Non-fiction; Self Help;
Workman Publishing Company
215
Mình bắt đầu viết blog từ năm 2016, tính đến thời điểm hiện tại là gần 5 năm, có tổng cộng 155 bài viết công khai. Dạo gần đây mình mới nhận ra nhiều vấn đề trong cách viết và bắt đầu định hướng được những nội dung khai thác bền vững. Khi mình nhận ra rồi, mình lại thấy tiếc nuối đến đau đớn: Đáng lẽ mình phải viết và đăng nhiều hơn.
Làm một phép tính đơn giản nhé: Nếu mỗi ngày mình chỉ viết khoảng 300 từ, mỗi bài viết trung bình 2000 từ. Trong 5 năm mình sẽ có khoảng 273 bài. Với thực tế sau 155 mình hiểu hơn về cách viết của bản thân, thì nếu viết mỗi ngày thì mình chỉ mất 2.8 năm thay vì tận 5 năm.
Lý do cho việc viết và đăng ít bài không nằm ở vấn đề thời gian (hiện tại mình bận gấp 10 lần thời sinh viên nhưng đọc viết nhiều gấp 3 lần), cũng không nằm ở vấn đề ý tưởng (một khi đã bắt đầu viết, cùng với việc đọc, bạn luôn có ý tưởng), mà nằm ở tư duy. Chính suy nghĩ lệch lạc về việc viết cũng như sáng tạo khiến mình không bao giờ đăng những bài viết nháp lên blog. Mình cứ nghĩ: ôi mình viết dở ẹc thế này, ai mà đọc chứ! Viết về chuyện này thì ai mà quan tâm. Viết để làm gì nhỉ, có ích lợi gì đâu.
Nếu bạn cũng nghĩ như vậy đối với thứ bạn tạo ra, có lẽ bạn cần đọc cuốn này rồi: Show Your Work! Của Austin Kleon.
Phù hợp với
Cuốn sách này hướng đến chủ yếu đến những người làm trong lĩnh vực sáng tạo:
- Artist/writer
- Những kẻ mơ mộng muốn sáng tạo nhưng ngại
Nhưng mình cho rằng cuốn này có thể áp dụng với những lĩnh vực khác nữa. Các chia sẻ trên facebook hay Linkedin của các chuyên gia cũng là một dạng sản phẩm mà họ muốn trưng bày.
Tác giả
Kleon, theo mình xem qua profile, không phải là một tác giả có tiếng tăm, và không hề hàn lâm. Lượng người subscription chỉ có 85,000+. Nhưng dường như những thứ casual đều có sự duyên dáng và sức hút khó hiểu. Bạn thử bao giờ ăn bánh bao không nhân mà bị ghiền chưa? Có vẻ cái cá tính sôi nổi gần gũi thể hiện qua những cuốn sách khiến Kleon thành best seller chăng?
Cuốn bestseller của ông là tác phẩm đầu tay Steal Like An Artist. Ngoài ra còn có Steal Like An Artist Journal và tập thơ Newspaper Blackout. Điểm khác biệt của các tác phẩm là ông vừa viết và vẽ minh hoạ cho sách luôn. Các minh hoạ cũng khá, không biết dùng từ gì cho đúng nhỉ, thô sơ (raw)? Ông che chữ trên mặt báo đi để chỉ còn lại những từ mang thông điệp ông muốn truyền đạt, như này:
Bạn có thể xem qua blog của tác giả biết đâu lại tìm thấy gì đó hay ho.
Tóm tắt
Cuốn sách gồm có 8 chương, nhưng mình gom lại thành 3 phần chính với các bullet point ngắn gọn như sau. (Lưu ý: những tóm lược dưới đây là những ý chính lựa chọn theo chủ quan của mình, mình khuyến khích bạn mua sách (tiếng Việt) hoặc tải sách (tiếng Anh) về đọc để tự trải nghiệm nhé. Dễ đọc lắm.)
