Site Loader
Sokrates, Chúa Giêsu, Đức Phật - Ba Bậc Thầy Của Cuộc Sống Book Cover Sokrates, Chúa Giêsu, Đức Phật - Ba Bậc Thầy Của Cuộc Sống
Frédéric Lenoir
Non-fiction, tôn giáo, triết học
Nhà Xuất Bản Hồng Đức
2016
Sách giấy
279

Rating: 3.5 out of 5.

Làm người thật sự không thể đơn giản được. Lúc đói khát chỉ nghĩ đến ăn uống. Lúc ăn no mặc ấm lại muốn được xúng xính váy vóc. Xông xênh một tí lại nghĩ đến chuyện để lại dấu ấn cho đời. Đến lúc đau khổ lại chỉ muốn đánh đổi mọi thứ để được yên ổn. Đời sống tinh thần là một thứ vô hình vô dạng vô biên, muốn học cũng không học từ đâu, muốn dựa dẫm cũng không dựa vào trụ chống nào cho vững.

Trong trường hợp bạn đang chông chênh, hoặc sợ rằng có lúc sẽ chông chênh, mình xin giới thiệu tác phẩm Ba Bậc Thầy của Cuộc Sống: Sokrates, Chúa Giêsu, Đức Phật để bạn có hướng đi tầm sư học đạo tinh thần nếu cần. Bài viết sẽ tóm tắt cuốn sách tóm tắt ba cuộc đời lớn, nên bạn có thể hình dung về độ tam sao thất bản của nó, nên mình khuyến khích bạn đọc tác phẩm gốc để có kiến thức sâu sắc hơn.

Tóm Tắt

Họ đã sống thế nào?

Họ có tồn tại?

Đáng tiếc, chúng ta không có bằng chứng chắc nịch nào để khẳng định sự hiện hữu lý tính của họ.

Người mang tên “Đức Phật”, hay “Đấng Giác Ngộ”, có thể đã sống ở miền bắc Ấn Độ cách đây 2500 năm. Người Hy Lạp tên Sokrates có thể đã sống ở khoảng 2300 năm. Chúa Jesus có thể đã được sinh ra ở Filastin hơn hai nghìn năm trước. Thế nhưng, không có xương cốt, đồng tiền, chữ viết tay để chứng minh họ từng tồn tại. Chỉ một điều chắc chắc rằng, đã từng có “ai đó” xuất hiện, tác động mạnh mẽ, và làm đảo lộn cuộc đời của Phêrô (tông đồ của Chúa Jesus), A-nan-đà (đệ tử của Đức Phật), và Platon (học trò của Sokrates) khiến họ phải hiến đời mình cho người đó. Nếu không, làm sao những văn bản họ để lại đến ngày nay lại có thể thấm nhuần nhân cách thống nhất của “ai đó” đến vậy. Hiến đời mình cho một nhân vật tưởng tượng khó hơn là cho một nhân vật có thực.

Con người

Tính cách của Sokrates là sự pha trộn kỳ lạ giữa tự chủ và các cơn thịnh nộ dữ dội. Hoặc cực kỳ điềm tỉnh, thậm chí giả ngây giả ngô, trước bất kỳ sự xem thường hay căm ghét nào của người đương thời. Hoặc thịnh nộ khủng khiếp (cộng với diện mạo xấu xí) khi và chỉ khi đứng trước sự dốt nát. Bởi với Sokrates, ngu dốt là tội ác lớn nhất.

Từ vựng của kinh điển Phật giáo không bao giờ bao gồm sự mô tả tình cảm và cảm xúc, cũng đồng nghĩa với việc ta cũng khó biết chính xác tính cách của Đức Phật ra sao. Kể từ khi “Giác Ngộ”, nghĩa là đã đạt đến sự Hiểu Biết, và thoát ra khỏi vòng tái sinh luẩn quẩn, Đức Phật đã không còn bị ảnh hưởng bởi thế giới xung quanh nữa. Những đức tính tốt nhất như tự chủ, bình thản, từ bi của Ngài xuất phát từ sự lãnh đạm, thoát tục.

Trái ngược với Đức Phật, Chúa Jesus trong Phúc Âm được mô tả như một Con Người đầy tính người, với tất cả độ nhạy cảm, hiền hậu, khiêm nhường, cả sự giận dữ và sự tranh đấu nội tâm. Nước mắt của Người ví như sông Nil, vì luôn thương xót người khác, nhưng người cũng hay nổi nóng bất bình với thói đạo đức giả. Người có thể rủa sả lên cả một thành phố không biết đón tiếp Người, thậm chí còn nguyền rủa một cây vả vì nó chỉ có lá mà không có quả dù đã đến mùa vả. Và Người cũng có lúc yếu lòng khi đứng trước “chén đắng” mà Chúa Cha để người phải uống.

