Không thể nào nêu lên một con số chính xác cho nghệ thuật đương đại khi đây chính là nghệ thuật đang tiếp diễn hằng ngày, chúng ta sẽ không biết được hôm sau sẽ có ai đó tạo ra một trào lưu gì mới ghi danh vào dòng chảy lịch sử của nghệ thuật đương đại. Như ảnh bên dưới mình lấy từ wikipedia, số lượng trào lưu nhiều không tưởng.
Tuy nhiên, nhìn từ giai đoạn sau năm 1980s đến giờ, ta vẫn có thể gọi tên một số trào lưu chính cùng với những nghệ sĩ đại diện.
1. Abstract art
Nghệ thuật trừu tượng phát triển từ suốt thế kỷ 20, nghĩa là từ modern art, và kéo dài đến hiện tại. Trường phái này sử dụng màu sắc, hình khối, hoa văn, dáng vẻ phi tự nhiên, không có tính đại diện cho đối tượng sự vật sự việc cụ thể.
Người ta thường bảo nhìn tranh tượng trừu tượng không hiểu gì nên tỏ ra không thích, nhưng thực ra đấy mới chính là ưu điểm lớn nhất của tranh trừu tượng. Nó không giới hạn tâm trí của người thưởng thức vào một đối tượng hay khung cảnh nào, mà hoàn toàn để họ tự do với trí tưởng tượng của mình. Tương tự như đối với nhạc cổ điển, các bản giao hưởng thường chỉ đặt theo số chứ không có tên cụ thể, người nghe sẽ tự mình tạo nên câu chuyện cho những nốt nhạc trừu tượng kia.
Nghệ thuật trường tượng là một trường phái rộng lớn gồm nhiều trào lưu như: Siêu thực (Surrealism), Dadaism, Lập Thể (Cubism), Dã Thú (Fauvism), Hình Học (Geometric art), Tối Giản (Minimalism).
Có vô số các bậc thầy trừu tượng đại diện cho trường phái này, ở đây mình xin kể đến những người mình yêu thích:
Vasily Kandinsky (1866–1944), sáng lập nên Geometric art.
Mark Rothko (1903-1966), ban đầu trong hội hoạ biểu hình (Figurative art), sau đó chuyển sang nghệ thuật trừu tượng, nổi tiếng với những bức tranh chỉ dùng màu tạo ra những hiệu ứng thần thánh.
Zao Wou Ki (1920 – 2013), là một trong những nghệ sĩ đương đại đắt giá nhất hiện nay, các tác phẩm màu sắc sáng, ấm, chuyển màu mềm mại tạo nên âm hưởng êm dịu cho người xem.
2. Pop Art
Nếu bạn không biết đến Pop Art, bạn vẫn có thể thấy ảnh này của Marilyn Monroe ở đâu đó trên internet hoặc tranh treo tường của quán cà phê nào đó.
Nghệ thuật đương đại gần như được mở màn bởi Pop Art. Nói nôm na dễ hiểu, đây là trào lưu khắc họa văn hóa đại chúng (popular) và sử dụng lại các sản phẩm thương mại như một tác phẩm nghệ thuật dễ tiếp cận. Người tiên phong cho trào lưu này là Andy Warhol và Roy Lichtenstein từ những năm 1950s đến 1970s.
Andy Warhol và Pop Art không chỉ là hình ảnh sặc sỡ nông cạn của Marilyn Monroe, mà còn mang tính trào phúng văn hoá, chính trị, lề thói của đại chúng. Sẽ có một bài riêng về Andy Warhol để làm rõ hơn về nghệ thuật của ông.
Sau này, trong những năm 1980s, Pop Art được tái sinh dưới cái tên mới Neo-Pop Art nhờ những nghệ sĩ như Jeff Koons – người nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc khổng lồ và kệch cỡm (nhưng vô cùng ấn tượng). Có rất nhiều khu giải trí đã sao chép nghệ thuật của ông với một trình độ tàn tệ, và mình không thể nói đó là ở đâu. You know if you know.
3. Conceptual art
Nghệ thuật Nhận Thức là trào lưu nghệ thuật chú trọng vào ý tưởng, khái niệm đằng sau tác phẩm hơn chính tác phẩm. Trào lưu này bén rễ từ đầu thế kỷ 21 và nổi lên thành một dòng chính của nghệ thuật đương đại trong những năm 1960 và kéo dài đến hiện tại.
Nghệ sĩ đại diện của trào lưu này phải kể đến Damien Hirst và Ai Wei Wei. Damien Hirst mình đã có nói qua ở bài Nghệ thuật (không) bán nghệ thuật, và chắc chắn sẽ có bài viết sâu hơn về những ý niệm sau các tác phẩm của ông.
Đối với Ai Wei Wei, mình cũng mới biết đến khi đọc các thông tin bài trừ bán nghệ thuật. Ông là nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất còn sống, và không bao giờ muốn bán nghệ thuật của mình. Bởi nghệ thuật của ông là một hình thức hoạt động vì nhân quyền và tác động lên xã hội.
4. Performance Art
Có cùng thời gian phát triển với Nghệ thuật Nhận Thức, Performance Art bắt đầu vào những năm 1960s, lấy cảm hứng từ kịch. Dù kiểu nghệ thuật này được biểu diễn bởi nghệ sĩ, nhưng không nhằm mục đích giải trí mà truyền tải một thông điệp hoặc ý tưởng.
