Một khi đã thích tác giả nào, một cuốn sách không đủ để mình khái quát được tâm hồn và tính cách của người viết, nên mình đọc bằng hết sách của họ mới thoả mãn. Đến mức độ ấy, việc đọc không chỉ dừng lại ở sự yêu thích tác phẩm nữa, mà là một hành động ái mộ, cố gắng đến gần với đối tượng tạo ra tác phẩm. Khi đã yêu thích một người, hầu như nội dung sản phẩm không còn quá quan trọng với bạn, bạn tìm đến họ vì bạn nhung nhớ họ mà thôi.
Vì sao mình thích Cal Newport
Thật dễ dàng, nhưng cũng thật khó khăn để tìm ra một cuốn sách thật sự có ích, khi vài ý tưởng chung “dậy sớm / lập kế hoạch / luyện tập hằng ngày / tiết kiệm tiền / đầu tư vào Index fund” lại cần đến hàng triệu giọng văn nhắc đi nhắc lại. Vậy điều khác biệt duy nhất khiến tác giả này hơn tác giả kia, chính là tính cá nhân đậm đặc của họ, và Cal Newport cho mình thấy điều đó.
Cal Newport xuất phát là một sinh viên ngành Khoa học máy tính, theo hướng học thuật và hiện giờ là giáo sư Khoa học máy tính. Từ thời sinh viên ông (hay anh?) đã phát triển blog Study Hacks chia sẻ những cách học và làm việc hiệu quả. Tính ra background của ông cũng chẳng quá ấn tượng, điều ấn tượng mình là sự cực đoan của ông. Sự cực đoan của một người có học thức, hiểu rằng luôn có khả năng sai sót, nhưng vẫn lập luận chặt chẽ và tin vào quan điểm của mình. Nếu bạn đọc từ cuốn thứ 2 trở lên, bạn sẽ thấy Cal Newport tự biết bản thân cực đoan, ông xưng tôi ở hầu hết các quan điểm, nhưng giọng văn vẫn khiêm nhường, vẫn dẫn ra những luận điểm trái chiều (thu thập từ chính người đọc của ông) và phản biện lại bằng những nghiên cứu và dẫn chứng. Hiếm có tác giả nào thể hiện rõ sự cực đoan trong tác phẩm, vì như vậy sẽ gây mích lòng người đọc. Có những người cố gắng thể hiện quan điểm cá nhân quá gây gắt lại trông lố bịch. Newport là một sự cực đoan điềm tĩnh, làm mình nhớ đến cụ Nguyễn Duy Cần.
Lối sống của Newport thống nhất với lối tư duy của ông. Ông bài trừ truyền thông, mạng xã hội, cổ vũ sự tập trung tuyệt đối và cả sự cô độc. Người ta dễ thấy nội dung sách của ông tập trung vào học tập và làm việc hiệu quả để đạt mục tiêu thực dụng, nhưng lại ít để ý đến điều cốt lõi ông hướng đến chính là cuộc sống tinh gọn, tự do, và có ý nghĩa. Nghe hơi giáo điều, nhưng nếu trụ cột công việc của bạn không vững chãi, tất cả những trụ chống khác sẽ gãy đổ theo. Newport là ví dụ cho câu “old school is a new school.” Tất cả những gì mà người ta ca ngợi cho ông, “bước ngoặt” hay “định nghĩa mới,” đều là sự tìm về lối sống cô độc bình lặng của các bậc thầy trí thức. Mình tin vào tất cả những con người bỏ hàng giờ ra đi bộ một mình, không phải để tập thể dục, mà để trả lời những câu hỏi lớn trong đầu.
