Non-Fiction, Psychology, Self-Help
Alphabooks
2016
352
Mình có thể thông cảm được vì sao người ta lại nghiện rượu và ma tuý, nhưng mình thấy thật khó hiểu khi nói đến nghiện Facebook hay mạng xã hội. Theo như bác sĩ Scott Peck viết trong cuốn Further Along the Road Less Travel, những người nghiện rượu hay ma tuý vô thức muốn quay về nhà (vườn Eden) bằng con đường tắt, thay vì đi thẳng về phía trước, người ta đi lùi để mau chóng đạt được cảm xúc sung sướng. Nhưng còn Facebook, những lợi ích và cảm xúc hưng phấn nó mang lại quá ít ỏi, vậy mà lại gây nghiện.
Nỗi thắc mắc của mình được giải đáp một phần khi đọc Deep Work (Cal Newport), và cũng vô tình mình biết đến ý tưởng “Ý chí của chúng ta có giới hạn” trong cuốn Willpower Rediscovering the Greatest Human Strength (Roy F. Baumeister & John Tierney). Mình muốn liên kết các ý tưởng ngẫu nhiên này để thử lý giải sự phi lý của cơn nghiện Facebook (và mạng xã hội) và trích lại những gợi ý của Cal Newport về cách thoát khỏi nó.
Disclaimer: Dù cố gắng lập luận chặt chẽ nhất có thể, nhưng mình chắc chắn vẫn bị confirmation bias, tức chỉ thu thập những dẫn chứng bổ sung cho quan điểm của mình. Nếu bạn có bổ sung gì thì cứ comment cho mình biết nhé.
Lợi ích (không đáng kể nhưng vẫn phải kể) của FB
Mình thường phải nhìn thấy video quảng cáo của Facebook trên Youtube. Ngoại trừ hình ảnh khá chán ra, video còn nêu lên những selling points không thuyết phục được mình mấy. Facebook cố gắng tạo một không gian đầy đủ các dịch vụ mà bạn chỉ việc có một account Facebook đã có thể ở trên đó cả ngày để giải trí, mua sắm, xem tin tức, kết nối mở rộng quan hệ, chia sẻ tri thức MIỄN PHÍ. Nhưng xét cho cùng, những lợi ích này khá tầm thường nếu đem so với các ứng dụng khác.
Giải trí
Facebook có đầy đủ các loại hình giải trí: tranh, ảnh, meme, nhạc, video, truyện cười, tản văn…, số lượng vô biên nhưng chất lượng thì cực kỳ giới hạn bởi số page bạn like, số người bạn follow. Bạn hoàn toàn có thể giám tuyển nội dung xuất hiện trên Facebook để tối ưu hoá thời gian ở trên đó, nhưng chuyện đó cũng mất nhiều thời gian và bạn phải biết chính xác bạn thích gì. Đáng tiếc là hầu hết chúng ta khá dễ dãi với nội dung giải trí ở Facebook, cái like rất dễ bấm, và không có dislike như Youtube để thuật toán thanh lọc giúp bạn.
Trong khi đó, nói đến giải trí mình sẽ nghĩ đến Youtube (hoặc Tiktok nếu bạn thích shortform). Dưới góc nhìn của creator, facebook dễ phát triển nội dung video hơn vì dễ chia sẻ hơn và tương tác hơn (1). Tính cạnh tranh của video trên Facebook thấp hơn so với Youtube, Facebook Watch nhảy liên tục không để bạn kịp phân vân, trong khi Youtube để bạn có 7s để lựa chọn. Điều đó đồng nghĩa với, dưới góc nhìn của người dùng, chất lượng của video Youtube được lựa chọn có mục đích hơn dù vẫn được app gợi ý khám phá nội dung mới.
Và ít nhất, sau khi tốn một ngày xem Youtube mình còn có thể an ủi bản thân rằng kỹ năng nghe Tiếng Anh của mình tăng lên.
Kết nối và xây dựng cộng đồng
Đây là selling point thứ hai của Facebook. Mình công nhận tính tiện lợi và lan toả của Facebook, nhưng bạn không thấy là tình bạn trên Facebook quá hời hợt à? Dăm ba bình luận, tin nhắn và tương tác like share không thể nào bằng cuộc gặp mặt trà đá được. Những người bạn xã giao trên mạng không đóng góp ý nghĩa quan trọng trong đời chúng ta, sao có thể thành lý do để tốn thời gian được.
