(Để mạch chuyện được thông suốt, bạn hãy dành thời gian đọc phần 1 trước nếu chưa đọc nhé.)
Phần 1 – Hai đường thẳng cắt nhau
– Em nhìn kìa, cây dương xỉ mọc được ở góc này này!
– À, dương xỉ từng phủ khắp mặt đất gần cả 500 triệu năm trước mà, góc này có nhằm nhò gì. Mà em đố anh nhé, dương xỉ thuộc ngành nào, hạt trần hay hạt kín?
– Hmm…hạt trần?
– Không, là ngành dương xỉ cơ, lớp 6 đã được học bài này rồi mà nhỉ. Anh thấy không, nếu có kiến thức anh sẽ luôn có lựa chọn thứ 3, thay vì chỉ loanh quanh giữa hai lựa chọn do người khác đưa ra.
– Có nhiều lựa chọn sẽ càng mệt mỏi thôi, không phải sao?
– Đúng vậy, em chưa bao giờ nói có tri thức sẽ sung sướng. Có lẽ vẫn nên chọn sai và không biết mình chọn sai mới sống dễ chịu được.
– Em đang chọn đúng hay sai?
…
***
– Anh này, không khí xung quanh anh… giống như một kỳ nghỉ vậy.
– Nghĩa là bên anh em thấy thư thái vui vẻ à?
– Có thể nói vậy cũng được.
– Còn có cách nói khác sao em?
…
***
– Anh muốn uống cà phê không? Hộp cà phê của em cứ như niêu cơm Thạch Sanh ấy, mẹ em cứ đến và bỏ thêm vào.
– Niêu cơm gì cơ?
– Niêu cơm Thạch Sanh. Anh biết chuyện cổ tích Thạch Sanh đúng không?
– Có, anh biết.
– Nhưng không biết niêu cơm Thạch Sanh?
– Ừ… là gì vậy?
– Là niêu cơm thần do Thạch Sanh tạo ra để đãi quân địch, ăn không bao giờ hết, cứ hết rồi lại đầy ấy.
– À, ý em là hộp cà phê của em luôn đầy phải không? Thế sao em không nói đơn giản như vậy, ví von làm gì cho khó hiểu.
– Vì em đã quen lối nói ẩn dụ với những người trong thế giới của mình. Em tự hỏi, làm sao người ta có thể sống bên nhau và trò chuyện mỗi ngày suốt 50 năm nếu không biết liên tưởng, ví von và hài hước nhỉ.
– Có lẽ thế giới của anh người ta cũng không có nhiều thứ cần nói đến thế.
***
– Sao anh chưa về nữa? Mẹ sẽ lo đấy.
– Em cho anh ở lại một chút nữa đi, anh không biết phải đối mặt với mẹ thế nào. Cảm giác có lỗi quá.
– Trước sau gì anh cũng phải về mà, trì hoãn từ sáng đến chiều như này chỉ làm trầm trọng thêm cảm giác tội lỗi mà thôi.
– Anh biết…
– Anh nên biết cả hệ thống hành vi của mình chứ không chỉ riêng chuyện này đâu.
Ngày đầu tiên hẹn em đi chơi, dù em đã nói rõ em chỉ rảnh từ 6:30 đến 8:00 nên hãy báo thời gian và địa điểm sớm để em chuẩn bị, nhưng đến 6:33 anh mới xác nhận thời gian. Lần tiếp theo, anh nói rằng mình sẽ gặp nhau vào chủ nhật, nhưng đến thứ 7 em hỏi lại lịch hẹn thì anh hoàn toàn làm lơ. Em báo anh lịch làm việc cố định của mình, nhưng anh luôn đến bất ngờ không báo trước. Nếu hẹn cùng đi đâu anh sẽ luôn đến trễ hơn em nửa tiếng và không hề thấy chuyện đó là vấn đề. Chỉ với em thôi mà đã có nhiều dấu hiệu thế này, nghĩa là đời sống cá nhân của anh cũng trì hoãn bung bét cả lên. Nếu anh cảm thấy khó hiểu tại sao mình lại không có được thứ mình muốn, thì có lẽ tính cách này có thể giải thích được.
