Tôi là người thận trọng với thông tin được đăng lên. Nếu muốn khoe điểm số cao, tôi thường sẽ đợi đến lúc kết thúc học kỳ hoặc khoá học để đảm bảo rằng “nói trước bước không qua”; nếu muốn đăng về công việc mới, sẽ không có chuyện tôi đăng offer letter mà phải là bàn làm việc sau 1 tháng vào làm; nếu đăng ảnh người đàn ông của mình, tôi sẽ chỉ đăng ảnh cưới của bản thân, hoặc thậm chí chẳng đăng gì cả – vì ai biết được khi nào đấy sẽ ly hôn. Trước đây tôi cho rằng đặc điểm này là chuyện tốt, bởi không có gì xấu có thể tác động một chuyện tốt đã hoàn thành. Nhưng đến giờ, khi nhìn lại suốt nửa năm qua, tôi không đăng được một bài viết nào lên blog, cũng như bỏ lỡ rất nhiều chất liệu sống cũng chỉ vì mỗi chữ “đợi”.
Đợi xong nốt bài luận này rồi ngồi xuống viết cho thành thơi. Đợi qua nốt học kỳ này rồi tập trung vào viết sau. Đợi xong chuyến du lịch này rồi đăng bài luôn một thể. Đợi design một ảnh bìa thật chỉn chu rồi đăng cùng bài viết mới hoàn hảo. Đợi chỉnh sửa bài nháp thêm cho hay rồi mới đăng chứ ai lại đăng bản thô như thế. Đợi học thêm kỹ thuật viết văn chương chứ văn vẻ gì bản năng quá. Đợi tìm được đúng niche nội dung rồi viết xoay quanh chủ đề đấy thôi thì mới viral được. Đợi cập nhật thêm kiến thức SEO rồi xây dựng blog luôn cho hiệu quả.
Mà đâu chỉ mỗi chuyện viết. Chuyện gì cũng có thể bị trì hoãn đến đúng thời điểm được. Tôi còn biết có người đợi đến nghỉ hưu mới đi du lịch, đợi con lớn rồi mới dám ly hôn, đợi cha mẹ mất đi mới dám sống cuộc đời mình, hoặc chỉ một cái story thôi mà cũng nghĩ ngợi tới lui đến mấy ngày xem có nên đăng hay không. Mỗi khoảnh khắc trôi qua đã không còn cùng một hương vị nữa.
Trong cuốn The Conversations with God có viết rằng, chỉ có 2 cảm xúc chính chi phối tất cả mọi suy nghĩ và hành vi của con người: tình yêu và nỗi sợ. Nếu bất kỳ điều gì xuất phát từ tình yêu, đấy chính là điều Chúa muốn chúng ta làm, nếu xuất phát từ nỗi sợ thì suy nghĩ và hành vi đã bị chi phối bởi thế lực khác không phải Chúa. Việc chờ đợi trì hoãn suy tính dường như xuất phát từ nỗi sợ. Tôi không biết bạn sợ gì, nhưng khi chất vấn bản thân, tôi rõ ràng sợ phiên bản xấu xí lỗi lõm thô sơ của mình. Chẳng ai phán xét bản thân hơn chính chúng ta. Tôi không đăng sản phẩm lên vì không chấp nhận nổi bản thân lại tạo ra một thứ non nớt như thế khi đem so với những chuyên gia khác. Tôi sợ nhìn thấy những con số nói lên thất bại của mình. Tôi biết mình có rất nhiều giá trị tri thức để cho đi, nhưng đồng thời nghĩ rằng “mình là ai mà đi chia sẻ / những chuyện này ai mà không biết”. Trong khi đó, đáng lẽ tôi nên hành động từ tình yêu. Viết chỉ vì yêu việc giãi bày suy tư bằng ngôn từ. Đọc vì yêu những câu chuyện của những người lạ. Vẽ vì yêu màu sắc loang ra trên giấy trắng. Đáng lẽ tôi nên viết ngay giữa lúc đang đầu bù tóc rối với bài vở. Chắc tôi đã có được một bài viết giúp ích được cho một người nào đó cũng đang giống mình. Nếu viết ngay trong những chuyến đi, khi cảm giác đang tươi mới nhất, tôi sẽ có một bài viết hay về một xứ sở. Tại sao không viết ngay khi đọc xong một cuốn sách hay, biết đâu người khác cũng cần biết đến nó. Nếu viết ngay lúc này, khi đang ngây thơ, non trẻ, vụng về, tôi đã có thể lưu giữ quá trình tiến bộ.
Thời điểm hoàn hảo, khi ta đủ giỏi, đủ khôn ngoan, đủ giàu, đủ khoẻ, đủ trải nghiệm, đủ hiểu biết, không bao giờ đến, mà thứ phí hoài chính là nguồn cảm hứng và chất liệu suốt quá trình sống. Thứ còn lại chỉ là ký ức lờ mờ về một thứ mình từng thích, từng đi đến, từng nghĩ về, từng muốn làm.