Việc mình thích Cal Newport thuần tuý là sự cộng hưởng. Ngẫu nhiên, tư tưởng và lối sống của mình phù hợp với Cal Newport nên mình yêu thích, chứ không hẳn vì ông ấy quá xuất chúng (à, có một chút vì ngoại hình sáng sủa tử tế trẻ trung của tác giả nữa..). Thế nên, bạn không thích Newport và thấy mấy cuốn của ông ấy bình thường cũng không phải chuyện lạ. Cụ Cần bảo rồi, không ai dạy ai được gì, chỉ có người này thấy được tiếng vọng của tâm hồn mình ở câu chữ của người kia mà thôi. Điều này có thể mang đến bẫy tư duy “confirmation bias,” nhưng ít nhất, sau khi đã tìm hiểu nhiều quan điểm đối lập nhau, người ta cũng phải chọn tin một thứ gì đó chứ.
Các tác phẩm
How to become a straight-A student
- Nội dung
Mình chưa review về cuốn này, nhưng nếu review, mình sẽ viết rằng: đây là cuốn sách mà sinh viên nên đọc khi bước vào đại học. Không phải mấy kiểu lý tưởng chú trọng trải nghiệm như Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu đâu. Việc học, dù thế nào đi nữa, là việc tối quan trọng, điểm số cũng vậy, cần học cách đạt điểm số cao nhất, thu được nhiều kiến thức nhất, với thời gian ít nhất. Khi chuyện học đảm bảo rồi, sau đó hẳn nói đến chuyện trải nghiệm bên lề trường lớp sau. Cuốn sách viết lúc Cal Newport thời sinh viên, nên không quá nặng về mặt lý thuyết như những cuốn sau này. Bạn đọc có thể áp dụng ngay những tips học cực kỳ chi tiết (như viết luận, đọc tài liệu, tìm kiếm nguồn tham khảo,…) để không phải dành quá nhiều thời gian cho việc học, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
- Mình học được gì
Mình đọc cuốn này khi đã luống tuổi sinh viên, trong tâm trạng ngập tràn hối tiếc. Tiếc vì không đọc sớm hơn để chỉnh đốn tư tưởng lệch lạc của thời sinh viên. Cách thức lập kế hoạch hằng ngày trên sổ tay mà Cal Newport giới thiệu trong cuốn này mình đã áp dụng hơn hai năm rồi, và không có ý định thay đổi. Chia trang sổ thành hai cột, cột bên phải liệt kê ra những việc cần phải làm không cần phải theo thứ tự ưu tiên (có thể viết thêm việc phát sinh trong ngày cùng với deadline); cột bên trái sắp xếp các việc bên phải vào các block thời gian. Chẳng hạn, 7:00 – 8:00 đọc chương III môn Kinh tế vĩ mô (phải ghi cụ thể từng task nhỏ để não bạn không bị sợ với một cục công việc mà lười biếng). Cuối ngày thêm những việc phát sinh vào lịch tuần/tháng. Thời gian đầu mình lên các block thời gian sẵn cho các đầu việc, nhưng sau này mình để cột bên trái làm nhiệm vụ theo dõi tiến độ và hiện suất công việc nhiều hơn là lên kế hoạch, nghĩa là làm đến đâu mình sẽ block thời gian đến đó. Khi công việc không quá biến động, bạn sẽ tự biết được việc gì làm vào thời gian nào rồi, nên đo lường hiệu suất quan trọng hơn.
So good they can’t ignore you
- Nội dung
Tên tuổi Cal Newport lên như diều gặp gió sau khi cuốn này ra đời, vì nó tạo ra một trường phái công việc mới: “Kỹ năng đi trước đam mê”, và kỹ năng đó phải hiếm và có giá trị. Nội dung cụ thể mình đã nhét vào ở bài viết trước. Khi viết So good they can’t ignore you, Newport cũng trong hành trình tìm kiếm công việc học thuật đồng thời khai thác câu chuyện từ những cá nhân có sự nghiệp nổi bật, khi sách được xuất bản cũng là lúc ông đã yên vị làm giáo sư ở Georgetown. Vì thế, viết sách cũng chính là cách ông dạy chính mình những điều ông học được từ người khác.
