Fiction, Literature
Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn
2013 (Việt Nam) - 1939 (Pháp)
208
Hơn một năm trước, trong một đêm bốc đồng mua vé vào Sài Gòn sống, mình đã đứng thẩn thờ trước tủ sách mà không biết phải mang cuốn gì theo với dung lượng giới hạn của hai vali cỡ trung. Đó chính là The moment of truth, mình phải chọn ra cuốn nào và tác giả nào trong suốt mười mấy năm đèn sách sẽ đi theo mình đến phương xa. Bạn hiểu sự khó khăn của mình mà phải không? Cuối cùng, sau khi cắn môi cắn lợi để lại Lời Hứa Lúc Bình Minh và Cuộc Sống Ở Trước Mặt của Romain Gary, mình đã chọn Xứ con người (nhón thêm Hoàng tử bé và Phúc Âm). Để rồi một tháng sau phải hối tiếc:
Không thể nào để sự hối tiếc ấy kéo dài hơn được, nên bài viết này phải có trên blog của mình. Nhưng bạn ơi, đây không phải là bài review. Nó là rác, là tạp nham, là cảm nghĩ, là bình luận, là tác phẩm, là bất cứ thứ gì chứ không phải review. Mình đã hoàn toàn ngập lún trong văn chương của Saint-Ex, mình bị ám ảnh và thèm khát suy tư của ông đến mức đầu óc mình lơ mơ, những dòng chữ của ông cứ đè lên những cuốn sách khác mình đọc. Không bao giờ mình có thể khách quan khi đứng trước Saint-Ex cả. Nếu bạn đang tìm kiếm một review, mình không biết bạn tìm gì, nhưng mình e rằng bài viết này sẽ không đem lại một sự đánh giá đủ đầy cho bạn. Vốn dĩ mình quá hèn mọn khi đứng trước Xứ Con Người, lấy tư cách gì để đánh giá?
Dành cho
Mình tin rằng người cần đọc cuốn sách này là những con người đang thiếu thốn tình yêu cuộc sống, đang đòi hỏi bức thiết một niềm hi vọng, một lý do để đi tiếp, đang khao khát mảnh văn chương khoả lấp được tâm hồn đói khát, đang chán nản với thứ đã biết và với con người, và nhất là đang kiếm tìm chân lý.
Mình nài nỉ những người mình yêu, những người ghét mình, những người muốn làm người, và nhất là người mình sẽ đồng hành cùng, đọc cuốn sách này, hay Bay đêm, hay Hoàng Tử Bé, hay Citadelle cũng được. Gì cũng được. Sain’t-Ex sẽ nâng đỡ linh hồn bạn dù bạn là ai đi nữa.
Tác giả
Có bao giờ bạn cảm thấy bạn cảm thấy đủ đầy với tác giả đến mức bạn không cần phải lục lọi đời tư của họ không? Dĩ nhiên công việc làm phi công của tác giả, nước Pháp ông sinh ra và chiến đấu cho, hay cuộc hôn nhân kỳ lạ của ông là những thứ tạo nên ông. Nhưng Saint-Ex đã giãi bày mọi thứ về chính mình trong tác phẩm, đến mức mình không muốn biết ông của đời thực nữa. Ông chính là những dòng thơ này của Tagor:
“Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em,
Anh không giấu em một điều gì.
Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh.
Bài thơ tình số 28, Tagor
Ông không giấu người đọc một điều gì, nhưng mãi mãi ông là một sự bí ẩn. Nếu có thứ gì đáng nói, phải nói đến cái chết của ông. Máy bay của ông mất tích trên một hòn đảo trong một nhiệm vụ máy bay do thám trong chiến tranh thế giới thứ II. Người ta tìm thấy xác máy bay, nhưng thi thể của ông không bao giờ trở lại. Ông đã chết như cách ông đã sống và viết. Có thể, mình không rõ nhưng muốn tin rằng, ông đã theo đàn chim di bay về hành tinh B-612 và tiếp tục chăm sóc đoá hồng duy nhất của mình.
Cốt truyện
Cả trong Bay Đêm và Xứ Con Người đều không có cốt truyện, chỉ có suy tư. Những suy tư trải dài từ những chuyến bay nhìn xuống ba cây cam, từ những người nông dân, từ người bạn đã ra đi vĩnh viễn trong dãy núi Andes, từ lần bị cát chôn vùi đến tận cổ trong sa mạc, đến chiến tranh, đến con linh dương, đến thân phận người tị nạn, đến chính trị, đến chiến tranh, và nhất là, đến con người.
