giàu nhất còn sống”. Như đã nói ở trên, Damien Hirst được Saatchi tài trợ và đẩy mạnh tên tuổi khi còn là một chàng nghệ sĩ trẻ. Sau cú bùng nổ với triển lãm Tính bất khả của sự chết trong trí tuệ của vài kẻ sống, trưng bày xác chết động vật ngâm trong tủ kính, ông gạt các lái buôn nghệ thuật qua một bên. Hirst trực tiếp tổ chức đấu giá mang tên Beautiful Inside My Head Forever ở Sotheby’s London, mang về $198 triệu (nếu con số làm bạn sốc, chào mừng bạn đến với nghệ thuật). Từ đó, Hirst không chỉ là nghệ sĩ, mà còn là nhà kinh doanh tài ba.

Damien-Hirst-The-Physical-Impossibility-of-Death-in-the-Mind-of-Someone-Living
The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living, Damien Hirst, 1991
Image via Flickr

4. Nghệ thuật (không) bán nghệ thuật

Không nghệ sĩ nào muốn nằm trong một thị trường lạm phát điên rồ. Nhưng mấy ai được an nhiên như Gustav Metzger và tài năng như Damien Hirst?

Không bán nghệ thuật thì lấy gì trả tiền thuê nhà? Một nghệ sĩ chân ướt chân ráo lấy gì minh chứng cho sự hữu dụng của mình ngoài giá tiền?

Ngày nay người ta đòi hỏi ở nghệ sĩ nhiều thứ khác, ngoài tài năng sáng tác. Một nghệ sĩ thành công là người kinh doanh nhạy bén. Nếu không được như Damien Hirst, cũng có thể là Ann Rea, một hoạ sĩ có bằng cấp chính chuyên từng chật vật tìm kiếm sự nghiệp nghệ thuật cho mình.

Con đường trải đầy hoa hồng của một nghệ sĩ

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Art Business News năm 2016, Rea kể từng làm việc bàn giấy, rồi quay trở lại vẽ và phụ thuộc vào hệ thống gallery. Sau một thời gian nhận ra mình bị hệ thống ấy “chèn ép”, cô quyết định xây dựng mối quan hệ với một người bảo trợ (patron), tiền tươi thóc thật, không giảm giá và tiếp tục mở rộng giao dịch qua truyền miệng. Một năm sau cô kiếm $100,000, hơn hẳn với lương trung bình $52,200 của nghệ sĩ ở Mỹ (theo số liệu của U.S. Bureau of Labor and Statistics, 2018). Bước tiếp theo, Rea thiết lập website Artists Who Thrive, mở khoá dạy online “Making Art Making Money” để giúp các nghệ sĩ trẻ khác tránh bị hệ thống nghệ thuật chi phối.

Với sự phát triển của công nghệ, nghệ sĩ có thể tận dụng các mạng xã hội để thúc đẩy tài năng và tên tuổi của mình: tự mở website bán tác phẩm, quảng bá qua các kênh mạng xã hội và nhận patron từ những cộng đồng yêu mến. Nghĩa là phải chủ động tự quảng bá cho mình, đừng chờ đợi ai đó đến phát hiện ra tài năng tiềm ẩn của bạn.

Tóm lại là vẫn phải bán nghệ thuật ư?

Để tránh cảm thấy chán nản và thất vọng với cụm từ “bán nghệ thuật”, Rea khuyên nghệ sĩ trẻ rằng, đừng bán nghệ thuật, hãy tạo giá trị độc đáo trên chính nghệ thuật của mình và bán giá trị ấy. Hãy tìm kiếm sự độc đáo trong chính trải nghiệm cá nhân, kể nó bằng nghệ thuật, sẽ có người cộng hưởng và mua tác phẩm để được tiếp tục sống lại trải nghiệm ấy mỗi lần nhìn ngắm nghệ thuật của bạn.


References:

  1. Cảm ơn sự gợi ý của giám tuyển Nguyễn Như Huy ở phần các giá trị trưng bày của nghệ thuật
  2. Các giá trị trưng bày nghệ thuật: The Work of Art in the Age of Mechanical Reproduction (pp. 1-26), Benjamin, W. (1935)
  3. Cách vận hành của gallery: High-end art is one of the most manipulated markets in the world, tờ Quartz, 2013
  4. Thông tin về Mỹ Christo và Jeanne-claude: sách An Introduction to Art Theory, Cynthia, 2001
  5. Thông tin về Gustav Metzger: When artists take on the art market, Apollo-magazine, 2017
  6. Thông tin về Saatchi và Damien Hirts: The Art of Being Charles Saatchi, Forbes, 2009
  7. Bài phỏng vấn của Ann Rea: Selling Art Sucks, Art Business News, 2016
  8. Cùng toàn thể sự góp sức của Google.

One Reply to “Nghệ thuật (không) bán nghệ thuật | The Art of (not) selling art”

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.