Cứ cho là không thể gặp mặt mà phải sử dụng công nghệ, mình sẽ nghĩ đến email (dạng văn bản), Facetime (dạng nghe nhìn), và imessage (dạng tin nhắn). Những ứng dụng này có tính bảo mật cao, không thể thu hồi lời đã nói (imessage xoá được tin nhắn chưa nhỉ), và (email) tạo kết nối sâu sắc hơn. Và hơn hết, email chính nó là một bộ lọc, người email cho bạn không phải vì tiện và rảnh nên nhắn cho vui, mà thực sự có chủ đích. Nếu không muốn trả lời cứ vờ nhờ thư đã vào hộp spam, chứ ở Facebook nó cứ hiện lên số tin nhắn chưa đọc, và khiến mình có cảm giác buộc phải trả lời.
Với việc xây dựng cộng đồng trên Facebook, mình có thể hiểu được. Thực sự rất ngưỡng mộ những page có tương tác lớn, phát triển nội dung trên mạng xã hội cực kì khó khăn mà mình làm rất tệ. Nhưng cộng đồng trên Facebook, theo Cal Newport nhận định, chỉ là
“[…] thay thế sự trao đổi của chủ nghĩa tư bản vô tận bằng hình thức trao đổi của chủ nghĩa tập thể nông cạn: Tôi sẽ chú ý đến những gì anh nói nếu anh chú ý đến những gì tôi nói – bất kể nó có giá trị gì.”
Cal Newport
Thay vì dùng tiền để mua sản phẩm, bây giờ người ta mua sự chú ý bằng một sự chú ý khác. Bạn “thích” trạng thái mới cập nhật của tôi và tôi sẽ “thích” trạng thái của bạn. Thỏa thuận này tạo ra cho người ta một tầm quan trọng giả tạo mà không cần nhiều nỗ lực đáp lại, dẫn đến chất lượng nội dung cần được đặt dấu chấm hỏi.
Thu thập tin tức
Sự chia sẻ trên Facebook dễ lan toả, nhanh chóng, thông tin bỏ qua được nhiều trở ngại để đến được với nhiều người dùng nhất có thể. Nhưng các tin tức này là lợi ích cực kì nhỏ, và mang tính ngẫu nhiên được chăng hay chớ.
Kiến thức trên Facebook muốn có tương tác đều phải ngắn gọn, bắt mắt. Bấm Read more mà đổ xuống một tường chữ nghĩa thì não tự động từ chối đọc. Không ai muốn đang giải trí mà phải học cả. Bạn có thể nghĩ share về để dành đó học sau, nhưng hầu hết là sẽ xem lại?
Đối diện với www., bạn thường sẽ đọc, vì đó là thông tin bạn chủ đích đi tìm, bạn đọc chủ động. Với Facebook, bạn trong trạng thái bị động, não bạn tự động tắt nguồn không tư duy, dẫn đến thói quen không suy nghĩ và sự suy giảm khả năng chống lại sự sao lãng, khó tập trung làm việc. Bạn đã bao giờ đang đọc mà tự dưng thấy não bị đơ, mắt nhoà đi chưa? Nó nhớ những lúc không phải tốn năng lượng như khi xem Facebook đó.
Mua sắm
Đây là lợi ích nhỏ nhất của Facebook, đến mức không nên xem là lợi ích.
Tóm lại, những lợi ích do Facebook mang lại quá nhỏ, bạn luôn có nhiều lựa chọn hơn để sử dụng. Nếu chỉ vì một thứ có ích, không có nghĩa là chúng ta cần thiết phải dùng. Luôn có một thứ gọi là chi phí cơ hội đằng sau lựa chọn của bạn.
Vì sao lại nghiện mạng xã hội
Với những lý do trên, bản thân mình thấy không có lý do để phải nghiện Facebook (mà nghiện thứ khác). Nhưng vẫn có người nghiện nó, nên mình thử giải thích vài điểm xem.
Vì sợ bỏ lỡ
Chúng ta có khi sẽ cảm thấy phải online liên tục vì sợ sẽ bỏ lỡ tin tức quan trọng, một cuộc vui, một cái meme, hay có cảm giác phải trả lời các tin nhắn và bình luận ngay lập tức. Những người có tiếng tăm chút lại sợ khán giả quên mình và họ chỉ còn lại trơ trọi. Có lẽ mình bị bỏ lại trơ trọi quen rồi, nên dù cả năm không đăng status, không được thăm hỏi động viên cũng khiến mình không thấy bỏ lỡ gì. Đó là chưa kể, ở đấy ai cũng cố gắng để trông thật hạnh phúc.
Vì nhàm chán
Lý do này mình thấy nhiều ở người già. Việc lệ thuộc vào mạng xã hội để mua vui là vì bản thân người đó không có thú vui nào hoặc không có đủ phương tiện để giải khuây có ý nghĩa hơn việc lướt mạng xã hội. Nhưng nếu người trẻ cũng bị, mình e rằng có nguyên nhân sâu xa hơn.