Những suy tưởng miên man không dứt, ông suy tư như thể ông đã sống qua một nghìn kiếp người, như thể ông đã sống chỉ để dành một lần ngồi xuống và viết hết tất cả những gì ông lưu giữ trong ý thức. Sâu sắc là một tính từ nông cạn nếu nó gắn với Saint-Ex. Suy tư của ông sâu thẳm, “như trăng kia soi vào biển cả”. Ông chiêm nghiệm ở mọi góc độ. Ông chính là lý do mình trân trọng tất cả các triết lý sản sinh từ lao động (mà mình từng nhắc đến trong review Cái Dũng Của Thánh Nhân). Một người phi công suy niệm trên máy bay về những đám mây và cơn bão, cũng tìm thấy sự liên kết với một con người nông dân suy niệm về mảnh đất và bông lúa, cũng thấy gần gũi với nhà văn suy niệm trên con chữ và nhà khoa học suy niệm trên con số. Lao động chân chính cho con người ta sự thấu suốt.
Một con người đầy trăn trở, trăn trở với từng ánh mắt, từng cái siết tay như Saint-Ex, mình thực sự muốn biết, liệu có một ngày nào mà ông được khuây khoả hay không? Nếu có, chắc gì ông đã viết ra những dòng này:
“Vừa thiếp ngủ, tôi vừa có cảm giác mình đang sử dụng một quyền tuyệt diệu: đó là quyền chối từ thế giới hiện tại. Sở hữu một cơ thể vẫn còn để cho tôi được yên bình, và một khi tôi úp mặt vào cánh tay mình, không còn có thể phân biệt được cái đêm này của tôi với một đêm hạnh phúc.”
Xứ Con Người, Antoine de Saint-Exupéry
Ngủ là một đặc ân của Chúa, người ta có thể tạm quên cõi sống, quên khổ đau li biệt mệt nhọc nghèo đói tài sản danh vọng mục tiêu, cho đến khi được về với Chúa.
Ngôn từ
Cũng chừng đó từ vựng, cũng chừng đó cấu trúc ngữ pháp, vậy mà dưới ngòi bút của Saint-Ex, chữ nghĩa lại mang dáng dấp của một người hùng bước ra từ một bản trường ca. Ông đã phù phép lên chúng thế nào mà lại có thể vừa phóng khoáng và nên thơ như thế. Khi đọc Xứ Con Người, hay Bay Đêm, một khi bạn đã để tâm đến điều ông nói, bạn sẽ bị hút cả linh hồn vào dòng chảy miên man của tự sự, suy tư, và cảm xúc của ông, ngập ngụa trong mùi vị của trăn trở, dịu dàng, và dấu yêu. Nhất là dấu yêu.
Mình có cảm giác, Saint-Ex có thể yêu cả nhân loại mà vẫn còn dư thừa tình yêu. Một tình yêu không một chút mỉa mai như Romain Gary, chỉ toàn cảm khái và dấu yêu. Sự dấu yêu trong văn chương của ông mình mới phát hiện ra khi đọc Xứ Con Người.
“Henri Guilliaumet bạn tôi, tôi đề tặng bạn cuốn sách này.”
Nếu ai đó đề tặng mình một lời dấu yêu thế này, mình sẽ khóc ngày khóc đêm cho thoả nỗi thương yêu vừa được đổ đầy vào người. Henri (và Mermoz) là bạn thân, là anh hùng của Saint-Ex, những con người đã tạo nên những chuyến bay tử thần, để rồi mỉm cười nằm lại với tử thần. Khi bạn đọc sách đến đoạn này, không sao đâu nếu thấy nước mắt chảy ra. Bạn sẽ không cảm thấy đau lòng. Nước mắt mà Saint-Ex lấy đi của chúng ta không phải vì sự thương xót, ông không tin vào sự thương xót, nhưng là nước mắt vì sự đẹp đẽ của cả những nỗi mất mát đau thương. Điều này mình cũng từng nói đến trong Bay đêm rồi. Saint-Ex là vậy đó, ông chẳng đổi thay gì cả, tâm hồn ông phóng khoáng như bầu trời ông ngưỡng mộ vậy.
