- Tác giả: Paul Auster
- Dịch giả: Trịnh Lữ
- NXB: NXB Phụ Nữ và công ty Văn hóa phương Nam, 2007
- Goodreads rating: 3.87/4 (What???)
Đây là cuốn sách mà mình cần những vài năm mới có thể bắt tay vào viết review. Lúc đọc xong chỉ biết thở dài ngẫm nghĩ một mình, cất lại vào tủ, quên lãng, thỉnh thoảng nhớ lại và ngẫm nghĩ tiếp, rồi lại cất vào căn phòng quên lãng, rồi lại lôi ra nghĩ tiếp. Mỗi thời gian mang ra nghĩ, chuyện lại mang dáng vẻ mới, ý nghĩa mới, có thể càng đến gần hơn với tác phẩm, nhưng cũng có thể đi xa hơn với tác phẩm. Mình cũng không rõ. Nhưng giờ mình nghĩ đến lúc phải viết về Trần trụi với văn chương và Paul Auster rồi.
Về tác giả
Paul Auster là tiểu thuyết gia hậu hiện đại người Mỹ nổi tiếng nhất cho đến nay. Lúc mới đọc Paul Auster, mình không hề biết ông thuộc hậu hiện đại, mình chỉ thấy tên sách rất nên thơ: Khởi sinh của cô độc, Lâu đài Ánh trăng, nhưng suy tư mang đậm tính triết học.
Trần trụi với văn chương là tác phẩm, không dám nói là hay nhất, nhưng là tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông, nhờ vào sự sáng tạo, mới lạ, hấp dẫn của cốt truyện và tính triết học của những ẩn ý ông muốn gửi gắm. Tên gốc của Trần trụi với văn chương là The New York Trilogy (Bộ ba truyện New York), nhưng nó chẳng mô tả gì về New York cả. Sở dĩ tiêu đề được dịch qua tiếng Việt lại thành Trần trụi với văn chương, vì theo dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ, là sát sao nhất với mạch chuyện và ý đồ của tác giả (1). Đây vẫn luôn là một trong những tiêu đề dịch mà mình tâm đắc nhất, dù thật ra mà nói nó không liên quan đến tác phẩm gốc cho lắm.
Cốt truyện
Ba truyện, theo như Paul Auster chia sẻ, là ba giai đoạn nhận thức của ông về cùng một chuyện. (2)
Truyện Thành phố thuỷ tinh (City of Glass) với nhân vật chính Daniel Quinn. Anh là một nhà văn trinh thám, thời gian rảnh anh đọc chuyện trinh thám và dạo phố. Chuyện bắt đầu khi anh nhận được những cuộc gọi nửa đêm từ một người lạ, gã ta nhầm anh với một thám tử tên Paul Auster. Sau cuộc gọi thứ 3, Quinn tự nhận mình là Paul Auster và chấp nhận cuộc hẹn với người gọi. Đối tác là một người đàn ông trẻ, anh ta kể câu chuyện trở thành đối tượng thí nghiệm của ông bố từ lúc còn nhỏ. Ông bố sắp ra tù, nên anh muốn Quinn (lúc này là Paul Auster) theo dõi bố anh để không bị ông ta làm phiền nữa. Sau một hồi truy lùng, Quinn mới nhận ra anh ta lại chính là một đối tượng thí nghiệm của một tay nhà văn khác.
Truyện Những bóng ma (Ghosts) kể về một anh thám tử tên Blue, được một người tên White nhờ theo dõi một nhà văn trinh thám Black. Cơ mà, Black có làm gì đâu ngoài đọc, viết và chiêm nghiệm. Blue dõi theo Black mà chán đến phát điên, đến mức anh ta tự tưởng tượng và viết ra những câu chuyện của Black để làm báo cáo, anh ta còn vẽ bản đồ khu nhà của Black. Vẫn còn thừa quá nhiều thời gian, anh ta chiêm nghiệm sự tồn tại của mình. Dần dần Blue nhận ra mình cũng y chang Black, nghi ngờ danh tính thực sự của bản thân, không phân biệt đâu là thực đâu là tưởng tượng. Black cũng nhận ra anh ta bị theo dõi từ lâu. Sau đó cả hai nhận ra mình đều là quân cờ bị White điều khiển, và gần như không thể thoát ra tình cảnh éo le ấy cho đến cuối truyện.
Truyện Căn phòng khoá kín (The locked room) lại kể về một nhà văn trinh thám có người bạn thân thuở nhỏ tên là Fanshawe. Một ngày nọ, vợ của Fanshawe gọi đến nhà văn để nhờ anh ta giúp đỡ về việc Fanshawe đã mất tích. Nhà văn quyết định sẽ trở thành thám tử thật để truy tìm Fanshawe trước tất cả những người khác. Cùng lúc, nhà văn đọc bản thảo mà Fanshawe đã viết, anh ta để lại một hướng dẫn cho nhà văn để nhờ xuất bản giúp cuốn sách ấy. Nhà văn đọc bản thảo và nhận ra sự tuyệt vời của nó, càng đọc nhà văn càng đến gần hơn với danh tính của Fanshawe, và cuối cùng trở thành một với người bạn của mình. Vì Fanshawe không trở lại, nên nhà văn đã kết hôn với vợ của Fanshawe, nhận nuôi con của Fanshawe, và xuất bản sách luôn cuốn sách của Fanshawe. Cho đến khi Fanshawe trở lại, anh đòi lại cuộc sống vốn là của mình. Nhà văn lúc này không muốn mất đi hạnh phúc đang có, nên từ chối liên hệ lại với Fanshawe, người vợ bảo rằng muốn bảo vệ cuộc hôn nhân này thì cả hai buộc phải nghĩ rằng Fanshawe thật đã chết. Cuối cùng, nhà văn hoàn toàn bị khủng hoảng danh tính, và quyết định dứt bỏ sự điên rồ ấy để sống lại cuộc đời bình thường.