Vì ý chí yếu đuối?
Con người hầu hết là loài có ý chí yếu đuối nhất luôn, bằng chứng là chỉ có mỗi Adam và Eva là bị cám dỗ để bị đuổi khỏi vườn Eden. Vì vậy lý do nghiện mạng xã hội không phải do ý chí chúng ta kém, mà vì chúng ta cạn kiệt ý chí, nghĩa là số lượng chứ không phải chất lượng của ý chí mới là vấn đề.
Trong cuốn Willpower Rediscovering the Greatest Human Strength, tác giả cho rằng lý do khiến bạn thất bại trong cuộc chiến ý chí là vì:
“Your willpower works like a muscle – if you exercise it too much, it gets worn out.”
Roy F. Baumeister & John Tierney
Nghĩa là, ý chí của bạn có giới hạn, nếu bạn dùng nó để chiến đấu, nó sẽ dần cạn kiệt và bạn sẽ thất bại trong cuộc chiến đường dài. Điều này áp dụng cho tất cả các cuộc chiến trong cuộc sống.
Những người nghiện Facebook thường có xu hướng giải quyết vấn đề một cách cực đoan là ngưng sử dụng hoàn toàn một thời gian, đăng lên cho mọi người biết rằng mình sẽ digital detox, sau một thời gian lại quay trở lại để đăng đàn về những giá trị của việc không sử dụng Facebook. Hoặc có những người bắt ép bản thân không được sử dụng Facebook để tập trung làm việc, nhưng chỉ được một thời gian lại cầm điện thoại và lướt mạng lại. Hành động này khiến họ thất vọng về ý chí và tính kỷ luật của bản thân, và tiếp tục chìm sâu vào sự trì trệ.
Những kiểu người không phụ thuộc vào mạng xã hội
Có những người trông có vẻ an nhiên tự tại, kỷ luật, không hẳn do ý chí sống họ mạnh, mà là họ không dùng đến nó để thiết lập lối sống. (2)
- Người giàu. Giàu thì nhiều thú vui hơn là phải ngồi một chỗ xem mạng. Có thể một số người sẽ bị nghiện checkin và nói đạo lý trên Facebook, nhưng họ giàu rồi thì tác hại của nghiện mạng không ảnh hưởng đến họ nhiều như người nghèo chúng ta, ít nhất là về tài chính.
- Những người tự chủ tốt thường là những người thích các hoạt động lành mạnh như tập thể dục, học hành, làm việc, ăn uống lành mạnh. Họ vốn không cần trui rèn ý chí để lành mạnh, bởi vốn đó là sở thích của họ. Hoặc có thể vì từ nhỏ họ đã sống trong môi trường lành mạnh. Hoặc có thể họ biết cách tạo ra những thói quen tốt để phục vụ mục đích sống, như Murakami chẳng hạn. Hoặc chỉ đơn giản là bản chất họ là những người không có nhiều nhu cầu, nên những thứ mà người khác thèm muốn thì họ lại không thích, chẳng hạn người không hảo ngọt thì không mê bánh kẹo, người ớn dầu mỡ thì không thích đồ ăn nhanh.
Để thoát khỏi mạng xã hội
Mình nghĩ rằng một khi đã nhúng chàm thì khó mà rút chân ra lại. Càng cố dùng ý chí thì càng có nguy cơ nghiện nặng hơn. Vốn dĩ mạng xã hội không xấu, nó chỉ là công cụ mà thôi, nên chúng ta có thể điều chỉnh cách sử dụng nó.
Một người kỷ luật là người không chạy ngang tiệm bánh khi đang chạy bộ, chứ không phải là người không ăn bánh khi thấy bánh trước mặt. Bạn đừng để bản thân phải rơi vào tình huống phải tranh đấu, mà chủ động tránh nó trước. Tại sao phải để bản thân chiến đấu với việc dùng điện thoại khi làm việc, trong khi có thể cất nó đi chỗ khác và sử dụng sau khi đã làm xong việc?
Ngoài ra, Cal Newport còn chỉ ra ba điểm quan trọng trong Deep Work giúp bạn điều chỉnh lại thái độ đối với mạng xã hội.