– Em nhớ tất cả những chuyện vụn vặt ấy sao?
– Đầu em là một cỗ máy thu thập và xử lý thông tin. Em chỉ đưa ra kết luận chứ không phải phán xét. Thật ra em nghĩ có khi sống như anh mới có thể hạnh phúc được.
– Em đang mỉa mai anh à?
– Không đâu, em nghiêm túc đấy. Em luôn nghĩ người có thể uống cà phê sáng trước khi đi làm và nhậu với bạn được sau giờ làm là người hạnh phúc nhất, người trễ nãi mà vẫn bình chân như vại chính là người nhẹ nhõm nhất. Em không làm được chuyện đó, không bao giờ làm được, nên em có chút ngưỡng mộ lối sống buông thả của anh. Nếu là em, em sẽ giết mình vì cảm giác vô dụng mất. Nhưng nhìn anh xem, anh vẫn cười khì khì mỗi ngày, và còn có thể bên cạnh em nữa này.
– Gọi là gì nhỉ, gì mà “đãi kẻ khù khờ ấy”?
– “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. Nhưng về đi anh, đừng để mẹ đợi lâu như vậy.
***
– Sau này, em nhất định phải tìm được người lo lắng cho em nhé, cả tài chính lẫn tinh thần, đừng phí thời gian vào người như anh. Rồi em sẽ tìm được thôi, em giỏi thế mà.
…
Em cười gì thế? Anh đang nghiêm túc mà sao lại cười?
Em, em nói gì đi, đừng cười nữa anh sợ lắm!
– Em nói nghe này, nói mấy câu đạo đức ấy không khiến anh tốt đẹp hơn được đâu, và dù có tỏ ra nghĩ-cho-em thì nghe vẫn rất hèn. Tìm người như thế nào là việc của em, nhưng quan trọng là câu đấy không nên được nói ra từ miệng một người đang tán tỉnh em. Thế anh đang nghĩ, quen nhau một thời gian rồi anh sẽ giải thoát cho em để em đến được với người tốt hơn anh? Là em phải biết ơn anh? Là chúng ta sẽ có một cuộc chia ly đẫm nước mắt vì không thể rời xa nhau? Anh tốt đẹp thế sao không từ bỏ ngay từ giờ luôn.
– Em…em thật là kinh khủng!
– Cảm ơn anh đã khen. Lại đây em sấy tóc cho nào.
***
– Em học được rất nhiều điều từ anh đấy, anh biết không?
– Vậy à, cho anh biết đi để anh thấy tự hào nào.
– Ở bên cạnh anh, em nhận ra mình không thích ở với người khác.
– Gì vậy em, chẳng vui gì cả.
– Không phải em muốn phàn nàn về anh, chỉ là em quan sát cảm xúc chính mình thôi.
Em không thích cảnh em nấu ăn trong khi người khác ngồi chơi điện thoại. Có thể đó với họ đó là khung cảnh ấm áp gia đình, nhưng em muốn hai người cùng nấu nướng và trò chuyện hơn. Em ghét tiếng người ấy cười lớn trong khi em đang phải làm việc. Với người khác đấy là sự thoải mái ở cùng nhau, với em nó là sự thô lậu. Và khi nhắc nhở họ nhỏ tiếng lại, em sẽ bị gán cho đặc tính “khó tính, hay cằn nhằn”. Em ghét người khác bấm móng tay rơi vung vãi dưới nền nhà nhưng không tự giác quét đi. Em ghét mỗi lần em im lặng hay khó ở, người ấy đều hỏi “em đến ngày à?” như thể lỗi là ở cơ thể em chứ họ không liên quan gì đến cảm xúc của em cả. Em ghét khi em mở rộng cuộc hội dài hơn, liên quan đến một kiến thức nền, em lại phải kể lại từ đầu, còn người ấy thì tỏ ra thản nhiên như thể không biết kiến thức thường thức là một điều rất bình thường trong cuộc sống của họ. Em ghét phải ở cạnh một người quá nhiều và quá lâu, cảm giác như bị tước mất oxy vậy.
– Vậy là…em không thích ở cạnh anh?