Xứ Con Người còn khiến mình nhìn ra một điều trước đó mình không nhìn thấy. Đó là cách ông liên tưởng những hình ảnh bình dị đến những hình ảnh bình dị khác để tạo nên một ý nghĩa khiến người ta kinh ngạc, bàng hoàng nhận ra mãi mãi bản thân sẽ không thể nào có được những quan sát như thế. Khi ba người con đứng quanh giường người mẹ trước giờ lâm chung, ông viết rằng:
“Hẳn nhiên là đau khổ. Lần này là lần thứ hai mà người ta cắt rốn.” (!!!)
Rồi khi nói về sự ra đi của người mẹ ấy, ông viết:
“Mỗi cuộc đời đến lượt mình nứt vỡ như là một trái đậu, ném gieo các hạt đỗ của mình. […] Nếu mẹ đã yên nghỉ, kiệt quệ nhưng cũng như cái nùi vỏ mà người ta đã rút phần thịt quả ra rồi. Đến lượt mình, con trai và con gái, bằng chính da thịt mình, sẽ in ra những con cái của những con người.”
Và nói đến ngôn từ của sách, nếu không nhắc đến dịch giả thì sẽ là một thiếu sót. Bạn nhớ truyện ngắn Lặng Lẽ Sa Pa chứ? Tác giả của truyện này, Nguyễn Thành Long, cũng là dịch giả của Xứ Con người. Nhịp điệu của Tiếng Việt mà dịch giả tạo ra êm mượt đến mức như thể đang đeo một tai nghe cách âm, tất cả sự chú ý của bạn sẽ chỉ còn tập trung vào giọng kể của tác giả. Mình nghĩ đó là một thành công của văn dịch, khi nó khiến người ta không còn bị phân tâm gì nữa đến ranh giới của khác biệt ngôn ngữ, khi nó là một với chính suy tư nó mang theo.
Chân lý
Ta đi tìm chân lý, đi tìm sự thật, đi tìm cái hợp lý ở khắp nơi, trong sách vở, trong tôn giáo, trong trí khôn kinh nghiệm, trong những lời dạy của kẻ thành công. Ta cầu xin thần thánh hãy ban cho ta một lời, để đời ta được thấu suốt và thôi không phải đi tìm nữa. Nhưng đôi mắt ta chẳng thấy gì, tai ta chẳng nghe thấy gì, lúc dường như đã có được sự thật rồi, tin chắc vào một triết lý rồi, lại có một chân lý khác đạp đổ những thần tượng. Rốt cuộc thì, sự thật của con người, nó nấu ở đâu?
Nó đi ngay bên cạnh bạn, chỉ là bạn không hiểu, như Saint-Ex mãi mới nhận ra:
“Logic ư? Nó làm sao thì làm, nó phải chú tâm đến cuộc sống.
Cái đáng kính phục trước hết, đó là mảnh đất đã sinh thành họ.”
Từ trong tuổi thơ của bạn, đã có sẵn những hạt mầm lý giải cuộc đời bạn. Saint-Ex đâu cần phải biết phân tâm học như Freud mới có thể hiểu được chuyện ấy. Ông đã thấy cuộc đời làm phi công của mình trong chuyến bay đầu tiên năm 12 tuổi.
“Chỉ có những vùng đất (của cây lúa) mới nhận dạng được cây lúa.”
Chân lý của Henri, bạn thân ông, không giống chân lý của chúng ta. Nếu bảo Henri rằng, bay vào dãy Andes chỉ là một cuộc tự sát – tại sao ông vẫn đi, có lẽ Henri sẽ mỉm cười không đáp. Vì chân lý của Henri nằm ở trên đỉnh của dãy núi ấy. Ông ở lại vì chân lý của ông thì có gì mà ngu dại.
Chân lý của một người lính nó khác với một người ở hậu phương. Bạn không thể nói với anh trung sĩ, sao anh lại bỏ công việc kế toán ở vùng quê xa ngái của anh để tham dự chiến tranh và chờ chết? Anh có chân lý của anh, cái chân lý đó anh còn chẳng chứng minh được, nhưng anh cảm nhận được, có lẽ là tình đồng đội, là sự dịu dàng người bạn dành cho anh trước giờ nổ súng, hay đơn giản là một tiếng gọi từ nơi hoang dã.