Còn một chuyện nữa luôn vật vã trong não của tôi, góp phần vào chuyện chờ đợi trì hoãn, đó chính là mong bản thân ngừng lan man mà chuyên tâm vào một thứ. Tôi ảo tưởng rằng chỉ khi nào bản thân có thể tập trung vào một thứ – như lời dạy của trí khôn nhân loại – thì tôi mới có thể thành công, và khi ấy tôi mới đủ dũng khí để rao giảng, để tự xưng mình là một ai đó. Thế là tôi cứ chờ đợi đến cái ngày không bao giờ đến ấy. Tôi có thể vẽ một bức tranh hoàn chỉnh chỉ sau một tháng tự học digital painting, nhưng 4 tháng sau đó tôi đã chuyển sang học tiếng Đức, nửa năm sau đó tôi thấy mình đã dùi mài kinh sử và tập gym, vài tháng sau tôi đang leo núi và bắn súng. Chưa kịp xuất sắc một thứ đã chuyển sự chú ý sang chuyện khác, não bộ lúc nào cũng trong trạng thái đang học hỏi nên nó nghĩ bản thân chẳng giỏi giang gì mà đi chia sẻ. Thật sự ghen tị với những người có thể chính chuyên một thú vui cho đến khi thành một nghề. Vì chúng ta đều biết công thức thành công chính là thực hành một thứ 10,000 giờ, và với kiểu jack of all như tôi thì chả bao giờ mà có thành tựu. Ban đầu tôi nghĩ vấn đề nằm ở chuyện kỷ luật, nhưng nếu không kỷ luật thì làm sao tôi có thể thực hành mỗi ngày chừng ấy thú vui.
Khi đã gần 30 rồi tôi mới dần chấp nhận (vẫn chưa hoàn toàn đâu) rằng cơ thể mình vận hành theo một cách riêng, không thể nào cưỡng ép bản thân vào một khuôn khổ xã hội nào cả. Nếu bạn là người ưa thích điều mới mẻ và luôn luôn tìm kiếm thử thách, hãy để trí óc được theo đuổi cảm hứng nó muốn, điều chỉnh lăng kính chú trọng vào khả năng học hỏi nhanh và sức sáng tạo hơn là thấy tội lỗi vì luôn luôn thay đổi. Không giỏi một nghề cũng không sao cả, một bộ kỹ năng đa dạng vẫn có thể cống hiến trong công việc nếu biết áp dụng. Mà giả như chẳng áp dụng được gì mấy môn cầm kỳ thi hoạ, bạn vẫn có thể tận hưởng niềm vui chúng mang lại trong đời sống hằng ngày. Nếu vẫn cưỡng cầu ép bản thân chỉ theo đuổi một thứ, hậu quả là cơ thể bạn sẽ phản ứng chống đối bằng cách trì hoãn, chuyển từ yêu thích sang căm ghét sợ hãi. Thật buồn cười khi tôi quyết tâm theo đuổi chuyên môn, quyết tâm đến mức đi học du học Thạc sĩ ngành đấy để trở thành chuyên gia và xây dựng một “sự nghiệp”, cuối cùng nhà tuyển dụng lại chọn tôi vào vị trí quản lý vận hành vì background đa dạng và khả năng thích ứng nhanh nhạy. Hay như tôi tưởng mọi người sẽ thích tôi nếu tôi giỏi một thứ gì đó, nhưng những người thích tôi đều bảo vì tôi có năng lượng tốt và biết tận hưởng cuộc sống. Hay như việc suốt bao năm tôi cố gắng biến sở thích thành công việc, để rồi nhận ra bản thân không chịu nổi việc gò ép sức sáng tạo của mình vào ý thích người khác (nhưng nếu tôi sáng tạo từ điểm nhìn của khách hàng thì lại thoải mái). Tôi cũng tưởng mình sẽ cần một công việc “thú vị” để thử thách bản thân, nhưng rồi nhận ra cơ địa phù hợp với nhịp sống buồn chán để tâm trí được yên tĩnh mà đọc viết. Có thể bạn sẽ có trải nghiệm hoàn toàn ngược lại, đã dấn thân gần chục năm cho một chuyên môn để rồi nhận ra không còn yêu thích nó nữa và tranh đấu nội tâm nên tiếp tục hay đổi nghành; hoặc đầu óc chỉ bạn thực sự tối ưu khi làm một chuyên gia tập trung giải quyết một vấn đề nhưng lại vì nỗi lo âu địa vị mà cố trở thành quản lý. Trong khi bạn ghen tị với người luôn có kế hoạch chỉn chu thì người ấy lại mong ước có được sự vô ưu vô lo như bạn.
Chúng ta theo đuổi một hình ảnh lý tưởng bản thân tự gắn lên mình nhưng lại bỏ qua những đặc tính cốt lõi làm nên sự khác biệt, liên tục suy tính thiệt hơn và nghĩ rằng có thể chiến thắng một cái gì đó ở cuối đường. Nhưng hương vị chính của cuộc sống này chẳng phải là cảm giác tự do trải nghiệm và tìm ra: “À, thì ra đây là tôi, đây cũng là tôi nữa” hay sao. 10 năm sau tôi sẽ khác đi, không còn là tôi của hiện tại nhưng vẫn sẽ là tôi, bởi các ngã rẽ đều xuất phát từ tình yêu đơn thuần tôi dành cho các sự lựa chọn ngay lúc ấy. Những mảnh ghép hỗn độn nảy sinh từ một gốc rẽ “tôi” rồi sẽ ghép lại thành một bức tranh (của trường phái nào thì không biết) mà nhìn vào đấy, ta hiểu ra chính mình. Hãy yên tâm rằng thứ gì thuộc bản chất mình thì sẽ ở lại. Đọc sách đã ở trong tôi suốt 21 năm, viết đã ở trong tôi 10 năm, gym đã ở cùng tôi suốt 2 năm. Dù chắc chắn sẽ có những quãng nghỉ xa cách, nhưng tôi biết những thứ này sẽ theo tôi dài lâu.
Cuối cùng thì tất cả các bài học đều quy về hiểu và chấp nhận bản thân. Suốt bao năm cứ lặn ngụp trong bao nhiêu trải nghiệm, đau đáu đi tìm đúng người / đúng việc / đúng đường / đúng cách / đúng lúc, suy tính đủ đường mà mọi thứ đâu lại hoàn đấy. Càng ngày ta càng là ta hơn chứ không trở thành ai khác được.