- Mình học được gì
Hữu ích nhất với mình chính là phần phân biệt Vốn nghề nghiệp (Career capital). Thay vì tập trung mài dũa kỹ năng quan trọng nhất để làm vốn nghề nghiệp, mình đã dàn trải sức lực ra nhiều mảng. Tất nhiên “A jack of all trades is a master of none, but oftentimes better than a master of one,” và mình thấy tự hào về những điều mình học và làm được. Tuy thế, thị trường công việc bạn lựa chọn (winner take all hay Auction) quyết định vốn nghề nghiệp nào bạn cần đầu tư nhiều nhất và trở nên giỏi nhất.
Deep work
- Nội dung
Deep work đã khiến tên tuổi của Cal Newport gắn nhãn “best seller” trở nên vững chãi hơn bao giờ hết. Một lần nữa, ông tạo ra một khái niệm mới “Deep work,” tập trung hoàn toàn giữa thế giới luôn xao nhãng. Thật ra cũng là bình cũ rượu mới, tập trung làm việc thì có gì lạ, nhưng Cal Newport đã dành hẳn nửa đầu cuốn sách để đặt nền móng lý thuyết giải thích vì sao cần phải Deep Work. Sau đó nửa sau cuốn sách hướng dẫn các nguyên tắc để làm việc sâu, tận dụng sự buồn chán, tránh xa công nghệ và mạng xã hội vô bổ, và loại bỏ những mối quan hệ hời hợt. Mình không review cuốn này, nhưng có viết một bài về Mạng xã hội dựa trên những lý thuyết của ông. Chủ yếu là, mình thấy nếu bạn tự đọc sẽ thấy hay hơn là mình tóm tắt những gạch đầu dòng. Chính Newport áp dụng cách làm việc này, và trong một năm, ông vừa ra sách, vừa đi dạy, vừa nuôi con đầu lòng, vừa ra 9 bài báo khoa học.
- Mình học được gì
Mình nhớ rằng, vào một đêm cách đây gần 2 tháng, mình tự dưng đi ngủ lúc 9h tối, và thức dậy lúc 2h sáng. Vì không có gì làm, nên mình đọc một lèo xong cả Deep Work đến 5h, sau đó rời giường, ngồi vào bàn hoàn thành một bài viết, lên kế hoạch cho công việc, ăn sáng, đi dạo, và bắt đầu làm việc của một ngày. Từ đó đến nay, mình đều đi ngủ lúc 10h tối (thật ra là 9h tối theo giờ Việt Nam… bạn mình đã rú lên khi biết tin này, từ nay không còn lê la phố xá đến đêm nữa rồi). Chính xác thì Deep work không dạy mình thứ gì cụ thể, nhưng vô tình trải nghiệm sự tĩnh lặng của buổi sáng, và giấc ngủ sâu của buổi tối, mình thẩm thấu hết những lời trong Deep Work và muốn thực hành lối sống này. Tập trung sâu, làm việc nhanh, mau còn đi ngủ.
Digital Minimalism
- Nội dung
Huyền Chip review cuốn này trên Goodreads rằng: Cả cuốn sách chỉ để thuyết phục bạn đừng dùng mạng xã hội. Như thể cuốn này là thừa thãi và tốn thời gian về một điều ai cũng biết. Cuốn này dài, đúng, mình cũng không thích kiểu dài dòng của sách self-help. Nhưng nhận xét như vậy là phiến diện. Có thể công việc và tên tuổi của Huyền Chip góp phần vào mạng xã hội và được mạng xã hội hỗ trợ, nên chị không thích cũng đúng. Cuốn sách không bảo bạn từ bỏ công nghệ và mạng xã hội (hai thứ này là đôi bạn cùng tiến trong công cuộc gây lãng phí thời gian người dùng) để rồi sống như người tối cổ. Cal Newport gợi ý thực hành khoả lấp khoảng thời gian trống khi không dùng mạng xã hội vào những hoạt động giải trí chất lượng hơn, như để bản thân được một mình suy ngẫm, trò chuyện mặt đối mặt với bạn bè. Mình gợi ý nên đọc tóm tắt cuốn này, chứ mình sợ bạn không đi qua nổi phần 1 Lý thuyết..