Cảm nhận
Văn của Paul Auster lúc nào cũng đầy tính triết lý về cuộc sống. Người ta phân tích rằng ông theo chủ nghĩa vô thường, mình thì không thích cách phân loại chủ nghĩa. Nhưng có 3 điểm nổi bật lên trong cuốn sách này, và bạn cũng có thể thấy được qua cốt truyện, đó là: (1) Yếu tố trinh thám, (2) khủng hoảng danh tính, và (3) sự mập mờ/không chắc chắn (uncertainty).
- Yếu tố trinh thám
Dù trinh thám được nhắc đi nhắc lại trong truyện, nhưng lại không phải truyện trinh thám. Paul Auster, trong cuộc phỏng vấn A Life in Words (3), đã nói rằng: Trinh thám với ông chỉ là một hình thức để truyền đạt câu chuyện và mục đích ông muốn gửi gắm, chứ không phải là thể loại. Và dù rằng chỉ là một hình thức, nhưng ông làm tốt đến mức mình đọc vẫn cảm thấy hồi hộp, gây cấn theo từng diễn tiến của chuyện, chứ không chỉ lan man những suy tưởng.
- Khủng hoảng danh tính
Làm sao có thể nghĩ ra được một cốt truyện tầng tầng lớp lớp như vậy nhỉ? Đọc qua thì cứ nghĩ là hư cấu, tưởng tượng. Nhưng thực tế, đánh mất danh tính là chuyện xảy ra đầy rẫy xung quanh chúng ta sao? Chúng ta, cũng tìm thấy cuộc sống của người khác thú vị hơn, tuyệt vời hơn của mình, cũng bắt chước cuộc sống của người khác, cũng quơ quàng những cái tên nổi bật hơn vào tên của chúng ta để trông có giá trị hơn, cũng đắp lên người những thứ mà người chúng ta ngưỡng mộ sở hữu. Chúng ta dần biến danh tính bản sắc của mình thành một thứ na ná với người chúng ta ngưỡng mộ hoặc thậm chí từng ghét.
Nhân vật chính truyện đầu không thể thoát khỏi tình cảnh mắc kẹt của mình, đến truyện thứ thứ 2 và thứ 3 họ đã có thể thoát ra được sự khủng hoảng vào phút cuối. Đó là sự phát triển nhận thức mà Paul Auster muốn nhắm đến khi bảo rằng ba chuyện là ba tầng ý thức của ông. Tuy nhiên, mình nghi ngờ điều này trong đời thực, không phải ai cũng may mắn mà thoát ra được cái bẫy danh tính ấy.
- Sự hư ảo
Không có gì rõ ràng và chắc chắn trong suốt ba chuyện mà Paul Auster kể. Các nút thắt bị lật ngược qua lại, các suy tưởng không chắc chắn, nhân vật chính không biết đâu mới là thật là ảo dù vẫn hoàn toàn tỉnh táo sáng suốt. Trong cuộc phỏng vấn, ông tóm gọn lại một câu cho cả ba truyện: “learning to live with ambiguity” – “hãy học cách sống với sự mập mờ.” (4)
Một nhà văn mình thích cũng từng theo chủ nghĩa hư vô là Frédéric Beigbeder. Đã từng theo. Nhưng sau đó ông đã trở lại với tôn giáo ở cuối hành trình đi tìm sự bất tử trong cuốn “Một cuộc đời bất tận”. Thành thật mà nói, mình không ưa gì chủ nghĩa hư vô, nhưng phải công nhận những tác giả theo kiểu này có bản sắc rất đậm đặc mà mình rất thích. Còn lý do mình không thích chủ nghĩa hư vô mình sẽ cho vào review khác về Frédéric Beigbeder.
Kết luận
Từ lúc mình đọc cuốn sách này đến nay cũng đã 5 năm rồi, mình thực sự đã quên gần hết các chi tiết, lời thoại, câu trích dẫn ấn tượng. Con người vốn là động vật mau quên lãng mà (hoặc đơn giản vì đầu óc mình tệ lậu). Nhưng mỗi lần nhắc đến cuốn này, đầu mình luôn xuất hiện một hình ảnh: một người đàn ông tên Quinn mặc áo da dáng dài, cổ áo dựng cao đầu đội mũ beret, một bên miệng ngậm điếu thuốc đang cuộn khói, hai tay xỏ vào áo, trong một ngày xám xịt lành lạnh đầy sương mù, trên đường phố ẩm ướt thưa người, tựa người vào cột đèn và nhìn vô định vào ô cửa bên kia đường. Nhìn nhưng không nhìn, chỉ lờ mờ những suy tưởng lướt qua trước đôi mắt nhăn nheo.
Mình hoàn toàn không biết cảnh này có trong truyện hay không hay mình bịa nó ra trong đầu, mình thường không phân biệt được tình tiết do mặt chữ tạo ra hay thước phim do đầu óc mình tạo nên. Mà không phân biệt được cũng chả sao, vốn dĩ mình cũng không hiểu được chuyện gì đang xảy ra của đời thực mà.
References:
(1): Trần trụi với văn chương, Trịnh Lữ, VN Express
(2), (3) & (4): Paul Auster: I Don’t Even Know if The New York Trilogy is Very Good.
One Reply to “|Review| Trần trụi với văn chương – Paul Auster”