– Chính xác hơn là em thích ở một mình. Vấn đề ở em nhiều hơn là ở người khác.
– Được rồi, anh về đây.
– Để em mở cổng cho anh.
***
– Anh ăn tối chưa, em nấu luôn cho anh nhé?
– Em cứ nấu cho em đi, ăn không hết thì anh ăn giúp cho.
– Em hỏi là: anh. đã. ăn. chưa, em có thể nấu cả phần của anh mà.
– Anh không muốn làm em vất vả thêm, anh ăn cơm với thứ gì cũng được chứ chẳng cần nấu thêm món đâu.
…
– Em sao vậy? Sao không nói gì cả.
– Em giận à? Nói gì đi em.
– Anh biết em ghét nhất điều gì ở anh không? Không, phải nói là ở kiểu người như anh. Đó là anh thực sự tin rằng: không làm phiền đến người khác, cố chiếm ít không gian nhất, cố thu nhẹ gánh nặng nhất, cố chọn lấy phần lợi ích bé nhất sẽ làm cho đối phương yêu thương và chấp chứa được mình. Nhưng, trời ạ, em ghét cay ghét đắng kiểu hèn mọn bạc nhược ấy. Tại sao anh không nỗ lực chứng minh anh xứng đáng với sự quan tâm của em bằng cách trau dồi qua thời gian? Tại sao thay vì ngày càng trở nên cao lớn trưởng thành để em ngưỡng mộ, anh lại có thu nhỏ mình lại để em không thấy chướng mắt? Anh định sẽ thu nhỏ đến bao giờ, đến khi chỉ bằng một hạt bụi để em thở dài là bay đi mất hút sao? Anh có biết sự hèn mọn của anh làm em trở thành người xấu luôn phải gào lên phàn nàn không. Em ghét thấy mình trở nên xấu xí nhỏ nhen cáu kỉnh như vậy.
– Anh…xin lỗi, đừng tức giận nữa. Đừng ghét anh nhé!
– Em không ghét anh. Em ghét những điều anh làm khiến em có cảm giác ghét anh.
– Em không còn thích mùi của anh nữa à? Em không thích anh đợi em cùng đi dạo, không thấy anh đẹp trai, không thấy dễ chịu ở cạnh anh nữa sao?
– Đừng ôm em lúc này.
– Em… Còn em thì sao?!
Em có biết anh phải chịu đựng sự xấu tính của em đến thế nào không? Lúc nào cũng “Em bận!”, “Em có việc!”. Cắt ổi thành miếng rồi mới rửa có khác gì rửa rồi mới cắt sao em cứ phải khó chịu vì mấy chuyện vặt vãnh ấy? Bên cạnh em anh thành một kẻ rảnh rỗi vô tích sự càng ngày càng tự ti. Anh chỉ định thích em vì em xinh, sao em không thể chỉ xinh thôi, sao phải khắc nghiệt thế để làm gì? Em định sống một mình đến già phải không?!
.
.
.
– Em nghĩ đến đây là đủ rồi.
Em đã muốn được nghỉ ngơi. Em biết ơn anh đã để em được thư giãn bên anh, nhưng em đoán kỳ nghỉ đã kết thúc. Mình đừng nói thêm gì nữa để giữ chút tôn trọng cho nhau.
– Cảm ơn em. Có lẽ anh cũng dò nhầm tấm vé số độc đắc của mình rồi.
***
– Sao mấy hôm nay mẹ không thấy con nhắc tới bạn gái nữa? Chia tay rồi à?
– Dạ.
– Nó chia tay mày chứ gì! Mày lại làm gì vậy con!
– Không hợp nhau thôi.
– Đời mày…rồi ra sao đây hả con!
– Mày và anh chàng “lá môn” dạo này sao rồi?
– Nước đổ lá môn thật rồi.
– À, tao cũng không lạ gì mày.
…
– Nhưng mày biết không, hồi nhỏ tao rất thích đổ nước lên lá môn rồi nhìn nước tráng một lớp bạc lấp lánh trên lá ấy. Nên là…nếu không có lá môn, tao cũng không biết được nước có thể đẹp đến thế.