- Đặt câu hỏi về chi phí cơ hội. Trước khi dấn thân vào dịch vụ nào, ngoài câu hỏi về lợi ích (vốn dĩ cái gì chẳng được ca ngợi lợi ích), ta cần đặt thêm câu hỏi về chi phí cơ hội. Dùng cái này thì tôi mất gì? Thời gian/công sức/tiền bạc tôi dùng cho cái này có thể làm được gì tốt hơn không? Chẳng hạn, nếu bây giờ sử dụng mạng 30 phút, mình sẽ mất 30 phút làm việc, nếu tiếp tục làm việc mình lại mất 30 phút ngủ. 30 phút đó đánh đổi với thu nhập và giấc ngủ. Có đáng không? Nếu thay được thời gian cho mạng xã hội bằng một sở thích mới nào đó có mang lại niềm vui hơn không?
- Sự thiết yếu quan trọng. Thiết lập mục tiêu sống, để mọi hoạt động xung quanh xoay quanh nó. Sau khi có mục tiêu, bạn hãy bổ sung 2 – 3 hoạt động quan trọng nhất để hoàn thành mục tiêu. Ví dụ, nếu mục tiêu nghề nghiệp là thăng chức / có nhiều bài báo khoa học / ra sách, và mục tiêu cá nhân là có các mối quan hệ sâu sắc / dành thời gian cho người thân / tự do tài chính / đi du lịch nhiều hơn, bạn có thể thiết lập 2 3 hoạt động để phục vụ cho những mục tiêu này. Chọn những hoạt động cho ra lợi ích nhiều mặt, chứ không phải nhiều hoạt động mới tạo ra chút giá trị (quy tắc 80/20). Khi đó bạn sẽ thấy dùng mạng xã hội mang lại quá ít ích lợi đến mức không sử dụng cũng chẳng ảnh hưởng gì. Tốt nhất là dành sức lực tập trung vào những thứ đưa bạn đến gần với mục tiêu, thay vì phí sức chiến đấu với những con quái vật hút năng lượng.
- Không dùng mạng xã hội để giải trí. Nếu không dùng internet giải trí thì dùng gì bây giờ? Thư giãn không có nghĩa là phải cắm mặt vào điện thoại và không suy nghĩ gì cho đỡ mệt. Cal Newport gợi ý bạn nên suy nghĩ vào thời gian thư giãn. Nếu bạn sợ mệt khi suy nghĩ quá nhiều, thì đây:
“trí lực có khả năng thực hiện liên tục một nhiệm vụ khó khăn, không biết mệt mỏi như cơ bắp. Tất cả những gì chúng muốn là thay đổi, chứ không phải là sao nhãng hay nghỉ ngơi, ngoại trừ giấc ngủ.”
Cal Newport
Chẳng hạn, sau 2 tiếng làm việc tập trung, bạn có thể đứng dậy làm đồ ăn và nghĩ về cách làm đồ ăn cho ngon. Sau khi làm việc với số liệu bạn có thể đổi sang làm việc với tranh ảnh. Sau khi đọc sách bạn có thể nghe nhạc. Đi dạo và suy nghĩ về ý tưởng nghiên cứu. Quan trọng là chọn một suy nghĩ để đầu óc bạn bận rộn xử lý, tạo thói quen dùng não, thay cho cơn thèm mạng xã hội.
Tóm lại, bản thân mình sử dụng instagram để chia sẻ tranh mình vẽ, mình viết khá dài nên không dùng Facebook được mà phải dùng blog, nhưng vẫn có 2 account FB (một cái để thể hiện mình là người hiện đại biết sử dụng công nghệ, một cái để chia sẻ link công ty bắt buộc), một channel Youtube bỏ ngang vì mệt, từng dùng Tumblr và hiện giờ trầy trật chỉnh sửa wordpress website. Thế nên, mình không muốn nói rằng mạng xã hội là xấu, cũng không khoe khoang bản thân antisocial. Nếu antisocial mà chỉ ngồi không phán xét người khác và không tạo ra được giá trị gì, thì cũng không tốt đẹp gì hơn người nghiện. Mình chỉ mong bản thân và bạn của mình, không còn ngày ngày thức đêm thức hôm lướt mạng xã hội rồi ngủ đến tận trưa suốt tuổi trẻ. Trí lực và cuộc sống quá quý giá, không thể để một thứ với lợi ích quá nhỏ bé cướp đi được. (Lợi ích to thì sẽ xem xét…)
Refereces:
(1) For some creators, Facebook Watch beats YouTube, Digiday.com, Jan 2020
(2) Why willpower is overrated, vox.com, Jan 2020
Deep Work, Cal Newport
Willpower: Rediscovering the Greatest Human Strength, Roy F. Baumeister & John Tierney, 2011
Further Along the Road Less Traveled, M. Scott Peck M.D., 1998
One Reply to “Về chuyện nghiện mạng xã hội ft. Deep Work (Cal Newport)”