Để hiểu cái tiếng gọi chân lý đơn giản ấy, ông kể về con linh dương của ông. Ngày trước ông nuôi một con linh dương, mang nó về từ lúc nó còn chưa mở mắt. Nó đã biết gì đâu đến sữa mẹ, đến bầu trời, đến sa mạc, đến mùi nắng gió. Nó chỉ biết những bát sữa của ông, những cái âu yếm của ông, đến những tấm phên chắn giữa nó với thế giới. Vậy mà đến một hôm, ông thấy chúng cọ sừng mãi vào tấm phên, hướng thẳng đến sa mạc. Chúng vẫn uống sữa của ông, vẫn âu yếm ông, chúng chắc còn chẳng biết chúng muốn gì. Đến một ngày, nó thôi cọ sừng vào tấm phên nữa, rũ gục xuống chết, đầu vẫn hướng về sa mạc nơi chứa cái sự thật của chúng. Chân lý của con linh dương là những cú phi nước đại, là 130 cây số một giờ, là được nếm trải sự sợ hãi với cú rượt của chó rừng. Chân lý của linh dương là được vượt lên chính mình và rút ra được những cuộc bay cao nhất.
“Khi chúng ta có ý thức về vai trò của mình, cho dẫu là vai trò nhỏ nhoi nhất, chỉ khi ấy ta mới sung sướng.”
Nếu là một người nông dân, hãy tìm chân lý trên cánh đồng. Nếu là một người đào mỏ, hãy tìm chân lý trong những nhát cuốc. Vinh quang mà lao động mang đến, là tìm thấy được cái ý nghĩa trong vai trò nhỏ nhoi nhất mình nắm giữ.
Xứ Con Người
Mình đã để phần viết về tiêu đề cuối cùng, vì ý nghĩa của tiêu đề ấy cũng là điều mà Saint-Ex trăn trở ở cuối cùng. Xứ Con Người vốn có tên gốc là Wind, Sand and Stars. Mình đã nói ở trên rằng Saint-Ex có khả năng yêu thương vô hạn lượng đối với nhân loại rồi phải không? Những suy tư của ông rốt cuộc lại quay về với thân phận làm người.
Ông đã chứng kiến những người tị nạn Ba Lan bị trục xuất khỏi nước Pháp, nằm co quắp như những cục đất sét trên bom tàu. Nhàu nhĩ. Nhăn nhúm. Mục ruỗng. Những người đàn ông nằm như giẻ rách ở đấy, đã từng hồi hộp sửa soạn sáng loáng trước cuộc gặp với người phụ nữ mà bây giờ là vợ ông, cũng đang nằm dúm dó bên cạnh. Hai người hẳn từng đã mỉm cười với nhau, tặng hoa bánh, tỏ tình và trải qua những yêu thương thần kì. Vậy mà bây giờ, cái khuôn nào đã tẩy khỏi họ những dấu yêu và đúc họ ra thành những tảng đất sét? Cả đứa trẻ sinh ra giữa họ, đứa trẻ với gương mặt tuyệt đẹp sáng ngời như Mozart. Chẳng lẽ rồi em cũng đi qua cái khuôn đúc ấy, để rồi có một phần Mozart bị ám hại?
Có thể những con người ấy họ không biết đau nỗi đau của họ. Họ có cái chân lý mà họ buộc phải đuổi theo. Ta không cần phải xót thương. Điều khiến Saint-Ex dày vò, không phải là những cá nhân bị ruồng bỏ, rồi ai cũng tìm được chỗ để nằm xuống yên nghỉ. Điều dày vò ông là cái đại đồng, cái nhân loại nói chung, có cái gì đó xúc phạm đến cả nhân loại ở thời đại của ông, chính là một phần Mozart đã bị ám hại trong mỗi người.
Khi đã đến những dòng cuối cùng, mình vẫn còn đầy ứ những gì muốn viết, nhưng mình phải ngưng và tìm cách quên đi, nếu không mình sẽ mắc kẹt mãi ở cuốn sách này. Nếu bạn có đọc Xứ Con Người, hãy dành cho bản thân một đặc ân: Được đọc nó một mình, trong một không gian đủ yên tĩnh và bớt ánh sáng. Một chút cô độc không làm hại được ai, nhưng đủ để Xứ Con Người chăm sóc phần người trong bạn.