Đại diện nghệ sĩ cho trào lưu này là Yoko Ono. Bà thường được biết đến nhiều với danh xưng vợ John Lennon, nhưng ít ai biết bà là một nghệ sĩ với sức sáng tạo vô cùng độc đáo và đa tài. Trong tác phẩm Cut Piece (1964), bà quay một đoạn phim của chính bà đang ngồi trên cây dương cầm, mời khán giả từng người tuỳ ý cắt từng mảnh trên quần áo của bà và mang đi. Ý tưởng đằng sau tác phẩm này chính là “cách xem mà không có trách nhiệm có thể gây hại hoặc thậm chí phá hủy đối tượng tri giác.” (theo Art and Feminism, Helena Reckitt). Hay nói thẳng ra, nghệ thuật thanh thuần hay khiêu dâm là do ở đôi mắt của bạn.
5. Installation art
Nghệ thuật Sắp Đặt là một thể loại nghệ thuật của các tác phẩm ba chiều thường có địa điểm cụ thể và được thiết kế để chuyển đổi nhận thức về một không gian. Thường thì tác phẩm có kích thước lớn, tạo nên một môi trường có thể tương tác được nhiều chiều.
Nghệ sĩ đại diện cho trào lưu này là Yayoi Kusama, Bruce Munro. Thật khó để xếp Yayoi Kusama vào trào lưu nào cố định khi bà tạo nên những trào lưu khác chỉ của riêng bà, một mình bá chủ một phương. Bà tạo ra polka dots, những tác phẩm có những chấm bi trang trí. Bà nói rằng: “Trái đất của chúng ta chỉ là một chấm bi trong số một triệu ngôi sao trong vũ trụ. Chấm bi là một cách để dẫn đến vô cùng.” (theo Tate). Bà cũng tạo nên Pumpkin art, nghệ thuật bí ngô, và những điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt hình bí ngô trở thành biểu tượng của Yayoi Kusama.
6. Digital Art
Những tín đồ công nghệ và nghệ thuật sẽ không thể nào bỏ qua loại nghệ thuật kỹ thuật số này được. Kể từ khi Digital Art ra đời, nó đã xoay chuyển vũ trụ nghệ thuật hoàn toàn, giữa người xem và nghệ thuật dường như đã bị xoá mờ cái “khoảng cách” trong truyền thuyết.
Khi nhắc đến Digital Art thì không thể không nhắc đến Teamlab, bảo tàng kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới. Điều đặc biệt của Teamlab là mỗi không gian triển lãm sẽ không cố định một triển lãm nào, mà sau một thời gian, sẽ thay đổi nội dung triển lãm. Tổng diện tích triển lãm là 10.000 m2, sử dụng 520 máy tính và 470 máy chiếu, cộng với chế độ tạo gió, nước, tạo trải nghiệm 5 giác quan. Mỗi năm có khoảng 2.300.000 người tham quan ở các chi nhánh bảo tàng (Tokyo, Osaka, singapore vân vân), tức thu nhập chỉ của chương trình triển lãm, chưa tính chi phí, là 8.050.000.000 yên tức khoảng 1610 nghìn tỉ VND mỗi năm.
Ngoài Teamlab, hiện nay các bảo tàng ở Mỹ, Pháp cũng đã ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để triển lãm các tác phẩm kinh điển của các nghệ sĩ vĩ đại như Van Gogh, Monet, Klimt.
7. Crypto art
Crypto Art là trào lưu nghệ thuật mới đến nỗi mình không biết dịch sang Tiếng Việt thế nào. Nghệ thuật tiền điện tử ư? Nghe khá là xôi thịt. Đây là loại nghệ thuật được mã hoá (code-generated) và nhận dạng dưới dạng NFTs (non-fungible tokens). Nghĩa là một bức tranh sẽ được mã hoá và gắn với một token duy nhất, tính duy nhất của token cũng chính là tính độc nhất của tác phẩm, theo cách hiểu thiển cận của mình là vậy.
Crypto art tận dụng lợi thế của công nghệ blockchain, nổi lên từ năm 2020. Nghệ sĩ kỹ thuật số Beeple bán bức tranh NTF của mình được 69 triệu đô la tại Christie’s (cao hơn cả tranh Monet). Đây là tiền đề để những nghệ sĩ kỹ thuật số có thể tự tin tiếp tục sáng tạo ra những tác phẩm dựa vào phát triển công nghệ. Beeple còn bảo: “nó (NTF) dễ lắm luôn á”. Vâng, làm giàu thật không khó chút nào.
Ngoài những trào lưu kể trên, còn rất nhiều trào lưu khác mà mình không thể kể hết được, một phần vì không quá yêu thích, một phần vì dung lượng bài đã dài. Chẳng hạn bạn có thể đã nghe qua những trào lưu này: Ảnh hiện thực (Photorealism), Earth Art / Land art (mà từng nhắc đến các nghệ sĩ Christo and Jeanne-Claude trong bài Nghệ thuật (không) bán nghệ thuật), hay Street Art (đại diện là Banksy), hay virtual art.
Chúng ta không biết được nghệ thuật đương đại sẽ phát triển theo hướng nào, tạo thêm những trào lưu nào. Có thể ứng dụng nhiều công nghệ hơn? Hay quay về với các chất liệu truyền thống như câu old school is a new school? Không biết được. Nhưng cũng thật may mắn vì đang sống trong một kỷ nguyên đầy biến động để được chờ đón những đứa con tinh thần mới của thời đại, bởi sự sáng tạo là vô hạn.