Thuật giảng dạy

Sokrates tự gọi mình là “người đỡ đẻ”, ông giúp người đối thoại sinh ra trí tuệ và sự thật. Ông cứ đi lang thang khắp thành Athena, trò chuyện với bất kỳ người nào ông gặp, với một thái độ giả ngây giả ngô mỉa mai. Ông luôn tỏ ra “Tôi chỉ biết một điều, là tôi chẳng bết gì cả”, ông làm trẻ con với thiên hạ suốt. Ông dẫn dắt cuộc đối thoại bằng những câu hỏi ngây ngô, rồi đến khi người nói khinh suất, để lộ điểm yếu, ông lại xoáy vào những điểm yếu ấy, để cuối cùng người nói phải bẽ bàng nhận ra, họ không thông thái như họ nghĩ.

Đức Phật có một mị lực mạnh mẽ, khiến người nghe có thể tin ngay lập tức Ngài: “như thể ông luôn luôn biết.” Các bài thuyết giảng đại chúng của Ngài thường sẽ gồm: “Này các tỳ kheo”, “các con nên, “ các con không nên”, một cách đoan chắc. Không ai chất vấn Ngài những câu hỏi cắc cớ như với Sokrates hay Chúa Jesus, người ta dù có ghen tị hay căm ghét Ngài thì vẫn nói chuyện rất lễ độ. Thỉnh thoảng Ngài cũng dùng các điển tích, ví von, giai thoại để phát biểu một chân lý, nhưng không bao giờ người dùng câu chuyện cá nhân.

Thuật giảng dạy của Chúa Jesus đặc thù mà ta có thể dễ dàng thấy trong Phúc Âm: dụng đến dụ ngôn. Nhưng tuỳ từng đối tượng, Người có thể dùng đến tất cả các hình thức diễn đạt khác: đối thoại, mỉa mai, thuyết giáo, tâm sự, cầu nguyện, an ủi, cả uy lực trong cơn giận. Điểm chung các hình thức này chính là việc Người xưng “Tôi”, một cái “Tôi” đậm đặc không hề giả tạo hay khiêm nhường giả tạo. Người muốn người khác biết Người chính là sự thật, là sự sống, sự mặc khải cho Thiên Chúa. Người muốn quy đức tin tập thể của người Do Thái về một mối: là Người – Đấng Cứu Thế, sự cứu rỗi cá nhân thông qua đức tin chứ không phải cứu rỗi cả tập thể. Ngài, cùng Sokrates, đã đặt nền tảng đầu tiên cho chủ nghĩa cá nhân của Tây phương cho đến hiện nay.

Họ đã chết ra sao?

Mình luôn nghĩ rằng, nếu có gì đáng nói về một con người, đó chính là cách họ chết. Rồi ai cũng sẽ chết, nhưng cách mỗi người đối diện với cái chết là một dấu chấm hoàn hảo, một sự tóm tắt gọn ghẽ thống nhất sau những trang dài dòng lan man về cuộc đời đã qua của họ. Như tất cả những con người đi trước thời đại, Sokrates và Chúa Jesus gây phiền toái đến chính trị, tôn giáo đương thời. Kết cục tất yếu, họ bị loại trừ. Trong khi, như nguồn năng lượng hài hoà Người tạo ra, cái chết của Đức Phật là một sự ra đi thanh thản.

Ở tuổi 80, Đức Phật đã suy yếu, và đoán được cái kết của mình. Một hôm người nói với các đồ đệ rằng ba tháng sau có thể Ngài sẽ nhập Niết Bàn. Sau đó người đến thăm các cộng đồng để nói lời tạm biết. Ở thành phố Pava, Ngài được mời ăn một món ăn mà không rõ làm từ thịt heo hay nấm, nhưng Ngài đã ăn một chút và cấm không ai được ăn. Sau đó Ngài lên cơn đau bụng dữ dội, nằm lại dưới một tàng cây ven đường, đầu hướng về phía Bắc, và trút hơi thở cuối cùng, sau khi đã nhờ đồ đệ quay lại cảm ơn người đã mời món ăn đã đưa Ngài nhập Niết Bàn.