Tư duy
- Bạn không cần phải là thiên tài (rồi mới chia sẻ sản phẩm của mình)
Thường có một định kiến về chuyện sáng tạo của những bậc kỳ tài: một người, mang tài năng thiên bẩm và sứ mệnh cao cả, nhốt mình vào một chốn cô độc tịch mịch và chỉ xuất hiện khi tạo ra một tác phẩm để đời. Đó là chuyện của ngày xưa, tác giả chơi chữ rằng, thay vì kỳ vọng trở thành genius, ta hãy tham gia vào scenius. Đó là mạng lưới của những con người chia sẻ giá trị xung quanh mình.
Bạn không cần phải là chuyên gia trong mạng lưới đó. Cứ làm amateur trước đã, nghĩa là “lover” theo nghĩa tiếng Pháp, khoan nghĩ đến chuyện tiền tài danh vọng hay sự nghiệp. Cho phép bản thân làm amateur, bạn có nhiều tự do hơn để sáng tạo và khám phá thay vì bị kiềm hãm bởi những tư tưởng thực dụng khác. Trong quá trình phát triển từ amateur, có khi bạn sẽ tìm được một ngõ ngách để toả sáng (maybe, maybe not).
“That’s all any of us are: amateurs. We don’t live long enough to be anything else”
Charlie Chaplin
Dĩ nhiên cũng không thể cứ mãi làm người viết average kể những câu chuyện cliche như: cô ấy mồ côi mẹ, mang thiếu thốn tình thương và mặc cảm tự ti / Anh ấy mang hơi hướng của kẻ bị tâm thần, làm những chuyện kỳ quái nhưng sâu bên trong là sự tử tế / Hai con người chia xa nhau, đi một vòng lại trở về bên nhau. Nhưng nếu không có bước làm amateur, xây dựng nền móng từ những viên gạch nhỏ nhất mỗi ngày và nhận lấy nhận xét từ người khác thì làm sao thoát khỏi sự average. Trước hết bạn đang làm thứ bạn yêu thích, với một sự nhiệt tâm trần trụi. Trần trụi vì người khác đọc hay nhìn vào thứ bạn đang làm, người ta sẽ thấy ngay rằng bạn đang say mê cứ thứ dở hơi kia, và dù tác phẩm non nớt của bạn có ngô nghê đi nữa, người ta vẫn thấy có cảm tình.
Nếu bạn đang ngại ngần, đang sợ hãi, đang trì hoãn, Austin gợi ý bạn nên đọc cáo phó. Cuộc đời con người 80 năm gom lại vài dòng. Những dòng ấy ghi thành tựu, ghi ý tưởng, hay trống trơn là tuỳ ở bạn. Cái chết luôn là động lực mạnh nhất thúc đẩy sự sống.
- Quá trình và sản phẩm là hai tác phẩm độc lập.
Chính trường phái nghệ thuật trừu tượng mà đại diện là Pollock đã đề cao tầm quan trọng của quá trình sáng tạo. Có phải bạn thấy tranh Pollock trông khá gớm, nhàu nát và chả có chút gì kỳ công? Vốn dĩ quá trình luôn lộn xộn và thô sơ như vậy. Quá trình làm việc là sự lang thang từ chủ đề này đến chủ đề khác, sự xoá bỏ và chỉnh sửa các ý tưởng, sự đổi mới phương tiện, sự chật vật đi tìm cái tốt nhất. Đó là quá trình một con người bình thường với đầy đủ các sai lầm và yếu đuối trầy trật tạo ra tác phẩm chất lượng và tên tuổi của họ. Cái đẹp của quá trình sáng tạo khác với sản phẩm sáng tạo. Chính vì vậy người ta cũng tò mò muốn biết cái hậu trường của một nghệ sĩ / hoạ sĩ / nhà văn như thế nào. Hãy chia sẻ quá trình tạo ra sản phẩm, quá trình học hỏi của bạn, biết đâu cũng có nhiều người đang đi cùng quá trình đó thì sao.