- Mình học được gì
Đối với một người, và mình tin có nhiều người như mình, nhận lấy từ mạng xã hội nhiều phiền toái hơn là lợi ích, sẽ đọc cuốn sách này nhằm củng cố niềm tin về lối sống đã chọn. Ngoài ra, có một điều mình đã biết rồi, nhưng thích thú khi Newport nhắc đến, là tạo ra các “Nghi thức.” Giữa bộn bề lịch trình sống của bạn, hãy tạo ra một khoảng thời gian với một hoạt động cố định, một hoạt động mang lại cho bạn cảm xúc tích cực, như đến tiệm sách vào chiều thứ 6, hoặc gặp gỡ bạn bè vào sáng thứ 7, hoặc đơn giản là nhâm nhi trà chiều mỗi ngày. Tôn trọng nó, gìn giữ nó khỏi lời nguỵ biện “bận lắm”, như thể nó là việc tối quan trọng với bạn. Sau đó, bạn sẽ nhận ra chính những hoạt động đơn giản này mang lại hạnh phúc cho bạn hơn là nhìn người khác hạnh phúc trên mạng xã hội.
Giới hạn
Nếu chỉ toàn khen mà không nêu được điểm trừ, thì khác gì bảo Cal Newport là đại thi hào. Nên là…
Mình cho rằng, với tính cá nhân và cực đoan cao, có thể sách của Cal Newport không phù hợp với nhiều đối tượng. Chính tác giả cũng chừa lại một khoảng trong lập luận của mình rằng, không phải tất cả mọi người nên đi theo lối sống này, vì thật ra, có những người vẫn sống rất tốt dù chỉ với một công việc bình thường, hoặc thành công chủ yếu nhờ mạng xã hội. Mình từng đọc cuốn The Millionaire Teacher của Andrew Hallam, tác giả đạt được tự do tài chính vào những năm 30 tuổi chỉ với công việc giáo viên. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tạo nên một lối sống, và có nhiều lối sống có thể truy cầu sự đủ đầy. Sách của Cal Newport không phải là thứ kiến thức bạn nhất định phải đọc, nếu không đọc thì sẽ hối tiếc bla bla như lời marketing dành cho sách self help.
Mình viết vì sự yêu mến dành cho tác giả như một cá thể đặc biệt mình tìm thấy trong nhân loại. Viết xong là có thể thanh thản rời đi để tìm kiếm những cá thể tuyệt vời khác rồi. Những cuộc tình trên giấy cứ nối tiếp nhau đến rồi đi, tình trường ngày càng dày dặn đến mức khó bề phá vỡ, vì được xây thành đắp luỹ toàn những tâm hồn đặc biệt nhưng không hiện hữu.
Trời ơi huhu tìm mãi em mới thấy được một người có chung niềm yêu thích Cal Newport giống em 🥰 Em mới đọc xong cuốn Deepwork và cũng y như chị á, em cảm thấy có một sự liên quan nào đó từ cuộc sống của tác giả với bản thân mình nên em thực sự rất rất thích Cal. Thanks chị Linh về bài review siêu chất lượng tới vậy, cả về tác giả lẫn tác phẩm của Cal. Em đã coi review của chị về 3 quyển sách còn lại rùi nên đã quyết định thêm mấy ẻm vô wishlist của mình 😻
Cảm ơn em, nhờ cmt của em mà chị cũng vừa đọc lại Cal Newport để củng cố tinh thần nè. Btw dùng icon cưng thế :))