Sokrates, với tính khí ngang tàng của mình, dĩ nhiên có vô số người ghét ông, trong đó có thương nhân Ánytos, thi sĩ Mélitos, và nhà hùng biện Lycon. Ba người này lôi Sokrates ra toà với hai tội danh: làm hư hỏng thanh niên, và không tôn thờ vị thần thành quốc. Trước 501 người xét xử, Sokrates đã chọn tự bênh vực chính mình. Ông làm hư hỏng thanh niên Athens? Ông chưa bao giờ nhận thù lao từ những thanh niên đó, như các nhà du giáo. Ông chỉ ra điểm mâu thuẫn của Mélitos, kẻ trong bài biện hộ của mình đã nói rằng mình chẳng tha thiết gì thanh niên cũng không bận tậm tới giáo dục mà lại đi tố cáo ông chuyện giáo dục. Nhưng dù cho lập luận của ông có sắc bén đến đâu, những kẻ xét xử, với lòng căm tức tính ngông cuồng của ông, đã xử Socrates tội chết bằng cách uống độc cần. Ông đã có thể trốn thoát, ông biết mình chết bất công, nhưng ông tôn trọng pháp luật ở thành quốc mà ông yêu quý suốt đời mình. Chết vì bất công vẫn vinh quang hơn chết vì đáng chết.

The Death of Socrates by Jacques-Louis David

Bạn thấy trong tranh đấy, vợ con thì bị ông đuổi ra khỏi nhà tù. Bạn bè xung quanh ông thì khóc lóc đau thương, thậm chí đã bày mưu tính kế để ông trốn thoát nhưng bị ông từ chối. Còn ông, hiên ngang uống ly độc cần sau khi để lại người sống những lời tạm biệt:

Nhưng đã đến lúc chúng ta chia tay nhau, tôi bước vào nẻo chết, và quý vị trở lại đường sống. Bên nào rồi sẽ nhận lấy số phần lợi hơn? Ai biết được, chỉ có thần thánh may ra biết.”

(Apologia Sokratous, 42a)

Chúa Jesus đã đoán được cái chết của mình, biết Judas sẽ bán đứng mình, biết Phêrô sẽ chối Chúa ba lần, biết kết cục nhục nhã của cuộc đời mình. Trước đêm bị bắt đi, Người đã để lại một nghi thức vĩnh viễn là một trụ cột văn hoá của Kito giáo: Ban phép lành cho bánh mì và bẻ ra, ban phép lành cho ly rượu rồi chuyền tay cho môn đệ và nói “anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy,…, đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” Sau bữa tiệc ly, người đã đi cầu nguyện một mình, đối diện với sự yếu đuối của mình: “Lạy cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chèn này.” (Luca, 22-42). Lời cuối cùng của Người trước khi khi gục đầu xuống trên thập tự: “Thế là đã hoàn tất!” (Gioan, 19, 30). Người hưởng thọ ở tuổi 35 hoặc 33.

Cái chết của Chúa Jesus, theo tác giả, không phải là sự giải thích rằng Chúa Con phải chịu đau đớn để làm dịu cơn giận của Chúa Cha trút lên loài người tội lỗi. Mà nên hiểu rằng, Người, cũng như Sokrates, chấp nhận cái chết vì không có lối thoát nào khác để trung thành với thông điệp của mình, khi nó đã đối lập hoàn toàn với chính trị và tôn giáo đương thời. Không có một thứ trung dung ôn hoà ở giữa chân lý. Hoặc chết để bảo toàn trọn vẹn phẩm giá và đức tin, hoặc sống trong ô nhục.

Họ để lại gì cho chúng ta?

Dù mỗi người đã đi những con đường khác nhau, nhưng cả ba đã cùng gặp nhau ở những điểm cao nhất trong thông điệp của họ: linh hồn là bất tử, coi thường vật chất, truy cầu hiểu biết từ chính mình, và sống đời công chính tự chủ. Tuy nhiên, mỗi người lại có một sự đặc sắc riêng, làm nên thương hiệu của chính họ và không bao giờ mai một theo thời gian.

Sokrates là người truy tìm chân lý triệt để. Dù tự nhận là rất kém cỏi về mặt trí tuệ, tham vọng của ông lại lớn: Sokrates cầu tìm thứ chân lý mà con người có thể đạt tới bằng sự hiểu biết. Đó là sự hiểu biết về con người.  Sokrates không mời gọi chúng ta khám phá ra sự thật hay hiểu biết, mà là khám phải LẠI chúng vì “hiểu biết của ta chỉ là những hồi tưởng”, đó là kỷ niệm hoặc bài học còn lưu lại của linh hồn trong những lần sống trước. Đối với Sokrates, không có thứ gì là “tương đối”, bởi nếu coi mọi sự là tương đối nghĩa là chối bỏ mục đích cuối cùng của triết học: sự truy tìm chân lý.

