Site Loader

Tôi tin rằng to be loved is to be known.

Tôi cũng tin rằng giao tiếp, bằng ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ, là vô cùng quan trọng.

Nhưng không-nói-ra cũng là một loại năng lực ngôn ngữ không kém phần quan trọng.

Không nói ra cũng chưa hẳn giống với im lặng. Nó có thể là im lặng toàn phần, hoặc chỉ nói thứ cần nói và giữ lại thứ không cần thiết.

Gọi là năng lực bởi vì cần phân biệt giữ thứ cần nói và không cần phải nói ra.

Thật ra với tôi, thứ cần nói bây giờ không còn quá nhiều, mà chắc cũng chả riêng gì tôi, những người tầm tuổi tôi hoặc mức độ tâm thức như tôi chắc cũng như vậy. Loanh quanh vài lời thôi:

Cảm ơn.

Xin lỗi.

Mình thật là may mắn khi có…

Thôi kệ đi.

Thứ 7 gặp nhau nhé.

Những lời khen và khích lệ thường xuyên

Mình đang cảm thấy… chắc là do… nhưng bạn đừng nghĩ là do bản thân

Đó là ý kiến của mình, cũng có thể là mình sai. Agree to disagree nhé.

Những sở thích hay sở ghét cũng không phải là chuyện phải đập bàn đòi hỏi. Tôi khuyến khích các bạn nói ra điều mình thích và không thích, nhưng với thái độ: “Em rất thích…, anh có thể làm cho em được không, em sẽ rất vui.” Nghe thì dễ đấy, nhưng lúc cái tôi còn lớn, ta nói ra điều mình thích vì muốn bằng bạn bằng bè và đòi hỏi đối phương như là bài kiểm tra tình cảm. Nếu bạn thực sự thích một thứ gì đó, rất khó để không biết. Chẳng hạn như tôi thích hoa và cây cảnh ở quanh mình, nên tuần nào cũng mua, cả trong phòng và chỗ làm. Story đăng về cuộc sống hằng ngày thì sao tránh được lặp đi lặp lại chuyện hoa cỏ. Ai quan tâm mình chắc chắn sẽ để tâm, không người yêu thì bạn bè cũng tặng. Quà cáp biếu xén không đúng ý nhưng cứ biết ơn nhận cho người ta vui, khi nào thân thiết thì nói rõ thứ mình muốn sau.

Những thứ không cần nói thì nhiều vô vàn. Giống như bề chìm của tảng băng. Bạn bè không cùng chí hướng phát triển hoặc lệch pha trong cuộc sống thì cứ thế tách dần nhau ra, cũng không phải giãi bày. Sau này giao nhau ở thời điểm khác thì quay lại trò chuyện sau. Chia tay cũng chẳng nhất thiết phải “nói hết cho thoả lòng”, nói ngày nói đêm cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Bởi vì vấn đề là ở bên trong mỗi người. Tự thân thu vén dọn dẹp cảm xúc bên trong là được rồi, cứ phải xả ra chợ đời làm gì. Có khó khăn thì tìm người giúp đỡ, than vãn cho ai xem. Có hạnh phúc thành công thì biết ơn, kể ra chi tiết mình giỏi thế nào để làm gì, để tạo áp lực cho lần vượt khó tiếp theo?

Nói ra thì nghe sáo rỗng, nhưng tôi cũng xuất phát từ “nói cho thoả lòng”, đến không ngừng tìm kiếm “tại sao”, đến phải lặp đi lặp lại một câu trả lời, đến lúc mệt mỏi nhận ra nói nhiều cũng không khác được, đến im lặng hoàn toàn, và cuối cùng là luôn ở chế độ tiết kiệm năng lượng – chỉ nói khi cần thiết. Nhiều lúc muốn mở miệng ra nói hoặc nhắn giải thích, nhưng ngay lập tức bị choáng ngợp với khối kiến thức và trải nghiệm đã tích luỹ để tạo ra lối suy nghĩ mình đang có, thế là lặng lẽ xoá tin nhắn và chuyển chủ đề. Tôi đã đến tuổi tin rằng, if you know you know. Và cũng tin rằng khác biệt/không hiểu cũng chẳng là chuyện gì to tát đến nỗi phá huỷ mối quan hệ, chỉ cần nhận biết và tôn trọng sự khác biệt / không hiểu ấy là được.

Càng biết mình muốn gì bạn sẽ càng ít phải giải thích. Không muốn gặp thì xin lỗi. Muốn gặp thì chủ động đưa ra lời mời. Muốn thiết lập cuộc sống thế nào, muốn sống ở đâu, đi du lịch nước nào, sinh con hay không sinh con đều có thể nói ra mà không phải thuyết phục. Không đồng ý tức là không thấy hợp lý, và cũng không ép đối phương theo ý mình. Vì yêu quý nhau nên thoả thuận tìm điểm chung, chứ không phải vì yêu quý nên giải thích / ép buộc đối phương chiều ý mình.

Người không hiểu bản thân thường lùng sục tìm kiếm người hiểu mình, rồi ra sức giáo dục đối phương phải biết về mình. Người đã có sự thật bên trong thì chỉ cần trung thực với chính mình.

Tôi nói chung chung thế, bạn hiểu thì sẽ hiểu.

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.