Hành động
- Mỗi ngày chia sẻ một thứ (để làm tư liệu cho chính mình)
Mình đính chính giúp tác giả: Không phải bắt buộc mỗi ngày, làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung và khả năng deep work cho tác phẩm chính của bạn. Ý tưởng chính ở đây là: bạn cần chia sẻ thứ bạn đang làm như một tập tài liệu ghi chép. Thường xuyên. Liên tục. Bền bỉ. Đừng chấp nhặt thời gian.
“I am a documentarian of What I do.”
Gay Talese
Câu hỏi tiếp theo là: Chia sẻ cái gì? Mình, và mọi người, không quan tâm bữa trưa, chuyến du lịch, con cái, tiền lương, và quần áo của bạn (nếu quan tâm mình sẽ PM). Mình quan tâm đến việc bạn đang làm thứ gì hay ho, có giống thứ mình đang làm không, và xem có học được gì từ đó không. Vì vậy, Kleon gợi ý trước khi chia sẻ cái gì, hãy đặt câu hỏi: “So what?”. Chia sẻ cái này có ích không? Người ta đọc rồi thì nhận được gì. Những câu hỏi này sẽ lọc bớt rác mà bạn chia sẻ quá tay. Dù thế, 90% những gì mà amateur chia sẻ cũng là rác. Chúng ta chỉ không biết rác nào dùng được và rác nào nên bỏ đi vĩnh viễn. Đó là lý do bạn cần công khai sản phẩm của mình, để cộng đồng đánh giá. Bạn sẽ biết ngay dựa vào dữ liệu báo cáo mà nền tảng bạn dùng cung cấp.
- Mở cửa căn phòng chamber của bạn
Bạn nào nghe nhạc cổ điển, hẳn có nghe qua cụm từ nhạc Thính phòng (Chamber music), thể loại nhạc được chơi bởi một nhóm nhỏ trong một không gian trong nhà. Nhạc này xuất phát từ các gian phòng chamber của các quý tộc thế kỷ 16 – 17, nơi họ sưu tầm tất cả những thứ gì hay ho mà họ thích, kể cả mời nghệ sĩ đến chơi nhạc trong phòng. Bạn cũng thường có một căn phòng như thế (trong đầu?), chứa đựng những thứ bạn yêu thích: sách vở, âm nhạc, tranh ảnh, người nổi tiếng, những kỷ niệm, những ý tưởng. Những khẩu vị này ảnh hưởng lên những thứ bạn tạo ra, hay thậm chí bạn tạo ra sản phẩm cùng thể loại mà bạn yêu thích. Không có sự khác biệt quá lớn giữa “sưu tầm” và “sáng tạo”. Chính vì vậy mà chia sẻ những thứ bạn sưu tầm được cũng là một quá trình đến gần với sáng tạo. Chẳng hạn như review sách / phim, bình luận văn học / thể thao / điện ảnh, v.v.
Không có gì là “guilty pleasure” cả. Chúng ta đều thích những thứ người ta cho là rác. Chẳng phải ta thường nghĩ bản thân có khẩu vị đẳng cấp hơn người khác sao? Cứ chia sẻ chân thành những thứ bạn yêu thích, rác cũng có tự tôn của rác chứ.
Nhưng lưu ý là kể cho hay nha. Đừng kể bậy bạ, người ta đánh giá thấp cả thứ bạn thích nữa. Chúng ta đều thích những câu chuyện hay. Không chỉ kể về sở thích của bạn, mà bạn cũng phải học cách kể về bản thân nữa. Cứ thành thật với thứ mình đang làm, đang cày ngày viết đêm thì cứ kể như vậy, sáng viết code chiều làm thơ cũng cứ kể đúng như thế. Dù sao bạn vẫn đang chăm chỉ làm thứ bạn yêu thích mà, có gì phải xấu hổ, đừng nói quá lên là được, thưa mấy vị guru chiến thần.