Đối với Đức Phật, lối thoát duy nhất ra khỏi vòng luân hồi chính là Thiền định, con đường duy nhất đi tới hiểu biết về bản chất thực của vạn vật và đến Niết Bàn.“Nguyên do đau khổ là sự khao khát, sự ham muốn”, để thoát khỏi cái khổ này thì phải tận diệt các loại khao khát ham muốn, thiếu thốn, ràng buộc. Đồng nghĩa với việc, để thoát tục thì phải tận diệt tình yêu và dục vọng, cả tình yêu nam nữ hay tình bạn tương hỗ. Như vậy, sự vô cảm là selling point của tư tưởng Phật giáo hay sao? Chính điểm này đã gây ra những tranh luận và rạn nứt trong cộng đồng Tăng lữ. Phái Tiểu thừa (Cựu phái) tập trung tu hành của từng cá nhân để đạt đến giác ngộ (một cách khá ích kỷ). Còn phái Đại Thừa lại lấy từ bi làm đức tính chủ yếu của đạo Phật. Nghĩa là thay vì đạt đến Giác Ngộ và tận hưởng Niết bàn, các vị Phật, hay còn gọi là Bồ Tát, đã chọn tái sinh lại trần gian và cứu giúp tha nhân bớt đau khổ và hướng dẫn họ vào con đường Giác Ngộ.

Cầu chúng sanh thảy đều an lạc. Đã sanh rồi hoặc sắp sanh ra, cầu cho tất cả đều an lạc.

Đức Phật

Còn Chúa Jesus, Người đã xuất hiện và thổi tình yêu và những giáo luật với lời khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu”. Người ta chỉ biết rằng Kinh Thánh có 10 điều răn, nhưng không phải ai cũng biết dòng dưới 10 điều răn:

Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy, Amen.

Vậy là, tinh tuý nhất của Kito giáo chính là: yêu Chúa, yêu người, và yêu mình. Tất cả giáo điều đều chỉ là giáo điều cứng nhắc nếu không thực hiện bằng tình yêu thương. Vì yêu thương nên mới đạo đức mà không cần tỏ ra đạo đức, vì yêu thương nên mới hi sinh mà không cần bắt buộc, vì yêu thương nên tha thứ mà không cần xin xỏ. Và vì yêu thương nên mới hiến đời mình cho nhau, như Chúa Jesus đã hiến sự sống mình cho anh em, và như anh em đã hiến đời mình cho Người, như chúng ta hiến đời mình cho người chúng ta yêu thương.

Cảm nhận

Về tác phẩm

Mình không có gì để phàn nàn với nội dung của cuốn sách. Cách tác giả phân chia cực kỳ chặt chẽ, chi tiết, trích dẫn và giải thích cũng thuyết phục. Mình học được rất nhiều về Sokrates và Đức Phật nhờ cuốn sách này.

Tuy nhiên, phần dịch có vài chỗ mình thấy lấn cấn. Ngôn ngữ dịch trong bài lẫn lộn giữa hàn lâm và đời thường … Có những chỗ dùng từ “Ông PHANG cho một câu” để thể hiện sự quyết liệt của Sokrates đang trình bày quan điểm. Hoặc “tôi muốn nói CHÚT XÍU về”… Mình không rõ dụng ý của dịch giả là gì trong khi dùng những từ này, hoặc vì muốn tạo sự gần gũi, hoặc vì đó là từ vựng thường dùng, nhưng mình không thấy phù hợp lắm với văn phong của cả cuốn sách.

Về tôn giáo

Suy cho cùng, tôn giáo vẫn phải là sự cộng hưởng giữa mỗi tâm hồn chúng ta với tâm hồn của các vị đã sáng lập nên nó. Thế nên mình không thấy vấn đề gì với sự khác biệt tôn giáo cả, nó vốn dĩ chính là sự khác biệt tính cách và tâm hồn của mỗi con người. Trừ những người theo đạo gốc, những người sống một quãng đời rồi mới tự nguyện cải đạo thường đã nhận ra những điểm tương đồng trong tư duy – chiêm nghiệm – tính cách của mình với tư tưởng của tôn giáo ấy, hơn là bị thuyết phục hay dụ dỗ bởi một người hoặc một vật trung gian.

Hi vọng bạn đọc có thể thấy được những cơn sóng cộng hưởng đó qua những điểm tóm tắt về các bậc thầy này, để chọn được một người thầy dẫn dắt mình đi suốt cuộc sống tinh thần về sau, thậm chí là sau cả cái chết.

Đọc thêm:

  1. Kinh Thánh (Tân Ước)
  2. Phật Pháp (bạn nào am tường đạo Phật thì giới thiệu sách giúp mình nhé)
  3. Ngày cuối cùng trong đời Sokrates

One Reply to “Ba bậc thầy của cuộc sống: Sokrates | Chúa Giêsu | Đức Phật – Frédéric Lenoir”

Leave a Reply

About me

Hi Dear,

I’m Linh, a writer who draws. I dedicate this site to things building up my inner world. I’m stirred by depressing stories, books, visual art, and letters. Hope they might stir you up too.