- Dạy những điều bạn biết
Bạn sẽ không biết người khác đã biết thứ bạn biết hay không nếu bạn không chia sẻ. Mình có một suy nghĩ khá tiêu cực, mình nghĩ thứ mình biết là thường thức, nghĩa là ai cũng biết, nên mình luôn cảm thấy nếu nói ra những điều đó sẽ rất tầm thường, và có phần khi dễ người đọc. Nhưng nghĩ lại thì, những điều bạn biết bây giờ từng có lúc hoàn toàn mới với bạn. Người khác cũng sẽ như thế. Nếu bạn chia sẻ thứ bạn biết, thậm chí là dạy thứ bạn làm tốt, thì cả hai đều đạt win-win situation. Bạn sẽ không biết bạn có ích với người khác ra sao cho đến khi bạn chia sẻ.
Thái độ
- Đừng làm human spam
Thế giới đang bị lấp đầy bởi những kẻ tự yêu (narcissists), bạn đừng biến bản thân thành human spam, chỉ chăm chăm nói kể về bản thân mà quên mất phải nghe nhìn và đọc người khác nữa. Nguyên tắc bất thành văn của lĩnh vực sáng tạo đó là: bạn cần dung nạp đủ input thì mới tạo ra output chất lượng. Nếu là hoạ sĩ, bạn cần xem (rất nhiều) tranh của người khác. Nếu là người viết, bạn cần đọc (rất rất nhiều) văn của người khác. Và áp dụng cho tất cả các công việc khác. Mình có thói quen đi tìm đọc reference của cuốn sách mình đang đọc. Nếu những cuốn sách được nhắc đến mình cảm thấy chất lượng, mình sẽ tin tưởng hơn vào tác giả đang đọc. Mình rất không coi trọng những người viết mà không đọc, những người vẽ mà không hiểu biết tác phẩm người khác.
“The world becomes all about them and their work. They can’t find the time to be interested in anything other than themselves.”
Austin Kleon
- Đón nhận những phản hồi tiêu cực
“Your work is something you do, not who you are.”
Austin Kleon
Đây là câu mình rất thích trong sách. Mình thường gắn bản thân vào thứ mình tạo ra, nên mỗi khi mình thấy thất vọng về sản phẩm, mình sẽ ngay lập tức căm ghét bản thân. Vấn đề là chuyện này xảy ra thường xuyên đến mức độc hại. Không ai khắc nghiệt với mình như chính mình cả. Câu nói đó gần như giải phóng mình ra khỏi những thứ mình làm, để mình thoải mái hơn trong việc chia sẻ.
Sở dĩ mình luôn đánh giá thấp bản thân vì mình so mình với những tác gia mình đọc. Mà trời hỡi, mình đọc toàn mấy cụ lão thành, sao có thể ngông cuồng đến mức so những bài viết tập tành chập chững non nớt với các cụ được chứ. Bạn có lẽ cũng vậy, đau khổ với sản phẩm của mình vì khoảng cách xa xôi với khẩu vị của bản thân. Nhưng bạn không chỉ là thứ bạn tạo ra, bạn là sự tổng hoà của các mối quan hệ, sở thích, và triết lý sống của bạn nữa. Thế nên, có lỡ nhận phải những lời chê bai, đó là chê bai thứ bạn đang làm hiện tại, chứ không phải là cả con người bạn. Thứ bạn làm có thể cải thiện, và dần thay đổi, nhưng bạn thì không nên thay đổi vì người khác.
- Được giá thì cứ bán
Có một quan niệm cũng khá lỗi thời trong lĩnh vực sáng tạo: nghệ thuật mà dính đến tiền bạc thì trở nên dung tục. Nhưng làm người thì phải sống đã, có tiền mới bay bổng được. Tiền phải đến từ đâu đó chứ, từ công việc ban ngày, từ vợ / chồng, từ nhà tài trợ, và tốt nhất là từ sản phẩm bạn tạo ra. Cách chứng minh bản thân nhanh gọn nhất là treo bảng “sold out”. Nghe bảo, tiền không làm thay đổi bản chất con người, nó chỉ làm lộ ra bản chất vốn có? Mình hi vọng cũng có ngày bộc lộ bản chất lắm đây.
Có một điều quan trọng mình thích trong chương này, tác giả nhắc nhở chúng ta, đừng quay lưng lại với một tác giả / nghệ sĩ ta thích bỗng trở nên bán chạy. Cái cảm giác ghen tị đó không chỉ xảy ra giữa bạn đồng trang lứa, mà còn giữa khán giả và nghệ sĩ. Giống như, khán giả cho rằng nghệ sĩ đang chạy theo vật chất, trở nên phổ biến, và họ không muốn làm một trong số đông đó. Cái tư tưởng này… Nếu sản phẩm vẫn luôn chất lượng, thì không có lý do gì để không ủng hộ sự nổi tiếng cả. Có lẽ chúng ta cần bớt tự yêu lại, cổ vũ thành công của người khác và cùng lúc cố gắng cho bản thân.
- Bền bỉ với thứ mình làm
Bạn có thể nghỉ mệt, tạm ngưng, ngắt kết nối, trì hoãn một thời gian, nhưng đừng bỏ dở quá trình. Phí lắm.
Cảm nghĩ
Cuốn sách rất ngắnnnnnn. Và mình hài lòng với chuyện đó. Một cuốn sách non-fiction nếu có thể viết ngắn, hãy viết ngắn. Vốn dĩ không có quá nhiều thứ mới để nói nhiều đến vậy, làm 1 2 ví dụ được rồi. Mấy cuốn non-ficiton mình đọc toàn nhét cả chục ví dụ và nghiên cứu vào chỉ để dẫn chứng cho đúng một câu cực kỳ cliche. Thật thiếu trách nhiệm với thời gian của người đọc.
Lý do mình chỉ cho cuốn sách 3.5* dù mình thích và bỏ công review, là bởi tác giả, đúng như tiêu đề sách Steal Like An Artist, dùng trích dẫn 1/3 sách. Nhưng đó cũng là một thái độ tốt, có những người dùng của người khác mà còn chả thèm chèn credit lấy một cái link. Nhân tiện, bio của ông ấy cướp từ người khác, mình thấy xinh nên cũng xin về luôn.
Bạn không nên kỳ vọng cuốn sách này sẽ chỉ cho bạn cách promote hay bí quyết tạo sản phẩm cho bạn. Nhiệm vụ của nó chỉ là thay đổi cách bạn nhìn về sự chia sẽ sản sản phẩm sáng tạo mà thôi. Nếu muốn biết cách thức cụ thể cho từng công việc, tốt hơn là xem những chia sẻ trong scenius của bạn.
Có một số bình luận 1* cho rằng cuốn sách này nông cạn, phù hợp với kiểu sáng tác nông cạn, họ thà làm deep work còn hơn đi chia sẻ lung tung. Ý kiến không sai, nhưng phiến diện. Nếu khuyến khích sự chia sẻ cho 100 người, có thể 99 người là nông cạn, nhưng biết đây lại có 1 người trong số đó dám chia sẻ một kiệt tác? Thường những kẻ tài năng không dám công khai thứ họ làm. Hơn nữa, việc chia sẻ không liên quan đến chuyện chuyên tâm làm việc. Bạn hoàn toàn có thể deep work rồi ngoi lên chia sẻ trên mạng xã hội. Kleon luôn nhắc đi nhắc lại Show Your Work, not your lunch. Để có work to show thì bạn phải do the work đã.
Chúc bạn có trải nghiệm đọc thú vị với cuốn này, link tải ebook đây hoặc mua bản dịch ở đây.